Cận thị và loạn thị có phải do thiết bị điện tử gây ra?

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Văn Cường

vào ngày 07/05/2024

Cận thị và loạn thị là hai loại tật khúc xạ có nguyên nhân hoàn toàn khác nhau, nhưng vẫn có nhiều lầm tưởng về chúng. Cùng vivision tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị cận thị, loạn thị tại bài viết dưới đây!

Thiết bị điện tử ảnh hưởng thế nào đến cận thị và loạn thị?

Ngày nay, các thiết bị điện tử có kết nối mạng như điện thoại, tivi, máy tính… được coi là một trong những công cụ giải trí yêu thích của con người, đặc biệt là trẻ em. Tuy nhiên, việc sử dụng thiết bị có thể gây ra một số ảnh hưởng lớn đối với mắt như:

  • Sử dụng thiết bị quá lâu có thể gây ra cận thị. Thường đối với các bạn nhỏ vẫn chưa ý thức được thời gian sử dụng, dẫn đến nhìn quá lâu vào thiết bị điện tử. Điều này xảy ra trong một khoảng thời gian dài có thể dẫn đến thể thủy tinh phải phồng lên, công suất giác mạc tăng; làm cho độ khúc xạ lớn và gây ra cận thị. 
  • Ánh sáng xanh phát ra từ thiết bị điện tử có thể gây hại đến mắt. Ánh sáng này có thể khiến cho mắt bị khô, nhức, mỏi… nếu sử dụng trong thời gian dài. Hơn nữa, khi ánh sáng này đi qua giác mạc và thể thủy tinh đến võng mạc, có thể làm cho võng mạc có nguy cơ thoái hóa sớm hơn và gây giảm thị lực.
su-dung-thiet-bi-dien-tu-o-khoang-cach-gan-qua-lau

Sử dụng thiết bị điện tử ở khoảng cách gần quá lâu

Nguyên nhân của cận thị và loạn thị

Cận thị xảy ra khi trục nhãn cầu quá dài, cũng có thể do thể thủy tinh quá cong hoặc/và công suất giác mạc quá lớn khiến cho ánh sáng hội tụ trong mắt tại một điểm trước võng mạc thay vì ngay tại võng mạc. Trong một số trường hợp, cận thị có thể do cả trục nhãn cầu quá dài và công suất hội tụ quá lớn.

Thiết bị điện tử cũng có thể là một trong số tác nhân dẫn đến hai nguyên nhân trên. Đối với trẻ em đã có sẵn độ cận thị, việc sử dụng thiết bị nhiều có thể dẫn tăng nhanh độ cận và khiến độ cận cao khó kiểm soát.

Loạn thị xảy ra do khi ánh sáng vào mắt được khuếch tán thay vì một điểm trên võng mạc. Loạn thị thường do sự bất thường về hình dạng của giác mạc hoặc/và thể thủy tinh. Phần lớn, loạn thị là do bẩm sinh. Trong một số trường hợp, loạn thị có thể do chấn thương dẫn đến sẹo giác mạc hoặc bệnh lý giác mạc chóp,….

mo-ta-hinh-anh-cua-can-thi-va-loan-thi-tren-vong-mac

Hình ảnh của cận thị và loạn thị trên võng mạc

Điều trị cận thị và loạn thị?

Đeo kính đúng số

Đối với mắt có tật khúc xạ như cận thị và loạn thị cần được thăm khám và chỉnh kính đúng số. Đặc biệt ở trẻ em, cận thị và loạn thị cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm nguy cơ nhược thị. Bố mẹ nên cho con đi khám tại các trung tâm uy tín sớm nếu con có các triệu chứng của mắt có tật khúc xạ.

Theo dõi tiến triển

Ở trẻ em, độ cận thị và độ loạn thị có thể tăng dần theo độ tuổi phát triển. Khi các con phát triển nhanh về thể chất, độ cận có thể tăng nhanh do trục nhãn cầu dài ra. Trong độ tuổi phát triển, trung bình một năm, các con có thể tăng độ cận từ 0.75 – 1.00D. Trong thời gian này, bố mẹ cần cho con tái khám 3-6 tháng/ năm để có thể theo dõi tình trạng mắt của con và được tư vấn về các phương pháp kiểm soát cận thị phù hợp.

Hạn chế tăng độ

Độ tăng nhanh có thể khiến cho mắt trẻ có số độ cận thị cao. Các nguy cơ của cận thị độ cao có thể là: Lác/lé và đặc biệt là bong/rách võng mạc. Khi mắt cận thị cao, nhãn cầu thường có xu hướng dài gây dãn mỏng võng mạc. Điều này khiến phần võng mạc có thể bị rách hoặc bong ra gây giảm thị lực vĩnh viễn.

Để phòng tránh những biến chứng nguy hiểm này, bố mẹ nên có những biện pháp can thiệp để hạn chế tăng độ. Hiện nay đang có một số biện pháp kiểm soát tiến triển cận thị phổ biến như:

  • Kính áp tròng ban đêm Ortho-K.
  • Nhỏ Atropin nồng độ thấp theo chỉ định của bác sĩ.
  • Đeo kính gọng với tròng kính có tính năng hạn chế tăng độ.

Để có những chẩn đoán chính xác và hướng điều trị phù hợp nhất, bố mẹ có thể đến thăm khám tại các trung tâm uy tín. Vì cận thị và loạn thị cần được điều trị đúng nhất để không ảnh hưởng đến thị lực và thị giác hai mắt!

Lời khuyên

Hãy đến các phòng khám chuyên khoa mắt để các bác sĩ giúp bạn chẩn đoán đúng loại tật khúc xạ. Từ đó có phương án điều trị phù hợp nhất nhé!

Optometrist Nguyễn Văn Cường
Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Văn Cường
Chuyên gia Kiểm soát cận thị
Xem thêm

Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển Trẻ em

Uy tín: Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Văn Cường được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự  chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, chú đã giúp rất nhiều bé vượt qua các vấn đề khó khăn tại mắt.

Gắn thẻ:

cận thị

cận thị và loạn thị

Loạn thị