Chữa cận với liệu pháp ánh sáng đỏ: Thử thách, tương lai và giải pháp

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Khắc Quý

vào ngày 29/04/2024

Chữa cận luôn là mục tiêu của nhiều bố mẹ và nhà nghiên cứu, tuy nhiên vì nguyên nhân chính gây tăng độ cận là do sự tăng độ dài trục nhãn cầu, cho nên hiện tại vẫn chưa có phương pháp chữa cận nào được công nhận. Liệu pháp ánh sáng đỏ(Red-light Therapy) là một phương pháp mới trong kiểm soát cận thị tiến triển, đặt ra bước tiến mới trong việc “ Chữa cận”.

Lieu-phap-anh-sang-do

Liệu pháp ánh sáng đỏ

Ánh sáng đỏ và những tác động được phát hiện trên mắt, tế bào

Tác dụng của ánh sáng lên các lớp của mắt

Việc sử dụng ánh sáng trong thói quen sinh hoạt hàng ngày để nhằm hạn chế tăng độ cận đã không còn xa lạ gì với các chuyên gia và bố mẹ. Tuy nhiên vì sao ánh sáng làm được điều này? 

Lieu-phap-anh-sang-do-2

Tác dụng của ánh sáng tự nhiên lên mắt trẻ

Đây chính là câu hỏi đặt nền móng cho liệu pháp ánh sáng đỏ sau này.

Việc tăng độ cận nguyên nhân chính do sự tăng của độ dài trục nhãn cầu. Ngoài việc thay đổi độ dài, thì các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy sự mỏng đi của độ dày hắc mạc

Trong đó có những nghiên cứu cũng cho thấy sự tăng độ dày hắc mạc giúp hạn chế tốc độ tăng cận và độ dài trục nhãn cầu.

Chính những sự liên hệ này đã mang đến một bước tiến mới trong việc giải đáp mối tương quan giữa ánh sáng và cận thị, khi ánh sáng tự nhiên có tác động làm tăng độ dày của hắc mạc và hạn chế sự tăng độ dài trục nhãn cầu.

Hơn nữa còn có nghiên cứu cho thấy sự liên quan trực tiếp giữa sự tăng độ dày hắc mạc và tăng thời gian mắt tiếp xúc với ánh sáng buổi sáng sớm – khi phổ ánh sáng lúc này chứa nhiều bước sóng dài (ánh sáng đỏ).

Tác dụng của bước sóng ánh sáng dài trên động vật

Chính những câu hỏi liên quan trực tiếp đến các bước sóng ánh sáng và sự phát triển của mắt đã dẫn chúng ta đến bước thứ 2 của việc nghiên cứu mối liên hệ này là những nghiên cứu thử nghiệm trên động vật.

Hai nghiên cứu tiến hành trên chuột và khỉ đã thể hiện rõ mối tương quan này. 

Trong nghiên cứu trên khỉ vào năm 2015, khi được tiếp xúc với bước sóng ánh sáng dài (ánh sáng đỏ), khỉ sơ sinh cho thấy có độ viễn thị cao hơn (trung bình là +4.50D với khỉ tiếp xúc với ánh sáng bước sóng dài và độ viễn chỉ khoảng +2.38D với khỉ được phát triển bình thường).

Đây là một yếu tố đáng được xem xét, khi chúng ta vẫn luôn biết những trẻ có độ viễn thị cao hơn có nguy cơ khởi phát tiến triển cận thị thấp hơn.

Vào năm 2017, các nhà khoa học một lần nữa đưa ra bằng chứng của việc ánh sáng đỏ có tác động lên sự phát triển của mắt qua nghiên cứu trên chuột chù chưa trưởng thành.

Kết quả nghiên cứu cho thấy ánh sáng đỏ không chỉ có tác dụng làm giảm sự tăng độ dài trục nhãn cầu và tật khúc xạ trên chuột sơ sinh mà còn trên cả chuột đang phát triển và chuột trưởng thành.

Ánh sáng đỏ tác động lên tế bào

Red-light

Ngoài những nghiên cứu kể trên, ánh sáng đỏ còn được nghiên cứu trong việc phục hồi chức năng của tế bào, trong đó ánh sáng đỏ giúp đẩy nhanh việc phục hồi và tái tạo tế bào.

Trong nghiên cứu tổng hợp, cũng có phân tích về hiệu quả của ánh sáng xanh trong bảo vệ và phục hồi tế bào võng mạc, cũng như việc sử dụng ánh sáng đỏ lâu dài và không ảnh hưởng đến sức khỏe của các tế bào

Những bước tiến mới trong liệu pháp ánh sáng đỏ

Vào thời điểm hiện tại, dựa vào những bằng chứng khoa học, liệu pháp ánh sáng đỏ đã được áp dụng trên trẻ em và thu được những kết quả đáng được ghi nhận.

