Triệu chứng mắt bị cườm nước ở trẻ: Bệnh lý nguy hiểm có thể gây mù

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Hà Huy Thiên Thanh

vào ngày 28/04/2024

Cườm nước là bệnh có thể gặp ở tất cả các lứa tuổi. Trong đó, trẻ em là đối tượng có tỷ lệ gặp ít nhưng biến chứng thị giác mà bệnh để lại là sự thiệt thòi lớn cho trẻ suốt đời. 

Mắt bị cườm nước là gì?

Cườm nước là tình trạng áp lực nội nhãn tăng cao gây ảnh hưởng dây thần kinh thị giác. Bình thường áp lực nội nhãn được duy trì bởi các cấu trúc trong nhãn cầu, bao gồm: Thể thủy tinh và dịch kính không thay đổi về thể tích, còn thủy dịch là yếu tố động, có bài tiết, có lưu thông nên đóng vai trò quan trọng nhất trong các vấn đề về nhãn áp. 

con-duong-luu-thong-thuy-dich

Con đường lưu thông thủy dịch

Khi thủy dịch tiết quá nhiều không kịp lưu thông hoặc thủy dịch tiết bình thường nhưng con đường lưu thông bị tắc nghẽn đều gây tăng áp lực nội nhãn.

Khi áp suất tăng đến mức độ nào đó sẽ chèn ép vào dây thần kinh thị giác và mạch máu cung cấp cho thần kinh th. Khi mất nguồn nuôi dưỡng, thần kinh thị sẽ thoái hóa dần và chết, gây ra ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh. 

Nguyên nhân dẫn đến cườm nước ở trẻ có thể do bẩm sinh, di truyền hoặc thứ phát do bệnh lý tại mắt hoặc toàn thân. Trẻ có nguy cơ cao bị cườm nước nếu: 

  • Gia đình có người bị: Cườm nước được nghiên cứu là bệnh có liên quan đến di truyền. Bệnh có thể do gen đột biến nằm trên nhiễm sắc thể thường với biểu hiện bất thường về góc mắt trong;
  • Nhãn áp cao đơn thuần: Nhãn áp cao song chưa có tổn thương đến chức năng thần kinh thị, bao gồm các bệnh lý gây tăng chế tiết và làm cản trở lưu thông thủy dịch. Có chuyên gia cho rằng, đây là giai đoạn sớm của bệnh glocom, có thể tiến triển thành glocom sau vài năm theo dõi;
  • Cận/viễn thị nặng: Trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu về ảnh hưởng của tật khúc xạ đến nhãn áp. Một số tác giả nhận thấy có sự tương quan tỷ lệ thuận giữa nhãn áp và mức độ cận thị. Những người bị cận thị có nguy cơ bị glocom góc mở nguyên phát nhiều hơn;
  • Chấn thương mắt: Chấn thương kiểu đụng dập hoặc chấn thương xuyên đều có nguy cơ gây tăng nhãn áp;
  • Dùng thuốc corticoid kéo dài: Corticoid dùng đường toàn thân hay tại mắt trong thời gian dài đều có thể dẫn đến glocom. Corticoid làm tăng xơ hóa vùng bè – con đường thoát của thủy dịch, hơn nữa, corticoid làm suy giảm miễn dịch, dễ gây ra nhiễm khuẩn nội nhãn cầu, gián tiếp gây ra tăng nhãn áp do: dày dính mống mắt vào thể thủy tinh, sưng nề mống mắt chèn ép góc tiền phòng;
  • Bất thường vị trí và cấu trúc của thể thủy tinh: Nhãn áp tăng khi thể thủy tinh lệch vào tiền phòng gây nghẽn đồng tử, thể thủy tinh căng phồng gây nghẽn đồng tử và chèn ép với góc tiền phòng, thể thủy tich lệch vào buồng dịch kính gây nghẽn góc tiền phòng do dịch kính tràn ra, phản ứng dị ứng của cơ thể với chất thể thủy tinh.

Dấu hiệu mắt bị cườm nước ở trẻ

Glocom ít gặp ở trẻ em, nhưng lại là một trong những nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu ở trẻ. Bởi khi xảy ra, bệnh ít được phát hiện do triệu chứng tiến triển từ từ, không rầm rộ.

Đặc biệt ở lứa tuổi trẻ em lại càng khó phát hiện khi trẻ còn quá bé để nhận thức được sự bất thường. Trẻ có thể bị glocom một bên mắt hoặc cả hai (thường gặp trong trường hợp nguyên nhân gây glocom do bệnh lý toàn thân)

Triệu chứng điển hình gồm: chảy nước mắt, sợ ánh sáng, co thắt mí.

Ngoài ra còn gặp mắt lồi to như mắt trâu với biểu hiện giác mạc (hay lòng đen) kích thước lớn chiếm gần toàn bộ nhãn cầu. Giải thích cho các triệu chứng trên là do: Khi áp lực nội nhãn cầu tăng, nó sẽ đẩy lồi các cấu trúc mắt ra ngoài, làm cho củng mạc – giác mạc giãn.

Ví dụ ở trẻ sơ sinh đường kính ngang giác mạc khoảng 10-15mm và tăng thêm 0.5.-1mm sau 1 năm. Trong năm đầu nếu đường kính ngang lớn hơn 12mm là dấu hiệu rất nghi ngờ glocom. Giãn củng mạc khiến củng mạc mỏng dần, làm tăng khả năng nhìn thấy được màng lót bên trong củng mạc, tạo nên củng mạc màu xanh

bieu-hien-mat-trau-benh-glocom-bam-sinh

Biểu hiện mắt trâu bệnh Glocom bẩm sinh

Tùy thuộc vào mức độ tăng nhãn áp, ấn vào nhãn cầu có thể có cảm giác căng cứng như hòn bi. Áp lực tăng nhanh khiến trẻ khó chịu, thậm chí đau đớn, biểu hiện bằng việc quấy khóc, biếng ăn. 

Thị lực giảm dần tùy vào mức độ chèn ép của nhãn áp, gây chết các tế bào cảm thụ ánh sáng. Nếu không được hạ nhãn áp sớm có thể gây mất thị lực vĩnh viễn. 

Giác mạc đục do phù nề ngấm thủy dịch. 

Cườm nước là bệnh dễ chẩn đoán, tuy nhiên, triệu chứng của bệnh có thể giống bệnh mắt khác, hoặc đôi khi tăng nhãn áp là biểu hiện của bệnh lý ác tính. Vì vậy, khi trẻ có bất cứ triệu chứng bất thường nào về mắt, bố mẹ nên cho trẻ đi khám, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và đề xuất một số xét nghiệm cơ bản như:

  • Kiểm tra thị lực;
  • Khám thị trường: Đối với trẻ quá nhỏ không phối hợp thì không thể đo được thị trường;
  • Đo áp lực nội nhãn.

Mắt bị cườm nước có thể chữa khỏi không?

Mục tiêu điều trị của glocom trẻ em là kiểm soát nhãn áp bằng phẫu thuật hoặc thuốc. Dù phẫu thuật có thành công  giảm nhãn áp nhưng vẫn phải theo dõi thường xuyên, chưa có điều trị triệt để được bệnh. Hơn nữa, những trường hợp glocom tăng nhãn áp nặng và kéo dài, nguy cơ tổn thương thần kinh thị cao và khi đã tổn thương thần kinh thị thì khả năng phục hồi thị lực rất kém.

Điều trị nội khoa: Thuốc giúp giảm áp lực nội nhãn ở trẻ em ít hiệu quả hơn so với người lớn, lại nhiều tác dụng phụ hơn do khối lượng máu và trọng lượng cơ thể trẻ thấp hơn. Vì vậy thuốc được sử dụng nhằm mục đích: 

  • Cấp cứu hạ nhãn áp;
  • Để giúp cho giác mạc trong hơn tạo thuận lợi cho phẫu thuật;
  • Kiểm soát nhãn áp sau phẫu thuật;
  • Hạ nhãn áp trong trường hợp glocom do viêm màng bồ đào, sau lấy thể thủy tinh hoặc những trường hợp thất bại với phẫu thuật. 

Điều trị phẫu thuật: Tùy vào nguyên nhân gây tăng nhãn áp mà lựa chọn phương pháp phẫu thuật phù hợp. 

phau-thuat-cat-be-trong-dieu-tri-mat-cuom-nuoc

Phẫu thuật cắt bè trong điều trị mắt cườm nước

  • Phẫu thuật góc tiền phòng: Mở góc tiền phòng hoặc phẫu thuật mở bè;
  • Phẫu thuật cắt bè củng mạc;
  • Phẫu thuật mở bè kết hợp cắt bè củng mạc;
  • Phẫu thuật đặt van dẫn lưu;
  • Phẫu thuật hủy thể mi: Lạnh đông thể mi, quang đông thể mi xuyên củng mạc, quang đông thể mi qua nội soi.

Glocom trẻ em đòi hỏi theo dõi suốt đời ngay cả khi phẫu thuật đã kiểm soát tốt được nhãn áp. Sau khi phẫu thuật trẻ cần được đến khám định kỳ theo lời dặn của bác sĩ để đảm bảo không tăng nhãn áp trở lại và khắc phục các tật khúc xạ hoặc nhược thị nếu có.

Cườm nước là một bệnh lý nguy hiểm có nguy cơ gây mù lòa vĩnh viễn. Vì vậy, đưa trẻ đi khám sớm nếu trẻ có nguy cơ mắc bệnh, có triệu chứng bệnh.

Lời khuyên

Glocom trẻ em đòi hỏi theo dõi suốt đời ngay cả khi phẫu thuật đã kiểm soát tốt được nhãn áp. Sau khi phẫu thuật trẻ cần được đến khám định kỳ theo lời dặn của bác sĩ để đảm bảo không tăng nhãn áp trở lại và khắc phục các tật khúc xạ hoặc nhược thị nếu có.

Tiến sĩ Hà Huy Thiên Thanh
Bác sĩ Hà Huy Thiên Thanh
Tiến sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Thần kinh với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, Thần kinh.

Uy tín: Bác sĩ Thanh được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

cườm mắt