Kính áp tròng có gây viêm giác mạc không?
Kính áp tròng đang dần trở nên phổ biến hơn trong việc cải thiện thị lực của người mắc tật khúc xạ, thay thế cho kính gọng. Nhiều người vẫn lo ngại về tác dụng phụ, trong đó viêm giác mạc là vấn đề nhiều người còn băn khoăn.
Viêm giác mạc là gì?
Đầu tiên chúng ta sẽ tìm hiểu một số thông tin về viêm giác mạc:
Định nghĩa viêm giác mạc
Viêm giác mạc là một tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại giác mạc. Giác mạc giống như một thấy kính một mặt lồi, là bộ phận trong suốt phía trước mắt, chịu trách nhiệm tập trung ánh sáng để mắt có thể nhìn rõ hình ảnh. Khi giác mạc bị viêm, sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình truyền ánh sáng đến võng mạc, gây ra các vấn đề về thị lực.
Viêm giác mạc có thể ảnh hưởng một phần hoặc toàn bộ giác mạc, dẫn đến sự biến đổi thị lực của người bệnh và có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng thậm chí mù lòa nếu không được điều trị kịp thời.
Các triệu chứng thường gặp
Người bị viêm giác mạc thường có các triệu chứng điển hình như:
- Đỏ mắt: những mao mạch trên bề mặt mắt bị giãn ra do phản ứng viêm, gây ra hiện tượng đỏ mắt, có thể kèm theo sưng nề do viêm.
- Đau mắt: Cảm giác đau đớn, chảy nước mắt, có thể từ nhẹ đến nặng, là một dấu hiệu đặc trưng của viêm giác mạc.
- Sợ ánh sáng: mắt của bạn trở nên khó chịu và mẫn cảm với ánh sáng
- Cảm giác có vật lạ trong mắt: Bệnh nhân có thể cảm thấy như có một hạt cát hoặc bụi trong mắt, có thể kèm theo mỏi mắt.
- Chấm nông giác mạc: quan sát thấy có nhiều chấm nhỏ li ti màu trắng xám trên bề mặt giác mạc.
- Giảm thị lực: Viêm giác mạc có thể gây giảm thị lực dẫn đến nhìn mờ. Mức độ giảm thị lực tùy theo tác nhân và mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Nếu không điều trị, viêm giác mạc có thể diễn tiến nghiêm trọng hơn, gây loét giác mạc, hình thành sẹo giác mạc và thậm chí là mù lòa.
Nguyên nhân gây viêm giác mạc
Có nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra viêm giác mạc, tuy nhiên, có thể được phân loại thành ba nhóm nguyên nhân chính:
Nhiễm trùng: Nhiễm trùng là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm giác mạc. Vì một lý do nào đó, các loại vi khuẩn, virus, nấm, hoặc ký sinh trùng có thể xâm nhập vào giác mạc thông qua các vết xước nhỏ hoặc các vật bị nhiễm khuẩn.
Ví dụ, viêm giác mạc do vi khuẩn thường xuất phát từ các loại vi khuẩn như trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa) hoặc tụ cầu (Staphylococcus aureus).
Trong khi đó, viêm giác mạc do virus thường do virus herpes (HSV) gây ra, còn nấm và ký sinh trùng như Acanthamoeba tuy ít gặp nhưng có thể gây nhiễm trùng giác mạc nghiêm trọng (Trên thế giới đã ghi nhận các trường hợp đã suy giảm thị lực nghiêm trọng vì viêm giác mạc do Acanthamoeba khi đeo kính áp tròng).
Chấn thương mắt: Giác mạc là nơi trực tiếp tiếp xúc với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị tổn thương do các yếu tố bên ngoài. Kính áp tròng là một trong những nguyên nhân chính gây ra trầy xước, viêm giác mạc nếu không được sử dụng đúng cách. Ngoài ra, các chấn thương khác như cát bụi hoặc va chạm gây sang chấn cũng có thể gây viêm giác mạc.
Tác nhân dị ứng: Một số người có cơ địa dị ứng có thể bị viêm giác mạc khi mắt tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, kính hoặc các thành phần bảo quản kính.
Kính áp tròng có gây viêm giác mạc không?
Kính áp tròng có thể gây viêm giác mạc. Mặc dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng nếu sử dụng không đúng cách hoặc vệ sinh, bảo quản không đúng cách có thể gây viêm giác mạc.
Vì sao kính áp tròng gây ra viêm giác mạc?
Kính áp tròng có thể gây ra viêm giác mạc qua vì một số nguyên nhân:
Vệ sinh không đúng cách: Đây là nguyên nhân thường gặp nhất khiến người đeo kính bị viêm giác mạc. Nếu không làm sạch kính trước khi đeo hoặc không thay dung dịch vệ sinh kính thường xuyên, các tác nhân như vi khuẩn, nấm hoặc virus sẽ tích tụ trên bề mặt kính và xâm nhập vào giác mạc gây viêm giác mạc.
