Cận 1 độ có nên đeo kính thường xuyên không?
Một số quan điểm cho rằng cận 1 độ là trường hợp cận nhẹ, không cần phải đeo kính. Vậy cận 1 độ là cận nhẹ hay nặng? Cận 1 độ có nên đeo kính không? Các vấn đề này sẽ được vivision kid giải đáp ở bài viết dưới đây.
Cận 1 độ là nặng hay nhẹ?
Tùy thuộc vào độ cận mà cận thị được chia thành 4 mức độ như sau:
- Cận thị nhẹ: độ cận dao động từ -0.25 diop đến -3 diop
- Cận thị trung bình: độ cận dao động từ -3.25 diop đến -6 diop
- Cận thị nặng: độ cận dao động từ -6.25 diop đến -10 diop
- Cận thị cực đoan: độ cận dao động trên -10 diop.
Như vậy, người bị cận 1 độ được xếp vào mức cận thị nhẹ.
Mắt cận 1 độ có thị lực bao nhiêu?
Thị lực 3/10, 5/10 hay 10/10 là một trong các cách ghi kết quả đo thị lực, cho biết bạn đọc được bao nhiêu hàng trong tổng số 10 hàng. Độ cận sẽ tương ứng với từng khoảng thị lực nhất định, cụ thể như sau:
- Thị lực 8/10: cận khoảng -0.25 Diop
- Thị lực 6-7/10: cận khoảng -0.5 Diop
- Thị lực 4-5/10: cận khoảng -1 Diop
- Thị lực 1/10: Độ cận từ khoảng -1.5 Diop đến -2 Diop
- Thị lực dưới 1/10: Cận trên -2.25 Diop.
Lấy ví dụ với bảng đo thị lực Snellen như hình dưới đây. Mỗi dòng chữ cái sẽ tương ứng với 0.25 độ. Vì vậy, người bị cận 1 độ sẽ đọc được khoảng 4 – 5 dòng đầu tiên, tương ứng với thị lực 4-5/10.
Nguy cơ có thể mắc phải với mắt cận 1 độ
Tuy mắt cận 1 độ thuộc nhóm cận thị nhẹ, nhưng không vì thế mà bạn được phép chủ quan trước những tác hại trực tiếp đến mắt cũng như trong đời sống thường ngày, điển hình là:
- Mỏi mắt: Cận 1 độ nhưng bạn không tuân thủ khuyến cáo nên đeo kính của bác sĩ có thể khiến bạn phải nheo mắt, liên tục điều tiết để nhìn rõ hơn. Sau một khoảng thời gian, tình trạng này sẽ gây ra đau đầu, mệt mỏi.
- Tăng độ cận: Nếu không được đeo một chiếc kính phù hợp với đôi mắt hoặc bạn thường xuyên không sử dụng kính theo hướng dẫn của bác sĩ, việc tăng độ cận nhanh chóng là không thể tránh khỏi. Từ đấy có thể dẫn đến những biến chứng nặng nề hơn như: bong võng mạc, xuất huyết dịch kính, nhược thị, lác (lé),…
- Nguy hiểm tính mạng: Trong trường hợp nhìn xa bị mờ, sự an toàn khi tham gia giao thông hoặc vận hành máy móc của bạn và những người xung quanh có thể bị đe dọa.
Cận 1 độ có nên đeo kính thường xuyên không?
Người bị cận thị 1 độ có phải đeo kính cả ngày hay không, nên đeo vào những thời điểm nào phụ thuộc vào độ tuổi, cụ thể là:
Đối với những người dưới 18 tuổi, cận từ – 0.75 Diop trở lên khi nhìn xa thường sẽ bị mờ, vì vậy các bác sĩ khuyến khích nên đeo kính, nhằm bảo đảm quá trình học tập và sinh hoạt diễn ra bình thường.
Do đó, trong độ tuổi này, cận 1 độ nên đeo kính thường xuyên. Tuy nhiên, khi nhìn tập trung vào các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính,… trong thời gian dài, bạn có thể tháo kính ra để massage mắt, giúp mắt được nghỉ ngơi, thư giãn.
Đối với trường hợp trên 18 tuổi, bạn có thể không cần đeo kính nếu quá trình sinh hoạt, làm việc vẫn tốt hoặc bạn chỉ cần đeo kính khi cần nhìn xa để tránh tình huống mắt bị phụ thuộc kính.
Những lưu ý dành cho mắt cận 1 độ
Ngoài việc chọn được chiếc kính phù hợp cho mắt bị cận thị, việc áp dụng một số quy tắc hỗ trợ cũng là các biện pháp bảo vệ toàn diện đôi mắt của bạn.
Quy tắc “khuỷu tay”: bạn cần cố gắng giữ một khoảng cách bằng chiều dài khuỷu tay giữa mắt và nơi bạn làm việc như: bàn làm việc hoặc màn hình máy tính, ipad,…
Quy tắc thư giãn mắt: có khá nhiều quy tắc thư giãn mắt được các chuyên gia Nhãn khoa khuyên dùng, phổ biến nhất là 2 quy tắc sau:
- Quy tắc 20-20-20: sau khoảng thời gian nhìn gần trong 20 phút, chúng ta hãy nhìn vào một vật ở xa 20 feet (tương đương 6 mét), trong khoảng 20 giây. Bài tập này giúp mắt giãn điều tiết, hạn chế mỏi mắt, nhức mắt, tạo cảm giác dễ chịu, tăng khả năng tập trung để tiếp tục làm việc.
- Quy tắc “một giờ”: cứ sau khoảng 1 giờ làm việc, học tập, bạn nên cho mắt nghỉ ngơi khoảng 5 – 10 phút. Điều này cũng là một phương pháp hữu hiệu bảo vệ thị lực cho đôi mắt của bạn.
Bổ sung thêm chất dinh dưỡng: Ngoài việc tuân thủ một chế độ sinh hoạt hợp lý, việc đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cũng là cách để tăng cường sức khỏe cho mắt, ngăn ngừa một số bệnh lý về mắt. Để mắt được “sáng” hơn, kiểm soát tốt độ cận, bạn có thể tham khảo các nhóm thực phẩm dưới đây:
- Vitamin A: Đây là loại vitamin rất tốt cho những người cận thị, quáng gà, khô mắt,… Ví dụ: sữa, lòng đỏ trứng, gan động vật,…
- Beta carotene: Đây là tiền chất vitamin A – giúp mắt sáng và khỏe hơn. Hợp chất này có nhiều trong các loại rau củ quả có màu vàng, cam hoặc rau xanh đậm: cà rốt, bí đỏ, rau ngót,…
- Vitamin nhóm B: Nếu thiếu hụt vitamin B1 trong một thời gian dài có thể làm cho xuất huyết võng mạc, suy giảm thị lực. Trong khi đó, thiếu hụt vitamin B2 khiến khả năng hấp thụ ánh sáng ở mắt bị suy giảm. Vì vậy, việc bổ sung vitamin nhóm B đều đặn là vô cùng cần thiết trong chế độ ăn hàng ngày của mình: các sản phẩm từ sữa, bơ, khoai lang,…
- Vitamin E: hạn chế tác hại của ánh sáng xanh lên mắt, chống oxy hóa. Các thực phẩm giàu vitamin E như: các loại hạt: đậu nành, đậu phộng,…
- Omega-3: Đây là một nhóm acid béo cần thiết cho mắt, làm tăng độ ẩm cho mắt, hạn chế tình trạng khô, mỏi mắt, đau nhức mắt.
Lời khuyên
vivision kid đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “cận 1 độ có nên đeo kính không?” cũng như cung cấp một số điều cần lưu ý với mắt cận 1 độ. Để đảm bảo bản thân đang sử dụng một chiếc kính phù hợp và nắm rõ các phương pháp kiểm soát tăng độ cận, hãy tái khám định kỳ để được các chuyên gia Nhãn khoa tư vấn, hướng dẫn một cách chi tiết nhất.
Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, và khúc xạ mắt trẻ em.
Uy tín: Bác sĩ Thiện được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Gắn thẻ: