Vì sao mắt loạn thị gây ra song thị?
Mắt loạn thị là một tật khúc xạ thường gặp và gây ảnh hưởng về thị lực. Trong đó, loạn thị gây song thị là tình trạng nhìn đôi do loạn thị gây ra. Bài viết dưới đây sẽ tìm hiểu về loạn thị và song thị, cũng như mối liên hệ giữa hai tình trạng này.
Loạn thị và song thị là gì?
Mắt loạn thị và dấu hiệu song thị là hai vấn đề về thị lực có ảnh hưởng khác nhau đối với khả năng nhìn của mắt, nhưng lại có thể có mối liên hệ với nhau.
Loạn thị là gì?
Loạn thị là một tật khúc xạ thường gặp, gây ra bởi sự biến dạng ở bề mặt giác mạc hoặc thể thủy tinh của mắt. Thay vì có hình dạng tròn đều, giác mạc hoặc thể thủy tinh bị cong méo khiến tia sáng không thể hội tụ vào một điểm duy nhất trên võng mạc. Điều này làm cho hình ảnh trở nên mờ, nhòe hoặc méo mó.
Phân loại loạn thị:
Dựa trên nguyên nhân gây ra loạn thị, mắt loạn thị được chia thành:
- Loạn thị do giác mạc: là tình trạng loạn thị có nguyên nhân do giác mạc bị biến dạng.
- Loạn thị thấu kính: là tình trạng loạn thị gây ra do thể thủy tinh.
Dựa trên sự phối hợp với các tật khúc xạ khác, mắt loạn thị có thể được chia thành các loại như sau:
- Loạn cận đơn/kép: hình ảnh bị mờ khi nhìn xa (1 hoặc 2 tiêu tuyến nằm trước võng mạc).
- Loạn viễn đơn/ kép: hình ảnh bị mờ khi nhìn gần (1 hoặc 2 tiêu tuyến nằm sau võng mạc).
- Loạn thị hỗn hợp: xảy ra khi có cả tình trạng cận thị và viễn thị ở cùng một mắt (1 tiêu tuyến nằm trước, 1 tiêu tuyến nằm sau võng mạc), làm hình ảnh càng trở nên khó nhận diện.
Song thị là gì?
Song thị hay nhìn đôi, là hiện tượng khi một người nhìn thấy hai hình ảnh của cùng một vật (nằm cạnh nhau hoặc chồng chéo nhau). Tình trạng này có thể diễn ra ở một mắt hoặc cả hai mắt và thường gặp ở mắt loạn thị, mắt lác hoặc nhược thị,….
- Song thị một mắt: chỉ xuất hiện ở một mắt khi mắt kia được che lại. Điều này thường do các vấn đề về khúc xạ như loạn thị, đục thủy tinh thể hoặc giác mạc bị biến dạng.
- Song thị hai mắt: xảy ra khi cả hai mắt đều tham gia vào quá trình nhìn, nhưng do trục hoặc cơ mắt không đồng bộ, người bệnh sẽ thấy hai hình ảnh của vật. Nguyên nhân song thị hai mắt có thể gây ra bởi rối loạn ở cơ mắt (bệnh nhược cơ), dây thần kinh (đột quỵ, tiểu đường, thiếu máu não), rối loạn chức năng tuyến giáp, bệnh đa xơ cứng hoặc các bệnh lý khác ảnh hưởng đến não như chấn thương,…
Song thị có thể xuất hiện khi bệnh nhân bị loạn thị nặng, khi đó mức độ méo mó của hình ảnh đến mắt vượt quá ngưỡng mà não có thể điều chỉnh. Loạn thị thường gây ra song thị ở một mắt, do các tia sáng không hội tụ chính xác lên võng mạc của mắt bị ảnh hưởng.
Vì sao mắt loạn thị gây ra song thị?
Mắt loạn thị gây song thị do sự khúc xạ ánh sáng không đồng đều khi đi tới mắt do biến dạng giác mạc hoặc thể thủy tinh bị cong méo. Tia sáng khi vào mắt không hội tụ đúng vào một điểm duy nhất trên võng mạc mà bị phân tán, dẫn đến hình ảnh của vật đến mắt không sắc nét. Khi độ loạn thị tăng cao, hình ảnh càng bị phân tách thành hai hoặc nhiều lớp, làm cho người bệnh cảm giác thấy hai hình ảnh chồng lên nhau.
Trong trường hợp loạn thị một mắt nặng, bề mặt giác mạc bị biến dạng nghiêm trọng, khiến các tia sáng bị khúc xạ không đều. Điều này dẫn đến hiện tượng song thị ở một mắt, khiến người bệnh nhìn thấy hai hình ảnh của cùng một vật thể, ngay cả khi chỉ sử dụng một mắt để quan sát.
Ngoài ra, hai mắt loạn thị cùng lúc cũng có thể dẫn đến song thị trong một số trường hợp đặc biệt. Nếu mỗi mắt có một mức độ loạn thị khác nhau, hình ảnh thu được từ mỗi mắt sẽ bị sai lệch và không tương đồng. Bộ não sẽ gặp khó khăn khi phải đồng bộ và xử lý hai hình ảnh không khớp nhau, dẫn đến việc nhìn đôi khi cả hai mắt mở.
Điều trị loạn thị để ngăn ngừa song thị
Điều trị mắt loạn thị là giải pháp hiệu quả giúp giảm thiểu hoặc loại bỏ hiện tượng song thị do loạn thị. Các phương pháp điều trị loạn thị hiện nay bao gồm:
- Sử dụng kính cận hoặc kính áp tròng: Kính được điều chỉnh với độ loạn và trục của độ loạn chính xác sẽ giúp các tia sáng hội tụ đúng lên võng mạc, từ đó hình ảnh trở nên rõ ràng và không bị chồng chéo. Kính áp tròng, đặc biệt là loại kính áp tròng cứng hoặc kính áp tròng toric, được thiết kế đặc biệt để khắc phục mắt loạn thị bằng cách ổn định hình ảnh trên giác mạc.
- Phẫu thuật khúc xạ: Các phương pháp phẫu thuật như LASIK hoặc PRK có thể điều chỉnh giác mạc và khắc phục loạn thị. Phẫu thuật giúp cải thiện hình dạng giác mạc, từ đó giúp tia sáng hội tụ chính xác vào võng mạc, ngăn ngừa hiện tượng song thị.
- Đeo kính hoặc áp tròng định kỳ: Việc thường xuyên sử dụng kính hoặc kính áp tròng đúng độ loạn sẽ giúp hạn chế tình trạng mắt bị nhìn đôi, cải thiện thị lực.
Điều quan trọng khi điều trị mắt loạn thị là phải xác định đúng độ loạn của mỗi mắt. Khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa mắt để chẩn đoán chính xác và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp nhất cho từng người.
Phòng ngừa loạn thị
Một số cách để phòng ngừa ảnh hưởng của loạn thị và bảo vệ đôi mắt tốt hơn bao gồm:
- Bảo vệ mắt khỏi tác nhân gây hại: Ánh sáng mặt trời chứa tia cực tím có thể gây tổn thương giác mạc và làm tăng nguy cơ loạn thị. Sử dụng kính râm với khả năng chống tia UV khi ra ngoài sẽ bảo vệ mắt hiệu quả.
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Tránh sử dụng các thiết bị điện tử trong thời gian dài, thường xuyên để mắt nghỉ ngơi và điều chỉnh khoảng cách nhìn hợp lý giúp giảm căng thẳng cho mắt, từ đó giảm nguy cơ phát triển loạn thị.
- Dinh dưỡng cho mắt: Ăn các thực phẩm giàu vitamin A, C, E và omega-3 có lợi cho sức khỏe mắt, giúp giảm nguy cơ các bệnh về khúc xạ và tăng cường sức khỏe thị lực.
Mắt loạn thị, đặc biệt là loạn thị nặng có thể gây ra song thị. Song thị có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ và tìm kiếm các phương pháp điều trị phù hợp điều chỉnh loạn thị để loại bỏ tình trạng song thị.
Hãy đặt lịch khám tại vivision ngay nếu bạn hoặc con bạn đang bị loạn thị và có hiện tượng song thị để được thăm khám và tư vấn.
https://vivision.vn/tat-khuc-xa-vien-thi-nguyen-nhan-va-cach-dieu-tri-vien-thi-bam-sinh-la-gi/#vien-thi-co-dieu-tri-duoc-khong
Nếu bạn đang gặp phải hiện tượng song thị do mắt loạn thị, bạn nên đi gặp bác sĩ để được khám mắt và đeo kính đúng độ. Đối với những trường hợp không cải thiện được bằng kính, cần thăm khám chuyên khoa để loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn như tổn thương giác mạc hoặc các bệnh lý về thần kinh.
Chuyên môn: Khúc xạ Nhãn khoa Dương Công Quyền là 1 người có rất nhiều kinh nghiệm trong khúc xạ nhãn khoa trẻ em
Uy tín: Khúc xạ Nhãn khoa Quyền được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh.
Gắn thẻ: