Chườm ấm mắt chữa viêm bờ mi thế nào?

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Lê Khánh Hòa

vào ngày 31/07/2024

VIVISION KID sẽ hướng dẫn bạn cách chườm ấm chữa viêm bờ mi hiệu quả để giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng để bạn có thể tự bảo vệ sức khỏe của bản thân. 

Viêm bờ mi là bệnh gì?

Viêm bờ mi là một tình trạng viêm nhiễm hoặc kích ứng ở mi mắt, nơi lông mi mọc. Bệnh này có thể xảy ra ở cả mi mắt trên và dưới, thường gây ra cảm giác khó chịu và thậm chí đau đớn. Nguyên nhân viêm bờ mi có thể rất đa dạng như rối loạn tuyến Meibomius, vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc dị ứng.

Viêm bờ mi thường được chia thành hai loại chính:

  • Viêm bờ mi trước: Xảy ra ở phần ngoài của mi mắt, nơi lông mi mọc. Nguyên nhân phổ biến là vi khuẩn, vi rút hoặc kí sinh trùng gây nên.
  • Viêm bờ mi sau: Ảnh hưởng đến bên trong mi mắt, nơi các tuyến tiết lipit nằm. Thường liên quan đến rối loạn tuyến Meibomius gây ra.

Viêm bờ mi là một bệnh mãn tính, tức là nó có thể kéo dài và tái phát nhiều lần nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Tuy không phải lúc nào cũng gây ra các vấn đề nghiêm trọng, nhưng nếu không biết cách điều trị viêm bờ mi kịp thời, có thể dẫn đến các biến chứng như mờ mắt, chắp lẹo và thậm chí thay đổi cấu trúc mi mắt.

Biểu hiện của viêm bờ mi

Viêm bờ mi có nhiều triệu chứng khác nhau, ảnh hưởng đến cả thẩm mỹ và sự thoải mái của người bệnh. Dưới đây là những biểu hiện thường gặp:

  • Chói mắt, chảy nước mắt: Mắt có thể bị kích ứng, dẫn đến tình trạng chảy nước mắt liên tục và cảm giác chói mắt, đặc biệt dưới ánh sáng mạnh.
  • Cảm giác cộm khi chớp mắt, ngứa mắt: Người bệnh thường cảm thấy cộm như có dị vật trong mắt mỗi khi chớp, kèm theo đó là ngứa ngáy.
  • Bỏng rát: mi mắt có thể có cảm giác nóng rát, gây khó chịu kéo dài.
  • Nhìn mờ: Tình trạng viêm có thể ảnh hưởng đến bề mặt nhãn cầu, gây nhìn mờ và giảm thị lực tạm thời.
  • Rụng lông mi, sưng mi: Lông mi có thể bị rụng do viêm nhiễm hay dụi mắt nhiều lần do cảm giác ngứa, mi mắt thường hay sưng, đỏ do phản ứng viêm.
  • Đóng vảy quanh mắt khi ngủ dậy: Khi thức dậy, người bệnh có thể thấy có nhiều vảy khô hay gỉ mắt đóng quanh lông mi, có thể do dịch tiết và bã nhờn tích tụ trong đêm.

Các triệu chứng này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Việc nhận biết sớm các biểu hiện và điều trị viêm bờ mi kịp thời là rất quan trọng để tránh các biến chứng cho mắt.

Biến chứng của viêm bờ mi

Một số biến chứng thường gặp nếu không chữa viêm bờ mi đúng cách:

  • Mờ mắt: Viêm bờ mi có thể làm giảm chất lượng nước mắt và làm khô mắt, dẫn đến tình trạng nhìn mờ. 
  • Rụng lông mi hoặc lông xiêu: Tình trạng viêm nhiễm kéo dài có thể làm tổn thương nang lông mi, gây rụng lông mi. Ngoài ra, viêm bờ mi còn làm cho lông mi mọc lệch hướng (lông xiêu), gây kích ứng và tổn thương bề mặt nhãn cầu.
  • Chắp: Đây là tình trạng viêm u hạt có chất dạng mỡ của tuyến Mei, cục sưng, không đau, sưng và có thể to. 
  • Lẹo: Lẹo là một loại nhiễm trùng cấp tính của tuyến Meibomius ở mi mắt, gây ra một khối sưng đỏ, đau và có thể chứa mủ. 
  • Thay đổi cấu trúc mi mắt: Một số vấn đề như lộn mi mắt (mi mắt quay ra ngoài) hoặc quặm (mi mắt quay vào trong). Ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng của mắt.
  • Sẹo: Sự viêm nhiễm kéo dài có thể để lại sẹo trên mi mắt, làm ảnh hưởng đến sự linh hoạt và vẻ ngoài của mi mắt.
  • Viêm giác mạc, kết mạc: Viêm bờ mi có thể lan rộng và gây viêm giác mạc (keratitis) hoặc viêm kết mạc (conjunctivitis), làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và tổn thương mắt.
  • Ung thư mi mắt: Mặc dù hiếm gặp, viêm bờ mi mãn tính kéo dài và không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ phát triển các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư mi mắt.
Biến chứng của viêm bờ mi gây lẹo tại mắt

Biến chứng của viêm bờ mi gây lẹo tại mắt

Những biến chứng này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và điều trị viêm bờ mi kịp thời. Người bệnh nên tuân thủ các biện pháp chăm sóc và điều trị viêm bờ mi được chỉ định bởi bác sĩ để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Tại sao mi mắt bị viêm?

Viêm bờ mi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Hiểu rõ các nguyên nhân này giúp chúng ta phòng ngừa và chữa viêm bờ mi hiệu quả hơn. Một số nguyên nhân gây ra viêm bờ mi:

  • Rối loạn tuyến dầu ở mi mắt: Tuyến meibomius ở mi mắt có chức năng tiết dầu để bôi trơn và bảo vệ bề mặt mắt. Khi các tuyến này bị tắc nghẽn hoặc hoạt động không bình thường, dầu không thể thoát ra được, gây ra viêm và nhiễm trùng.
  • Vi khuẩn: Vi khuẩn, đặc biệt là tụ cầu khuẩn (Staphylococcus), có thể gây nhiễm trùng ở mi mắt.
  • Vi rút: Một số loại vi rút như herpes simplex có thể gây viêm bờ mi. Vi rút này thường gây ra các vết loét và tổn thương trên mi mắt, dẫn đến viêm nhiễm.
  • Ký sinh trùng: Ký sinh trùng như Demodex folliculorum, một loại ve nhỏ sống ở nang lông và tuyến dầu, có thể gây kích ứng và viêm mi mắt. Tình trạng này thường gặp ở người lớn tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch yếu.
  • Dị ứng: Dị ứng với mỹ phẩm, phấn hoa, bụi, hoặc các chất kích thích khác có thể gây viêm bờ mi. Dị ứng thường làm mi mắt sưng đỏ, ngứa ngáy và kích ứng.
  • Viêm da: Các bệnh lý về da như viêm da tiết bã (seborrheic dermatitis) hoặc bệnh rosacea có thể ảnh hưởng đến mi mắt và gây ra viêm bờ mi. 

Những nguyên nhân trên có thể tương tác và gây ra viêm bờ mi theo nhiều cách khác nhau. Việc xác định nguyên nhân chính xác giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị viêm bờ mi phù hợp nhất, từ đó cải thiện tình trạng bệnh và ngăn ngừa tái phát.

Công dụng chườm ấm mắt

Chườm ấm mắt là một phương pháp hiệu quả và đơn giản để điều trị viêm bờ mi. Dưới đây là các công dụng chính của chườm ấm mắt để chữa viêm bờ mi:

  • Giãn nở tuyến bã nhờn, tăng bài tiết: Nhiệt từ việc chườm ấm giúp làm giãn nở các tuyến bã nhờn ở mi mắt, đặc biệt là tuyến meibomius. Điều này giúp dầu tiết ra dễ dàng hơn, ngăn chặn sự tắc nghẽn và giảm viêm.
  • Tăng lưu thông mạch máu: Nhiệt độ ấm từ việc chườm mắt kích thích tăng lưu thông máu ở vùng mi mắt, cung cấp nhiều dưỡng chất và oxy hơn cho các tế bào, hỗ trợ quá trình lành bệnh và giảm viêm.
  • Tăng tiết nước mắt: Chườm ấm mắt kích thích các tuyến nước mắt hoạt động hiệu quả hơn, làm tăng lượng nước mắt được tiết ra. Điều này giúp giữ ẩm cho bề mặt mắt, giảm khô mắt và cảm giác khó chịu.
  • Tăng giãn nở và hoạt động của tuyến meibomius: Tuyến meibomius có vai trò quan trọng trong việc tiết dầu vào màng phim nước mắt, giúp bảo vệ lớp nước mắt và bôi trơn bề mặt nhãn cầu. Chườm ấm giúp tăng cường hoạt động của các tuyến này, ngăn ngừa khô mắt và viêm bờ mi do sự tắc nghẽn.

Nhờ những lợi ích trên, chườm ấm mắt có thể giảm thiểu các triệu chứng của viêm bờ mi như khô mắt, cộm mắt, và viêm nhiễm. Đây là một phương pháp chữa viêm bờ mi dễ thực hiện tại nhà, không tốn kém và an toàn nếu thực hiện đúng cách. 

Các cách chườm ấm mắt

Có nhiều cách để thực hiện chườm ấm mắt, bao gồm chườm ướt, chườm khô và sử dụng các sản phẩm chườm mắt chuyên dụng. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết về từng phương pháp.

Chườm ướt

  • Thấm bông tẩy trang hoặc khăn sạch với nước ấm: Đây là cách chườm ướt phổ biến và dễ thực hiện. Bạn chỉ cần nhúng bông tẩy trang hoặc khăn sạch vào nước ấm (nhiệt độ khoảng 40-45°C), sau đó vắt khô bớt và đắp lên mắt trong khoảng 5-10 phút. Lưu ý nhiệt độ nước không quá nóng để tránh bỏng.
Chườm ướt bằng bông tẩy trang trong chữa viêm bờ mi

Chườm ướt bằng bông tẩy trang trong chữa viêm bờ mi

Chườm khô

  • Trứng luộc: Luộc một quả trứng, sau đó để nguội bớt đến nhiệt độ ấm (không quá nóng). Bọc trứng trong một lớp khăn sạch và đặt lên mắt trong khoảng 5-10 phút. Trứng luộc có thể giữ nhiệt lâu, giúp duy trì nhiệt độ ấm cho mi mắt.
  • Chai nước: Đổ nước ấm vào một chai nhỏ, sau đó bọc chai trong khăn sạch và chườm lên mắt. Cách này cũng giúp giữ nhiệt độ ổn định trong suốt thời gian chườm.

Dùng miếng chườm mắt/máy chườm có sẵn

  • Cocozy: miếng chườm mắt Cocozy là sản phẩm chuyên dụng, thường chứa các hạt giữ nhiệt giúp duy trì nhiệt độ ấm trong thời gian dài. Bạn chỉ cần làm nóng miếng chườm theo hướng dẫn và đắp lên mắt.
  • Eyegiene: Eyegiene là một loại mặt nạ chườm mắt có thể làm nóng bằng cách cắm điện hoặc lò vi sóng. Sản phẩm này giúp duy trì nhiệt độ ấm liên tục và đều đặn cho mi mắt.
  • Máy chườm: Máy chườm mắt là thiết bị hiện đại, có khả năng kiểm soát nhiệt độ và thời gian chườm chính xác. Máy chườm thường có các chế độ nhiệt khác nhau, phù hợp với từng nhu cầu của người dùng.

Lưu ý khi chườm ấm mắt

  • Vệ sinh sạch sẽ: Đảm bảo các dụng cụ chườm mắt đều sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.
  • Kiểm soát nhiệt độ: Luôn kiểm tra nhiệt độ trước khi chườm để tránh gây bỏng cho mắt.
  • Thời gian chườm: Mỗi lần chườm nên kéo dài từ 5-10 phút, thực hiện 2-3 lần mỗi ngày để đạt hiệu quả tốt nhất.

Chườm ấm mắt là một phương pháp hiệu quả và dễ thực hiện tại nhà để giảm triệu chứng viêm bờ mi. Kết hợp chườm ấm với các biện pháp chăm sóc mắt khác sẽ giúp cải thiện tình trạng bệnh nhanh chóng và hiệu quả.

Các cách chữa viêm bờ mi khác

Ngoài chườm ấm mắt, có nhiều phương pháp khác giúp điều trị viêm bờ mi hiệu quả. Dưới đây là các phương pháp không dùng thuốc và dùng thuốc để chữa viêm bờ mi.

Phương pháp không dùng thuốc

Massage

Massage nhẹ nhàng vùng mi mắt có thể giúp tăng lưu thông máu và giảm tắc nghẽn tuyến dầu. Thực hiện massage hàng ngày bằng cách sử dụng đầu ngón tay sạch, xoa bóp nhẹ nhàng theo chuyển động tròn từ góc trong ra góc ngoài mi mắt.

Vệ sinh bờ mi

Vệ sinh mi mắt hàng ngày là một bước quan trọng trong việc điều trị viêm bờ mi. Bạn có thể sử dụng các sản phẩm vệ sinh chuyên dụng hoặc dùng dung dịch nước muối sinh lý hay nước ấm để rửa sạch mi mắt.

  • Sử dụng dung dịch vệ sinh chuyên dụng: Dung dịch vệ sinh mi mắt thường chứa các thành phần nhẹ nhàng, không gây kích ứng, giúp loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn và bã nhờn tích tụ trên mi mắt.
  • Nước ấm: Dùng bông tẩy trang hoặc khăn sạch thấm nước ấm, nhẹ nhàng lau dọc theo đường mi mắt để loại bỏ chất bẩn và dịch tiết.

Phương pháp dùng thuốc

Kháng sinh

Kháng sinh có thể được sử dụng dưới nhiều dạng như dung dịch, mỡ hoặc thuốc uống, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của viêm bờ mi.

  • Dung dịch kháng sinh: Thường được sử dụng để nhỏ vào mắt, giúp tiêu diệt vi khuẩn và giảm viêm.
  • Mỡ kháng sinh: Thoa mỡ kháng sinh vào mi mắt trước khi đi ngủ giúp duy trì tác dụng kháng khuẩn qua đêm.
  • Thuốc uống kháng sinh: Được chỉ định trong trường hợp viêm nặng hoặc khi các phương pháp khác không hiệu quả.

Kháng virus

Nếu viêm bờ mi do virus gây ra, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng virus để kiểm soát nhiễm trùng. Thuốc kháng virus thường được sử dụng trong các trường hợp viêm mi mắt do herpes simplex.

Kháng ký sinh trùng

Trong trường hợp viêm bờ mi do ký sinh trùng Demodex, thuốc kháng ký sinh trùng hoặc các sản phẩm chăm sóc mắt chuyên dụng có thể được sử dụng để tiêu diệt ký sinh trùng và giảm viêm.

Kháng viêm

Thuốc kháng viêm như corticosteroid có thể được sử dụng để giảm viêm và sưng. Tuy nhiên, cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ.

Kháng Histamin

Nếu viêm bờ mi do dị ứng, thuốc kháng histamin có thể giúp giảm triệu chứng ngứa, sưng và đỏ.

Cách phòng ngừa viêm bờ mi

Phòng ngừa là bước quan trọng trong việc duy trì sức khỏe mắt và ngăn ngừa viêm bờ mi tái phát. Dưới đây là những biện pháp cụ thể để giảm nguy cơ mắc viêm bờ mi:

Tránh xa các tác nhân gây dị ứng/ kích ứng

Hạn chế tiếp xúc với bụi, hóa chất, khói, hoá chất trong mỹ phẩm, hoặc các chất kích thích khác có thể gây viêm bờ mi. 

Hạn chế trang điểm mắt hoặc nếu có thì nên chọn những sản phẩm uy tín, nguồn gốc xuất xứ, thành phần rõ ràng: 

Trang điểm mắt có thể gây tắc nghẽn tuyến dầu và kích ứng da, dẫn đến viêm bờ mi. Chọn các sản phẩm trang điểm không chứa hóa chất gây kích ứng và tẩy trang mắt sạch sẽ sau khi sử dụng.

Hạn chế sử dụng kính áp tròng, nếu có thì nên dùng loại chất lượng cao và sử dụng đúng thời gian theo khuyến cáo: 

Sử dụng kính áp tròng không đúng cách hoặc lâu dài có thể gây tắc nghẽn tuyến dầu và tăng nguy cơ viêm bờ mi. Hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và vệ sinh kính áp tròng đúng cách.

Tránh dụi mắt, gãi

Việc dùng tay để dụi mắt hoặc gãi có thể gây tổn thương và kích thích mi mắt, dẫn đến viêm bờ mi. Thay vào đó, nếu cảm thấy khó chịu hoặc có dị vật trong mắt, hãy rửa mắt bằng nước sạch hoặc dung dịch vệ sinh.

Vệ sinh môi trường xung quanh:

Duy trì môi trường sống và làm việc sạch sẽ, thoáng đãng giúp giảm nguy cơ tiếp xúc với vi khuẩn và các tác nhân gây viêm mắt.

Trước khi chăm sóc mất cần rửa tay sạch với xà phòng. Các dụng cụ để chườm ấm mắt phải đảm bảo sạch sẽ, không dính bẩn, bụi bặm. Nên dùng các dụng cụ 1 lần thay vì dùng khăn nhiều lần.

Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, người bệnh cũng cần chú ý thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa để hạn chế nguy cơ tái phát. Duy trì lối sống lành mạnh, vệ sinh mắt sạch sẽ và khám mắt định kỳ là những yếu tố then chốt giúp bảo vệ sức khỏe đôi mắt và phòng ngừa các bệnh lý về mắt hiệu quả.

Để biết thêm thông tin hoặc nhận tư vấn chăm sóc mắt, hãy nhắn tin cho vivision kid (tên cũ FSEC) ngay hôm nay. Sức khỏe của bạn là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi!

Lời khuyên

Khi bị viêm bờ mi, bạn nên sử dụng các sản phẩm trang điểm mắt uy tín, chất lượng tốt và tẩy trang kỹ lưỡng sau mỗi lần sử dụng; tránh thức khuya, sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều; tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe tổng thể; giữ tinh thần thoải mái, hạn chế căng thẳng.

Khúc xạ Nhãn khoa Lê Khánh Hòa
Khúc xạ Nhãn khoa Lê Khánh Hòa
Chuyên gia Kiểm soát cận thị
Xem thêm

Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển và Khúc xạ Nhãn nhi

Uy tín: Bằng khả năng giao tiếp và kết nối, chuyên gia Hòa ấn tượng với mọi người và bệnh nhân nhí bằng sự kiên trì, nhẹ nhàng đem lại một nguồn năng lượng tích cực.

Gắn thẻ:

chữa viêm bờ mi

chườm ấm mắt chữa viêm bờ mi