Đục thể thuỷ tinh ở người trẻ – 1 số lưu ý về đục TTT

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Thị Xuân Thủy

vào ngày 31/07/2024

Đục thể thuỷ tinh ở người trẻ hay đục thuỷ tinh thể ở người trẻ có tỉ lệ ít hơn đục thể thuỷ tinh tuổi già. Tuy nhiên, con số cũng không phải quá nhỏ, đặc biệt là đục thể thuỷ tinh bẩm sinh.

Theo thống kê tình trạng mắc đục thủy tinh thể, số lượng người trẻ đã lên đến xấp xỉ 30% tổng số người mắc.

Chủ yếu nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do môi trường sống, lối sống chủ quan, kém chăm sóc mắt của người trẻ tuổi khiến cho bệnh đục thể thủy tinh ngày càng phổ biến, tuổi mắc bệnh cũng ngày càng trẻ hóa.

Đục thể thủy tinh ở người trẻ có triệu chứng như thế nào?

Duc-the-thuy-tinh-o-nguoi-tre

Nhìn mọi thứ mờ đục là 1 biểu hiện của đục thể thuỷ tinh ở người trẻ

Đục thể thủy tinh ở người trẻ là do cấu trúc protein của thể thủy tinh trong mắt bị thay đổi dẫn đến rối loạn thị lực do nhiều tác động có hại sinh ra bên trong cơ thể hoặc từ ngoài môi trường sống. 

Đục thể thủy tinh là nguyên nhân hàng đầu gây mất khả năng nhìn.

Bệnh lý này trở nên nguy hiểm vì ở giai đoạn sớm, hầu như không có các triệu chứng rõ rệt, chỉ khi bệnh tăng lên đến giai đoạn nặng hơn, thị lực mới bị suy giảm nhiều thì người bệnh mới quan tâm đến và đi khám.

Đục thể thủy tinh ở người trẻ thường được phát hiện ở giai đoạn tiến triển bởi các triệu chứng điển hình sau:

  • Giảm thị lực: Mắt nhìn mờ như có một lớp sương mù phía trước
  • Nhạy cảm với ánh sáng: Khi đi ra ngoài ánh nắng mặt trời hay nhìn đèn xe vào buổi tối, mắt sẽ cảm thấy lóa sáng, nhức mỏi và có thể chảy nước mắt.
  • Suy giảm điều tiết: Vào buổi chiều tối môi trường ánh sáng yếu làm cho người bệnh nhìn không rõ, quáng gà
  • Nhìn thấy hai hoặc nhiều hình của cùng 1 vật
  • Rối loạn màu sắc: Nhìn mọi thứ thường có xu hướng bị ngả vàng
  • Những bất thường khác: Cảm giác như có những chấm đen lơ lửng trước mắt như ruồi bay.

Yếu tố chính gây nên đục thể thủy tinh ở người trẻ

Duc-the-thuy-tinh-o-nguoi-tre

Các yếu tố nguy cơ của đục thể thuỷ tinh ở người trẻ

  • Thời gian sử dụng các thiết bị điện tử tăng: Các thiết bị như TV, máy tính, điện thoại phát ra các ánh sáng xanh có hại, thời gian sử dụng càng lâu thì mức độ thị lực bị suy giảm càng nhiều và càng nhanh.

Theo thống kê,người trẻ sử dụng thiết bị điện tử từ 8-10 giờ/ 1 ngày, đây là một con số đáng báo động, gấp khoảng 3 lần so với khuyến cáo của WHO.

  • Căng thẳng/ Stress: Áp lực công việc, học tập hoặc giải trí chơi game quá mức khiến não phải hoạt động liên tục không ngừng nghỉ, thức khuya, dậy sớm làm cho cơ thể không được nghỉ ngơi để hồi phục chức năng.

Theo đó thì đôi mắt chúng ta cũng phải hoạt động hết công suất với mức độ thường xuyên làm cho đôi mắt cũng bị suy yếu dần.

Làm việc quá nhiều với áp lực lớn sẽ làm cho các dây thần kinh thị giác bị tổn thương, rối loạn quá trình trao đổi chất dẫn đến suy giảm thị lực có khả năng đục thể thủy tinh

  • Ô nhiễm môi trường: Hiện nay đang là thời đại của công nghiệp hóa, công nghiệp hóa phát triển kéo theo các khí thải, khói bụi, ô nhiễm không khí tăng với mức chóng mặt.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu, suy thoái tầng Ozon làm cho tia cực tím từ ánh nắng có thể đến bề mặt trái đất dễ dàng hơn. Vì vậy không che chắn mắt khi đi ra ngoài môi trường sẽ khiến cho mắt dễ mắc đục TTT do tiếp xúc với tia UV độc hại.

  • Chế độ ăn thiếu dưỡng chất: Giới trẻ thời nay thường ưa thích đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, nhiều đường và dầu mỡ cùng các chất bảo quản không tốt.

Thói quen ăn uống mất cân bằng dinh dưỡng, không cung cấp đầy đủ được các khoáng chất, vitamin cần thiết cho mắt. Mắt bị thiếu dưỡng chất sẽ dễ bị thoái hóa và hình thành đục thể thủy tinh hơn.

  • Lạm dụng chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, cafe,… dễ tác động mạnh đến thần kinh. Các độc tố từ các chất kích thích này tích tụ trong cơ thể làm cho cơ thể bị suy yếu và dễ mắc bệnh hơn.

Dựa trên một nghiên cứu, người hút thuốc lá có tỉ lệ đục thể thủy tinh cao gấp 2-3 lần so với người bình thường.

Việc hút thuốc lá không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người hút mà còn tạo nhiều nguy cơ mắc bệnh cho người hít phải khói thuốc.

  • Sử dụng thường xuyên thuốc kháng sinh, kháng viêm: Người đục thể thủy tinh có thể là do biến chứng của các bệnh mạn tính như: tiểu đường, tăng huyết áp, tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào, … 
Duc-the-thuy-tinh-o-nguoi-tre

Sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài

  • Chấn thương: Trong quá trình hoạt động hằng ngày, chúng ta có thể mắc các chấn thương như tai nạn giao thông, cành cây hay vật bất kì đập vào mắt, tiền sử phẫu thuật mắt, … quá trình chăm sóc và phục hồi không được đảm bảo có thể dẫn đến thể thủy tinh bị đục ngay sau đó hoặc một vài năm sau mới phát hiện.
  • Môi trường làm việc đặc thù: Tiếp xúc với ánh sáng cường độ lớn như cơ khí, hàn xì, dầu khí, khai thác dầu mỏ, … nhưng lại không trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động tạo cơ hội cho các bức xạ ion hóa lớn tác động đến mắt gây đục thể thủy tinh.

Mức độ nguy hiểm đục thể thủy tinh ở người trẻ

Duc-thuy-tinh-the

Đục thuỷ tinh thể ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt

Bệnh đục thể thủy tinh ở người trẻ nếu không sớm được phát hiện và xử lý sẽ nặng dần lên theo thời gian, nguy cơ mù lòa không phục hồi.

Xu hướng tiến triển bệnh đục thể thủy tinh ở người trẻ thường nhanh hơn ở người già do tâm lý chủ quan, thiếu chăm sóc giữ gìn sức khỏe, thiếu bảo vệ mắt khỏi các yếu tố nguy cơ.

Đục thể thủy tinh ở người trẻ sẽ gây nhiều trở ngại trong đời sống hằng ngày của người trẻ tuổi do khả năng nhìn kém dẫn đến giảm hiệu suất làm việc và nhiều nguy cơ vấp ngã, tai nạn, chấn thương, …

Đục thể thủy tinh ở người trẻ nếu mức độ ảnh hưởng quá nhiều đến đời sống sinh hoạt sẽ cần phải mổ để loại bỏ thể thủy tinh đục và thay thế bằng thể thủy tinh nhân tạo.

Đục thuỷ tinh thể bẩm sinh ở trẻ em rất nguy hiểm, nếu không phát hiện sớm và điều trị có thể dẫn đến nhược thị.

Lời khuyên

Bệnh đục thể thủy tinh ở người trẻ rất cần được quan tâm và điều trị kịp thời do thời gian tồn tại của nó sẽ dài hơn so với bị đục thể thủy tinh ở người già. Thiết lập thói quen chăm sóc mắt, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, thư giãn mắt khi làm việc gần, bảo vệ mắt khỏi các môi trường độc hại, tránh xa các chất kích thích và cuối cùng là cần thăm khám mắt định kỳ 3-6 tháng/ 1 lần để theo dõi sức khỏe mắt.

Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Thị Xuân Thủy
Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Thị Xuân Thủy
Chuyên gia Kiểm soát cận thị
Xem thêm

Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển và Khúc xạ Nhãn nhi

Uy tín: Bằng khả năng giao tiếp và kết nối, chuyên gia Xuân Thủy ấn tượng với mọi người và bệnh nhân nhí bằng sự kiên trì, nhẹ nhàng đem lại một nguồn năng lượng tích cực.

Gắn thẻ:

Đục thể thuỷ tinh

thể thuỷ tinh

thể thuỷ tinh ở người trẻ