Đeo quá lâu: Đeo kính quá thời gian quy định ( khoảng 8 giờ mỗi ngày) có thể làm giảm lưu thông oxy đến giác mạc, ngoài việc làm khô mắt còn có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây tình trạng nhiễm trùng.
Đeo kính không phù hợp: Sử dụng kính không phù hợp với tình trạng của mắt hoặc không đúng với kích cỡ của mắt người dùng có thể gây ra ma sát quá mức, dẫn đến tổn thương giác mạc và tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Các yếu tố nguy cơ
Ngoài ra, một số yếu tố nguy cơ có thể gây ra viêm giác mạc trong quá trình sử dụng kính áp mà người dùng cần lưu ý, bao gồm:
- Tình trạng mắt không đảm bảo: Mắt khô, mắt dễ bị dị ứng hoặc có các bệnh lý về mắt khác mà chưa được điều trị triệt để có nguy cơ cao bị viêm giác mạc khi đeo kính.
- Không vệ sinh kính thường xuyên: Việc không vệ sinh kính đúng cách hoặc sử dụng dung dịch vệ sinh không đảm bảo chất lượng hay sử dụng nước máy chứa vi khuẩn sẽ làm tăng nguy cơ viêm giác mạc.
- Môi trường sống không sạch sẽ: khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều bụi bẩn có thể khiến mắt dễ bị tổn thương và nhiễm trùng, đặc biệt khi đeo kính áp tròng.
Biện pháp phòng ngừa viêm giác mạc khi sử dụng kính áp tròng
Để giảm nguy cơ viêm giác mạc, người dùng cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dưới đây khi sử dụng.
Chăm sóc kính áp tròng
Việc bảo quản và vệ sinh kính áp tròng đúng cách là yếu tố quyết định để tránh viêm giác mạc. Cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Vệ sinh kính hằng ngày bằng nước rửa kính chuyên dụng và ngâm trong dung dịch dành riêng cho kính, không sử dụng nước máy để rửa kính vì có thể chứa Acanthamoeba và các vi sinh vật khác.
- Thay kính áp tròng khi hết hạn sử dụng theo kính của nhà sản xuất, không sử dụng kính quá hạn.
- Bảo quản kính trong hộp đựng sạch sẽ, tránh để hộp kính ở nơi có nhiệt độ cao, tránh những nơi bụi bẩn, ô nhiễm…
Thói quen sử dụng an toàn
Ngoài việc chăm sóc kính, người dùng cũng cần chú ý đến các thói quen để sử dụng kính áp tròng an toàn:
- Không đeo kính khi ngủ: Việc đeo kính khi ngủ sẽ làm giảm lượng oxy đến giác mạc, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Thực hiện kiểm tra mắt định kỳ: Điều này giúp phát hiện sớm các vấn đề về mắt và đảm bảo rằng kính vẫn phù hợp với tình trạng thị lực và sức khỏe của đôi mắt.
- Tránh đeo kính khi tiếp xúc với nước: Nước từ bể bơi hoặc nước sông, nước máy trong sinh hoạt hàng ngày có thể chứa nhiều vi khuẩn và ký sinh trùng, như đã nói đó là những tác nhân gây nhiễm trùng giác mạc đặc biệt là khi tiếp xúc với kính.
Mặc dù kính áp tròng là lựa chọn tối ưu vì khả năng cải thiện thị lực và tính thẩm mỹ của nó. Tuy nhiên người dùng cần sử dụng cẩn thận và tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh, bảo quản và sử dụng để tránh nguy cơ viêm giác mạc.
Nếu bạn có những triệu chứng nghi ngờ viêm giác mạc khi sử dụng kính áp tròng. Hãy nhắn tin cho vivision để được tư vấn ngay hoặc đặt lịch khám để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Lời khuyên
Viêm giác mạc là một biến chứng có thể xảy ra khi sử dụng kính áp tròng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể phòng tránh bằng cách tuân thủ các hướng dẫn vệ sinh và sử dụng kính áp tròng đúng cách.
Tốt nhất người dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia nhãn khoa để được tư vấn về cách sử dụng kính an toàn và hiệu quả.
Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Bác sĩ Nhãn khoa
Uy tín: Bác sĩ Hằng luôn chiếm được tình cảm của các bạn nhỏ bởi sự hài hước và gần gũi. Bác mong muốn các con được sử dụng những phương pháp điều trị và chăm sóc mắt tốt, hiện đại và phù hợp nhất, bác sĩ cũng luôn cập nhật và đóng góp các ý kiến liên quan tới chuyên môn, máy móc, kỹ thuật đảm bảo cho mắt của trẻ được thăm khám và cho ra kết quả tốt nhất.
Gắn thẻ: