Viêm kết mạc và 8 sai lầm thường gặp

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Hà Huy Thiên Thanh

vào ngày 28/04/2024

Là một căn bệnh không khó đẻ chữa trị. Tuy nhiên, cần hiểu đúng về viêm kết mạc để được điều trị một cách đúng đắn, kịp thời và tránh mắc phải những sai lầm có thể gây tổn hại thêm đến đôi mắt của bạn.

Viêm kết mạc có phải đau mắt đỏ?

Trước tiên chúng ta cần hiểu rõ viêm kết mạc hay đau mắt đỏ là cùng một loại bệnh.

Viêm kết mạc mắt/đau mắt đỏ là tình trạng viêm tại mắt có thể do một số nguyên nhân như: vi khuẩn, virus, dị ứng thời tiết,… Các dấu hiệu thường thấy khi bị đau mắt đỏ như: đỏ, đau, cộm, ngứa, chảy nước mắt, sợ ánh sáng…..

8 sai lầm thường gặp về bệnh đau mắt đỏ

Chỉ trẻ em mới bị đau mắt đỏ do còn nghịch ngợm

Thật sự trẻ em là một nhóm đối tượng rất dễ mắc đau mắt đỏ, tuy nhiên đây không phải là nhóm đối tượng duy nhất mắc căn bệnh này.

Đau mắt đỏ hoàn toàn có thể bắt gặp ở người lớn, thanh thiếu niên, người lớn tuổi… Tình trạng đau mắt đỏ thường gặp hơn ở trẻ em do đây là nhóm đối tượng tương đối nhạy cảm với các tác nhân gây bệnh.

Bên cạnh đó căn bệnh này còn rất dễ lây lan trong môi trường khi không đảm bảo được vệ sinh hay do những thói quen hay day dụi mắt của trẻ.

tre-em-hay-day-dui-mat

Trẻ em hay dụi mắt

Trẻ sơ sinh không mắc đau mắt đỏ

Nhiều người quan niệm rằng, trẻ sơ sinh khi vừa sinh ra sẽ không có khả năng mắc đau mắt đỏ. Tuy nhiên đây là một quan niệm chưa đúng.Trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể mắc viêm kết mạc  do kích ứng mắt, ống dẫn nước mắt bị tắc hoặc do người mẹ truyền vi khuẩn, virus sang cho con trong quá trình sinh.

Người mẹ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, lậu trẻ sinh ra có nguy cơ cao mắc đau mắt đỏ.

viem-ket-mac-do-lau-cau-o-tre-so-sinh

Viêm kết mạc do lậu cầu ở trẻ sơ sinh

Chỉ bị đau mắt đỏ khi dụi mắt nhiều

Day dụi mắt nhiều có thể là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh đau mắt đỏ khi tay không sạch hoặc tay bạn vừa chạm vào dịch tiết của bệnh nhân đang đau mắt đỏ.

Ngoài ra đau mắt đỏ còn có thể do dùng chung đồ với người đau mắt đỏ, môi trường sống ô nhiễm, dị ứng thời tiết, mỹ phẩm…

Khi đã mắc đau mắt đỏ không nên lấy tay day dụi lên mắt nó có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh của bạn.

Chỉ bị đau mắt đỏ 1 lần trong cuộc đời

Quan niệm này là hoàn toàn sai. Đau mắt đỏ hoàn toàn có thể bị nhiễm lại nếu không vệ sinh tốt, lây nhiễm bởi người xung quanh đang mắc bệnh. Bạn chỉ có thể phòng tránh viêm kết mạc để tránh tái lại bằng một số cách như: giữ gìn vệ sinh, không dùng chung khăn tắm, mỹ phẩm, sử dụng kính tiếp xúc an toàn, tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng…

Nếu bị đỏ mắt là bị đau mắt đỏ

Chỉ dựa vào dấu hiệu đỏ mắt không thể kết luận rằng bạn đã bị đau mắt đỏ. Đỏ mắt còn có thể do rất nhiều nguyên nhân khác như xuất huyết, glocom, viêm màng bồ đào…

Khô mắt hay việc dùng các chất kích thích cũng có thể làm đổi màu vùng lòng trắng ở mắt của bạn. Ngoài đỏ mắt, bệnh đau mắt đỏ có nhiều triệu chứng khác như: chảy nước mắt, gỉ mắt màu…

Đau mắt đỏ luôn luôn lây nhiễm và lây lan nhanh 

Không phải loại đau mắt đỏ nào cũng dễ lây lan. Đau mắt đỏ do vi khuẩn, virus thường dễ lây. Bên cạnh đó, viêm kết mạc dị ứng chỉ thường gặp ở những người dễ nhạy cảm và thường gặp theo mùa. 

Chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh, kiểm soát, phòng tránh dịch bệnh đau mắt đỏ lây lan bằng cách giữ gìn vệ sinh tốt, cung cấp đủ kiến thức cho mọi người về đau mắt đỏ.

Không cần gặp bác sĩ nhãn khoa khi bị đau mắt đỏ vì bệnh tự khỏi 

Khi thấy các dấu hiệu của đau mắt đỏ cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được thăm khám, theo dõi và kê đơn thuốc điều trị.  Đau mắt đỏ là bệnh không tự khỏi khi đã diễn biến nặng nó có thể để lại nhiều biến chứng trên mắt như: viêm giác mạc đốm, sẹo giác mạc, hình thành giả mạc…

 Không có thuốc điều trị khỏi đau mắt đỏ 

Đau mắt đỏ hoàn toàn có thể chữa khỏi. Tùy vào từng loại viêm kết mạc sẽ có các cách điều trị khác nhau để nhanh chóng làm giảm các dấu hiệu bệnh.

Khi điều trị đau mắt đỏ bằng thuốc nhỏ mắt, cần có sự theo dõi của bác sĩ nhãn khoa, không được tự ý mua thuốc sử dụng tại mắt.

Nên làm gì khi mắc viêm kết mạc 

hinh-anh-benh-dau-mat-do

Hình ảnh bệnh đau mắt đỏ

     Mắc viêm kết mạc chúng ta nên:

  • Giữ vệ sinh cá nhân không sử dụng chung đồ đạc với thành viên khác trong gia đình để tránh lây cho người khác 
  • Đi khám bác sĩ để được điều trị phù hợp theo đúng nguyên nhân của bệnh
  • Dùng thuốc theo đơn của bác sĩ, không tự ý mua thuốc để sử dụng
  • Tái khám định kỳ, đau mắt đỏ thường được hẹn tái khám sau 7-10 ngày kể từ ngày khám đầu tiên để theo dõi tình trạng bệnh. Cần có những biện pháp can thiệp khác khi tình trạng bệnh diễn biến xấu hơn.

Đã mắc đau mắt đỏ đi khám bác sĩ là việc vô cùng cần thiết để điều trị một cách hiệu quả và nhanh chóng.

Lời khuyên

Cần thay đổi những suy nghĩ chưa đúng về bệnh viêm kết mạc /đau mắt đỏ cũng như bổ sung thêm những kiến thức còn chưa nắm rõ về căn bệnh này để đau mắt đỏ không còn là một căn bệnh đáng sợ khi mỗi lần được nhắc đến.

Tiến sĩ Hà Huy Thiên Thanh
Bác sĩ Hà Huy Thiên Thanh
Tiến sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Thần kinh với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, Thần kinh.

Uy tín: Bác sĩ Thanh được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

Đau mắt đỏ

viêm kết mạc

viêm kết mạc mắt