Cách điều trị cận thị 1 bên mắt
Cận thị là một tật khúc xạ rất phổ biến trong giới trẻ ngày nay. Đây là một tình trạng khiến cho mắt nhìn mờ khi nhìn xa nhưng nhìn gần lại rõ. Hiện nay, tỷ lệ cận thị đang ngày càng tăng cao nhất là trong giới trẻ.
Cận thị có thể xuất hiện ở một mắt hoặc hai mắt. Tình trạng này nếu xảy ra ở cả hai mắt sẽ rất dễ nhận biết và thường dễ bị bỏ qua nếu ở một mắt. Vậy làm thế nào để nhận biết được khi nào mình bị cận thị một mắt? Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là gì? Làm thế nào để điều trị nó? Cận một bên có thể xảy ra nguy cơ gì nếu trẻ không điều trị cận thị một bên?
Làm thế nào để phát hiện cận thị một bên mắt
Cận thị là tình trạng một bên mắt nhìn kém khi nhìn xa trong khi mắt còn lại cho thị lực bình thường thậm chí có độ viễn nhẹ. Bình thường thị lực hai mắt sẽ tốt hơn một mắt vậy nên nếu bạn chỉ bị cận một bên với độ cận nhẹ thì có thể sẽ khó phát hiện hơn. Điều này dẫn đến việc tình trạng này thường bị bỏ sót và lãng quên.
Thêm vào đó là việc trẻ thường không hiểu và không thông báo cho phụ huynh về tình trạng của mình. Vì thế nên tình trạng này thường sẽ chỉ được phát hiện khi trẻ được khám sàng lọc tại trường, đi khám mắt hoặc trẻ bị che bên mắt tốt hơn. Khi bị che trẻ thường có động tác gạt tay loại bỏ vật che trước mắt, đây cũng là một dấu hiệu bố mẹ cần lưu ý ở trẻ.
Nếu đã phát hiện trẻ bị cận thị một bên mắt, bố mẹ cần đưa trẻ đi khám và điều trị càng sớm càng tốt. Thời điểm tốt nhất để can thiệp là khi trẻ học tiểu học.
Dấu hiệu thường gặp khi trẻ bị cận một bên mắt
Khi trẻ có các dấu hiệu dưới đây hoặc được phát hiện cận thị một bên mắt, bố mẹ cần đưa con đi khám càng nhanh càng tốt. Các dấu hiệu đó là:
- Đau đầu: việc chênh lệch thị lực ở hai bên mắt khiến trẻ phải điều tiết với các mức độ khác nhau, thêm vào đó trẻ sử dụng thị lực nhìn gần rất nhiều điều đó khiến mắt thường xuyên phải giữ mức độ điều tiết khác nhau ở cả hai mắt. Việc đó khiến trẻ thường phàn nàn với bố mẹ rằng mình thường đau đầu khi nhìn gần trong thời gian dài;
- Song thị: đây là tình trạng mà mắt nhìn một vật thành hai ảnh riêng biệt. Điều này xảy ra do chênh lệch ở hai mắt khiến mắt không hợp được hai hình thành một. Điều này gây ra một sự khó chịu cho trẻ. Đây có thể là một dấu hiệu tạm thời nhưng cũng có thể là một dấu hiệu cho một bệnh mắt khác;
- Khả năng nhìn hình nổi kém: trẻ khi nhìn hình ảnh 3D sẽ kém hơn do chênh lệch kích thước ảnh ở hai mắt.
Nguyên nhân gây cận thị một bên ở trẻ hiện nay còn chưa rõ, một số nghiên cứu cho rằng tình trạng này xảy ra có thể do gen hoặc do môi trường sống của trẻ.
Phương pháp điều trị cận thị một bên mắt
Cũng như những phương pháp được sử dụng khi trẻ bị cận thị hai mắt hoặc các tật khúc xạ khác, cận một bên có những phương pháp như:
- Sử dụng kính gọng: đây là một phương pháp thuận tiện, dễ sử dụng, phổ biến với rất nhiều người. Hầu hết các trường hợp có tật khúc xạ đều ưu tiên sử dụng kính gọng trước khi dùng những phương pháp khác;
- Kính Ortho-K: loại kính dùng cho ban đêm khi trẻ ngủ, giúp trẻ nhìn rõ mà không cần dùng thêm kính gọng. Thích hợp khi trẻ có những hoạt động vui chơi ở bên ngoài có thể xảy ra va chạm như đá bóng, đuổi bắt, làm giảm khả năng rơi vỡ kính;
- Kính áp tròng: khi sử dụng làm tăng chất lượng và trường nhìn cho trẻ. Tuy nhiên kính vẫn có khả năng rơi khi vận động mạnh hoặc khi va chạm. Việc sử dụng kính ở trẻ cần có bố mẹ trợ giúp do trẻ không thể tự đeo được cho bản thân.
Nguy cơ biến chứng nếu trẻ không điều trị cận thị một bên mắt
Một số nguy cơ có thể xảy ra khi trẻ bị cận một bên mà bố mẹ cần biết như:
- Nhược thị: là tình trạng một hoặc cả hai mắt có thị lực sau chỉnh kính thấp hơn bình thường. Điều này xảy ra do trẻ không được chỉnh tật khúc xạ làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mắt. Thời điểm vàng để điều trị cận thị là trước khi trẻ 8 tuổi. Sau thời gian này việc chữa trị sẽ khó khăn hơn;
- Lác: việc một mắt tốt hơn mắt còn lại khiến cho não thường sẽ ưu tiên sử dụng mắt tốt hơn khiến mắt kia có khả năng sẽ bị lác;
- Tăng cận nhanh: việc không chỉnh tật khúc xạ hoặc không kiểm soát tiến triển cận thị khiến mắt tăng độ nhanh làm tăng nguy cơ mắc biến chứng của cận thị (bong võng mạc).
Lời khuyên
Bị cận thị một bên thường dễ bị bỏ qua, khó phát hiện. Vậy nên trẻ cần được thăm khám thường xuyên để có thể phát hiện và điều trị sớm, làm giảm nguy cơ mắc các biến chứng khác.
Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển và Khúc xạ Nhãn nhi
Uy tín: Bằng khả năng giao tiếp và kết nối, chuyên gia Hòa ấn tượng với mọi người và bệnh nhân nhí bằng sự kiên trì, nhẹ nhàng đem lại một nguồn năng lượng tích cực.
Gắn thẻ: