Cách khắc phục bệnh viêm giác mạc – bỏng mắt do ánh sáng
Bệnh viêm giác mạc – bỏng mắt do ánh sáng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị lực nếu không được điều trị và chăm sóc mắt kịp thời. Do đó, các bạn cần nắm rõ phương pháp khắc phục bệnh được gợi ý cụ thể như sau.
Bệnh viêm giác mạc do ánh sáng là gì?
Bỏng giác mạc do tia sáng còn có nhiều tên gọi khác nhau như bỏng mắt do ánh sáng, viêm giác mạc do ánh sáng, bệnh giác mạc do ánh sáng, mờ mắt do tuyết…
Đúng như tên gọi, đây là tình trạng giác mạc bị bỏng do tiếp xúc với tia sáng cường độ mạnh. Tức là khi tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời hay các nguồn chiếu sáng phát ra bức xạ cực tím khác, đều có thể khiến bạn bị bỏng giác mạc. Hiện tượng này cũng giống như cháy nắng trên da, nhưng chúng gây tổn thương đến lớp giác mạc (tròng đen) của mắt.
Thông thường, bệnh sẽ có triệu chứng đau nhức, có thể sẽ xuất hiện từ 8 đến 12 tiếng đồng hồ sau khi tiếp xúc với nguồn sáng. Đó cũng chính là lý do vì sao người bệnh bị bỏng mắt thường khởi phát biểu hiện vào lúc nửa đêm.
Triệu chứng của viêm giác mạc (bỏng mắt) do ánh sáng
Khi tiếp xúc quá mức với ánh sáng hoặc ánh sáng quá mạnh, bạn sẽ có nguy cơ bị bệnh viêm giác mạc. Bệnh thường có những triệu chứng như sau:
- Cảm giác cộm, khô mắt.
- Cảm giác có dị vật – như có cát trong mắt.
- Dễ bị kích thích, chảy nước mắt.
- Sợ ánh sáng.
- Bị sưng mi, đỏ mắt.
- Đau mắt nặng hơn vào ban đêm (nhất là khi tiếp xúc với ánh sáng sau 8 – 12 tiếng đồng hồ).
Ai dễ bị bệnh viêm giác mạc do ánh sáng?
Trước khi tìm hiểu xem những đối tượng nào dễ bị bỏng giác mạc do ánh sáng, bạn cần biết nguồn ánh sáng dễ gây tổn hại mắt là gì? Bật mí, đó chính là:
- Mặt trời – ánh sáng trắng (tập hợp của vô số ánh sáng đơn sắc có màu sắc biến thiên liên tục từ đỏ đến tím), nguồn sáng chủ yếu xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta. Mỗi màu sắc sẽ tương ứng với 1 bước sóng khác nhau, năng lượng khác nhau. Trong dải quang phổ nhìn thấy, ánh sáng tím có bước sóng ngắn nhất (380nm) mà bước sóng càng ngắn thì mắt người càng khó nhận biết và năng lượng càng cao, gây ra tổn thương càng lớn.
- Máy hàn hồ quang điện, khi hàn điện, máy phát ra tia cực tím có thể gây hại cho mắt tức thì.
- Đèn flash chiếu sáng khi chụp ảnh, đèn bàn halogen hay đèn chiếu tia cực tím.
- Những thiết bị điện tử quen thuộc như máy tính, tivi, điện thoại…
- Phản quang mặt trời trên băng tuyết cũng khiến cường độ sáng tăng lên nhiều lần, gây hại cho mắt.
Sau khi đã biết những nguồn sáng dễ gây hại cho mắt, việc xác định những đối tượng thường bị bệnh viêm giác mạc do ánh sáng cũng dễ dàng hơn. Họ là:
- Người hay tiếp xúc với ánh nắng.
- Thợ điện.
- Thợ hàn.
- Người làm rám da thẩm mỹ.
- Người tiếp xúc với đèn flash chụp ảnh hoặc đèn halogen.
- Người hay đi trượt tuyết.
Cách khắc phục bệnh viêm giác mạc do ánh sáng
Để khắc phục tình trạng bỏng mắt do ánh sáng, người bệnh có thể áp dụng cách như sau:
- Sử dụng nước mắt nhân tạo: Nước mắt nhân tạo sẽ giúp giữ độ ẩm cần thiết cho đôi mắt, kết hợp với thuốc mỡ được dùng để làm dịu và bảo vệ mắt. Từ đó, cơn đau sẽ dịu bớt đi và tình trạng mí mắt dính vào giác mạc cũng được phòng ngừa.
- Chườm lạnh: Dùng 1 túi nước mát nhỏ, chườm lên trên mắt để giảm đau.
Thực tế, đa phần dấu hiệu khó chịu, không thoải mái sẽ giảm bớt theo thời gian. Các bạn có thể dội nước sạch vào mắt, nhỏ vài giọt nước muối sinh lý 0,9% và nhắm mắt nghỉ ngơi, sáng hôm sau sẽ dễ chịu hơn. Còn những trường hợp nặng bắt buộc cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị.
Phòng chống bỏng giác mạc do tia sáng
Để phòng chống bệnh viêm giác mạc – bỏng giác mạc do tia sáng cũng như tình trạng tổn thương giác mạc, tốt nhất bạn nên tham khảo và áp dụng 1 số biện pháp như dưới đây:
- Hãy đeo kính bảo hộ được tráng lớp chống ánh sáng mạnh hoặc kính bảo vệ chống tia cực tím, ánh sáng mạnh. Ví dụ như kính râm chống tia UVA và UVB; kinh tối màu dùng khi đi tắm nắng; kính chuyên dùng khi trượt tuyết, nhất là khi ở trên cao; mặt nạ cho thợ hàn trong khi hàn hồ quang điện…
- Che chắn cẩn thận bằng mũ, áo chống nắng, nón… khi đi ra ngoài trời nắng.
- Hạn chế ra ngoài trời trong thời điểm nắng mạnh nhất (giữa trưa, đầu giờ chiều – khoảng 10 giờ đến 14 giờ).
- Trường hợp đôi mắt của bạn quá nhạy cảm, nên chuẩn bị sẵn nước muối sinh lý (natri clorid 0,9% – thuốc không cần kê đơn) hoặc nước mắt nhân tạo để đề phòng. Sẽ cực kỳ hữu ích đấy.
Mặc dù bệnh viêm giác mạc – bỏng mắt do ánh sáng sẽ đau nhiều vào ban đêm, nhưng không cần quá lo lắng vì những triệu chứng đó sẽ thuyên giảm nhanh chóng khi bạn tuân thủ điều trị và hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Nếu còn vấn đề gì cần giải đáp hoặc muốn được thăm khám mắt, hãy liên hệ ngay với Hotline 033 414 1213 của vivision kid (tên cũ là FSEC) để được hỗ trợ sớm nhất nhé!
Lời khuyên
Trên đây là những gợi ý về cách khắc phục bệnh viêm giác mạc - bỏng giác mạc do tia sáng. Nếu bạn áp dụng đúng như những thông tin mà bài viết đã chia sẻ sẽ khó có khả năng bị bệnh và đôi mắt của bạn sẽ luôn tinh anh, sáng khỏe.
Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Bác sĩ Nhãn khoa
Uy tín: Bác sĩ Hằng luôn chiếm được tình cảm của các bạn nhỏ bởi sự hài hước và gần gũi. Bác mong muốn các con được sử dụng những phương pháp điều trị và chăm sóc mắt tốt, hiện đại và phù hợp nhất, bác sĩ cũng luôn cập nhật và đóng góp các ý kiến liên quan tới chuyên môn, máy móc, kỹ thuật đảm bảo cho mắt của trẻ được thăm khám và cho ra kết quả tốt nhất.
Gắn thẻ: