Rối loạn điều tiết mắt ở người lớn có nghiêm trọng không?
Rối loạn điều tiết mắt ảnh hưởng lớn đến học tập, sinh hoạt và hiệu suất công việc. Cùng tìm hiểu về mức độ nguy hiểm của rối loạn điều tiết nhé!
Rối loạn điều tiết là gì?
Điều tiết là tình trạng mắt thay đổi công suất của thể thuỷ tinh để làm rõ vật ở các khoảng cách khác nhau. Rối loạn điều tiết gây nhìn mờ, nhức mỏi mắt, đau đầu làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.
Đối tượng dễ bị rối loạn điều tiết
Đối tượng dễ bị rối loạn điều tiết ở người lớn bao gồm những đối tượng có thói quen sinh hoạt và làm việc gây bất lợi cho sức khỏe đôi mắt. Cụ thể:
Những người có thói quen/công việc yêu cầu nhìn gần nhiều:
- Người làm công việc văn phòng, viết văn, đọc sách hoặc làm công việc đòi hỏi chi tiết, yêu cầu tập trung ở khoảng cách gần thường xuyên gặp phải nguy cơ cao hơn của rối loạn điều tiết.
- Sự tập trung quá độ tạo áp lực lên mắt, gây ra mệt mỏi và khó khăn trong việc điều chỉnh giữa nhìn gần và nhìn xa.
Làm việc trong điều kiện ánh sáng không đảm bảo:
- Người làm việc trong môi trường thiếu ánh sáng tự nhiên hoặc ánh sáng không phù hợp dễ bị rối loạn điều tiết.
- Điều này thường gặp ở những người làm việc văn phòng, đặc biệt là khi phải nhìn vào màn hình máy tính suốt một khoảng thời gian dài.
Làm việc ở gần liên tục không nghỉ ngơi mắt:
- Làm việc liên tục không dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý cho mắt làm mắt phải điều tiết không ngừng nghỉ là một thói quen không hề có lợi cho đôi mắt của bạn.
- Nếu công việc yêu cầu tiếp xúc với màn hình điện tử quá nhiều, bạn nên cho mắt nghỉ ngơi khoảng 20 giây, sau mỗi 20 phút làm việc bằng cách cho mắt nhìn xa 20 feet (khoảng 6m)
Có tật khúc xạ không được chỉnh kính hoặc chỉnh kính không chính xác:
- Những người có tật khúc xạ không đeo kính có số đo phù hợp hoặc đã đeo kính mà không tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ có nguy cơ cao hơn gặp rối loạn điều tiết mắt.
- Chất lượng kính không phù hợp mang lại rất nhiều bất lợi cho đôi mắt của bạn.
Rối loạn điều tiết ở người lớn thường có ảnh hưởng gì?
Rối loạn điều tiết ở người lớn tạo ra những ảnh hưởng rõ rệt đối với sức khỏe đôi mắt và khả năng hoạt động hàng ngày:
- Khó khăn khi nhìn gần: Rối loạn điều tiết thường dẫn đến khó khăn trong việc nhìn gần. Tầm nhìn trở nên mờ mịt, cảm giác nhìn thấy hai hình ảnh hay còn gọi là song thị hoặc khó tập trung vào vật thể gần, đặc biệt khi làm công việc yêu cầu sự chú ý chi tiết.
- Mỏi mắt khi làm việc gần: Khi mắt phải làm việc ở gần trong thời gian dài, chẳng hạn như nhìn vào màn hình máy tính hoặc đọc sách, rối loạn điều tiết gây mỏi mắt, đỏ mắt và cảm giác nặng mắt.
- Đau đầu, nhức mắt: Áp lực, căng thẳng và tập trung cao độ gây ra cảm giác đau đầu hoặc nhức mắt. Đặc biệt là khi phải thực hiện công việc yêu cầu sự chú ý lâu dài.
- Cảm giác buồn nôn: Khi mắt phải làm việc quá độ, có thể xuất hiện cảm giác buồn nôn, nôn.
- Giảm sự tập trung khi làm việc: Rối loạn điều tiết ảnh hưởng đến khả năng tập trung, làm giảm hiệu suất công việc và khả năng thực hiện các công việc cần chú ý chi tiết.
- Ảnh hưởng đến việc nhìn xa: Mặc dù rối loạn điều tiết chủ yếu ảnh hưởng đến việc nhìn gần, nhưng cũng có thể gây mờ mắt hoặc khó khăn trong việc nhìn xa, đặc biệt vào cuối ngày khi mắt đã phải làm việc ở cự ly gần trong suốt cả ngày.
Có chữa được rối loạn điều tiết ở người lớn không?
Rối loạn điều tiết mắt là một tình trạng có thể điều chỉnh chủ yếu bằng cách thay đổi thói quen sinh hoạt, bên cạnh đó trong một số trường hợp có thể dùng kính có số đo thích hợp để điều chỉnh trong một khoảng thời gian.
Để điều trị rối loạn điều tiết ở người lớn, có một số phương pháp và biện pháp có thể áp dụng như sau:
- Chỉnh kính hỗ trợ nhìn gần: Việc sử dụng kính thích hợp giúp mắt dễ nhìn gần hơn, đặc biệt trong các trường hợp lão thị hoặc viễn thị. Mục đích của việc này là làm giảm mỏi mắt và cảm giác nhức mắt khi làm việc gần trong thời gian dài.
- Thay đổi môi trường làm việc: Điều chỉnh ánh sáng, khoảng cách làm việc và góc nhìn khi làm việc sẽ giúp giảm áp lực, căng thẳng lên mắt. Môi trường làm việc tốt hơn làm cho mắt thư giãn hơn khi phải làm việc nhiều ở cự ly gần.
- Thay đổi thói quen và lối sống: Hạn chế việc nhìn gần liên tục, nghỉ ngơi thư giãn mắt, giảm thời gian tiếp xúc với màn hình điện tử và duy trì thời gian ngủ nghỉ khoa học là những biện pháp quan trọng giúp mắt phục hồi và tránh căng thẳng, mệt mỏi quá độ.
- Tập luyện các bài tập mắt hỗ trợ: Trong trường hợp rối loạn điều tiết nặng và ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống, các bài tập thể dục cho mắt nhẹ nhàng và duy trì thói quen luyện tập có thể giúp mắt giảm căng thẳng và tăng cường khả năng điều tiết.
Ví dụ:
- Bài tập thư giãn cơ mắt: Nhắm chặt mắt và giữ nguyên tư thế này trong 3 giây để thư giãn các cơ vùng mắt sau đó nhẹ nhàng mở mắt. Lặp lại động tác này 10-15 lần hoặc bạn cũng có thể nhắm mắt cho mắt nghỉ ngơi khoảng 5 phút sau 1 giờ đồng hồ làm việc liên tục.
- Bài tập nhìn xa và gần xen kẽ: Nhìn vào điểm xa (tầm 5-10m) trong khoảng 10-15 giây sau đó chuyển ngay sang nhìn vào điểm gần (khoảng 30cm) trong thời gian tương tự, lặp lại 5-10 lần.
- Di chuyển mắt sang 2 bên và di chuyển lên xuống: Ngồi thoải mái, nhìn vào một điểm cố định. Di chuyển mắt sang trái và giữ trong khoảng 5 giây, sau đó di chuyển sang phải và giữ trong thời gian tương tự. Làm tương tự với hướng lên và xuống.
- Massage mắt: Dùng đầu ngón tay áp nhẹ lên vùng trán và massage nhẹ nhàng theo hình tròn theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 20-30 giây. Sau đó sử dụng đầu ngón tay để massage nhẹ vùng da quanh mắt theo hình tròn từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài trong khoảng 15-20 giây.
Đặt lịch khám tại vivision, các chuyên gia sẽ tư vấn thêm về tình trạng mắt của bạn nhé.
Lời khuyên
Rối loạn điều tiết sẽ gây các triệu chứng khó chịu chó bạn, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, học tập và sinh hoạt. Vì vậy, xác định liệu bạn có rối loạn điều tiết hay không và đến từ nguyên nhân nào, việc thăm khám bác sĩ là rất cần thiết. Điều này giúp bạn nhận biết vấn đề sớm hơn, hạn chế những ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày và công việc.
Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển và Khúc xạ Nhãn nhi
Uy tín: Bằng khả năng giao tiếp và kết nối, chuyên gia Lan Anh ấn tượng với mọi người và bệnh nhân nhí bằng sự kiên trì, nhẹ nhàng đem lại một nguồn năng lượng tích cực.
Gắn thẻ: