Các dấu hiệu phát hiện trẻ mắc viễn thị bố mẹ nên lưu ý

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Đỗ Thị Thuý Hằng

vào ngày 30/07/2024

Viễn thị là một tật khúc xạ phổ biến ở trẻ em, nhưng thường khó phát hiện sớm. Bố mẹ cần nắm rõ các dấu hiệu bất thường để có thể đưa trẻ đi khám mắt kịp thời. Hãy cùng tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết trẻ mắc viễn thị mà bố mẹ nên lưu ý.

Hiểu rõ về viễn thị ở trẻ nhỏ 

Viễn thị có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi và đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nếu không được phát hiện sớm bất thường sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển thị giác của bé.

Viễn thị là gì? 

Viễn thị là khi ánh sáng từ một vật ở xa hội tụ sau võng mạc. Đôi khi tật khúc xạ này còn được gọi là “mắt nhìn xa” nghĩa là mắt có thể nhìn rõ vật ở xa nhưng gặp khó khăn khi nhìn các vật ở gần. Có thể do nhiều nguyên nhân từ đó dẫn đến hình ảnh của các vật ở gần trở nên mờ nhạt.

Viễn thị

Viễn thị

Phân loại 

Tật khúc xạ này có thể được phân loại dựa trên nguyên nhân, mức độ. 

Dựa trên nguyên nhân:

  • Viễn thị trục (Axial Hyperopia): Do nhãn cầu ngắn hơn bình thường, khiến các tia sáng hội tụ phía sau võng mạc.
  • Viễn thị khúc xạ (Refractive Hyperopia): Do giác mạc hoặc thể thủy tinh có độ cong không đủ, làm giảm khả năng khúc xạ của mắt, từ đó cũng dẫn đến hình ảnh hội tụ phía sau võng mạc.

Dựa trên mức độ:

  • Viễn thị nhẹ (Low Hyperopia): Độ viễn thị từ +2.00 diop trở xuống. Thường không gây ra triệu chứng rõ ràng và có thể không cần điều chỉnh trong nhiều trường hợp.
  • Viễn thị trung bình (Moderate Hyperopia): Độ viễn thị từ +2.25 đến +5.00 diop. Gây khó khăn khi nhìn gần và có thể cần kính điều chỉnh.
  • Viễn thị nặng (High Hyperopia): Độ viễn thị trên +5.00 diop. Gây ra khó khăn đáng kể trong việc nhìn gần và xa, cần được điều chỉnh bằng kính hoặc các biện pháp khác.

Tại sao trẻ mắc viễn thị? 

Trẻ mắc viễn thị có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Dưới đây là một số nguyên nhân chính:

Di truyền: Tật khúc xạ này được coi là có khả năng di truyền cao. Các nghiên cứu về sinh đôi và di truyền đã cho thấy di truyền đóng vai trò ít nhất trong một nửa trường hợp, mặc dù tỷ lệ mắc bệnh thường cao hơn nhiều. Điều này có nghĩa là nếu cha mẹ mắc viễn thị thì khả năng cao con ruột của họ cũng sẽ mắc.

Bất thường cấu trúc nhãn cầu:

  • Nhãn cầu ngắn: Khi nhãn cầu của trẻ ngắn hơn bình thường, các tia sáng đi vào mắt sẽ hội tụ phía sau võng mạc thay vì hội tụ đúng trên võng mạc, gây ra viễn thị.
  • Giác mạc ít cong: Giác mạc có độ cong không đủ sẽ giảm khả năng khúc xạ ánh sáng, khiến hình ảnh không được hội tụ chính xác trên võng mạc.
  • Thể thủy tinh mỏng: Thể thủy tinh có độ dày không đủ cũng ảnh hưởng đến khả năng khúc xạ của mắt, góp phần vào việc hình thành viễn thị.

Chấn thương sản khoa: Một số trường hợp trẻ có thể mắc viễn thị do chấn thương trong quá trình sinh nở, ảnh hưởng đến cấu trúc nhãn cầu hoặc các bộ phận khác của mắt. Các chấn thương này có thể dẫn đến sự phát triển bất thường của nhãn cầu hoặc các thành phần quan trọng khác trong mắt.

Những yếu tố trên đều có thể góp phần vào việc làm thay đổi cấu trúc và chức năng của mắt, dẫn đến tình trạng viễn thị ở trẻ. Việc hiểu rõ nguyên nhân giúp cha mẹ và các chuyên gia y tế phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đảm bảo sức khỏe thị lực tốt nhất cho trẻ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viễn thị 

Phát hiện sớm viễn thị ở trẻ rất quan trọng để có thể điều trị kịp thời và ngăn ngừa các vấn đề thị lực lâu dài. Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết trẻ có thể bị viễn thị mà bố mẹ nên lưu ý:

  • Nheo mắt, dụi mắt
  • Mỏi mắt
  • Nhức đầu hoặc mệt mỏi sau các hoạt động nhìn gần, chẳng hạn như đọc, viết hoặc sử dụng máy tính
  • Không tập trung ở trường hoặc gặp khó khăn về đọc, học, viết ở gần.
  • Giữ tài liệu như sách, điện thoại di động hoặc máy tính bảng ở khoảng cách tầm tay
  • Trẻ nghiêng đầu khi nhìn giống lác

Trong những trường hợp nhẹ, con bạn có thể không nhận thấy vấn đề nghiêm trọng về thị lực. Tuy nhiên, bé vẫn có thể bị đau đầu hoặc mệt mỏi sau các hoạt động như đọc, viết hoặc sử dụng máy tính.

Ở những trường hợp viễn thị nghiêm trọng hơn, con có thể khó nhìn rõ ở mọi khoảng cách. Điều này xảy ra do các cơ trong và xung quanh mắt bị mỏi do phải liên tục phải tập trung lại, gây ra các vấn đề về thị lực.

Trẻ mắc viễn thị có nguy hiểm không? 

Viễn thị ở trẻ em, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể dẫn đến một số vấn đề nghiêm trọng. Dưới đây là một số nguy cơ tiềm ẩn:

  • Lác mắt (Strabismus): Viễn thị không được điều chỉnh có thể khiến trẻ phải điều tiết mắt quá mức để nhìn rõ, dẫn đến lác mắt. Lác mắt là tình trạng hai mắt không nhìn thẳng vào cùng một điểm mà bị lệch hướng, gây ra nhiều vấn đề về thị lực.
  • Nhược thị (Amblyopia): Còn gọi là “mắt lười,” nhược thị xảy ra khi 1 hoặc cả 2 mắt không phát triển thị giác bình thường. Viễn thị không được điều trị có thể dẫn đến nhược thị, thị lực sẽ bị ảnh hưởng đến khi trưởng thành (đặc biệt là viễn thị cao).
  • Khó khăn trong học tập và sinh hoạt hàng ngày: Trẻ bị viễn thị có thể gặp khó khăn trong việc đọc, viết và các hoạt động gần, dẫn đến kém tập trung, mất hứng thú trong học tập và giảm hiệu quả học tập. Điều này có thể ảnh hưởng đến kết quả học tập và sự phát triển toàn diện của trẻ.
  • Mỏi mắt và đau đầu: Viễn thị không điều chỉnh có thể khiến trẻ phải căng mắt để nhìn rõ, gây ra mỏi mắt, đau đầu và khó chịu. Những triệu chứng này có thể ảnh hưởng đến sự thoải mái và chất lượng cuộc sống của trẻ.

Trẻ mắc viễn thị có chữa được không? 

Ở nhiều trẻ nhỏ, viễn thị là tình trạng sinh lý và có thể tự điều chỉnh khi trẻ lớn lên. Đôi khi, viễn thị nhẹ không cần can thiệp mà chỉ cần theo dõi định kỳ bởi bác sĩ nhãn khoa. Mắt của trẻ có thể tự điều chỉnh trong quá trình phát triển và viễn thị có thể giảm dần hoặc biến mất.

Khi trẻ mắc viễn thị nặng, cần có các phương pháp kiểm soát chặt chẽ: kính gọng, kính áp tròng

  • Kính gọng: Đối với những trường hợp viễn thị nặng hoặc gây ra triệu chứng ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt, việc đeo kính gọng là phương pháp điều trị phổ biến nhất. Kính gọng giúp điều chỉnh tật khúc xạ, mang lại tầm nhìn rõ ràng hơn cho trẻ.
Đeo kính gọng chữa viễn thị

Đeo kính gọng chữa viễn thị

  • Kính áp tròng: Kính áp tròng cũng có thể là một lựa chọn, đặc biệt đối với trẻ lớn hơn và có khả năng sử dụng kính áp tròng một cách an toàn. Kính áp tròng cung cấp một tầm nhìn rộng hơn và có thể thuận tiện hơn cho một số hoạt động thể thao và vui chơi. Kính áp tròng được đặt trực tiếp lên mắt, vì vậy việc vệ sinh tốt là điều cần thiết để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Lời khuyên dành cho bố mẹ 

  • Lắng nghe chia sẻ của con: Luôn lắng nghe và quan tâm đến những dấu hiệu mà con bạn có thể biểu hiện ra như kêu than về mờ mắt, mỏi mắt sau khi đọc sách hoặc thực hiện các hoạt động nhìn gần. Sự chia sẻ của con có thể là dấu hiệu cho thấy rằng bé gặp vấn đề về viễn thị cần được chú ý.
  • Theo dõi thói quen nhìn của con: Quan sát cách con nhìn và hành động khi thực hiện các hoạt động gần như đọc sách, viết bài, hoặc chơi trò chơi. Nếu thấy con thường xuyên nheo mắt, dụi mắt, hoặc có các biểu hiện khác của khó khăn trong việc nhìn gần, đó có thể là dấu hiệu của viễn thị.
  • Khám mắt định kỳ để phát hiện và theo dõi bệnh: Đưa con đi khám mắt định kỳ theo lịch trình được khuyến nghị bởi bác sĩ nhãn khoa. Khám mắt định kỳ giúp phát hiện sớm bất kỳ vấn đề về thị lực và theo dõi sự phát triển thị giác của con trong suốt quá trình lớn lên.

Đặt lịch khám tại vivision kid để các chuyên gia tư vấn và giúp theo dõi tình trạng viễn thị của mắt con bạn nhé. Hãy cùng vivision kid bảo vệ đôi mắt trẻ. 

Lời khuyên

Viễn thị ở trẻ là tình trạng thường gặp, có thể tự điều chỉnh và không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, khi viễn thị nặng hơn, dẫn đến trẻ gặp nhiều khó khăn trong học tập và đời sống, thậm chí có thể kèm theo nhiều vấn đề khác về mắt như lác. Do đó, các bố mẹ cũng không nên chủ quan mà nên cho trẻ khám mắt định kỳ để theo dõi tình trạng tiến triển của mắt con.

Thạc sĩ Đỗ Thị Thuý Hằng
Bác sĩ Đỗ Thị Thuý Hằng
Thạc sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Bác sĩ Nhãn khoa

Uy tín: Bác sĩ Hằng luôn chiếm được tình cảm của các bạn nhỏ bởi sự hài hước và gần gũi. Bác mong muốn các con được sử dụng những phương pháp điều trị và chăm sóc mắt tốt, hiện đại và phù hợp nhất, bác sĩ cũng luôn cập nhật và đóng góp các ý kiến liên quan tới chuyên môn, máy móc, kỹ thuật đảm bảo cho mắt của trẻ được thăm khám và cho ra kết quả tốt nhất.

Gắn thẻ:

nguyên nhân viễn thị

trẻ mắc viễn thị

Viễn thị

Làm thế nào để kiểm tra cận thị?

Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Khắc Quý

Viễn thị là gì? 3 cách điều trị hiệu quả

Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Khắc Quý