Viêm giác mạc sợi-nguyên nhân và biện pháp điều trị

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Lê Đức Thiện

vào ngày 30/07/2024

Viêm giác mạc sợi là bệnh về mắt không hiếm gặp. Nhiều người phải sống chung với bệnh và kiểm soát bệnh bằng cách hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ, chủ động chăm sóc thật tốt, phòng bệnh là biện pháp tối ưu tốt nhất tránh các biến chứng nặng cho mắt.

Viêm giác mạc sợi là gì?

Giác mạc là một mô trong suốt, liên tiếp tại vùng rìa với kết mạc và củng mạc ở phía sau, chiếm ⅙ phía trước vỏ nhãn cầu. Giác mạc giống như một thấu kính với một mặt lồi và một mặt lõm. Về cấu trúc giác mạc bao gồm 5 lớp, với lớp phía ngoài cùng là lớp tế bào biểu mô là nơi bám dính của màng nước mắt và có tác dụng như hàng rào thẩm thấu để trao đổi dinh dưỡng nuôi giác mạc. 

cau-tao-giac-mac

Cấu tạo giác mạc

Viêm giác mạc sợi là một dạng của viêm giác mạc hay gặp. Sợi ở đây là sợi biểu mô giác mạc, là hậu quả của tróc biểu mô giác mạc, có hình ảnh là một tổn thương màu trắng xám hình dấu phẩy, một đầu tự do lơ lửng trên bề mặt giác mạc được bao phủ bởi chất nhầy do tế bào biểu mô thoái hóa tiết ra, còn một đầu bám vào biểu mô giác mạc.

Các sợi biểu mô này di động khi chớp mắt gây kích thích rất nhiều. Sợi biểu mô bắt màu rất rõ với rose bengal nhưng hầu như không bắt màu với fluorescein vì fluorescein nhuộm màu bên ngoài tế bào trong khi rose bengal ái tính với chất nhầy trong tế bào chết và thoái hóa. 

Triệu chứng của viêm giác mạc sợi:

  • Mắt bị kích thích, người bệnh cảm thất rất đau nhức, khó chịu đặc biệt khi có tác động như chớp mắt, gió thổi qua,…
  • Nóng rát mắt.
  • Mắt như có bụi, cộm do các tế bào biểu mô giác mạc bong ra.
  • Cảm giác nặng mắt hơn vào buổi sáng.

Nguyên nhân gây viêm giác mạc sợi

Các bệnh lý chủ yếu gây bong sợi biểu mô giác mạc chủ yếu liên quan đến các bệnh gây khô mắt như: Viêm kết – giác mạc khô (KCS), viêm kết – giác mạc rìa nông, hội chứng trợt biểu mô tái phát, hở giác mạc, zona mắt, giảm cảm giác giác mạc. Sinh lý bình thường của mắt luôn có một màng phim nước mắt rất mỏng phủ phía trước bề mặt của giác mạc và kết mạc.

Màng phim này có tác dụng duy trì độ ẩm của bề mặt kết – giác mạc đồng thời giúp rửa trôi các bụi bẩn bám trên bề mặt nhãn cầu. Màng nước mắt được tái tạo liên tục nhờ động tác chớp mắt. Khi màng nước mắt này không được giữ nguyên vẹn sẽ dẫn đến khô mắt. 

mang-phim-nuoc-mat

Màng phim nước mắt

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến khô mắt:

  • Khô mắt do mang màng nước mắt nhanh khô, do sử dụng nước mắt quá nhiều không kịp sản xuất: bệnh hở mi, mắt nhắm không kín do liệt thần kinh mặt ngoại biên, do mất ngủ, thức đêm triền miên, do làm việc trong môi trường quá nóng, quá lạnh khiến nước mắt bay hơi quá nhanh.
  • Khô mắt do bộ máy sản xuất nước mắt bị tổn thương: Do thiếu vitamin A, sau bỏng mắt; dị ứng thuốc; nhiễm độc một số thuốc tra nhỏ mắt; sau viêm nhiễm kết giác mạc kéo dài; sử dụng thuốc chống tăng huyết áp, thuốc kháng histamin, thuốc giảm đau, thuốc chống viêm,… Khiến nước mắt tạo ra và tiết ra ít hơn. Một số bệnh lý rối loạn miễn dịch và bệnh tạo keo như: viêm đa khớp dạng thấp, hội chứng Sjogren Rougeot…
  • Ngoài ra, giảm tần suất chớp mắt cũng gây ra khô mắt. Thói quen này hay gặp ở người chơi điện tử quá nhiều hay làm việc quá tập trung, mắt quên đi phản xạ chớp mắt. Thói quen này có thể làm giảm một nửa số lần chớp mắt so với bình thường. Trong bệnh giảm cảm giác giác mạc cũng tương tự, bị giảm cảm giác nên phản xạ chớp mắt không còn được kích thích.
  • Độ tuổi và nội tiết tố: Suy giảm theo thời gian, càng có tuổi thì điều tiết nước mắt càng dễ rối loạn.
  • Hậu phẫu thuật mắt: Bệnh nhân bị liệt cơ vòng mắt gây động tác chớp mắt hoặc liệt chi phối tuyến nước mắt. Hoặc sau phẫu thuật tật khúc xạ, người bệnh bị khô mắt tạm thời. 

Hướng điều trị viêm giác mạc sợi

Viêm giác mạc sợi là bệnh không dễ chữa dứt điểm khiến cho người bệnh phải chịu đau đớn từng đợt. 

Điều trị triệu chứng 

  • Sử dụng nước mắt nhân tạo: Đây là một loại dung dịch được nghiên cứu có độ tương thích với nước mắt sinh lý. Nên rất an toàn khi sử dụng, vừa có tác dụng cung cấp độ ẩm cho mắt, vừa giảm kích ứng, giảm triệu chứng đau mắt. Một số loại nước mắt nhân tạo được khuyên dùng như: Refresh Tears, Systane Ultra, Sanlein Dry Eye.
nho-nuoc-mat-nhan-tao-khi-bi-viem-giac-mac-soi

Nhỏ nước mắt nhân tạo khi bị viêm giác mạc sợi

  • Tăng cường sinh dưỡng cho mắt: Bổ sung vitamin A, C, B2, B5, B12 và một số chế phẩm khác như vitacic, huyết thanh bê (solcoseryl), dạng tra hoặc uống. Những thuốc này có tác dụng tăng quá trình chuyển hóa ở giác mạc, giúp hàn gắn tổn thương và biểu mô hóa giác mạc.
  • Nhiều trường hợp kích thích khó chịu, người bệnh đau quá có thể nhấc bỏ các sợi giác mạc bị bong ra khỏi mắt. Triệu chứng sẽ lui tạm thời nhưng không phải là biện pháp điều trị triệt để hoàn toàn nguyên nhân.
  • Có thể đeo kính áp tròng mềm qua đêm trong những trường hợp bệnh tái phát liên tục hoặc kích ứng quá mức. Kính áp tròng sẽ giúp ổn định giác mạc, tránh mí mắt tiếp xúc trực tiếp với giác mạc gây đau
  • Nếu người bệnh quá khó chịu, có thể băng mắt để mắt thư giãn. 

Điều trị nguyên nhân gây khô mắt

  • Nếu khô mắt là biến chứng của bệnh như hở mi hoặc liệt thần kinh mặt ngoại biên. Bệnh nhân cần được tư vấn chăm sóc mắt như phải đeo kính khi ra đường tránh bụi bay vào mắt, nhỏ thuốc mắt thường xuyên trong khi đợi hồi phục thần kinh
  • Nếu do bỏng mắt hay dị ứng mắt cần điều trị tích cực để khỏi bệnh
  • Xây dựng thời gian sinh hoạt và làm việc khoa học. Tránh thức đêm hãy ngủ đủ giấc, không nằm điều quá trong thời gian dài gây khô mắt 
  • Tránh tiếp xúc với máy tính quá nhiều, hạn chế chơi game, chủ động sắp xếp thời gian làm việc khoa học, không để mắt làm việc quá sức, cố gắng thư giãn mắt trong lúc làm việc căng thẳng. 

Khi có bất cứ triệu chứng bất thường ở mắt, hãy đến cơ sở y tế uy tín để nhận được tư vấn từ các bác sĩ chuyên ngành nhãn khoa. vivision nơi gửi trọn niềm tin của bạn.

Lời khuyên

Khi bạn được chẩn đoán là viêm giác mạc sợi, cần tuân thủ điều trị và chăm sóc mặt thật tốt. Tùy từng nguyên nhân mà bệnh có thể điều trị triệt để hay sẽ tái đi tái lại nhiều lần, nên người bệnh cần được thăm khám bởi bác sĩ, tìm ra nguyên nhân gây bệnh để loại bỏ.

Thạc sĩ Lê Đức Thiện
Bác sĩ Lê Đức Thiện
Thạc sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, và khúc xạ mắt trẻ em.

Uy tín: Bác sĩ Thiện được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

cách điều trị viêm giác mạc sợi

Viêm giác mạc sợi