Viêm bờ mi mạn tính có chữa được không?

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Hà Huy Thiên Thanh

vào ngày 28/04/2024

Viêm bờ mi mạn tính là tình trạng viêm không do nhiễm trùng gây sưng tấy, ngứa đỏ tại mi mắt. Viêm bờ mi mạn tính thường khó xác định được nguyên nhân. vivision sẽ cung cấp thêm thông tin qua bài viết dưới đây nhé.

Hiểu đúng về viêm bờ mi mạn tính

Viêm bờ mi là tình trạng bờ mi bị viêm xuất hiện cảm giác ngứa, bỏng rát, đỏ và phù. Viêm bờ mi có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi và chủng tộc. Một số nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi từ khoảng độ tuổi trung bình 50 tuổi sẽ dễ mắc viêm bờ mi mạn tính hơn. Viêm bờ mi mạn tính thường khó xác định được nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên vẫn sẽ có một số yếu tố nguy cơ như:

  • Khô mắt: Nước mắt của chúng ta có chứa chất kháng sinh tự nhiên (lysozyme) và globulin miễn dịch. Khô mắt làm sụt giảm các chất trên vì vậy làm giảm khả năng kháng khuẩn của mắt và mí mắt, khiến bệnh nhân dễ mắc viêm bờ mi do nhiễm trùng tụ cầu.
  • Mụn trứng cá đỏ: Bệnh trứng cá đỏ gây viêm da mặt và gây viêm bờ mi mãn thứ phát.
  • Rận hoặc ve Demodex: Chiếm 30% nguyên nhân gây viêm bờ mi mạn, chúng chặn các nang và tuyến lông mi gây tắc nghẽn.
  • Chắp/lẹo tái phát: Gây tắc nghẽn các tuyến trên mi mắt.
  • Viêm tuyến Meibomian: Đây là các tuyến nhỏ nằm ở bờ mi mắt, giúp sản xuất dầu bôi trơn và bảo vệ mắt tránh khỏi các tác nhân gây hại. Khi tuyến Meibomian bị viêm chúng có thể sản xuất quá nhiều dầu hoặc không đủ dầu dẫn đến viêm bờ mi.
  • Ung thư biểu mô ở mi mắt.
Vị trí tuyến Meibomian

Vị trí tuyến Meibomian

Dấu hiệu nhận biết viêm bờ mi mạn tính

Viêm bờ mi mạn tính sẽ làm xuất hiện những triệu chứng phổ biến ở tất cả các dạng viêm bờ mi bao gồm:

  • Đau, ngứa, bỏng rát mí mắt.
  • Mi mắt đỏ và sưng.
  • Chảy nước mắt.
  • Nhờn và nhiều ghèn ở mi mắt.
  • Nhạy cảm ánh sáng.
  • Bong tróc da quanh mắt, gốc lông mi. 
  • Lông mi mọc lệch. 

Buổi sáng các triệu chứng có xu hướng trầm trọng hơn. Viêm bờ mi không ảnh hưởng đến nhãn cầu nên thường không gây ảnh hưởng thị lực vĩnh viễn nhưng có thể gây mờ mắt tạm thời. Viêm bờ mi mạn tính thường tái phát từng giai đoạn. Khi phát bệnh một thời gian, các triệu chứng sẽ thuyên giảm. Tuy nhiên sau đó lại có dấu hiệu bùng lên và đôi khi nặng hơn đợt phát trước đó. Viêm bờ mi mạn tính thường ảnh hưởng đến cả hai mắt.

Triệu chứng viêm bờ mi

Triệu chứng viêm bờ mi

Biến chứng viêm bờ mi mạn tính

Viêm bờ mi là một bệnh lành tính dễ phát hiện và điều trị. Tuy nhiên việc trở thành mạn tính tái đi tái lại nhiều lần dễ khiến người bệnh chủ quan, không điều trị đúng cách và kịp thời có thể sẽ để lại những biến chứng như sau:

  • Các vấn đề về lông mi: Rụng lông mi, lông mi mọc lệch thậm chí là bạc màu.
  • Sẹo ở trên mí mắt hoặc cạnh mí mắt.
  • Khô mắt: Viêm bờ mi do bất thường ở các tuyến sản sinh nước mắt sẽ thường làm giảm chất lượng nước mắt.
  • Lẹo mắt: Đây là bệnh nhiễm trùng ở gần gốc lông mi.
  • Chắp mắt: Làm tắc nghẽn các tuyến bờ mi gây sưng, đỏ và hình thành chắp.
  • Viêm kết mạc mạn tính hay còn gọi là đau mắt đỏ.
  • Tổn thương giác mạc: Mi mắt bị viêm hoặc lông mọc lệch có thể cọ vào bề mặt giác mạc gây xước, viêm loét. Khô mắt cũng sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng giác mạc.
Các biến chứng của viêm bờ mi mạn tính

Các biến chứng của viêm bờ mi mạn tính

Phân biệt viêm bờ mi mạn tính với các bệnh khác

Viêm bờ mi là bệnh phổ biến với các triệu chứng rõ ràng. Dù vậy khi viêm bờ mi mạn tính không đáp ứng với điều trị, cần phải làm các xét nghiệm sâu hơn để loại trừ những bệnh da liễu, bệnh miễn dịch,  u mi mắt (lành tính, ác tính),… thậm chí là ung thư mi mắt bằng những cách sau:

  • Tìm hiểu tiền sử bệnh: Các triệu chứng, tình trạng bờ mi và các đợt tái phát từ trước đến nay.
  • Kiểm tra mí mắt bên ngoài: Hình dạng, tiết dịch, độ đỏ, độ sưng để phân loại loại và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Kiểm tra dịch tiết: Xét nghiệm dịch tiết để xác định các thành phần bên trong.
  • Xét nghiệm chất lượng nước mắt: Phương pháp này giúp xác định có yếu tố khô mắt gây viêm bờ mi không.
  • Kiểm tra lông mi: Sử dụng sinh hiển vi để kiểm tra có bọ, ve hay mảng bám không.
  • Sinh thiết mi mắt: để loại trừ các trường hợp u hay ung thư mi mắt.

Viêm bờ mi mạn tính có chữa được không?

Viêm bờ mi mạn tính thường do nhiều nguyên nhân khác nhau kết hợp gây nên. Vì vậy các phương pháp điều trị thường chỉ hỗ trợ giải quyết được triệu chứng tạm thời và sẽ có thể tái lại.

Cách điều trị viêm bờ mi mắt mạn tính

Dưới đây là một số cách điều trị viêm bờ mi mắt:

Vệ sinh mi mắt

Đây là bước đầu tiên và rất hiệu quả đặc biệt trong các trường hợp bị viêm do rối loạn chức năng hoặc tắc các tuyến. Bao gồm các thao tác:

  • Chườm ấm: Mỗi ngày 2-4 lần, mỗi lần khoảng 3-5 phút sẽ giúp làm mềm các vảy bám trên mi mắt, tan các nút tắc tại các tuyến bờ mi.
  • Massage: Thực hiện xoa bóp mi mắt, dọc theo sống mũi bằng tay hoặc bằng dụng cụ massage vùng mắt đã được rửa sạch. Động tác này sẽ đẩy các chất tiết đã được làm mềm ra khỏi các tuyến, giúp lưu thông máu giúp làm giảm tình trạng viêm.
  • Tẩy tế bào chết cho mi mắt: Giúp loại bỏ cặn, bụi bẩn và các chất tiết khô bám trên viền mi mắt. Có thể thực hiện 2 lần mỗi ngày bằng cách dùng tăm bông có tẩm dung dịch dầu gội dành cho trẻ em pha loãng hoặc các dung dịch rửa mắt chuyên dụng.

Việc vệ sinh cần được thực hiện thường xuyên ngay cả khi đã qua cơn viêm mi mắt cấp. Thao tác này rất dễ dàng và ít có tác dụng phụ nhưng đem lại hiệu quả rất lớn trong điều trị viêm bờ mi mạn tính.

Vệ sinh mi mắt

Vệ sinh mi mắt

Điều trị bằng thuốc

Trong các trường hợp viêm bờ mi không đáp ứng với các thao tác vệ sinh thì có thể kết hợp việc sử dụng thuốc. Việc điều trị bằng thuốc cần được bác sĩ kiểm tra, tiến hành các xét nghiệm cần thiết và chỉ định thuốc điều trị phù hợp với từng cá nhân và nguyên nhân bệnh.

  • Thuốc kháng sinh:
  1. Thuốc mỡ kháng sinh tại chỗ như: Erythromycin, bacitracin/polymycin B.
  2. Thuốc nhỏ mắt kháng sinh: Azythromycin 1.0%, sulfacetamide 10%.
  3. Kháng sinh đường uống: Doxycycline, azithromycin sử dụng trong các trường hợp không đáp ứng với thuốc tại chỗ.
  • Thuốc chống viêm: Đôi khi việc sử dụng thuốc nhỏ hoặc thuốc bôi có steroid trong thời gian ngắn làm giảm nhanh chóng triệu chứng viêm trong các tình trạng viêm bờ mi nặng hoặc nhiễm trùng.
  • Thuốc điều hòa miễn dịch: Giúp ngăn chặn phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể làm giảm tình trạng viêm.
  • Nước mắt nhân tạo: Bổ sung nước mắt nhân tạo vào ban ngày và thuốc mỡ dưỡng ẩm vào ban đêm sẽ giúp giảm tình trạng khô mắt.

Đặt lịch tái khám định kỳ 3-6 tháng tại vivision để theo dõi tình trạng viêm bờ mi mạn tính với dịch vụ chất lượng nhất!

Lời khuyên

Viêm bờ mi mạn tính khó điều trị dứt điểm dù vậy một số thói quen đơn giản sẽ giúp phòng ngừa tái phát và giảm bớt các triệu chứng của bệnh như chườm ấm, massage, vệ sinh mi mắt hằng ngày, tránh các môi trường nhiều khói bụi, nhiều tác nhân gây bệnh,...

Tiến sĩ Hà Huy Thiên Thanh
Bác sĩ Hà Huy Thiên Thanh
Tiến sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Thần kinh với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, Thần kinh.

Uy tín: Bác sĩ Thanh được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

Cách điều trị viêm bờ mi mắt

Viêm bờ mi mạn tính