Cấu trúc mắt gồm những gì? Cấu trúc ngoài và trong của mắt

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Văn Cường

vào ngày 07/05/2024

Cấu trúc mắt là bao gồm tất cả các cơ quan liên quan đến mắt, thường được chia làm cấu trúc mắt bên ngoài và cấu trúc mắt bên trong.

Mắt là một cơ quan đặc biệt cho phép năng lượng ánh sáng từ môi trường được chuyển thành tín hiệu thần kinh đi qua thị thần kinh đến các trung tâm não cao hơn. Tất cả các cấu trúc khác của mắt đều hoạt động hỗ trợ chức năng cơ bản này bằng cách cung cấp dinh dưỡng, hội tụ các hình ảnh và bảo vệ mắt.

Cấu trúc mắt/Cấu tạo của mắt: Bên ngoài

Cau-truc-cua-mat-nguoi

Cấu trúc bên ngoài nhãn cầu

Về cấu tạo mắt bên ngoài thì mắt có các bộ phận:

Mi mắt: cơ chế hoạt động của mi mắt ảnh hưởng tới chuyển động nhắm, mở mắt, giúp mắt có thể điều tiết tránh bị khô và ảnh hưởng bởi bụi bẩn, khói,… 

  • Lông mi: lớp lông mi có ở trên mi mắt, có tác dụng bảo vệ mắt khỏi các dị vật. 
  • Lỗ lệ: lỗ nhỏ ở trên gai lệ, là đường vào hệ thống dẫn lưu lệ-mũi.

Cục lệ: một phần mô nhỏ phân cách 2 mi mắt ở góc trong. Nó chứa các tuyến mồ hôi và tuyến bã nhờn và đóng vai trò như một cái bẫy dị vật.

  • Da mi: tương tự da ở các phần còn lại của cơ thể nhưng nó rất mỏng, giúp da dễ gấp lại trong khi mở và nhắm mắt nhanh.
  • Lông mày: đánh dấu ranh giới trên của phần hốc mắt của mi. Nó có tác dụng ngăn nước ẩm đi vào khe mi và rất quan trọng để biểu hiện vẻ mặt.

Các thành phần cấu tạo của mắt bên ngoài có thể quan sát bằng kính lúp, đèn pin, hay sinh hiển vi..

Cau-truc-mat-2

Kiểm tra cấu trúc mắt bằng sinh hiển vi

Cấu trúc mắt/Cấu tạo của mắt: Bên trong

Cau-truc-mat

Cấu trúc mắt

  • Củng mạc: phần lớn không có mạch máu và có màu trắng và đục ở mắt người lớn. Củng mạc dày nhất ở phía sau và mỏng nhất ở sau các chỗ bám của gân các cơ ngoại nhãn.
  • Giác mạc: nằm ở phía trước củng mạc. Với bán kính độ cong mặt trước trung bình khoảng 7,8mm, giác mạc tạo thành khoảng 2/3 công suất khúc xạ của mắt. Về mặt cấu trúc, giác mạc gồm có 5 lớp: biểu mô, lớp Bowman, nhu mô, màng Descemet và nội mô.
  • Kết mạc: là lớp che phủ phần củng mạc, duy trì sự ổn định lớp nước mắt và tiết ra một số chất có trong nước mắt giúp bảo vệ giác mạc khỏi một số xâm nhập nguy hiểm.
  • Mống mắt: là một cấu trúc mỏng hình vòng nằm ở trước thể thủy tinh. Nó chia nhãn cầu thành tiền phòng và hậu phòng. Nó hoạt động tương tự màng chắn của một máy ảnh hoặc hệ thống quang học. Màu sắc của mống mắt (nâu, xanh, đen…) được quyết định bởi các hắc tố bào của nhu mô.
  • Đồng tử: có đường kính thay đổi từ khoảng 1 đến 9mm tùy theo lượng ánh sáng; khi ánh sáng nhiều thì đồng tử co và khi ánh sáng ít thì đồng tử giãn. Đồng tử cũng là đường lưu thông chính của thủy dịch từ thể mi ra tiền phòng. 
  • Thể mi: nằm ở giữa mống mắt và hắc mạc, và tạo thành một vòng hình khuyên rộng khoảng 6mm. Nó có chức năng rất quan trọng là sản xuất thủy dịch, treo thể thủy tinh vào mặt trong thành nhãn cầu và điều tiết.
  • Hắc mạc: là một lớp giàu mạch máu nằm giữa võng mạc và củng mạc. Mạch máu hắc mạc là nguồn cấp máu chính cho võng mạc ngoài. Hắc mạc giàu mạch máu và mô liên kết có sắc tố, kéo dài từ thị thần kinh tới ora serrata.
  • Thể thủy tinh: là một cấu trúc trong suốt, không có mạch máu nằm ở giữa thủy dịch và mống mắt. Nó tạo ra khoảng 1/3 tổng công suất khúc xạ của mắt (khoảng 16D) và cũng đóng vai trò quan trọng là điều tiết. 
  • Dịch kính: không màu, trong suốt. Trong khi đóng vai trò một thành phần quan trọng của các môi trường của mắt, tính đàn hồi nhớt của nó giúp duy trì các đặc tính chống sốc của nhãn cầu. 
  • Võng mạc: là lớp màng thần kinh, là nơi tiếp nhận các kích thích ánh sáng từ ngoại cảnh rồi truyền về vỏ não thị giác.
  • Dây thần kinh thị giác(Thị thần kinh): Mang các mạch máu, cung cấp dưỡng chất và các sợi thần kinh để dẫn truyền thông tin đến não.

Chức năng của mắt

Cau-truc-mat

Các chức năng của mắt

  • Mi mắt và lông mi: bảo vệ mắt khỏi ánh nắng, gió, bụi, dị vật, nhiễm trùng; mi mắt cũng dàn đều nước mắt giúp giữ mắt đỡ khô mắt.
  • Lỗ lệ: là nơi nước mắt được dẫn ra khỏi mắt.
  • Kết mạc: giúp bảo vệ mắt khỏi nhiễm trùng và tổn hại do dị vật.
  • Củng mạc: bảo vệ bên trong nhãn cầu và giữ cho mắt có hình cầu.
  • Giác mạc: giúp hội tụ ánh sáng đi vào mắt, là bộ phận có nhiều dây thần kinh nhất trên cơ thể.

Lời khuyên

Trên đây là cấu trúc mắt và các chức năng cơ bản của mắt. Cấu tạo của mắt còn có thể đi sâu hơn đến các tế bào, tuy nhiên bài đó chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn ở bài khác nhé.

Optometrist Nguyễn Văn Cường
Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Văn Cường
Chuyên gia Kiểm soát cận thị
Xem thêm

Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển Trẻ em

Uy tín: Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Văn Cường được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự  chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, chú đã giúp rất nhiều bé vượt qua các vấn đề khó khăn tại mắt.

Gắn thẻ:

cấu trúc mắt

trong và ngoài mắt