Hiệu quả kiểm soát cận thị trên độ dài trục nhãn cầu và độ cận

Lieu-phap-anh-sang-do

Liệu pháp ánh sáng đỏ và kiểm soát cận thị

Trong nghiên cứu kéo dài 1 năm trên 117 trẻ sử dụng phương pháp ánh sáng đỏ và 129 trẻ sử dụng kính gọng thông thường. 

Kết quả cho thấy sự chênh lệch đáng kể giữa 2 nhóm, với độ cận ở nhóm điều trị bằng ánh sáng đỏ chỉ tăng -0.2D, và độ dài tăng 0.13mm. Trong khi ở nhóm dùng kính cận thông thường, độ cận tăng -0.59D và độ dài nhãn cầu tăng 0.26mm. 

Ngoài ra việc sử dụng ánh sáng đỏ trong điều trị rất đơn giản chỉ sử dụng hai lần trong ngày, mỗi lần 3 phút và sử dụng đều đặn 5 ngày một tuần, nhóm đối tượng đã đạt được những hiệu quả đáng kinh ngạc trong kiểm soát cận thị.

Tác dụng của liệu pháp ánh sáng đỏ lên độ dày hắc mạc

Lieu-phap-anh-sang-do-3

Chụp cắt lớp võng mạc

Nghiên cứu so sánh sự thay đổi độ dày hắc mạc giữa nhóm sử dụng ánh sáng đỏ và kính gọng thông thường, cùng với theo dõi các yếu tố khác như độ cận, độ dài trục nhãn cầu.

Sau 1 năm sử dụng, độ dày hắc mạc ở nhóm sử dụng liệu pháp ánh sáng tăng lên đáng kể, với độ dày tăng cao nhất ở tháng đầu sử dụng là 14.755μm và trung bình là 9089μm sau 12 tháng.

Trong đó, nhóm sử dụng kính gọng thông thường chỉ cho thấy sự giảm đi về độ dày hắc mạc, và trung bình 12 tháng độ dày giảm đến 10.407μm

Nghiên cứu cũng chỉ ra có sự hạn chế tăng độ dài trục nhãn cầu, cũng như độ cận ở đối tượng sử dụng liệu pháp ánh sáng.

Liệu pháp ánh sáng đỏ có thể chữa cận?

Nghiên cứu theo dõi sự thay đổi về độ dài trục nhãn cầu, độ cận và thị lực của trẻ từ 3-17 tuổi sử dụng liệu pháp ánh sáng đỏ trong vòng 1 năm.

Sau 1 năm theo dõi, gần 50% trẻ cho thấy có sự giảm độ dài trục nhãn cầu so với ban đầu, trong đó có gần 5% giảm đến 0.2mm. Và trung bình tất cả trẻ tham gia nghiên cứu, chỉ thay đổi -0.124D sau nghiên cứu. 

Từ trước đến nay việc chữa cận luôn là một dấu hỏi lớn vì nguyên nhân chính dẫn đến cận thị cũng như các biến chứng của có liên quan đến sự tăng độ dài trục nhãn cầu. Và việc làm sao để giảm độ dài trục nhãn cầu cũng vẫn luôn là dấu hỏi lớn!

Đến nay những kết quả mà liệu pháp ánh sáng đỏ mang lại đã mang đến một làn gió mới không chỉ với việc hạn chế tăng độ, mà còn mở ra tương lai trong việc chữa cận không chỉ với trẻ em, mà ở cả người trưởng thành.

Những bí mật cần thời gian giải đáp

Dù bước đầu liệu pháp ánh sáng đỏ đã mang lại những hiệu quả cao trong việc kiểm soát cận thị, cũng như mở ra tương lai trong việc chữa cận. Thì vẫn còn rất nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ về phương pháp này.

  • Liệu pháp ánh sáng đỏ liệu có mang lại hiệu quả lâu dài trong kiểm soát cận thị hay chữa cận trong những nghiên cứu dài hơi hơn?
  • Đa phần các nghiên cứu đều được thực hiện tại Trung Quốc, tuy nhiên sự thay đổi về chủng tộc và môi trường có ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị?

Và cuối cùng, với những hứa hẹn mà liệu pháp ánh sáng đỏ mang lại, vivision kid đã và đang chuẩn bị cho một tương lai với hứa hẹn những phương pháp mới, các bước tiến mới trong việc kiểm soát cận thị.

Lời khuyên

Nên đi khám nhãn khoa 6 tháng/lần để để đánh giá và có phương pháp điều trị kịp thời.

Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Khắc Quý
Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Khắc Quý
Chuyên gia Kiểm soát cận thị
Xem thêm

Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển Trẻ em

Uy tín: Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Khắc Quý được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, Khúc xạ Nhãn khoa đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

cận

cận thị

kiểm soát cận

Kiểm soát cận thị