Viêm loét giác mạc có khỏi được không? Cách điều trị

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Đỗ Thị Thuý Hằng

vào ngày 30/07/2024

Viêm loét giác mạc là một tình trạng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng và thậm chí dẫn đến mù lòa. Vậy nguyên nhân gây ra bệnh xuất phát từ đâu? Cách điều trị như thế nào? 

Tìm hiểu về tình trạng viêm loét giác mạc

Giác mạc là bộ phận quan trọng giúp ta nhìn rõ, do đó, viêm loét giác mạc có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như giảm thị lực vĩnh viễn, thậm chí mù lòa. 

Viêm loét giác mạc là gì?

Viêm loét giác mạc là tình trạng viêm và khiếm khuyết ở lớp biểu mô của giác mạc, thường do nhiễm trùng từ vi khuẩn, nấm, vi rút hoặc ký sinh trùng Acanthamoeba. 

Bệnh có thể khởi phát do chấn thương, viêm nhiễm vi sinh vật, sau phẫu thuật hoặc có yếu tố tự miễn gây loét như loét Mooren, và nếu tình trạng viêm không được kiểm soát tốt, nó có thể dẫn đến hoại tử giác mạc. 

Người bệnh thường gặp các triệu chứng như mắt đỏ, cảm giác có dị vật trong mắt, đau âm ỉ, nhạy cảm với ánh sáng và chảy nước mắt nhiều hơn. 

Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành khám sinh hiển vi, nhuộm fluorescein và làm xét nghiệm vi sinh. Bệnh cần được điều trị sớm bằng thuốc kháng sinh tra mắt, thuốc liệt điều tiết và nên được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa mắt.

Viêm loét giác mạc

Viêm loét giác mạc

Những dấu hiệu cần lưu ý

Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng của viêm loét giác mạc có thể không rõ ràng, bao gồm cương tụ kết mạc, đau nhức mắt, cảm giác có vật lạ trong mắt, sợ ánh sáng và chảy nước mắt.

Tổn thương ban đầu của loét giác mạc là một vùng biểu mô giác mạc bắt màu fluorescein và vùng đục bề mặt hình tròn, có bờ mờ màu xám (thể hiện sự xâm nhập của vi sinh vật). 

Theo thời gian, vết loét sưng mủ và hoại tử, tạo thành ổ loét có bờ gồ ghề. Thông thường, mắt sẽ xuất hiện hiện tượng cương tụ quanh rìa giác mạc. Vết loét có thể lan rộng trên bề mặt giác mạc, xâm nhập sâu vào nhu mô hoặc kết hợp cả hai. 

Trong những trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể xuất hiện mủ tiền phòng (bạch cầu xếp thành từng lớp ở tiền phòng). Nếu bệnh kéo dài, điều này dẫn đến sự hình thành mạch máu mới ở giác mạc, xuất phát từ rìa giác mạc.

Bệnh do Acanthamoeba thường gây đau nhiều và có thể biểu hiện bằng các khuyết tổn biểu mô giác mạc thoáng qua, thâm nhiễm nhiều ổ trong nhu mô giác mạc, sau đó tạo thành vùng thâm nhiễm rộng có hình dạng hình vòng hoặc thâm nhiễm dạng nan hoa. 

Bệnh do nấm thường diễn tiến mạn tính hơn so với do vi khuẩn, có vùng thâm nhiễm đặc và đôi khi có các ổ thâm nhiễm rời rạc (tổn thương vệ tinh) ở chu biên. Loét giác mạc toả nhánh là đặc trưng của viêm giác mạc do virus herpes simplex.

Ảnh hưởng của bệnh đến các lớp giác mạc

Loét giác mạc gây tổn thương và hoại tử các mô giác mạc, tạo ra nhiều ổ loét. Đây là một bệnh lý phổ biến và để lại những hậu quả nghiêm trọng, có thể gây ra các di chứng vĩnh viễn như sẹo giác mạc, lồi mắt, teo nhãn cầu, thậm chí mất hoàn toàn thị lực.

Viêm loét giác mạc gây tổn thương và hoại tử các mô giác mạc

Viêm loét giác mạc gây tổn thương và hoại tử các mô giác mạc

Nguyên nhân gây viêm loét giác mạc là gì?

Việc xác định chính xác nguyên nhân gây viêm loét giác mạc rất quan trọng để có phương pháp điều trị phù hợp, dưới đây là những nguyên nhân phổ biến: 

  • Nhiễm trùng từ vi khuẩn, nấm, vi rút hoặc ký sinh trùng Acanthamoeba (sống trong nước bị ô nhiễm).
  • Chấn thương giác mạc, như khô mắt nặng, vật lạ gây trầy xước, xâm nhập hoặc đọng lại trong mắt, hoặc kích ứng do kính áp tròng, đặc biệt khi đeo kính khi ngủ hoặc không vệ sinh đúng cách.
  • Loét giác mạc do virus (chủ yếu là herpesvirus) có thể tự tái phát hoặc tái phát do stress.
  • Thiếu hụt protein, vitamin A có thể khiến giác mạc dễ bị tổn thương và nhiễm trùng.
  • Mí mắt không khép lại đúng cách, khiến giác mạc bị khô và kích ứng, dẫn đến tổn thương và hình thành vết loét.
  • Lông mi mọc ngược vào trong, mi mắt lật vào trong (quặm, lông xiêu) hoặc viêm bờ mi.
  • Một số bệnh lý như đái tháo đường không kiểm soát tốt cũng là yếu tố nguy cơ gây viêm loét giác mạc.

Viêm loét giác mạc có khỏi được không?

Nếu không chữa sớm, gười bệnh có thể gặp phải các biến chứng như viêm màng bồ đào, thủng giác mạc gây phòi kẹt mống mắt, viêm toàn nhãn, mủ tiền phòng và phá hủy các cấu trúc mắt.

Khi bệnh được điều trị tốt và lành bệnh, chúng sẽ để lại vết sẹo. Độ dày và kích thước của vết sẹo phụ thuộc vào mức độ và diễn tiến của bệnh. Nếu bệnh tiến triển nặng hơn, có thể gây thủng giác mạc. 

Với lỗ thủng nhỏ, nó có thể tự bít lại nhờ mống mắt. Tuy nhiên, nếu lỗ thủng lớn, chúng sẽ dẫn đến xẹp mắt và teo nhãn về sau. Tiên lượng của bệnh phụ thuộc vào thời gian bệnh nhân đến khám, kích thước và độ sâu của vết loét, đặc biệt là tác nhân gây bệnh.

Chẩn đoán viêm loét giác mạc như thế nào?

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ đánh giá vết loét bằng đèn khe (một dụng cụ cho phép quan sát mắt dưới kính hiển vi có độ phóng đại cao). Để quan sát rõ hơn, bác sĩ có thể nhỏ thuốc nhuộm fluorescein vào mắt. Chất nhuộm này sẽ bám tạm thời vào các vùng tổn thương của giác mạc, giúp bác sĩ phát hiện các tổn thương không nhìn thấy được bằng mắt thường.

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ lấy mẫu bề mặt vết loét để nuôi cấy, xác định vi khuẩn, nấm, vi rút hoặc ký sinh trùng gây nhiễm trùng. Sau khi xác định được tác nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc phù hợp nhất để điều trị.

Cách điều trị viêm loét giác mạc

Loét giác mạc cần được điều trị ngay lập tức để hạn chế tối đa tổn thương giác mạc và nguy cơ biến chứng.

Đối với những trường hợp bệnh nhẹ, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc nhỏ mắt kháng sinh, kháng virus hoặc kháng nấm tùy theo nguyên nhân gây bệnh. Người bệnh cần sử dụng thuốc, nhỏ mắt và vệ sinh mắt đúng cách theo hướng dẫn của bác sĩ trong vài ngày. Một số trường hợp có thể được chỉ định dùng thuốc giảm đau để hạn chế cơn đau và cảm giác khó chịu.

Bạn cần sử dụng thuốc điều trị loét giác mạc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ

alt: dieu-tri-viem-loet-giac

Đối với những trường hợp nặng, các cách điều trị viêm loét giác mạc thường được áp dụng bao gồm phẫu thuật khoét bỏ nhãn cầu, múc nội nhãn hoặc ghép giác mạc. 

Đây là những ca phẫu thuật phức tạp, đòi hỏi phải được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín bởi các bác sĩ chuyên khoa mắt. Người bệnh cần được thăm khám kỹ lưỡng để bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng cụ thể của từng cá nhân.Viêm loét giác mạc là một căn bệnh rất nguy hiểm. Việc điều trị cần có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa mắt. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà hay áp dụng các phương pháp chữa trị dân gian để tránh biến chứng gây mất thị lực vĩnh viễn.

Nếu còn thắc mắc liên quan đến viêm loét giác mạc, bạn hãy nhắn tin đến vivision (tên cũ là FSEC) để được đội ngũ chuyên gia tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

Lời khuyên

Viêm loét giác mạc là một căn bệnh rất nguy hiểm. Việc điều trị cần có chỉ định và theo dõi chặt chẽ của bác sĩ chuyên khoa mắt. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà hay áp dụng các phương pháp chữa trị dân gian để tránh biến chứng gây mất thị lực vĩnh viễn.

vivisionkid
Thạc sĩ Đỗ Thị Thuý Hằng
Bác sĩ Đỗ Thị Thuý Hằng
Thạc sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Bác sĩ Nhãn khoa

Uy tín: Bác sĩ Hằng luôn chiếm được tình cảm của các bạn nhỏ bởi sự hài hước và gần gũi. Bác mong muốn các con được sử dụng những phương pháp điều trị và chăm sóc mắt tốt, hiện đại và phù hợp nhất, bác sĩ cũng luôn cập nhật và đóng góp các ý kiến liên quan tới chuyên môn, máy móc, kỹ thuật đảm bảo cho mắt của trẻ được thăm khám và cho ra kết quả tốt nhất.

Gắn thẻ:

cách điều trị viêm loét giác mạc

viêm loét giác mạc