Kính áp tròng và tình trạng mắt bị kích ứng
Kính áp tròng là loại kính được sử dụng bằng cách đeo trực tiếp lên bề mặt của mắt để điều chỉnh các rối loạn về thị lực. Tuy nhiên, khi sử dụng kính áp tròng có thể bị kích ứng do chất liệu không phù hợp, đeo không đúng cách.
Giới thiệu về kính áp tròng và kích ứng mắt
Kính áp tròng là gì?
Kính áp tròng (hay còn gọi là kính tiếp xúc hay contact lens) là một thấu kính mỏng ôm sát vào giác mạc với độ cong phù hợp với giác mạc để điều chỉnh các tật khúc xạ thường gặp như cận thị viễn thị loạn thị hoặc điều chỉnh các bệnh về mắt.
Khi kính tiếp xúc với giác mạc, có một lớp nước mỏng nằm giữa hai bề mặt này, cho phép kính di chuyển linh hoạt cùng với các chuyển động của nhãn cầu. Lớp nước này sẽ được mắt tiết ra liên tục giúp hạn chế sự tích tụ của vi khuẩn. Ngoài ra, nó cũng hoạt động như một chất bôi trơn, giúp bảo vệ giác mạc khỏi việc bị trầy xước.
Lợi ích của kính tiếp xúc:
- Có tính thẩm mỹ hơn kính gọng.
- Cho hình ảnh tại võng mạc có kích thước lớn hơn kính gọng.
- Tránh được sự phiền phức so với kính gọng như sức nặng của gọng kính, hoặc thị trường bị thu hẹp….
- Kính tiếp xúc (đặc biệt loại cứng thấm khí) có khả năng làm giảm sự tiến triển của tật khúc xạ.
Tuy nhiên, kính áp tròng cũng có thể gây ra một số tác hại không mong muốn trong quá trình sử dụng. Một số nguyên nhân như dị ứng, kính kém chất lượng, đeo không đúng cách hay vệ sinh kính không đúng cách. Tác hại hay gặp nhất là tình trạng kích ứng mắt khi sử dụng kính.
Triệu chứng thường gặp khi kích ứng mắt do đeo kính áp tròng
Kích ứng mắt là tình trạng xảy ra nhanh sau khi đeo kính và có biểu hiện khá rõ ràng. Các biểu hiện thường gặp của tình trạng này là cảm giác ngứa hoặc bỏng rát ở mắt, sau đó là chảy nước mắt, sưng, nóng, đỏ mắt và có thể có nhiều gỉ xung quanh.
Nguyên nhân gây kích ứng mắt khi sử dụng kính áp tròng
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mắt bị kích ứng khi sử dụng kính tiếp xúc, việc xác định nguyên nhân và xử trí phù hợp sẽ giúp tránh được các biến chứng nặng nề hơn.
Dưới đây là một số nguyên nhân gây kích ứng mắt thường gặp khi đeo kính:
- Khô mắt: Khi bắt đầu đeo len mà có cảm giác ngứa, bỏng rát,… thì nguyên nhân thường gặp là do khô mắt. Khô mắt làm cho giữa mắt và kính không có chất bôi trơn, các cạnh của chúng có thể cọ sát vào nhau làm trầy xước và gây ra tình trạng kích ứng.
- Đeo các loại kính kém chất lượng: Việc đeo các loại kính kém chất lượng, chưa được kiểm duyệt có thể dẫn đến những tác dụng không mong muốn.
- Dị ứng với dung dịch bảo quản/ vệ sinh: Người sử dụng có thể mẫn cảm với các thành phần cấu tạo của kính hoặc dung dịch ngâm kính. Vì vậy, người sử dụng cần tìm hiểu rõ về chất liệu cấu tạo kính, thành phần của nươc ngâm kính. Dị ứng với các thành phần này có dẫn đến nhiều triệu chứng khó chịu như ngứa, đỏ, chảy nước mắt, còn gọi là hiện tượng dị ứng mắt.
- Sử dụng kính sai cách: Việc sử dụng kính trong thời gian quá dài, sử dụng kính hết hạn sử dụng, không vệ sinh tay sạch sẽ trước khi đeo hoặc tháo len, đeo và tháo len không đúng cách, đeo len qua đêm hoặc tiếp xúc với các môi trường ô nhiễm làm vi khuẩn hoặc virus xâm nhập cũng là những nguyên nhân gây ra tình trạng kích ứng khi đeo kính.
Cách xử lý và điều trị tình trạng kích ứng mắt
- Tháo kính ngay khi các triệu chứng kích ứng mắt xảy ra.
- Đối với tình trạng do mắt khô, nên sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt dành cho kính áp tròng.
- Nếu tình trạng trên vẫn không giảm, ngưng sử dụng kính khoảng 1 tuần. Xem xét thay loại kính khác nếu tình trạng trên không giảm.
- Không dùng tay dụi vào mắt làm trầy xước giác mạc làm tình trạng kích ứng trầm ‘trọng hơn.
- Kiểm tra lại các thành phần của kính và nước ngâm kính để đảm bảo không có các thành phần làm bạn dị ứng. Khi có dấu hiệu bị dị ứng mắt nghiêm trọng, người bệnh nên rửa mắt bằng nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo. Sau đó nên đến các cơ sở y tế để các bác sĩ khám và xử trí. Bạn nên đến thăm khám tại các cơ sở uy tín, phòng khám hoặc bệnh viện chuyên khoa mắt để được thăm khám và xử trí kịp thời.
Phòng ngừa tình trạng kích ứng mắt khi sử dụng kính áp tròng
Tình trạng kích ứng khi sử dụng kính áp tròng có thể phòng ngừa ngay từ đầu. Dưới đây là những việc cần làm để tránh tình trạng kích ứng khi sử dụng:
- Chọn các loại kính có chất lượng tốt, có nguồn gốc và xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và tránh các thành phần gây dị ứng với cơ thể.
- Đeo kính và tháo kính đúng cách, đảm bảo luôn làm sạch tay và kính trước khi đeo kính.
- Kính khi mới mua cần ngâm trong dung dịch ngâm chuyên dụng ít nhất từ 6-8 tiếng trước khi đeo để loại bỏ các chất hóa học của nước ngâm cũ.
- Không nên đeo quá 8 tiếng/ ngày, không đeo kính qua đêm tránh tình trạng khô mắt.
- Tháo kính ngay khi cảm thấy ngứa hoặc bỏng rát.
- Thay nước ngâm thường xuyên.
- Nhỏ mắt trước và sau khi đeo để giúp kính dễ lấy hoặc tháo hơn.
- Ở những môi trường khắc nghiệt nhiều bụi bẩn nên sử dụng thêm các loại kính chắn bụi.
- Thay kính áp tròng khi kính hết hạn sử dụng.
- Không dùng chung kính với người khác vì dễ lây các tác nhân gây bệnh về mắt.
Hướng dẫn vệ sinh và bảo quản kính áp tròng đúng cách
Dùng thuốc nhỏ mắt rửa sạch kính ngay sau khi lấy ra. Sau đó ngâm kính trong hộp riêng có dung dịch ngâm rửa kính. Đảm bảo kính phải được ngâm ít nhất 8 tiếng mỗi ngày rồi mới lấy ra sử dụng. Lưu ý phải đặt đúng thứ tự mắt phải – mắt trái vào hộp tương ứng để tránh đeo nhầm.
Nhắn tin cho vivision để được tư vấn ngay để được hướng dẫn và tư vấn kỹ hơn trong quá trình lựa chọn và sử dụng kính áp tròng.
Lời khuyên
Việc sử dụng kính áp tròng không đúng cách gây ra những rủi ro nghiêm trọng. Hãy lựa chọn những loại kính có chất lượng tốt và sử dụng đúng cách để tránh tình trạng mắt bị kích ứng. Tốt nhất hãy tham khảo ý kiến từ bác sĩ và các chuyên gia tư vấn để đảm bảo an toàn khi sử dụng.
Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển Trẻ em
Uy tín: Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Văn Cường được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, chú đã giúp rất nhiều bé vượt qua các vấn đề khó khăn tại mắt.
Gắn thẻ: