Cần làm gì để nhức mỏi mắt không còn là nỗi lo?
Nhức mỏi mắt không nguy hiểm nhưng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự tập trung và hiệu suất làm việc hàng ngày. Trả lời cho câu hỏi nhức mỏi mắt nên làm gì, hãy tập trung tìm hiểu vào những biện pháp dưới đây.
Trong thời đại công nghệ số hiện nay, nhức mỏi mắt là tình trạng diễn ra phổ biến, nguyên nhân chủ yếu là do mắt phải điều tiết nhiều mà không được nghỉ ngơi đầy đủ. Chẳng hạn như khi bạn đọc sách, hay tập trung vào màn hình máy tính hay thiết bị điện tử trong thời gian dài,.. khiến mắt phải làm việc nhiều, dẫn đến mắt mỏi nhức.
Nhức mỏi mắt là bệnh gì?
Nhức mỏi mắt là bệnh gì? Đây là câu hỏi nhiều người đặt ra. Nhưng thực tế đây không phải bệnh lý, tình trạng này có thể gây cho bạn nhiều khó chịu và phiền toái, nhưng bạn không cần quá lo lắng về tính nguy hiểm của nó. Mắt mỏi nhức sẽ biến mất ngay nếu như bạn cho mắt được nghỉ ngơi thường xuyên, đầy đủ và đúng cách.
Thông thường, khi nhức mỏi mắt, có thể mắt bạn sẽ có thêm những triệu chứng sau đi kèm:
- Mắt đau mỏi nhiều và dễ bị kích thích;
- Khó tập trung để làm việc;
- Mắt nhìn mờ, nhìn loá hoặc nhìn đôi;
- Cổ, vai và lưng có dấu hiệu đau mỏi;
- Mắt khô rát, khó chịu.
Đối tượng dễ gặp nhức mỏi mắt
Mặc dù nhức mỏi mắt là hiện tượng phổ biến, nhưng có một số đối tượng cần phải sử dụng mắt tập trung cao độ thời gian dài, dễ gây mắt mỏi nhức, mắt khô như:
- Nhân viên văn phòng vì tiếp xúc màn hình điện tử nhiều. Với khối lượng công việc lớn và tính chất phải làm việc với máy tính, nhân viên văn phòng phải sử dụng mắt tập trung trong một thời gian dài, ít nhất 6-8 tiếng/ngày, chưa kể thời gian tăng ca;
- Học sinh, sinh viên với khối lượng học tập lớn, sử dụng mắt nhìn gần nhiều, đặc biệt khi thời đại số với lượng kiến thức khổng lồ và các kỹ năng cần hoàn thiện nhiều. Bên cạnh đó, sự phát triển của các khoá học quay sẵn, khoá học online khiến cho học sinh, sinh viên tiếp xúc với màn hình điện tử rất nhiều một cách thường xuyên;
- Người có tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) hay lão thị với cơ chế trục của mắt không thể làm ảnh rơi đúng vị trí trên võng mạc, nên mắt phải làm việc và điều tiết nhiều hơn. Mắt nhức mỏi khi đeo kính một khoảng thời gian dài, hoặc khi không đeo kính và phải nheo mắt để nhìn vật rõ hơn;
- Người tham gia giao thông, đặc biệt môi trường nhiều gió và bụi, khiến cho nước mắt dễ bay hơi hơn, dị vật bụi bặm dính vào làm khô mắt, cộm mắt, gây ảnh hưởng mắt mỏi nhức dễ hơn;
- Người sống ở khu vực ô nhiễm với một môi trường độc hại, khói bụi cũng dễ gây nhức mỏi mắt vì các chất hoá học và dị vật không tốt cho mắt.
Người thường xuyên nhức mỏi mắt nên làm gì?
Nhiều người lo lắng nhức mỏi mắt là bệnh nguy hiểm do gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, độ tập trung và hiệu quả khi làm việc, học tập.
Triệu chứng nhức mỏi mắt này không phải là bệnh, chỉ bạn cần thay đổi thói quen sinh hoạt cũng có thể giúp làm giảm hoặc mất sự khó chịu và bất tiện này.
- Tập cho bản thân thói quen nháy mắt chậm rãi và đều đặn (khoảng 12-18 lần/phút) giúp nước mắt được dàn đều toàn bộ, làm ẩm giác mạc;
- Kiểm tra tư thế ngồi, khoảng cách làm việc chuẩn để mắt không cần điều tiết nhiều. Đồng thời, cần tránh các ánh sáng mạnh như mặt trời, bóng đèn chiếu vào mắt;
- Hãy nhớ chớp mắt thường xuyên khi bạn đọc sách hoặc sử dụng điện thoại, máy tính trong thời gian dài. Cần cho mắt có thời gian nghỉ ngơi thường xuyên với quy tắc 20-20-20. Tức là cứ sau 20 phút nhìn vào màn hình thiết bị điện tử như điện thoại hoặc máy tính, bạn không nhìn các thiết bị này và nhìn vào một điểm cố định cách xa mắt bạn khoảng 20 feet (khoảng 6m) trong vòng 20 giây;
- Luôn giữ cho mắt đủ ẩm, tránh khô mắt bằng cách làm tăng độ ẩm không khí tại nhà và nơi làm việc: hạn chế bật điều hoà chế độ khô, sử dụng thêm máy cấp ẩm;
- Sử dụng kính bảo hộ cho mắt khi cần đi ra ngoài trời để làm giảm tác hại của nắng và gió tác động lên vùng mắt. Tránh để các loại gió như máy sấy, quạt, máy lạnh, hệ thống sưởi thổi trực tiếp vào mắt;
- Bổ sung vitamin A, E,C tự nhiên và omega 3 có thể làm giảm các triệu chứng khô mắt như dầu cá, các loại rau củ màu vàng, đỏ,… với mục đích tăng cường chất chống oxy hoá để tăng độ khoẻ cho mắt;
- Uống nhiều nước mỗi ngày (khoảng 1,5 – 2 lít nước mỗi ngày) để đảm bảo cung cấp đủ nước, đủ độ ẩm cho cơ thể và mắt;
- Không nên thức khuya và phải ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi ngày để giúp mắt có thể hồi phục, nghỉ ngơi tốt nhất;
- Không hút thuốc hoặc cố gắng không để cho khói thuốc dính trực tiếp vào mắt.
- Chườm ấm và massage thư giãn mắt: Chườm ấm và massage nhẹ giúp thư giãn mắt, tập thể dục cho mắt, làm tăng tuần hoàn máu quanh mắt và giúp kích thích nước mắt tự nhiên được sản xuất;
- Hạn chế make up mắt và sử dụng điện thoại quá nhiều: Tránh trang điểm mắt quá nhiều với thời gian dài như: đeo lens mắt, trang điểm mắt nặng nề. Đồng thời, cần giảm thời gian sử dụng điện thoại để tránh tác động tiêu cực lên mắt;
- Sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc các dung dịch bôi trơn bề mặt mắt: Trong một số trường hợp cần thiết, cần phải sử dụng nước mắt nhân tạo hoặc dung dịch bôi trơn bề mặt để làm giảm khô mắt, giúp mắt ít nhức mỏi hơn. Nhưng cần lưu ý, không nên lạm dụng quá nhiều nước mắt nhân tạo vì làm ảnh hưởng đến sự điều chỉnh tiết nước mắt tự nhiên, không được để mắt bạn phụ thuộc vào nước mắt nhân tạo và các dung dịch bôi trơn khác.
Nếu bạn trải qua những triệu chứng như mắt mỏi nhức, đỏ, đau, suy giảm thị lực, song thị, hoặc chóng mặt, hãy đặt lịch kiểm tra mắt ngay để đảm bảo sức khỏe mắt của bạn. Sự chăm sóc đúng đắn sẽ giúp bạn thoải mái hơn và duy trì tốt nhất khả năng thị lực của mình.
Lời khuyên
Tập cho bản thân thói quen nháy mắt chậm rãi và đều đặn (khoảng 12-18 lần/phút) giúp nước mắt được dàn đều toàn bộ, làm ẩm giác mạc;
Kiểm tra tư thế ngồi, khoảng cách làm việc chuẩn để mắt không cần điều tiết nhiều. Đồng thời, cần tránh các ánh sáng mạnh như mặt trời, bóng đèn chiếu vào mắt;
Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Thần kinh với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, Thần kinh.
Uy tín: Bác sĩ Thanh được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Gắn thẻ: