Tuyến lệ chắc hẳn không còn xa lạ với mọi người. Tuy nhiên, tuyến ngoại tiết đó nằm ở đâu, có chức năng gì và cách chăm sóc như thế nào thì không phải ai cũng biết. Hãy cùng vivision tìm hiểu kỹ hơn về hệ thống tuyến lệ trong bài viết dưới đây nhé!
Cấu tạo hệ thống tuyến lệ
Hệ thống tuyến lệ là 1 bộ phận cực kỳ quan trọng với đôi mắt, có chức năng sản xuất và dẫn lưu nước mắt. Theo đó, các thành phần chính của hệ thống bao gồm:
Tuyến lệ
Trong hốc mắt của mỗi người, ở phía trên ngoài nhãn cầu đều có tuyến lệ hình tròn dẹt và kích thước chỉ bằng hạt đậu. Tuyến lệ gồm 2 loại, đó là tuyến lệ chính và tuyến lệ phụ. Mỗi loại sẽ đóng vai trò và chức năng khác nhau. Cụ thể:
- Tuyến lệ chính: Nằm ở phía trên và ngoài của mỗi hốc mắt, có nhiệm vụ sản xuất nước mắt, bao gồm 2 phần là 1 phần tuyến lệ mi và 1 phần tuyến lệ hốc.
- Tuyến lệ phụ: Nằm rải rác ở dưới kết mạc, có nhiệm vụ tiết ra các chất bôi trơn và miễn dịch cho mắt.
Trong nhiều trường hợp, mắt bị kích thích sẽ tiết ra nhiều nước mắt và nước mắt (dịch tiết) sẽ rửa sạch phần phía trước của mắt rồi chảy xuống theo ống lệ tỵ xuống xoang mũi. Đồng thời, dịch tiết còn có tác dụng làm giác mạc luôn ướt, góp phần chống nhiễm khuẩn nhẹ.
Hệ thống dẫn lưu nước mắt
- Điểm lệ: Là 2 lỗ nhỏ ở phía góc trong của mắt, nơi nước mắt bắt đầu được dẫn lưu qua lệ quản, từ điểm lệ vào túi lệ.
- Túi lệ: Nằm ở góc trong của mắt. Tức là nằm trong 1 hố được tạo thành bởi bề mặt bên của xương lệ và ngành trán xương hàm trên, có nhiệm vụ dự trữ nước mắt.
- Ống lệ tỵ: Mở ra ở đầu trước của lỗ mũi dưới. Ống dẫn này đi ngang qua 1 ống xương (ống mũi) được tạo thành bởi xương lệ, hàm trên và cuốn mũi dưới, có nhiệm vụ thu thập nước mắt từ các lệ quản, dẫn đến túi lệ.
Màng phim nước mắt
- Lớp nhầy: Lớp trong cùng, do tế bào kết mạc sản xuất, giúp nước mắt bám vào bề mặt nhãn cầu.
- Lớp nước: Lớp giữa, do tuyến lệ sản xuất, cung cấp độ ẩm và chứa các chất dinh dưỡng, protein cùng kháng thể.
- Lớp nhầy: Lớp ngoài cùng, do tuyến Meibomius sản xuất, nhằm hỗ trợ giảm bớt sự bay hơi của nước mắt.
Chức năng của hệ thống tuyến lệ
Như đã nói, hệ thống tuyến lệ có nhiệm vụ sản xuất phần lớn nước mắt. Nước mắt có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và duy trì sức khỏe của mắt, được coi là “vệ sĩ” bảo vệ cho đôi mắt.
Khi bạn chớp mắt, nước mắt từ tuyến lệ chính sẽ phân tán đều trên bề mặt mắt, giữ cho mắt luôn ẩm ướt và sạch sẽ. Cụ thể:
- Bôi trơn: Nước mắt giúp bôi trơn bề mặt của mắt, giảm ma sát và giúp mắt linh hoạt di chuyển.
- Làm sạch: Nước mắt hỗ trợ loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và các chất lạ ra khỏi mắt. Trường hợp giác mạc không được làm sạch hoặc làm ướt thường xuyên thì mắt sẽ bị khô. Từ đó, dẫn đến tình trạng khô mắt, nặng hơn là suy giảm thị lực.
- Duy trì độ ẩm: Nước mắt giúp duy trì độ ẩm cho mắt, ngăn ngừa khô mắt và bị kích ứng.
- Bảo vệ: Nước mắt còn chứa chất kháng sinh tự nhiên gọi là lysozyme, có tác dụng diệt khuẩn, khử độc, hỗ trợ cho “cửa sổ tâm hồn” chống lại được vi khuẩn, virus và vật lạ. Bên cạnh đó giữ cho bề mặt mắt luôn được khỏe mạnh.
Cách chăm sóc hệ thống tuyến lệ
Để tuyến lệ luôn thực hiện “xuất sắc” nhiệm vụ, chức năng của mình thì bạn cần phải chăm sóc bộ phận này thật tốt. Nếu chưa biết chăm sóc như thế nào, bạn có thể tham khảo những gợi ý như sau:
- Vệ sinh mắt thường xuyên, nhất là sau khi đi ra ngoài về. Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi vệ sinh mắt.
- Không sử dụng chung khăn hoặc bông với người bị bệnh liên quan đến mắt… để tránh bị viêm nhiễm mắt.
- Khi làm sạch mắt, không dùng lực quá mạnh, cũng như không tự ý pha nước muối rửa mắt bởi không đúng nồng độ và đảm bảo vệ sinh.
- Chớp mắt nhiều lần khi phải làm việc, sử dụng máy tính, điện thoại, thiết bị điện tử… liên tục trong nhiều giờ hoặc học hành, đọc sách quá lâu.
- Áp dụng quy tắc 20 – 20 – 20, tức là cứ làm việc 20 phút thì tập nhìn xa 20 feet (gần 6m) trong vòng 20 giây để đôi mắt được nghỉ ngơi.
- Tránh dụi mắt hoặc chạm tay quá mạnh vào vùng mắt để ngăn ngừa vi khuẩn, gây nguy cơ nhiễm trùng…
- Sử thuốc thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc dưỡng mắt. Những loại thuốc này sẽ giúp làm dịu vấn đề ngứa, đỏ hoặc khô mắt. Bên cạnh đó có thể dùng dung dịch nước muối loãng để rửa sạch bụi bẩn bay vào mắt.
- Uống đủ nước vì điều này không chỉ tốt cho cơ thể mà còn mang lại hiệu quả tuyệt vời trong việc duy trì sức khỏe của đôi mắt.
- Hạn chế sử dụng thiết bị điện tử, nếu không bạn sẽ gặp phải các triệu chứng như khô mắt, mờ mắt, mỏi mắt, đau mắt…
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, dồi dào dinh dưỡng. Cụ thể, bạn nên ăn nhiều những thực phẩm chứa vitamin A, E, C và omega 3 giúp tăng cường tuần hoàn máu cho mắt, có lợi cho sức khỏe mắt. Ví dụ: rau xanh, thịt đỏ, thịt gia cầm, ngũ cốc nguyên hạt, trái cây có múi, hàu, đậu Hà Lan…
- Khám mắt định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý về mắt, bao gồm cả những vấn đề liên quan đến hệ thống tuyến lệ.
Một số lưu ý
Bên cạnh việc chăm sóc tuyến lệ thì bạn cũng không được bỏ qua một số lưu ý quan trọng, đó là:
- Nếu gặp bất kỳ vấn đề nào về mắt như mắt bị ngứa ngáy, khô mắt, chảy nước mắt nhiều và liên tục… thì hãy đi khám bác sĩ tại các cơ sở y tế chuyên khoa như vivision… để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời.
- Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt hay các sản phẩm chăm sóc mắt khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Trường hợp cố tình dùng sẽ gây ra nhiều hệ quả xấu ảnh hưởng đến sức khỏe của đôi mắt.
- Tránh sử dụng mỹ phẩm quá gần mắt. Bởi khi bôi mỹ phần gần mi mắt và mí mắt, hương liệu tạo mùi tổng hợp trong mỹ phẩm có thể gây mẩn đỏ, kích ứng và gây viêm, dẫn đến khó chịu, mắt bị mờ…
Trên đây là toàn bộ những chia sẻ chi tiết 4 điều mà bạn nên biết về tuyến lệ. Hiểu rõ về tuyến lệ không chỉ giúp chúng ta nâng cao kiến thức về cơ thể con người mà còn giúp chăm sóc đôi mắt tốt hơn. Việc duy trì một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống cân đối và khám mắt định kỳ sẽ giúp bảo vệ đôi mắt và tuyến lệ khỏe mạnh.
Nếu cảm thấy đôi mắt gặp vấn đề thì đừng ngại ngần, hãy đặt lịch khám ngay tại vivision (tên cũ là FSEC) nhé! Ở đây quy tụ nhiều bác sĩ, chuyên gia mắt dày dặn kinh nghiệm, chuyên môn cao lại có đầy đủ trang thiết bị hiện đại, chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng khi chữa bệnh.