Bệnh võng mạc tiểu đường và 1 số lưu ý về phòng ngừa

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Thị Xuân Thủy

vào ngày 31/07/2024

Bệnh võng mạc tiểu đường là gì? Biến chứng của bệnh võng mạc tiểu đường có nguy hiểm không?

Tiểu đường (hay Đái tháo đường) là bệnh rối loạn chuyển hóa với đặc trưng là tỉ lệ đường trong máu ở mức cao. Theo Hiệp hội Đái tháo đường thế giới (IDF), trên thế giới có 463 triệu người (từ 20-79 tuổi) mắc bệnh tiểu đường vào năm 2019. Bệnh tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng ở nhiều cơ quan trên cơ thể, trong đó có mắt.

Các biến chứng tại mắt được gọi chung là bệnh võng mạc tiểu đường

Bệnh võng mạc tiểu đường là gì? Bệnh tiểu đường tác động tới mắt như thế nào?

Bệnh võng mạc tiểu đường là tình trạng bệnh lý ở võng mạc do bệnh tiểu đường gây ra. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa ở các nước phát triển và có xu hướng gia tăng tỉ lệ ở các nước đang phát triển.

Tại Việt Nam, có 4.5 triệu người mắc tiểu đường, trong đó 20% bệnh nhân có tình trạng bệnh võng mạc tiểu đường ở các mức độ khác nhau.

Benh-vong-mac-tieu-duong

Bệnh tiểu đường có tỷ lệ mắc cao ở tuổi trung niên trở lên

Nguyên nhân gây ra bệnh võng mạc tiểu đường

Đường máu tăng cao ở bệnh nhân mắc võng mạc tiểu đường gây ra những tổn thương vi mạch máu ở đáy mắt. Do những tổn thương này, thành mạch tăng tính thấm dẫn tới huyết tương bị rò vào võng mạc gây phù nề. Ngoài ra, các vi phình mạch dẫn tới tắc mạch làm giảm khả năng tưới máu, thành mạch thiếu oxy bị xơ hóa có thể bị vỡ gây xuất huyết võng mạc.

Sự thiếu máu của các thành mạch sẽ kích thích tạo ra những mạch máu mới, gọi là các tân mạch để nuôi dưỡng những vùng bị thiếu oxy này, các mạch máu này thường rất dễ vỡ gây xuất huyết dịch kính, xơ hóa làm co kéo và bong võng mạc.

Võng mạc ở mắt là nơi có những tế bào cảm thụ ánh sáng, với hoàng điểm là nơi cho thị lực cao nhất. Bệnh võng mạc tiểu đường gây ra những tổn thương nặng cho võng mạc, ảnh hưởng trầm trọng tới thị lực cũng như những chức năng thị giác của bệnh nhân.

Benh-vong-mac-tieu-duong

Bệnh võng mạc tiểu đường

Những đối tượng nào có nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường?

Cứ 10 bệnh nhân mắc bệnh tiến triển 10-15 năm thì có 9 người phát hiện mắc bệnh võng mạc tiểu đường với các triệu chứng điển hình như phù hoàng điểm, xuất huyết dịch kính, xuất huyết võng mạc, vi phình mạch,…

Bệnh nhân khi kiểm soát lượng đường huyết kém có nhiều nguy cơ gây ra các biến chứng tại mắt, tỉ lệ mắc bệnh sẽ tăng lên ở bệnh nhân cao huyết áp, suy thận, béo phì, nghiện thuốc lá, phụ nữ mang thai bị tiểu đường,…

Thời gian mắc tiểu đường là yếu tố nguy cơ quan trọng, thời gian càng lâu thì nguy cơ bệnh võng mạc tiểu đường càng lớn. Những bệnh nhân mắc tiểu đường dưới 30 tuổi, 50% sẽ được chẩn đoán xuất hiện các biến chứng ở võng mạc sau 10 năm.

Benh-vong-mac-tieu-duong

Người béo phì có nhiều nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường

Dấu hiệu của bệnh võng mạc tiểu đường

Người bệnh thường không nhận ra bệnh võng mạc tiểu đường khi tình trạng mới khởi phát do những triệu chứng thường rất mờ nhạt, thường gặp nhất là thị lực suy giảm.

Sau đó, khi tình trạng bệnh tiến triển, sẽ xảy ra các triệu chứng rõ nét hơn như khả năng nhìn trong bóng tối kém, rối loạn sắc giác, hiện tượng ruồi bay, tầm nhìn dao động,… Nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời, có thể dẫn tới mù lòa.

Benh-vong-mac-dai-thao-duong

Hiện tượng ruồi bay ở bệnh võng mạc tiểu đường

Đặc điểm tổn thương bệnh võng mạc tiểu đường

Tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng tại mắt, các triệu chứng rất đa dạng nên bệnh võng mạc tiểu đường sẽ được phân loại dựa trên các giai đoạn bệnh:

  • Bệnh võng mạc tiểu đường giai đoạn nền: phát hiện các vi phình mạch, xuất huyết nhẹ, phù võng mạc
  • Bệnh hoàng điểm tiểu đường: phù hoàng điểm, xuất tiết cứng xung quanh hoàng điểm
  • Bệnh võng mạc tiểu đường tiền tăng sinh: thiếu máu cục bộ võng mạc, tĩnh mạch võng mạc có dạng chuỗi hạt, xuất huyết, xuất tiết võng mạc 
  • Bệnh võng mạc tiểu đường tăng sinh: tăng sinh các tân mạch bất thường
Benh-vong-mac-dai-thao-duong

Đáy mắt ở bệnh võng mạc đái tháo đường

 

Điều trị và phòng tránh bệnh võng mạc tiểu đường như thế nào?

Để phát hiện tình trạng bệnh võng mạc tiểu đường, các bác sĩ sẽ có các chỉ định chụp hình đáy mắt, chụp mạch máu huỳnh quang để phát hiện tổn thương vi mạch, xuất huyết, xuất tiết ở võng mạc; chụp OCT để đánh giá tình trạng phù hoàng điểm, tổn thương ở võng mạc trung tâm

Với các giai đoạn bệnh võng mạc tiểu đường khác nhau sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau với từng giai đoạn, như laser quang đông võng mạc, tiêm nội nhãn Corticoid hoặc thuốc ức chế tăng sinh tân mạch (Anti-VEGF), phẫu thuật,…

Bệnh nhân tiểu đường nên giữ lượng đường huyết và huyết áp ổn định để tránh tiến triển gây ra những biến chứng võng mạc. Các giới hạn này nên nằm trong giới hạn được các bác sĩ điều trị tiểu đường đặt ra.

Khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ, đặc biệt là với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ, cần thăm khám ngay tại các cơ sở y tế hoặc phòng khám uy tín để được các bác sĩ thăm khám và theo dõi điều trị, tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm hơn. Hơn hết, việc khám mắt định kỳ 3-6 tháng/ lần là cần thiết với mọi người để tầm soát bệnh từ sớm.

Benh-vong-mac-dai-thao-duong

Máy chụp đáy mắt để quan sát đáy mắt

Như vậy, bài viết trên đây đã cung cấp những thông tin bổ ích về bệnh võng mạc tiểu đường. Hy vọng các bạn đọc đã rút ra được những kiến thức bổ ích, hãy cùng chia sẻ với mọi người để cùng nâng cao sức khỏe đôi mắt của mỗi chúng ta nhé.

Lời khuyên

Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Thị Xuân Thủy
Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Thị Xuân Thủy
Chuyên gia Kiểm soát cận thị
Xem thêm

Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển và Khúc xạ Nhãn nhi

Uy tín: Bằng khả năng giao tiếp và kết nối, chuyên gia Xuân Thủy ấn tượng với mọi người và bệnh nhân nhí bằng sự kiên trì, nhẹ nhàng đem lại một nguồn năng lượng tích cực.

Gắn thẻ:

bệnh võng mạc

võng mạc tiểu đường