3 dấu hiệu của dị ứng: Ngứa mắt, ngứa mũi, hắt xì

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Lê Đức Thiện

vào ngày 30/07/2024

Dị ứng là phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với các dị nguyên như chất, vật, dung dịch lạ. Ngứa mắt, ngứa mũi, hắt xì là những dấu hiệu thường gặp của dị ứng. Cùng vivision kid đi tìm các giải pháp để điều trị dị ứng nhé.

Ngứa mắt, ngứa mũi, hắt xì dấu hiệu của dị ứng

Dị ứng là phản ứng của cơ thể khi tiếp xúc với các chất, vật, dung dịch lạ (gọi chung là dị nguyên). Đây là những chất không có hại với cơ thể nhưng đối với người có cơ địa dị ứng, cơ thể họ nhận biết các tác nhân này có hại cần chống lại, nên ngay lập tức cơ thể khởi động hệ thống miễn dịch để tiêu diệt tác nhân. 

Ngứa mắt, ngứa mũi, hắt xì là dấu hiệu thường xuyên của dị ứng. Khi dị nguyên xâm nhập vào kết mạc mắt hay niêm mạc mũi, ngay lập tức cơ thế phản ứng lại bằng cách huy động các tế bào bảo vệ theo mạch máu đến như đại thực bào, bạch cầu….

Bản thân các tế bào này khi đến vị trí kích thích nó sẽ tiết ra các chất hóa học như histamin, serotonin, bradykinin,… Các chất này có tác dụng làm giãn mạch để các tế bào bảo vệ thoát ra ngoài – giãn mạch gây biểu hiện lâm sàng cho chúng ta thấy là đỏ mắt, phù nề, sưng đỏ niêm mạc mũi do giãn mạch thoát dịch. Bên cạnh đó các chất này gây kích thích mang đến cảm giác ngứa mũi, ngứa mắt, hắt xì cho người bệnh.

trieu-chung-di-ung-gay-ngua-mat

Triệu chứng dị ứng gây ngứa mắt

Các tác nhân gây dị ứng có thể đến từ nhiều khía cạnh:

  • Trong không khí: Bụi phấn hoa, lông chó mèo, mùi nước hoa,…;
  • Trong thực phẩm: Qua ăn uống;
  • Trong thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi.

Các dấu hiệu của dị ứng phụ thuộc vào chất gây dị ứng và bộ phận bị ảnh hưởng như đường thở, xoang và đường mũi, da và hệ tiêu hóa. Mức độ dị ứng của cơ thể phụ thuộc vào cơ địa từng người, nồng độ chất dị ứng, thời gian tiếp xúc, khoảng thời gian từ lúc tiếp xúc đến lúc được điều trị và phản ứng khác nhau trên các bộ phận cơ thể khác nhau. Nhẹ có thể khỏi ngay sau khi dừng tiếp xúc với tác nhân, nặng có thể ảnh hưởng toàn thân sốc phản vệ dẫn đến tử vong.

Ảnh hưởng của dị ứng trên mắt

Dị ứng trên kết mạc mắt là bệnh rất hay gặp. Viêm kết mạc dị ứng là phản ứng viêm cấp tính của cơ thể khi tiếp xúc với tác nhân lạ. Bệnh hay xảy ra theo mùa, ví dụ như viêm kết mạc mùa xuân hoặc có thể xảy ra quanh năm. Viêm kết mạc dị ứng thường xảy ra trên cơ thể có cơ địa dị ứng và kèm theo các bệnh dị ứng khác như viêm mũi dị ứng,… 

Các biểu hiện của viêm kết mạc dị ứng: 

  • Đỏ mắt: Đây là triệu chứng khởi phát của bệnh;
  • Ngứa mắt: Là triệu chứng khó chịu nhất. Người bệnh thường than phiền vì phải dụi mắt nhiều lần;
  • Cộm mắt, chảy nước mắt: Dị vật kích thích kết mạc làm cho người bệnh có cảm giác rất khó chịu, như có dị vật trong mắt;
  • Gỉ mắt: Tiết nhiều, màu vàng, đóng dính trên mí mắt; 

Nhú ở kết mạc mi mắt: Đây là biểu hiện của viêm kết mạc mắt do dị ứng mạn tính đã tái phát nhiều lần, những thương tổn kết mạc tích tụ lại sau nhiều lần gây biến dạng kết mạc. Khi ta lật mí mắt lên  sẽ có hình ảnh các nhú đa giác gây mất tính trơn tru của mi mắt khi chớp mắt.

Mat-bi-viem-ket-mac-di-ung

Hình ảnh viêm kết mạc dị ứng

Ngoài ra, các triệu chứng như: chạy nước mắt nhiều kéo dài , chói ánh sáng không dám mở mắt hay đau mắt, giảm thị lực, nhìn như có vệt mờ trước mắt mặc dù đã vệ sinh sạch sẽ, đây là các biểu hiện của tổn thương giác mạc thường do người bệnh dụi mắt quá nhiều gây xước giác mạc, hoặc viêm loét giác mạc do viêm tiến triển, biến chứng điều trị. Khi có những dấu  hiệu này người bệnh nên đến bệnh viện cấp cứu để tránh để lại biến chứng nguy hiểm thậm chí là mù mắt.

Làm gì khi mắt bị ảnh hưởng bởi dị ứng

Tránh xa các tác nhân gây dị ứng 

Tránh xa tác nhân gây dị ứng là việc làm đầu tiên. Hầu hết người bị dị ứng lâu năm có thể biết hoặc không biết được dị nguyên gây dị ứng cơ thể mình là gì, có thể mẫn cảm với một hoặc nhiều tác nhân. Người viêm kết mạc dị ứng thường bị tái đi tái lại nhiều lần trong một tháng hoặc một năm hoặc các năm.

Chính vì bị mắc nhiều lần như vậy người bệnh thường biết cách chủ động phòng tránh và xử trí khi mới tiếp xúc với tác nhân dị ứng. Một số cách sau đây sẽ giúp bạn tránh được các tác nhân này:

  • Đeo khẩu trang, đeo kính khi ra ngoài, hạn chế các dị nguyên bay trong không khí;
  • Dị nguyên là mỹ phẩm, nước hoa thì nên rửa sạch khi tiếp xúc và không nên dùng tiếp;
  • Dị nguyên là lông chó, lông mèo thì cách tốt nhất là không nên nuôi thú cưng trong nhà.
tac-nhan-gay-di-ung

Tác nhân gây dị ứng

Khám và điều trị dưới sự chỉ dẫn của bác sĩ 

Viêm kết mạc dị ứng tuy là phản ứng cấp tính của cơ thể nhưng không nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh nhưng nếu điều trị không đúng thì gây biến chứng nặng cho mắt. 

Bác sĩ sẽ khai thác bệnh sử như: triệu chứng như thế nào, đã diễn biến mấy ngày rồi, đã điều trị bằng thuốc gì,… Tùy theo tình trạng của mỗi người bệnh, mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc khác nhau. Nhìn chung, triệu chứng của bệnh sẽ được kiểm soát bằng các cách sau: 

  • Rửa mắt: Khuyến cáo người bệnh rửa mắt thường xuyên bằng những dung dịch chuyên dụng hoặc thuốc nhỏ mắt sinh lý để loại bỏ dị vật gây kích thích ra khỏi mắt để tránh nguy cơ tổn thương nặng gây bội nhiễm vi khuẩn;
  • Nước mắt nhân tạo: Dùng khi khô mắt, giảm triệu chứng kích thích. Một vài loại nước mắt chuyên dụng được bác sĩ khuyên dùng như: Refresh tear, Systane Ultra, Vismed, Sanlein,…;
  • Chườm mát: Người bệnh có thể dùng khăn mát để chườm có tác dụng làm dịu mắt, giảm xung huyết, ngứa, cộm mắt; 
  • Thuốc dị ứng: Giúp giảm triệu chứng bằng cách chống lại cơ chế dị ứng. Đối với trường hợp nhẹ có thể không cần thiết. Đối với trường hợp tái đi tái lại trong thời gian ngắn bác sĩ sẽ chủ động cho người bệnh uống dự phòng.

Ngoài ra trên cơ thể có kèm theo các bệnh dị ứng khác cũng nên sử dụng thuốc sớm như: viêm mũi dị ứng với triệu chứng ngứa mũi hắt xì, hen phế quản, chàm da. 

Nếu như bạn lo lắng về tình trạng dị ứng gây ngứa mắt ngứa mũi hắt xì hãy liên hệ ngay vivision kid qua hotline 0334141213 để bác sĩ tư vấn giúp bạn nhé.

Lời khuyên

Dị ứng là bệnh có thể khỏi, nhưng phần đa số người bệnh sẽ phải chấp nhận sống chung cả đời. Chính vì thế việc kiểm soát phòng tránh dị ứng là việc làm tốt nhất để tránh được các tác hại của dị nguyên với cơ thể. Nếu bạn thấy xuất hiện các biểu hiện dị ứng như ngứa mắt ngứa mũi hắt xì, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị và tìm ra dị nguyên để chủ động phòng tránh. 

Thạc sĩ Lê Đức Thiện
Bác sĩ Lê Đức Thiện
Thạc sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, và khúc xạ mắt trẻ em.

Uy tín: Bác sĩ Thiện được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

ngứa mắt ngứa mũi hắt xì