Bệnh cận thị học đường và các biện pháp phòng tránh

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Hà Trung Đức

vào ngày 31/07/2024

Bệnh cận thị học đường hiện đang là một vấn đề lớn đối với học sinh. Các bậc cha mẹ nên tham khảo bài viết của vivision kid để nhận biết sớm các dấu hiệu, nguyên nhân và từ đó có biện pháp phòng tránh cận thị học đường phù hợp cho con em mình.

Bệnh cận thị học đường là gì?

Cận thị là một tật khúc xạ của mắt thường do nhãn cầu dài ra hoặc những vấn đề ở giác mạc, thể thủy tinh, khiến hình ảnh hội tụ ở phía trước thay vì trên võng mạc, dẫn đến nhìn mờ. 

Bệnh cận thị học đường là khi các em nhỏ mắc tật cận thị trong độ tuổi đi học. Khi trẻ mắc phải tình trạng này, trẻ sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập, sinh hoạt và giao lưu với mọi người xung quanh. Những dấu hiệu thường gặp ở trẻ bao gồm:

  • Gặp khó khăn khi nhìn chữ trên bảng hoặc các vật ở xa, thường nheo mắt để nhìn rõ.
  • Trẻ đọc chậm, viết chậm, sai chữ, chữ bị nhòe, dẫn đến kết quả học tập giảm sút.
  • Thường đọc sách, xem tivi ở khoảng cách gần.
  • Một số trẻ có thể trở nên rụt rè và thiếu tự tin.
Bệnh cận thị học đường là gì?

Bệnh cận thị học đường là gì?

Nguyên nhân cận thị học đường ở trẻ

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh cận thị học đường, hiểu rõ những nguyên nhân này sẽ giúp các bậc phụ huynh theo dõi và phòng tránh cho trẻ trước khi bệnh tiến triển:

  • Điều kiện ánh sáng không đủ: Khi nơi học tập hoặc sinh hoạt không đủ ánh sáng, nguy cơ bị cận thị sẽ tăng lên nhiều lần.
  • Thường xuyên cúi sát khi ngồi học: Trẻ cúi gập người khi ngồi học do bàn ghế không phù hợp với lứa tuổi hoặc do trẻ nhìn không rõ, buộc phải cúi sát vào sách vở. Tư thế này ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của trẻ và gây ra các tác động xấu đến sự phát triển chiều cao và khung xương.
  • Sử dụng thiết bị điện tử trong thời gian dài: Việc trẻ nhìn chăm chú vào tivi, điện thoại trong thời gian dài vô tình hủy hoại đôi mắt của trẻ. Ánh sáng từ màn hình các thiết bị này có tác động trực tiếp đến các tế bào biểu mô sắc tố ở võng mạc. Việc sử dụng liên tục các thiết bị điện tử khiến mắt phải điều tiết thường xuyên làm gia tăng bệnh cận thị học đường.
  • Yếu tố di truyền: Có hơn 24 gen liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển cận thị. Tật cận thị liên quan nhiều đến cấu trúc mắt, vì thế có thể di truyền. Nghiên cứu cho thấy 33-60% học sinh bị cận thị có cha và mẹ đều bị cận thị. Nếu cha hoặc mẹ bị cận thị, tỷ lệ di truyền cho con cái là 23-40%. Nếu cả cha và mẹ không bị cận thị thì vẫn có 6-10% khả năng con cái bị cận thị.
Nguyên nhân gây bệnh cận thị học đường ở trẻ

Nguyên nhân gây bệnh cận thị học đường ở trẻ

Hậu quả của cận thị gây ra ở trẻ

Bệnh cận thị học đường ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả học tập và sinh hoạt hàng ngày của trẻ. Hậu quả cận thị ở trẻ là khi mắt nhìn kém, trẻ dễ bỏ sót chữ khi đọc, không thấy rõ dấu chấm, phẩy, ảnh hưởng đến việc đọc viết và làm giảm kết quả học tập. Cận thị cũng khiến trẻ ngại tham gia các hoạt động cần nhìn xa, làm cho trẻ xa lánh bạn bè và ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp.

Hệ thống thị giác của trẻ đang trong giai đoạn phát triển, nếu tật cận thị không được phát hiện kịp thời có thể dẫn đến nhược thị và lé. Quá trình điều trị và phục hồi nhược thị và lé mất rất nhiều thời gian và công sức. Do đó, cha mẹ cần quan tâm và chú ý đến những biểu hiện của trẻ để phát hiện tật khúc xạ kịp thời.

Phương pháp điều trị bệnh cận thị học đường

Khi trẻ bị chẩn đoán mắc bệnh cận thị học đường, có thể áp dụng các phương pháp điều trị sau:

Kính gọng

Đeo kính gọng hiện là phương pháp phổ biến nhất, an toàn và tiết kiệm nhất để khắc phục các triệu chứng của bệnh cận thị học đường. Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý một số nhược điểm khi sử dụng kính gọng để tư vấn cho con, chẳng hạn như cảm giác bất tiện và vướng víu khi tham gia các hoạt động vui chơi, thể dục thể thao, và gặp khó khăn khi đi dưới trời mưa do kính bị bám hơi nước.

Kính áp tròng mềm

Kính áp tròng còn gọi là kính tiếp xúc cũng là một phương pháp điều trị cận thị khá phổ biến. Hiện nay, loại kính áp tròng đa tiêu cự được thiết kế với các vùng tiêu cự khác nhau, trong đó trung tâm kính tập trung vào tầm nhìn xa, còn phần viền kính giúp làm mờ tầm nhìn ngoại vi. Điều này có thể giúp làm chậm sự phát triển của cận thị.

Đeo kính áp tròng khắc phục các triệu chứng của bệnh cận thị học đường

Đeo kính áp tròng khắc phục các triệu chứng của bệnh cận thị học đường

Một số người ưa chuộng kính áp tròng vì tính thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, kính áp tròng cũng có nhược điểm như dễ gây kích ứng, khô mắt và chi phí thay kính khá cao. Nếu không đảm bảo vệ sinh đúng cách, kính áp tròng còn làm tăng nguy cơ viêm nhiễm mắt.

Kính ortho-K

Ortho-K là kính tiếp xúc cứng được sử dụng để chỉnh hình giác mạc. Được đeo vào ban đêm trong lúc ngủ (khoảng 6-8 giờ mỗi đêm), Ortho-K cho phép người dùng học tập và sinh hoạt bình thường vào ban ngày mà không cần đeo kính. Ngoài ra Kính Ortho-K hiện được xem là phương pháp hạn chế tiến triển của cận thị tốt nhất.

Phương pháp này thường được chỉ định cho trẻ có độ cận tăng nhanh hoặc những người cận thị không muốn phẫu thuật hoặc chưa đủ 18 tuổi (chưa đủ tuổi phẫu thuật). Tuy nhiên, Ortho-K có nhược điểm là giá thành cao và khó đạt hiệu quả cao với các trường hợp cận thị nặng. Ngoài ra, nếu không vệ sinh đúng cách, nguy cơ viêm nhiễm mắt sẽ tăng lên.

Phẫu thuật khúc xạ có phải phương pháp tốt để điều trị cận thị học đường không?

Phẫu thuật khúc xạ như LASIK, PRK và các phương pháp khác có thể là một phương pháp hiệu quả để điều trị cận thị. Tuy nhiên, việc áp dụng phẫu thuật này cho trẻ em học đường cần cân nhắc kỹ lưỡng ưu nhược điểm sau:

  • Ưu điểm: Sau khi phẫu thuật, trẻ sẽ có thể sinh hoạt bình thường mà không cần sử dụng kính.
  • Nhược điểm: Các phương pháp phẫu thuật như SBK Lasik sử dụng dao để tạo vạt, có thể gặp các tai biến như lệch vạt hoặc nhiễm trùng vạt. 

Phương pháp Femtosecond Lasik dùng tia laser để hạn chế nhược điểm này. Còn phương pháp Relex Smile là phương pháp tối ưu nhất hiện nay vì không can thiệp vào giác mạc và không tạo vạt. 

Tuy nhiên, một số tác dụng phụ như khô mắt và các tai biến muộn có thể xảy ra sau các phương pháp phẫu thuật này. Do phẫu thuật can thiệp vào thần kinh giao cảm của mắt, lâu dài có thể gây cảm giác khô mắt nên sau mổ, trẻ có thể cần sử dụng nước mắt nhân tạo trong thời gian dài.

Phẫu thuật khúc xạ điều trị bệnh cận thị học đường

Phẫu thuật khúc xạ điều trị bệnh cận thị học đường

Vấn đề cần lưu ý là cận thị có thể tái phát sau phẫu thuật, đặc biệt là khi phẫu thuật được thực hiện quá sớm khi độ cận chưa ổn định, có thể dẫn đến việc cận thị tái phát. Đối với các trường hợp cận thị cao hoặc cận thị thoái hoá, phẫu thuật cũng không phải là giải pháp triệt để.

Các biện pháp phòng tránh cận thị học đường

Điều chỉnh tư thế ngồi học thích hợp

Điều chỉnh tư thế ngồi học thích hợp là biện pháp phòng tránh cận thị học đường cha mẹ cần lưu ý rèn cho con. Tư thế ngồi học chuẩn như sau:

  • Tư thế ngồi: Ngồi thẳng lưng, vuông góc với ghế, đầu cách vở khoảng 35-40 cm, ngực không tỳ vào bàn. Hai đùi ngồi song song, chân vuông góc với mặt đất. Tay trái giữ vở vuông góc với cạnh bàn, tay phải tạo góc 45 độ với bàn. Mặt bàn nên nghiêng khoảng 15-20 độ so với mặt đất.
  • Cầm bút và góc nghiêng: Ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa cầm bút, ngón cái và ngón trỏ phía trên, ngón giữa đỡ dưới. Ngòi bút cách đầu ngón trỏ khoảng 2,5 cm, bút nghiêng khoảng 45 độ so với mặt giấy.
  • Góc nghiêng của vở: Mép vở tạo góc 15 độ với mép bàn.
  • Chiều cao bàn, ghế: Mép bàn chạm ngực dưới khi ngồi. Ghế quá cao gây còng lưng, ghế quá thấp mắt gần mặt bàn dễ gây cận thị.

Thường xuyên để mắt nghỉ ngơi

Thường xuyên cho trẻ nghỉ ngơi mắt là điều quan trọng. Trong thời gian nghỉ ngơi, tránh xem tivi hoặc điện thoại, và nên hướng mắt trẻ ra nhìn vật ở khoảng cách xa. Áp dụng quy tắc 20-20-20 là một lựa chọn tốt: mỗi 20 phút làm việc, nghỉ ngơi mắt trong 20 giây và nhìn vật ở khoảng cách xa 20 feet (khoảng 6 mét).

Quản lý thời gian sử dụng thiết bị điện tử

Thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ em nên được giới hạn, đặc biệt là trong thời gian học tập. Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi mắt sau mỗi 30-40 phút sử dụng.

Trẻ em nên được giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử

Trẻ em nên được giới hạn thời gian sử dụng các thiết bị điện tử

Tăng thời gian hoạt động ngoài trời

Thường xuyên tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời không chỉ tốt cho sức khỏe mắt mà còn giúp tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Bổ sung dinh dưỡng mắt

Cần chú ý bổ sung vitamin A và các vi chất khác như kẽm, crom,… để giúp bảo vệ và cải thiện sức khỏe mắt cho trẻ. Các thực phẩm giàu dưỡng chất này bao gồm: cà rốt, cà chua, bí đỏ, thịt bò, trứng, nho, nấm, hải sản,…

Khám mắt định kỳ

Việc thực hiện khám mắt định kỳ 3-6 tháng/lần sẽ giúp phụ huynh phát hiện kịp thời các vấn đề liên quan đến mắt của trẻ. Tại vivision kid, các bác sĩ chuyên khoa mắt từ Bệnh viện Mắt Trung Ương và các Optometrists từ Đại học Y Hà Nội, sau nhiều năm tu nghiệp ở nước ngoài, có nhiều kinh nghiệm trong điều trị tật cận thị ở trẻ. Đặt lịch khám tại vivision kid để các bác sĩ chăm sóc, bảo vệ giúp con có một đôi mắt sáng nhé.

Lời khuyên

Bệnh cận thị học đường sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến hiện tại và tương lai sau này của trẻ. Vì vậy, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn. Hãy hướng dẫn trẻ ngồi học đúng tư thế, hướng dẫn con cách bảo vệ mắt và đưa trẻ đi khám mắt định kỳ 6 tháng 1 lần để kịp thời phát hiện tật khúc xạ ở trẻ.

Khúc xạ Nhãn khoa Hà Trung Đức
Khúc xạ Nhãn khoa Hà Trung Đức
Chuyên gia Thị giác hai mắt
Xem thêm

Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển Trẻ em

Uy tín: Khúc xạ Nhãn khoa Hà Trung Đức được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, chú đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

bệnh cận thị học đường

biện pháp phòng tránh cận thị học đường

hậu quả cận thị ở trẻ