Đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già có nguy hiểm không?

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Lê Đức Thiện

vào ngày 30/07/2024

Thị lực là giác quan quan trọng của con người. Mất thị lực như mất sự kết nối của con người với thế giới. Người cao tuổi là đối tượng có nguy cơ suy giảm thị lực cao do mắt bị thoái hóa – hay gặp nhất là đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già.

Đục TTT là gì? Các loại đục TTT

Thủy tinh thể là một thấu kính trong suất hai mặt lồi, đảm nhiệm một phần công suất khúc xạ hội tụ ánh sáng của mắt. Thể thủy tinh được cấu tạo gồm: Bao thể thủy tinh bọc bên ngoài, lớp biểu mô nằm ở cực trước, vỏ và nhân nằm ở giữa. 

cau-tao-thuy-tinh-the

Cấu tạo thủy tinh thể

Đục thủy tinh thể được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như cườm khô, cườm đá. Bệnh do thể thủy tinh bị mất tính trong suốt, đục dần theo thời gian. Đục thể thủy tinh thường bị một mắt, nhưng cũng có thể cả hai mắt. Tùy theo vị trí đục mà chia thành ba nhóm chính như sau:

  • Đục nhân trung tâm: Thường liên quan đến tình trạng kết dính các protein vùng trung tâm thể thủy tinh. Đục thủy tinh thể vùng nhân là thể phổ biến nhất
  • Đục vỏ thể thủy tinh: Liên quan đến tổn thương các tế bào biểu mô của bao trước thể thủy tinh. Những trường hợp đục thủy tinh thể vùng vỏ có xu hướng lan lấn vào khu vực trung tâm
  • Đục dưới bao sau: Liên quan đến sự tổn thương tế bào gốc của biểu mô thể thủy tinh, gây tình trạng di cư bất thường các tế bào biểu mô vào khu vực dưới bao sau.

Triệu chứng đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già

Đục nhân thủy tinh thể thường tiến triển chậm. Bệnh thường xuất hiện đồng thời ở hai mắt nhưng có thể không cân xứng. Nhân thể thủy tinh xơ cứng và có màu vàng ở một mức độ nhất định không ảnh hưởng đáng kể đến chức năng thị giác.

duc-thuy-tinh-the-vung-nhan-o-nguoi-gia

Đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già

Khi sự xơ cứng và chuyển màu vàng quá mức sẽ gây ra đục ở vùng trung tâm làm ảnh hưởng tới tính chất quang học của thể thủy tinh gây hiện tượng phân tán ánh sáng, đặc biệt khi đồng tử giãn. Tình trạng này khiến người bệnh như luôn sống trong một thế giới đầy sương mù.

Thêm vào đó, sự biến đổi protein thể thủy tinh khiến ánh sáng chiếu lên võng mạc thường có ánh vàng gây biến đổi khả năng cảm nhận màu sắc của các vật xung quanh.

Đôi khi sự chênh lệch chỉ số khúc xạ giữa vùng nhân trung tâm bị đục nhiều và lớp vỏ đục ít hơn khiến người bệnh nhìn song thị một mắt. Đồng thời, sự chênh lệch khúc xạ cũng khiến cho người bệnh bị cận thị nhẹ, với biểu hiện là giảm dần số kính đọc sách hoặc đọc sách không cần kính hỗ trợ như trước.

Giai đoạn đầu của bệnh, mặc dù thị lực có thể vẫn bình thường nhưng thường phàn nàn vì thấy những điểm đen trước mắt di động theo sự vận động của mắt, sương mờ hoặc màu sắc biến đổi.

Những nguy cơ nào gây đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già

Đái tháo đường: Tỷ lệ người đục thủy tinh thể cao gấp 3-4 lần trong nhóm người có bệnh đái tháo đường dưới 65 tuổi và thường dẫn đến tình trạng đục thủy tinh thể vùng vỏ.

Hút thuốc lá: Làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già. Mức độ đục phụ thuộc vào lượng thuốc hút. Mặc dù cơ chế gây tăng tỷ lệ đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già còn chưa được biết rõ hoàn toàn và các giả thiết cũng chưa có bằng chứng cụ thể nhưng nhiều chuyên gia cho rằng thuốc lá làm tăng tình trạng oxy hóa khử trong thể thủy tinh gây đục.

thuoc-la-cung-la-nguyen-nhan-dan-den-duc-thuy-tinh-the

Thuốc lá cũng là nguyên nhân dẫn đến đục thủy tinh thể.

Tiếp xúc với ánh sáng mặt trời: Tổn thương tổ chức trong mắt do tia sáng mặt trời đã được biết đến từ lâu. Tuy nhiên, vai trò của ánh sáng mặt trời trong bệnh lý đục thể thủy tinh vẫn còn đang được tiếp tục nghiên cứu.

Người ta nhận thấy rằng cư dân khu vực tiếp xúc nhiều với ánh sáng mặt trời có nguy cơ đục thủy tinh thể nhiều hơn, tổng thời gian tiếp xúc và tần số tiếp xúc làm ảnh hưởng tới mức độ đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già.

Thuốc corticoid: Việc lạm dụng thuốc corticoid dạng viên đường uống toàn thân hay dung dịch nhỏ mắt tại chỗ đều có thể dẫn đến đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già. Corticoid làm tăng oxy hóa tại thể thủy tinh gây đục, đồng thời làm giảm miễn dịch cơ thể gây dễ nhiễm khuẩn các cấu trúc mắt.

Gen di truyền: Trong khi hiện tượng đột biến gen rất có vai trò trong đục thể thủy tinh bẩm sinh thì yếu tố này chỉ góp phần rất nhỏ trong bệnh sinh của đục thủy tinh thể nói chung ở người già và cũng chỉ gây những biến đổi nhỏ về cấu trúc của protein thủy tinh thể.

Chế độ ăn uống và bổ sung vi chất: Một số nghiên cứu nhận thấy việc sử dụng vitamin liều cao có thể làm chậm quá trình đục thủy tinh thể nhất là đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già.

Các chế độ ăn nhiều vitamin C, vitamin E có thể làm chậm quá trình đục thủy tinh thể do có tác dụng chống lại hiện tượng oxy hóa khử. Chế độ ăn thiếu protein và axit amin cũng được để cập đến là yếu tố nguy cơ gây tăng đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già.

Đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già có nguy hiểm không?

Đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già là bệnh lý phổ biến liên quan đến tuổi tác. Dù có thể ảnh hưởng thị lực nhưng không được coi là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm, đe dọa tính mạng của người bệnh.

Đục nhân thể thủy tinh ở người già còn được coi là tiến triển chậm so với các loại khác (đục bao sau tiến triển nhanh, diện đục nhỏ nhưng có thể ảnh hưởng nhiều đến thị lực).

Tuy nhiên, đục thủy tinh thể lại ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống. Việc nhìn mờ đôi khi gián tiếp gây ra những tình huống nguy hiểm cho người bệnh như khi lái xe, đọc đơn thuốc.

Đục thể thủy tinh vùng nhân ở người giá có thể điều trị hiệu quả bằng phẫu thuật. Phẫu thuật này sẽ lấy thể thủy tinh đã bị đục thay bằng một thể thủy tinh nhân tạo khác. Người bệnh sẽ lấy lại được thị lực, nâng cao chất lượng cuộc sống và làm việc.

phau-thuat-duc-thuy-tinh-the

Phẫu thuật đục thủy tinh thể

Lời khuyên

Đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già không được coi là bệnh nguy hiểm tuy nhiên gây nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh. Bệnh có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật thay thể thủy tinh. Càng phát hiện và điều trị sớm thì càng đạt kết quả tốt.

Thạc sĩ Lê Đức Thiện
Bác sĩ Lê Đức Thiện
Thạc sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, và khúc xạ mắt trẻ em.

Uy tín: Bác sĩ Thiện được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

Đục thủy tinh the người già có nguy hiểm không

đục thủy tinh thể vùng nhân ở người già