Giải đáp câu hỏi: Viêm giác mạc có nguy hiểm không?

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Lê Đức Thiện

vào ngày 30/07/2024

Viêm giác mạc là một bệnh lý có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chú ý và điều trị kịp thời. Cẩn trọng với những yếu tố nguy cơ sau đây khiến bạn dễ bị mắc viêm giác mạc.

Mat-mac-tinh-trang-viem-giac-mac

Mắt mác tình trạng viêm giác mạc 

Viêm giác mạc là gì?

Giác mạc là một cấu trúc quan trọng của mắt, nó có vai trò như một thấu kính trong suốt có tác dụng hội tụ hình ảnh lên võng mạc, giúp con người có thể nhìn, quan sát được vật. Viêm giác mạc là tình trạng giác mạc bị viêm do nguyên nhân nhiễm trùng hoặc không do nhiễm trùng như sau: 

Nhiễm trùng

Vi khuẩn là nguyên nhân gây viêm giác mạc phổ biến nhất ở nước ta do đặc điểm khí hậu có mùa nóng và mùa ẩm tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, cộng thêm người dân làm nông nghiệp nhiều tiếp xúc với môi trường bẩn, không được trang bị kiến thức về chăm sóc mắt làm cho người bệnh khi đến với bác sĩ đã tiến triển nặng. Chỉ có một số loại vi khuẩn như bạch cầu, liên cầu tan máu, lậu cầu có khả năng xâm nhập qua hàng rào biểu mô lành lặn của giác mạc. Các loại vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu, phế cầu, trực khuẩn mủ xanh,… chỉ có thể gây viêm giác mạc khi biểu mô giác mạc mất tính toàn vẹn do các nguyên nhân khác nhau như chấn thương, hở mi do nhiều nguyên nhân gây bộc lộ giác mạc thường xuyên, loạn dưỡng, khô mắt, mất cảm giác do liệt dây thần kinh số V. 

Viêm giác mạc do nấm (Fusarium, Aspergillus) là tổn thương viêm đứng thứ hai sau vi khuẩn về tần suất gặp. Mặc dù ít gặp hơn nhưng tiên lượng của viêm giác mạc do nấm thường xấu hơn và khó chẩn đoán trên lâm sàng nếu cơ sở y tế không có điều kiện tìm trên xét nghiệm, số lượng thuốc chống nấm để có thể chọn lựa ít hơn nhiều so với kháng sinh chống vi khuẩn và giá thành đắt hơn. Hơn nữa thói quen sử dụng kháng sinh và corticoid bừa bãi của cả bệnh nhân và một số thầy thuốc làm cho bệnh càng có nguy cơ trầm trọng.

Virus Herpes là nguyên nhân hay gặp đúng thứ 3 sau vi khuẩn và nấm. Herpes gây viêm giác mạc từ nông đến sâu, thường lây qua đường sinh dục cho trẻ sơ sinh, biểu hiện triệu chứng khi trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi vì đây là giai đoạn này trẻ suy yếu miễn dịch do không còn nguồn miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang. Ngoài ra, còn có virus Zona cũng gây viêm giác mạc. 

Ký sinh trùng Acanthamoeba cũng là một nguyên nhân gây viêm giác mạc. Acanthamoeba là một loại vi sinh vật đơn bào, có khả năng tồn tại dưới hai dạng: dạng hoạt động dễ chịu tác động của môi trường và dạng tiềm ẩn khá bền vững với mọi tác động hóa, lý. Vì vậy Acanthamoeba tồn tại rất lâu và khó tiêu diệt mặc dù môi trường đã khử khuẩn. Nó chỉ chờ điều kiện thuận lợi để hoạt động  và gây bệnh. Acanthamoeba có khả năng chuyển giữa hai dạng tồn tại nên điều trị cực kì khó khăn. 

Không nhiễm trùng

Các chấn thương vật lý: 

  • Làm trầy xước giác mạc như dụi mắt, hoặc các vi chấn thương như bụi, que chọc, đất cát bắn vào mắt. Bụi mắt sẽ làm các dị vật trong mắt chà sát vào giác mạc gây xước;
  • Sử dụng kính áp tròng sai cách. Bệnh thường gặp ở những người đeo kính áp tròng do người bệnh có thói quen rửa kính bằng nước vòi thay bằng dung dịch rửa kính chuyên dụng hoặc vô tình làm chấn thương mắt trong thao tác lắp và tháo kính áp tròng.

Biến chứng bệnh lý khác:

  • Bệnh lý tại mắt như hở mi, quặm mi, khô mắt;
  • Toàn thân: suy giảm miễn dịch, tự miễn, tiểu đường, cường giáp;
  • Thiếu vitamin A.
Tinh-trang-ho-mi-mat-khi-nham

Tình trạng hở mi mắt khi nhắm

Viêm giác mạc không do nhiễm trùng nếu không được điều trị chăm sóc đúng, thì nó sẽ là yếu tố thuận lợi tạo điều kiện thuận lợi cho viêm giác mạc nhiễm trùng. 

Viêm giác mạc có nguy hiểm không?

Viêm giác mạc căn nguyên nhiễm trùng là bệnh lý giác mạc hay gặp nhất và để lại biến chứng nặng nề nhất. Nếu bệnh được phát hiện và điều trị sớm sẽ hạn chế được di chứng, biến chứng. Tiến triển của viêm giác mạc nếu không được điều trị: Từ viêm giác mạc nông – triệu chứng nhẹ, tỷ lệ hồi phục cao; đến viêm giác mạc sâu – tổn thương nhu mô; đến viêm loét giác mạc – giác mạc bị hoại tử, tạo thành ổ loét thật sự. 

Hinh-anh-o-loet-giac-mac

Hình ảnh ổ loét giác mạc

Bệnh không được kiểm soát nhanh và điều trị tích cực có thể để lại nhiều di chứng nặng nề như: sẹo giác mạc, thủng giác mạc, viêm mống mắt thể mi, viêm mủ nội nhãn, teo nhãn cầu,.. gây giảm thị lực.

Ngoài ra, tiến triển nặng của viêm giác mạc còn do điều trị sai cách, chủ yếu là do sử dụng thuốc nhỏ mắt có thành phần corticoid kéo dài.

Làm thế nào để chẩn đoán được bệnh sớm

Những triệu chứng sớm giúp nhận biết viêm giác mạc như: Cộm mắt, đau mắt tăng dần, chói mắt, chảy nước mắt, nhìn mờ…có thể xuất hiện sau khi bị chấn thương. Đặc biệt những người bệnh có yếu tố nguy cơ như quặm mi, hở mi mắt,…  cần phải khám mắt định kỳ để chẩn đoán sớm bệnh. 

Một vài điều sau đây mà khi đi khám bạn cần chú ý. Bác sĩ sẽ dựa vào quá trình diễn biến bệnh của bạn để đưa ra chẩn đoán và định hướng nguyên nhân gây bệnh, bạn cần cung cấp cho bác sĩ về: triệu chứng bệnh, yếu tố khởi phát như chấn thương, viêm kết mạc trước đó không? Có bệnh lý về mắt không và đang điều trị như thế nào? Có đeo kính áp tròng không? Cách chăm sóc mắt của bạn như thế nào?

Ngoài ra, người bệnh sẽ được làm một số xét nghiệm để chẩn đoán như: nhuộm giác mạc bằng fluorescein xem sự nguyên vẹn của giác mạc, xét nghiệm nhuộm soi vi sinh vật từ bệnh phẩm nạo giác mạc tìm nguyên nhân là vi khuẩn hay nấm, thậm chí sinh thiết giác mạc trong những hợp tổn thương sâu. Tóm lại, tùy theo nguyên nhân mà bác sĩ nghĩ tới, người bệnh có thể được là: Soi tươi, nhuộm soi, nuôi cấy, PCR…

nhuom-giac-mac-phat-hien-viem-loet

Nhuộm giác mạc phát hiện viêm loét

Viêm giác mạc là bệnh lý có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần được thăm khám và điều trị sớm, đối với người mang bệnh nguy cơ gây viêm giác mạc như quặm mi có thể sớm phẫu thuật để điều trị triệt để, loại bỏ nguy cơ gây bệnh. 

Lời khuyên

Viêm giác mạc là bệnh lý có thể để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần được thăm khám và điều trị sớm, đối với người mang bệnh nguy cơ gây viêm giác mạc như quặm mi có thể sớm phẫu thuật để điều trị triệt để, loại bỏ nguy cơ gây bệnh. 

Thạc sĩ Lê Đức Thiện
Bác sĩ Lê Đức Thiện
Thạc sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, và khúc xạ mắt trẻ em.

Uy tín: Bác sĩ Thiện được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

viêm giác mạc có nguy hiểm không