Bảo vệ võng mạc – Sự quan trọng của võng mạc trong chức năng nhìn

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Hà Huy Thiên Thanh

vào ngày 28/04/2024

Võng mạc là bộ phận quan trọng của cơ quan thị giác. Nhiều thói quen xấu và bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp tới võng mạc từ đó gây ra hậu quả cuối cùng là giảm thị lực. Bài viết sau đây giúp bạn nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ sức khỏe đôi mắt. 

Võng mạc là gì – Tại sao võng mạc lại quan trọng?

Võng mạc là lớp trong cùng của nhãn cầu, nơi chứa các tế bào cảm thụ tiếp nhận ánh sáng từ ngoại cảnh rồi chuyển thành các tín hiệu thần kinh gửi tới não bộ. Đây là trạm đầu tiên của quá trình dẫn truyền của hệ thống thần kinh thị giác. Nếu tổn thương ngay trạm đầu tiên thì người bệnh sẽ mất thị lực hoàn toàn. Võng mạc chứa các tế bào thị giác gọi là tế bào nón, tế bào que. Đây là những tế bào nhạy cảm với ánh sáng và cũng rất dễ bị tổn thương dù chỉ là tác động nhẹ, ví dụ như: ánh sáng cường độ mạnh, tia cực tím, UV,…

Trung tâm võng mạc tương ứng với cực sau của nhãn cầu là một vùng có màu sáng nhạt gọi là hoàng điểm. Chính giữa hoàng điểm có một hố lõm xuống gọi là hố trung tâm. Hoàng điểm là nơi có mật độ tế bào cảm thụ ánh sáng cao nhất, đảm nhận vai trò là thị lực trung tâm, nhận biết màu sắc của vật. 

cau-truc-vong-mac

Cấu trúc võng mạc

Một số nguyên nhân gây tổn thương võng mạc

Nguyên nhân gây tổn thương võng mạc có thể đến từ bệnh lý tại mắt hoặc bệnh lý toàn thân. Bệnh lý tại mắt thường diễn biến một cách cấp tính với biểu hiện rầm rộ dễ nhận biết còn bệnh lý toàn thân gây biến chứng tại mắt một cách từ từ. 

Tại mắt

  • Bong võng mạc do cận thị nặng: Theo số liệu cho thấy, số mắt bong võng mạc có cận thị chiếm 50% trường hợp, bong võng mạc một mắt thì tỷ lệ cận thị là 44%, bong võng mạc hai mắt thì tỷ lệ cận thị là 59%. Cận thị càng cao thì bong võng mạc càng sớm, bong võng mạc càng sớm thì xu hướng bong võng mạc hai mắt. 
  • Tắc động/tĩnh mạch võng mạc: Cả hai nguyên nhân này đều liên quan đến việc dinh dưỡng cho võng mạc. Tắc động mạch võng mạc và một cấp cứu trong nhãn khoa. Khi động mạch bị tắc nghẽn, người bệnh không thấy đau, tự nhiên mất thị lực đột ngột một hoặc cả hai mắt, nếu không được can thiệp kịp thời có thể vĩnh viễn mất đi thị lực. Tắc tĩnh mạch võng mạc là ngừng trệ lưu thông tuần hoàn tĩnh mạch, dẫn đến thiếu oxy nuôi dưỡng võng mạc, gây tổn thương tế bào nội mô.
hinh-anh-tac-dong-mach-vong-mac

Hình ảnh tắc động mạch võng mạc

  • Nhiễm trùng: Con đường gây nhiễm trùng cho võng mạc thường từ nhiễm trùng các cấu trúc kệ cận võng mạc như: mống mắt, giác mạc, kết mạc,… Nhiễm trùng sẽ phá hủy các tế bào cảm thụ ánh sáng, phù nề võng mạc. Việc kiểm soát nhiễm trùng võng mạc là rất khó vì nó nằm sâu trong cùng của nhãn cầu. Để hạn chế nhiễm trùng võng mạc thì phải kiểm soát tốt sự viêm nhiễm của cấu trúc lân cận. 
  • Xuất huyết võng mạc: Xuất huyết võng mạc thương là một biểu hiện của các vấn đề về huyết áp cao, bệnh van tim, hoặc các vấn đề khác liên quan đến hệ thống tim mạch. Khi bị xuất huyết võng mạc gây thiếu máu nuôi dưỡng võng mạc kèm theo đó là lớp dịch máu sẽ bóc tách dần gây bong võng mạc.
xuat-huyet-vong-mac

Hình ảnh xuất huyết võng mạc

  • Bệnh võng mạc trẻ đẻ non: Tuổi thai càng nhỏ, cân nặng càng ít, thời gian thở oxy quá dài thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Bệnh lý này thường xảy ra ở trẻ đẻ non,mà không thể phát hiện bằng mắt thường. Chính vì thế nên cho trẻ đi khám sàng lọc sớm, bác sĩ sẽ quan sát bằng máy móc để loại trừ bệnh lý nguy hiểm này.

Toàn thân: Thường tiến triển từ từ

  • Tiểu đường: Bệnh võng mạc đái tháo đường xảy ra ở hầu hết các trường hợp đái tháo đường tiến triển sau 10-15 năm. Nguy cơ bệnh võng mạc đái tháo đường phụ thuộc vào nhiều yếu tố: thời gian bị đái tháo đường, mức độ đường máu, cao huyết áp, …. Đặc trưng cơ bản của bệnh võng mạc đái tháo đường là giãn mạch, xuất huyết, tắc mạch. Những tổn thương này thường khó phát hiện được bằng soi đáy mắt thông thường.
  • Tăng huyết áp: Bệnh võng mạc do tăng huyết áp là biến chứng mạch máu thường gặp của tăng huyết áp. Mức độ tổn thương mạch máu võng mạc phản ánh mức độ tổn thương hệ thống mạch máu toàn cơ thể. Bệnh võng mạc do tăng huyết áp xảy ra khi huyết áp của người bệnh tăng quá cao không được kiểm soát thường xuyên khiến cho thành mạch dày lên, dần xơ cứng, đường kính mạch máu này hẹp lại làm cho máu tới võng mạc bị hạn chế. 

Cả hai bệnh đái tháo đường và tăng huyết áp đều dẫn đến hậu quả cuối cùng là thiếu oxy võng mạc, các tế bào cảm thụ ánh sáng chết dần gây mất thị lực. 

  • Thoái hóa hoàng điểm tuổi già: Thoái hóa hoàng điểm (hay còn gọi là điểm vàng) là bệnh gây tổn thương cho điểm vàng – khu vực trung tâm  của võng mạc, dẫn đến mất dần thị lực ở trung tâm của thị trường nhìn. Đây là bệnh liên quan đến tuổi tác và cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa ở người từ 60 tuổi trở lên. Bệnh chia là làm 2 loại: thể khổ và thể ướt. 

Những biện pháp cần thực hiện để bảo vệ võng mạc

Bệnh võng mạc có thể tiến triển một cách lặng thầm, từ từ không có dấu hiệu nhận biết, đặc biệt đối với lứa tuổi người già thường bị cho là do lão hóa tuổi già; đôi khi bệnh cũng tiến triển một cách rầm rộ, nếu không xử lý kịp thời có thể gây mất thị lực hoàn toàn. Chính vì thế, để phòng tránh các bệnh về võng mạc cần: 

  • Thăm khám định kỳ: Quan trọng để sớm phát hiện và điều trị;
  • Kiểm soát tốt các bệnh toàn thân có thể ảnh hưởng như: Đái tháo đường và tăng huyết áp. Duy trì chỉ số đường huyết và huyết áp trong giới hạn khuyến cáo của bác sĩ. Thường xuyên kiểm tra huyết áp và đường huyết tại nhà, chủ động phát hiện những dấu hiệu của sự mất kiểm soát;
  • Tránh ánh sáng xanh: Sử dụng kính râm khi đi ra ngoài, lựa chọn kính cận có tác dụng chống ánh sáng xanh để hạn chế tác hại của việc sử dụng điện thoại vào mắt;
  • Bổ sung dinh dưỡng: Sử dụng thực phẩm hoặc dược phẩm có chứa Vitamin A, C, Omega-3, Lutein và zeaxanthin,… đây đều là những chất tốt cho mắt, tăng cường chuyển hóa, chống thoái hóa của các tế bào cảm thụ ánh sáng, tăng sức bền của mạch máu toàn thân cũng như võng mạc;
  • Tránh chấn thương: Bảo vệ mắt khi chơi thể thao, làm việc. 

Lời khuyên

Có rất nhiều căn nguyên có thể gây bệnh võng mạc đặc biệt đối với những lứa tuổi có nguy có cao như sơ sinh và cao tuổi. Ngoài trường hợp đến khám vì có biểu hiện bất thường ở mắt thì việc thăm khám định kỳ tại những phòng khám mắt uy tín, chuyên nghiệp là một những thói quen tốt giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt cho cả gia đình.

Tiến sĩ Hà Huy Thiên Thanh
Bác sĩ Hà Huy Thiên Thanh
Tiến sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Thần kinh với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, Thần kinh.

Uy tín: Bác sĩ Thanh được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

bệnh võng mạc

Võng mạc