Bị loạn thị nguyên nhân do đâu?

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Nguyệt Ánh

vào ngày 28/04/2024

Nhìn mờ, nhìn nhờ vật xung quanh là dấu hiệu bị loạn thị. Theo dõi bài viết sau đây sẽ giúp bạn nhận biết dấu hiệu và cách phòng tránh loạn thị. 

Bị loạn thị có biểu hiện như thế nào?

Mắt là cơ quan thị giác, dù nhỏ bé nhưng có vai trò quan trọng giúp con người quan sát được mọi vật theo ba chiều. 

Cơ chế tạo hình ảnh ở mắt bình thường: Khi chùm tia sáng chiếu vào mắt, sau khi được khúc xạ hệ thống quang học gồm: giác mạc, thủy tinh thể, hình ảnh của vật sẽ được hiện lên ở giác mạc giúp ta có thể nhìn rõ vật.

Đối với loạn thị, có sự thay đổi ở giác mạc và thể thủy tình, khiến cho sự khúc xạ không được bình thường, ảnh của vật hội tụ ở trước, sau và trên võng mạc. Chính vì thế, người bị loạn thị thu được hình ảnh vật bị mờ, bị nhòe, biến dạng so với thực tế.

Triệu chứng của loạn thị: 

  • Nhìn mờ, nhìn nhòe vật xung quanh;
  • Bệnh nhân thường xuyên cảm thấy đau nhức đầu đặc biệt vùng trán, và hai bên thái dương;
  • Nhức mỏi mắt do liên tục phải cố gắng điều tiết.
Bieu-hien-cua-mat-loan-thi-gay-mo-anh

Biểu hiện của mắt loạn thị gây mờ ảnh

Các triệu chứng loạn thị sẽ biểu hiện rõ đối với trường hợp bị loạn thị trung bình và nặng, người bệnh thường đi khám vì dấu hiệu nhìn mờ như các tật khúc xạ khác. Nhưng đối với bị loạn thị nhẹ thì hầu như không có triệu chứng rõ ràng, người bệnh thường được phát hiện sau khi đi khám tổng quát, đối với trẻ em tuổi học đường thì được phát hiện sau chương trình khám sàng lọc ở trường, hoặc loạn thị trên nền cận thị, viễn thị nặng. 

Bị loạn thị nguyên nhân do đâu?

Nguyên nhân gây loạn thị chủ yếu do bẩm sinh hoặc gia đình có bố mẹ bị loạn thị thì nguy cơ con đẻ ra cũng bị loạn thị rất cao. Loạn thị do nguyên nhân giác mạc và thủy tinh thể thường là bẩm sinh và di truyền: 

  • Do giác mạc: giác mạc là một thấu kính trong suốt, có hình cong lồi ra phía trước, và bán kính độ cong đều ở tất cả các điểm. Vì nguyên nhân vào đó, thường là bẩm sinh, tại một điểm có sự thay đổi bán kính, khiến kinh tuyến của đường khúc xạ bị thay đổi. Kết quả khi một chùm tia chiếu vào mắt, sẽ được khúc xạ theo các kinh tuyến khác nhau, không hội tụ được tất cả tại võng mạc gây ra triệu chứng nhìn mờ;
  • Do nguyên nhân thể thủy tinh: Thể thủy tinh là một thấu kính trong suốt, nhưng lồi 2 mặt và cũng có tác dụng hội tụ ảnh ở võng mạc. Nếu thể thủy tinh bị nghiêng hoặc méo cũng gây ra loạn thị. 

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác tạo sẹo giác mạc, cũng gây bị loạn thị như: chấn thương, viêm loét giác mạc, cận hoặc viễn thị quá nặng …. Người già cũng có loạn thị liên quan đến tuổi tác do quá trình thoái hóa của hệ thống quang học, nhưng ít được phát hiện do người già nhu cầu làm việc và đi lại ít. 

Đối với loạn thị do bẩm sinh và tuổi tác thì độ loạn thị thường không thay đổi theo thời gian, người bệnh thường giữ ổn định mức độ loạn thị, nhưng nếu không được hỗ trợ về thị lực, người bệnh dễ bị đồng mắc thêm các tật khúc xạ khác, gây ra các triệu chứng nặng hơn. 

Bệnh giác mạc hình chóp là một nguyên nhân gây loạn thị khó kiểm soát, độ loạn thị thay đổi khiến người bệnh phải đổi kính liên tục. Chúng ta hiểu việc thay đổi bán kính độ cong của giác mạc là cơ chế dẫn đến loạn thị. Ở bệnh giác mạc hình chóp, giác mạc bị phình ra ở trung tâm hoặc phần dưới giác mạc. Điều này làm cho bán kính độ cong không còn đều.

Hinh-anh-giac-mac-chop-o-nguoi-lon

Hình ảnh giác mạc chóp ở người lớn

Sự phình ra của giác mạc liên quan đến lớp collagen, bình thường lớp này giữ cho giác mạc có độ cong hoàn hảo, khi bị tổn thương collagen, giác mạc không được giữ vững dễ bị đẩy lồi lên. Giác mạc càng lồi thì càng mỏng và có xu hướng nứt, rách giác mạc. Bệnh tiến triển lâu dần gây sẹo giác mạc, mất đột ngột thị lực hoặc mù mắt.  

Phòng ngừa loạn thị bằng cách nào?

Đối với loạn thị bẩm sinh hoặc gia đình có di truyền thì khó có thể phòng ngừa bệnh hiệu quả. Việc làm quan trong nhất trong những trường hợp này là phát hiện sớm và hỗ trợ thật tốt cho mắt bị loạn thị tránh làm mắc thêm các tật khúc xạ khác đặc biệt là cận thị.

Đối với trẻ <5 tuổi có loạn thị nặng, nếu không được điều trị kịp thời thì nguy cơ cao dẫn đến nhược thị. Nhược thị này gọi là nhược thị kinh tuyến, ở kinh tuyến nào gây hình ảnh mờ thì qua thời gian não sẽ giảm đáp ứng trên kinh tuyến đó. Bố mẹ cần chủ động mang con đi khám sàng lọc sớm đặc biệt ở lứa tuổi học đường để tránh biến chứng nặng cho thị giác của trẻ.

Nếu chúng ta chưa bị loạn thị, thì việc phòng ngừa vô cùng quan trọng: 

  • Bổ sung dinh dưỡng thiết yếu tốt cho mắt như: vitamin A, C, E,.. hiện nay các loại thực phẩm ăn hằng ngày hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của cơ thể như rau xanh và hoa quả;
  • Thay đổi thói quen: không dụi mắt khi có bụi hay ngứa mắt vì dễ dẫn đến xước giác mạc gây sẹo. Chúng ta nên rửa mắt bằng dung dịch chuyên dụng như nước muối sinh lý trong trường hợp như vậy;
  • Học tập và làm việc trong môi trường đủ ánh sáng, hạn chế tiếp xúc với điện thoại và máy tính. Mặc dù đây không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến loạn thị nhưng chúng có thể làm nặng thêm các tật khúc xạ đi kèm;
  • Tập thể dục cho mắt bằng các bài tập đơn giản như: đảo mắt, nhìn tập trung, nhìn hình số tám,… hoặc áp dụng quy tắc vàng 20:20:20 để mắt được nghỉ ngơi thư giãn tránh làm việc trong thời gian dài gây quá tải điều tiết;
Cac-bai-tap-mat-giup-mat-khoe-manh-hon

Các bài tập mắt giúp mắt khoẻ mạnh hơn

  • Đặt lịch khám định kỳ: khuyến cáo nên đi khám mắt 6 tháng một lần, đặc biệt đối với lứa tuổi học đường, người đi làm văn phòng,… là đối tượng nguy cơ cao bị tật khúc xạ nói chung và loạn thị nói riêng. Nghiên cứu cho thấy rằng, người bị loạn thị mức độ nhẹ, mắt có thể điều tiết bù lại đảm bảo thị lực vẫn 10/10. Vì vậy, đa số người có triệu chứng đi khám đều loạn thị mức độ trung bình hoặc đã mắc thêm các tật khúc xạ khác. Chính vì vậy khám định kỳ nên được thực hiện đầy đủ.

Bị loạn thị là tật khúc xạ phổ biến hiện nay. Chúng ta cần chủ động bảo vệ, phòng tránh loạn thị cũng như các tật khúc xạ khác. Liên hệ vivision kid để được tư vấn lộ trình khám sàng lọc cũng như khám định kỳ theo dõi mắt. 

Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Nguyệt Ánh
Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Nguyệt Ánh
Chuyên gia Thị giác hai mắt
Xem thêm

Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển và Khúc xạ Nhãn nhi

Uy tín: Bằng khả năng giao tiếp và kết nối, chuyên gia Nguyệt Ánh ấn tượng với mọi người và bệnh nhân nhí bằng sự kiên trì, nhẹ nhàng đem lại một nguồn năng lượng tích cực.

Gắn thẻ:

bị loạn thị

Loạn thị