Kiểm soát cận thị – 3 lưu ý quan trọng
Kiểm soát cận thị ở trẻ là rất quan trọng để hạn chế tăng cận, giúp cho tình trạng cận thị không tiến triển nặng hơn. Cùng tìm hiểu những phương pháp kiểm soát cận thị ở trẻ, hiệu quả khi áp dụng và 3 lưu ý quan trọng khi điều trị cận thị nhé!
Tổng quan về cận thị
Cận thị là một loại tật khúc xạ phổ biến, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời:
Định nghĩa
Cận thị là một tình trạng mắt phổ biến, trong đó hình ảnh của vật bị hội tụ trước võng mạc, thay vì trên võng mạc, khiến người bị cận chỉ có thể nhìn rõ các vật gần. Người bị cận thị thường phải nheo mắt để thấy rõ hơn các đối tượng ở xa.
Dấu hiệu
Những dấu hiệu nhận biết cận thị bao gồm:
- Nhìn mờ khi nhìn các vật ở xa.
- Thường xuyên phải nheo mắt để thấy rõ hơn.
- Có thể bị nhức đầu do mỏi mắt.
- Khó khăn khi nhìn vào ban đêm, đặc biệt khi lái xe.
Đối với trẻ em, cận thị có thể được nhận diện qua các dấu hiệu như:
- Cần ngồi gần tivi để xem rõ.
- Khi đọc sách, trẻ thường bị nhảy hàng hoặc phải dùng ngón tay để theo dõi chữ.
- Phải ngồi gần bảng ở lớp để nhìn rõ.
- Viết sai hoặc phải chép bài từ bạn.
- Cúi gần khi sử dụng sách, điện thoại hoặc máy tính bảng.
- Nheo mắt, nghiêng đầu khi nhìn xa, hay dụi mắt dù không buồn ngủ.
- Thường xuyên kêu mỏi mắt, nhức đầu hoặc chảy nước mắt.
- Nháy mắt liên tục và không thích các hoạt động nhìn xa.
Nguyên nhân
Nguyên nhân di truyền: Cận thị có thể do yếu tố di truyền với tỷ lệ trẻ bị cận từ 33 – 60% nếu có cha mẹ cũng bị cận. Nếu chỉ một trong hai cha mẹ bị cận, tỷ lệ này giảm xuống còn 23 – 40%. Dù cha mẹ không bị cận, con cái vẫn có nguy cơ bị cận từ 6 – 15%.
Nguyên nhân do lối sống:
- Làm việc trong điều kiện ánh sáng kém có thể khiến mắt phải điều tiết liên tục dẫn đến cận thị.
- Hoạt động nhìn gần nhiều trong thời gian dài.
- Những người sử dụng máy tính, điện thoại có thể bị cận thị do mắt phải làm việc quá sức.
- Áp lực học tập lớn và tư thế ngồi học không đúng có thể gây ra cận thị học đường. Trẻ em thường xuyên học quá nhiều hoặc ngồi sai tư thế dễ gặp phải tình trạng này.
- Việc đọc sách hoặc sử dụng thiết bị điện tử mà không bảo vệ mắt đúng cách có thể dẫn đến cận thị.
Các phương pháp hạn chế tăng cận
Với sự gia tăng tình trạng cận thị ở trẻ em, các phương pháp kiểm soát cận thị đang ngày càng được áp dụng rộng rãi nhằm hạn chế tăng cận và bảo vệ thị lực của trẻ. Một số phương pháp hiệu quả bao gồm nhỏ thuốc nhỏ mắt Atropine liều thấp, đeo kính áp tròng ban đêm Ortho-K và đeo kính gọng kiểm soát cận thị.
Thuốc nhỏ mắt Atropine liều thấp được coi là một trong những phương pháp hiệu quả nhất hiện nay, giảm tốc độ tăng cận thị lên đến 59% và thường được sử dụng mỗi tối cho trẻ từ 6 đến 17 tuổi.
Atropine liều thấp ít gây tác dụng phụ và giúp làm chậm quá trình tăng độ cận thị, tuy nhiên, trẻ vẫn cần sử dụng kính gọng hoặc kính áp tròng hỗ trợ để nhìn rõ khi đang áp dụng phương pháp này.
Kính áp tròng đeo ban đêm Ortho-K là loại kính áp tròng cứng thấm khí dùng khi ngủ để chỉnh hình giác mạc, giúp kiểm soát cận thị đến 50%. Ortho-K cải thiện thị lực suốt cả ngày mà không cần kính gọng, phù hợp với trẻ năng động.
Khi đeo kính Ortho-K, việc tuân thủ hướng dẫn sử dụng và lịch tái khám là cần thiết để tránh nguy cơ nhiễm trùng và đảm bảo hiệu quả kiểm soát cận thị.
Kính gọng kiểm soát cận thị là loại kính có tròng kính đặc biệt với các vùng tiêu cự khác nhau, giúp kiểm soát cận thị từ 28% đến 62% tùy vào thiết kế. Kính còn có thể tích hợp lớp phủ bảo vệ khỏi tia UV, ánh sáng xanh và trầy xước, góp phần bảo vệ mắt.
Kiểm soát cận thị trẻ cần được theo dõi những gì?
Để đảm bảo hiệu quả trong việc kiểm soát cận thị ở trẻ, việc theo dõi và đánh giá thường xuyên là rất quan trọng. Dưới đây là những yếu tố cần lưu ý khi theo dõi tình trạng cận thị của trẻ.
Tiến triển độ cận
Tiến triển độ cận là yếu tố chính để đánh giá hiệu quả của việc kiểm soát cận thị. Việc đo lường sự thay đổi trong độ cận giúp bác sĩ xác định liệu phương pháp điều trị có đang hoạt động hiệu quả hay không.
Tùy thuộc vào phương pháp kiểm soát và tình trạng của từng trẻ, lịch tái khám sẽ khác nhau. Ví dụ, đối với việc sử dụng thuốc nhỏ mắt Atropine, trẻ nên được tái khám mỗi 3 tháng trong năm đầu tiên và mỗi 6 tháng trong các năm tiếp theo.
Việc theo dõi định kỳ này giúp đảm bảo rằng phương pháp điều trị đang được điều chỉnh kịp thời và phù hợp với sự phát triển của mắt trẻ.
Độ dài trục nhãn cầu
Độ dài trục nhãn cầu là khoảng cách đo từ trước của giác mạc (bề mặt phía trước của mắt) đến phía sau của võng mạc (bề mặt phía sau của mắt). Đây là một yếu tố quan trọng trong cấu trúc của mắt và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tập trung ánh sáng trên võng mạc. Sự thay đổi trong chiều dài trục nhãn cầu có thể dẫn đến các vấn đề khúc xạ mắt, trong đó có cận thị.
Độ dài trục nhãn cầu ở trẻ sẽ phát triển từ khi sinh đến khoảng 12 tuổi. Trong thời gian này, mắt của trẻ thường tăng trưởng khoảng 0.1 đến 0.2 mm mỗi năm. Sau 10 tuổi, sự phát triển này chậm lại còn khoảng 0.1 mm mỗi năm và thường dừng lại khi trẻ bước vào tuổi teen.
Độ dài trục nhãn cầu bình thường ở người trưởng thành là từ 23 đến 23.5 mm, với nam có mắt dài hơn nữ khoảng 0.5 mm. Mục tiêu chính của việc kiểm soát cận thị là làm chậm sự phát triển độ dài trục nhãn cầu càng nhiều càng tốt – đặc biệt là để giữ độ dài trục nhãn cầu dưới 26 mm.
Nếu độ dài trục nhãn cầu phát triển vượt quá 26 mm, nguy cơ gặp vấn đề về mắt ở người trưởng thành sẽ tăng đáng kể. Nếu vượt quá 30mm có 90% khả năng người đó sẽ gặp suy giảm thị lực.
Khi tái khám để kiểm soát cận thị ở trẻ, chiều dài trục nhãn cầu thường không được đề cập nhiều. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ cần phải được siêu âm để đo chiều dài này vì nó là yếu tố quan trọng giúp bác sĩ đánh giá hiệu quả của việc điều trị.
Tái khám để phát hiện những bệnh khác tại mắt
Việc theo dõi định kỳ không chỉ giúp kiểm soát sự tiến triển của cận thị mà còn bảo vệ sức khỏe tổng thể của mắt trẻ:
- Khám sức khỏe mắt toàn diện: Định kỳ tái khám giúp bác sĩ kiểm tra sức khỏe tổng quát của mắt trẻ, phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn ngoài cận thị như bệnh lý võng mạc hoặc bất thường khác.
- Nguy cơ nhiễm trùng khi dùng Ortho-K: Đối với trẻ đang sử dụng kính áp tròng đeo ban đêm (Ortho-K), việc tái khám giúp phát hiện sớm các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm giác mạc và đảm bảo kính được sử dụng và vệ sinh đúng cách.
- Tác dụng phụ khi dùng Atropine: Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt Atropine để kiểm soát cận thị, tái khám giúp theo dõi các tác dụng phụ có thể xảy ra như nhạy cảm với ánh sáng hoặc mờ mắt và điều chỉnh liều lượng nếu cần.
Nếu có bất kỳ câu hỏi hoặc lo lắng nào, hãy hỏi bác sĩ để được giải đáp rõ ràng. Sự tin tưởng và hợp tác với bác sĩ là rất quan trọng để việc điều trị đạt hiệu quả tốt nhất. Đặt lịch khám tại vivision kid để được các bác sĩ khám và tư vấn chi tiết hơn cho ba mẹ nhé!
Lời khuyên
Khi kiểm soát cận thị cho trẻ, cần xem xét các yếu tố như tiến triển độ cận và chiều dài trục nhãn cầu. Ngoài ra cần lưu ý phải tái khám đúng lịch để phát hiện kịp thời những vấn đề về mắt.
Mỗi trẻ có thể phản ứng khác nhau với các phương pháp điều trị, tùy thuộc vào mức độ cận thị, độ tuổi bắt đầu điều trị và khả năng đáp ứng của từng cá nhân. Do đó, ba mẹ không nên quá lo lắng nếu thấy độ cận của trẻ vẫn tăng dù đang điều trị.
Chuyên môn: Chuyên gia thị giác hai mắt và Khúc xạ Nhãn nhi
Uy tín: Bằng khả năng giao tiếp và kết nối, chuyên gia Ngọc Huế ấn tượng với mọi người và bệnh nhân nhí bằng sự kiên trì, nhẹ nhàng đem lại một nguồn năng lượng tích cực.
Gắn thẻ: