Trẻ đau mắt viêm bờ mi là do đâu?

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Hà Huy Thiên Thanh

vào ngày 28/04/2024

Đau mắt viêm bờ mi là bệnh khá phổ biến và thường xuyên xảy ra ở trẻ nhỏ khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh có thể tiến triển thành mạn tính hoặc xuất hiện biến chứng.

Trẻ đau mắt viêm bờ mi có các triệu chứng thế nào?

Tre-bi-dau-mat-viem-bo-mi

Trẻ bị đau mắt thường có biểu hiện gì?

Đau mắt viêm bờ mi là tình trạng bờ mi bị viêm xuất hiện cảm giác ngứa, bỏng rát, đỏ và phù. Bệnh có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và chủng tộc.

Một số triệu chứng phổ biến của đau mắt viêm bờ mi:

  • Đau, ngứa, bỏng rát mí mắt.
  • Mi mắt đỏ và sưng.
  • Chảy nước mắt.
  • Nhờn và nhiều ghèn ở mi mắt.
  • Nhạy cảm ánh sáng.
  • Bong da quanh mắt và gốc lông mi.
  • Lông mi mọc lệch, thậm chí rụng lông mi.

Đôi khi các triệu chứng trên xuất hiện không rõ ràng nhưng vẫn có thể khiến trẻ đau và khó chịu vùng mắt. Vì vậy trẻ bị viêm bờ mi có thể khóc quấy nhiều, khó ngủ và thường xuyên dụi mắt. Cha mẹ hãy cho bé khám sớm khi có các dấu hiệu bất thường trên.

Trẻ đau mắt viêm bờ mi là do đâu?

Nhiều phụ huynh có chung thắc mắc, trẻ em có thể bị viêm bờ mi do đâu? Có rất nhiều tác nhân gây bệnh dẫn đến đau mắt viêm bờ mi ở trẻ như:

  • Nhiễm vi khuẩn, virus: Vi khuẩn gây bệnh thường thấy nhất là staphylococcal (vi khuẩn tụ cầu) ở các gốc lông mi; Virus gây bệnh thường là herpes simplex, varicella zoster. Các nhiễm trùng do vi khuẩn thường tiết dịch và xuất hiện nhiều dử mắt hơn là nhiễm virus.
  • Ký sinh trùng trên lông mi rận hoặc ve Demodex: Chiếm 30% nguyên nhân gây đau mắt viêm bờ mi, chúng chặn các nang và tuyến lông mi gây tắc nghẽn.
  • Các bệnh lý toàn thân: Viêm da tiết bã, viêm da dị ứng.
  • Các bất thường tuyến Meibomian: Tuyến Meibomian là các tuyến nhỏ nằm ở bờ mi mắt, sản xuất dầu giúp bôi trơn và bảo vệ mắt khỏi các tác nhân gây hại. Khi tuyến Meibomian bất thường chúng có thể sản xuất quá nhiều dầu hoặc không đủ dầu dẫn đến viêm bờ mi.

Chẩn đoán đau mắt viêm bờ mi ở trẻ

Đau mắt viêm bờ mi là một bệnh phổ biến dễ chẩn đoán và điều trị. Tuy nhiên cha mẹ không nên chủ quan. Vì, nếu bệnh không được điều trị kịp thời và chính xác sẽ có thể phát triển thành viêm bờ mi mạn tính khó điều trị dứt điểm ở trẻ.

Vậy cần làm gì để biết trẻ bị đau mắt viêm bờ mi?

Khi mắt trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường cha mẹ cần đưa bé đến khám tại các cơ sở khám mắt uy tín để được thăm khám và chẩn đoán bệnh:

  • Tiền sử bệnh: Bác sĩ sẽ tìm hiểu các thông tin về tiền sử gia đình (bao gồm bố, mẹ, anh chị em) để xét đến các vấn đề di truyền. Ngoài ra sức khỏe thể chất của trẻ cũng cần được lưu ý để bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng bé. Nếu trẻ đã từng bị đau mắt viêm bờ mi thì cần khai thác được các triệu chứng, tình trạng bờ mi và các đợt tái phát từ trước đến nay.
  • Kiểm tra mi mắt bên ngoài: Kiểm tra hình dạng, độ đỏ, tiết dịch, độ sưng để xác định loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Kiểm tra dịch tiết: Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm dịch tiết để xác định các thành phần bên trong.
  • Xét nghiệm chất lượng nước mắt: Để xác định có yếu tố khô mắt gây viêm bờ mi ở trẻ không.
  • Kiểm tra lông mi: Sử dụng sinh hiển vi để kiểm tra có bọ, ve hay mảng bám không.
  • Sinh thiết mi mắt: Giúp loại trừ các trường hợp u hay ung thư mi mắt.

Sau khi đã phân tích các thông tin tổng hợp và đưa ra kết luận, bác sĩ sẽ có phương án điều trị phù hợp nhất với độ tuổi, sức khỏe và tình trạng bệnh của từng trẻ.

Cách điều trị đau mắt viêm bờ mi ở trẻ

Đối với những trẻ chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ, bác sĩ có thể hướng dẫn cho cha mẹ vệ sinh mắt tại nhà cho trẻ:

  • Chườm ấm: Mỗi ngày 2-4 lần, mỗi lần khoảng 3-5 phút sẽ giúp làm mềm các vảy bám trên mi mắt, tan các nút tắc tại các tuyến bờ mi.
  • Massage: Thực hiện xoa bóp mi mắt và day nhẹ dọc theo sống mũi bằng tay hoặc dụng cụ massage vùng mắt đã được rửa sạch sẽ giúp đẩy các chất tiết đã được làm mềm ra khỏi các tuyến, lưu thông máu giúp làm giảm tình trạng viêm.
  • Rửa tay thường xuyên: Trẻ bị đau mắt viêm bờ mi đặc biệt do bị nhiễm khuẩn, virut thì cần được lau tay thường xuyên bằng nước sạch để tránh trường hợp trẻ dụi mắt và bị tái nhiễm trùng. Ngoài ra khi cha mẹ thực hiện massage cũng cần rửa tay sạch sẽ để tránh làm tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn.
  • Nước mắt nhân tạo: Bổ sung nước mắt nhân tạo vào ban ngày và thuốc mỡ dưỡng ẩm vào ban đêm sẽ giúp giảm tình trạng khô mắt và khó chịu cho bé.
Vệ sinh đau mắt viêm bờ mi

Vệ sinh đau mắt viêm bờ mi

Đối với các trường hợp nặng hơn, tình trạng đau mắt viêm bờ mi không cải thiện khi thực hiện các thao tác vệ sinh thì bác sĩ có thể can thiệp bằng thuốc hoặc thiết bị y tế. Việc điều trị bằng thuốc sẽ cần được bác sĩ kiểm tra, tiến hành các xét nghiệm cần thiết và chỉ định thuốc điều trị phù hợp với từng cá nhân và nguyên nhân bệnh.

Thuốc kháng sinh:

  • Thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ như: Erythromycin, bacitracin/polymycin B.
  • Thuốc nhỏ mắt kháng sinh: Azythromycin 1.0%, sulfacetamide 10%.
  • Kháng sinh đường uống: Doxycycline, azithromycin sử dụng trong các trường hợp không đáp ứng với thuốc tại chỗ.

Thuốc chống viêm: Đôi khi việc sử dụng thuốc nhỏ hoặc thuốc bôi có steroid trong thời gian ngắn làm giảm nhanh chóng triệu chứng viêm trong các tình trạng viêm bờ mi nặng hoặc nhiễm trùng.

Thuốc điều hòa miễn dịch: Giúp ngăn chặn phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể làm giảm tình trạng viêm.

Cách phòng ngừa đau mắt viêm bờ mi ở trẻ

Một số trường hợp đau viêm bờ mi do các tác nhân di truyền hoặc bệnh toàn thân khó có thể ngăn ngừa. Tuy nhiên, một số thói quen sau đây có thể giúp phòng ngừa đau mắt viêm bờ mi, hạn chế tình trạng tái phát bệnh ở trẻ như:

  • Đảm bảo vệ sinh nơi ở và vệ sinh ăn uống nhằm tránh các tác nhân gây bệnh như bụi bẩn, vi khuẩn, vi rút,… Ngoài ra còn phòng tránh các bệnh tiêu hóa (táo bón, viêm ruột,…) có thể biến chứng thành viêm bờ mi.
Vệ sinh nhà cửa giúp phòng tránh đau viêm bờ mi ở trẻ

Vệ sinh nhà cửa giúp phòng tránh đau viêm bờ mi ở trẻ

  • Sử dụng nguồn nước sạch hoặc các thiết bị lọc nước để tắm và rửa mặt. Sử dụng khăn mềm và sạch để vệ sinh cho bé.
  • Đeo kính mắt bảo vệ khi cho bé đến những nơi nhiều khói bụi hoặc tác nhân gây bệnh như bệnh viện.
  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ thực phẩm và dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho trẻ, phòng ngừa các bệnh về mắt.
  • Đưa trẻ đi tái khám định kỳ mỗi năm một lần để phát hiện sớm các bệnh về mắt cũng như đảm bảo sức khỏe toàn thân cho trẻ.

Đau mắt viêm bờ mi ở trẻ có thể không phải là một bệnh nguy hiểm nhưng nếu không được điều trị đúng cách sẽ gây viêm nhiễm lâu dài, có thể ảnh hưởng không tốt đến giác mạc của bé, làm suy giảm thị lực. Bố mẹ cần cho con đi khám ngay khi thấy mắt bé có những dấu hiệu viêm nhiễm.

Đặt lịch khám mắt cho con tại vivision kid (tên cũ là FSEC) để con có một đôi mắt khỏe mạnh nhé bố mẹ!

Tiến sĩ Hà Huy Thiên Thanh
Bác sĩ Hà Huy Thiên Thanh
Tiến sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Thần kinh với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, Thần kinh.

Uy tín: Bác sĩ Thanh được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.