Đau mỏi mắt có phải là dấu hiệu của bệnh nguy hiểm?

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Bùi Thanh Huyền

vào ngày 12/08/2024

Đau mỏi mắt có phải là bệnh lý nguy hiểm không? Là câu hỏi mà nhiều bạn đọc chưa biết câu trả lời.  Đau mỏi mắt trên thực tế thường không gây nguy hiểm, tình trạng này có thể gây cho bạn nhiều khó chịu và phiền toái, nhưng sẽ biến mất ngay nếu như bạn cho mắt được nghỉ ngơi thường xuyên, đầy đủ và đúng cách.

Tuy nhiên, đau mỏi mắt cũng có thể là dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm khi xuất hiện quá thường xuyên với cường độ mắt làm việc không quá cao, với triệu chứng ngày càng xấu hơn và nhiều triệu chứng nặng kết hợp với nhau. Để xác định xem đau mỏi mắt có liên quan đến bệnh lý nguy hiểm không, cần đánh giá các vấn đề dưới đây. 

Tiền sử bản thân

Tình trạng hiện tại của bản thân bạn: Dấu hiệu đau mỏi mắt bắt đầu từ khi nào, liên tục hay thỉnh thoảng mới đau, đau ở vị trí nào nhiều hơn, triệu chứng của bạn tăng khi nào và giảm khi nào, mức độ đau mỏi mắt của bạn nhiều hay ít, triệu chứng đi kèm theo là gì, ví dụ như đau đầu mỏi mắt.

Bệnh toàn thân từng mắc phải: 

  • Bệnh đau nửa đầu: đau bao lâu rồi, thời gian khởi phát, cách làm giảm đau, đã đi khám và điều trị hay chưa, khi đau nửa đầu có bị đau mắt hay không, là những câu hỏi cần trả lời;
  • Bệnh lý nhiễm trùng (sốt rét, run): các đợt nhiễm trùng nặng trong quá khứ và ngay cả hiện tại như thế nào, có để lại di chứng nặng nề nào hay không;
  • Bệnh viêm xoang với triệu chứng chảy nước mũi, đau đầu mỏi mắt, hắt xì, ho, đau khi thay đổi tư thế. Bệnh thường khởi phát lúc giao mùa, thời tiết lạnh khô mùa đông, nhiệt độ và gió lạnh khiến người bệnh đau đầu mỏi mắt rất nhiều;
  • Bệnh lý tại mắt: các bệnh lý có thể để lại di chứng đau mỏi mắt như viêm giác mạc do vi khuẩn, virus, do tiếp xúc với ánh sáng mạnh, dị vật, chấn thương mắt, viêm mủ nội nhãn, glocom…
Mat-dau-moi-do-nhieu-benh-ly-khac-nhau

Mắt đau mỏi do nhiều bệnh lý khác nhau

Đau mỏi mắt cần được khám và đánh giá đầy đủ

Đánh giá toàn trạng

Kiểm tra dấu hiệu sinh tồn (đặc biệt dấu hiệu sốt), kiểm tra mũi (số lượng, độ đặc và màu sắc dịch mũi), sờ nắn mặt (kiểm tra xem có đau ở vị trí nào khác trên mặt)

Mỏi mắt kèm theo đau nửa đầu, mệt mỏi kéo dài thường xuyên liên tục có thể là dấu hiệu của những bệnh nguy hiểm như:

  • Đột quỵ: Đột quỵ hay còn được gọi là bệnh lý tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ đang bị tổn thương nghiêm trọng do quá trình cấp máu não bị gián đoạn hoặc suy giảm đáng kể khiến não bộ bị thiếu oxy và dinh dưỡng để nuôi các tế bào. Trong vòng vài phút, nếu não bộ không được cung cấp đủ máu các tế bào não sẽ bắt đầu chết;
  • Nhiễm trùng: là hiện tượng tăng sinh của các vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng… đối với cơ thể, dẫn tới các phản ứng tại tế bào, tổ chức hoặc phản ứng toàn thân. Thông thường, biểu hiện trên lâm sàng sẽ là một hội chứng nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Nhiễm trùng có thể tại một vị trí cố định, ví dụ như mắt, tai mũi họng hoặc lan theo đường máu đi khắp cơ thể;
  • U não: là tình trạng các tế bào não phát triển một cách bất thường với số lượng lớn và tốc độ cực nhanh vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ thể. Các u não có thể bắt đầu tăng sinh trực tiếp từ tế bào não hoặc tế bào đệm của hệ thần kinh trung ương, hoặc cũng có trường hợp bắt đầu từ các bộ phận khác (ví dụ như phổi, thận…) rồi đi theo đường máu đến não, được gọi là u di căn não;
  • Đau đầu mỏi mắt do căng thẳng: khi quá căng thẳng, cơ thể sẽ báo động với biểu hiện đau mỏi mắt kèm theo có áp lực đè ở vùng trán và phía sau đầu.

Khám mắt

  • Đo thị lực, nhãn áp: kiểm tra thị lực của bạn có nhìn rõ không đúng với số độ của tật khúc xạ. Bên cạnh đó, cần đo nhãn áp, là kỹ thuật dùng đo áp suất bên trong mắt, được gọi là đo áp lực nội nhãn (IOP), kiểm tra xem một người có bị tăng nhãn áp hay không;
Hinh-anh-tang-nhan-ap

Hình ảnh cơ chế tăng nhãn áp gây mỏi mắt

  • Phản xạ ánh sáng: đây là một phản xạ thần kinh giúp điều chỉnh đường kính của đồng tử để đáp ứng tức thời với cường độ ánh sáng đến võng mạc. Phản xạ ánh sáng bình thường khi có ánh sáng mạnh chiếu đột ngột vào mắt, đồng tử sẽ co nhỏ lại;
  • Khám vận nhãn: Kiểm tra xem các cơ vận nhãn có bình thường không, có yếu liệt hay không. Trên lâm sàng khi thăm khám mắt, cần phải kiểm tra vận nhãn theo 9 hướng nhìn bao gồm: thẳng, sang phải, sang trái, lên trên, xuống dưới, trên phải, trên trái, dưới phải, dưới trái để xác định hạn chế vận nhãn của từng mắt và so sánh hai mắt;
  • Đánh giá các cấu trúc của mắt trên sinh hiển vi: Máy sinh hiển vi giúp phóng đại các cấu trúc các phần của mắt lên, hỗ trợ bác sĩ nhãn khoa thuận tiện trong việc thăm khám các bán phần trước, bán phần sau của mắt hay nhìn chi tiết bờ mi. Phương pháp thăm khám này giúp mang lại hiệu quả cao, có thể phát hiện ra nhiều bệnh về mắt để có phương pháp điều trị phù hợp.

Các chỉ định cận lâm sàng có thể làm thêm

Soi góc tiền phòng: 

  • Soi góc tiền phòng là một phương pháp được bác sĩ sử dụng để khám mắt, đánh giá tình trạng đang có của góc tiền phòng. Khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ sẽ dùng kính để nhìn vào góc tiền phòng mắt (góc nằm tại phần trước của mắt được tạo bởi giác mạc và tròng đen);
  • Soi góc tiền phòng là thủ thuật không xâm lấn gây đau, được thực hiện để kiểm tra góc tiền phòng đóng hay mở, có đủ rộng khiến dịch trong mắt có thể lưu thông hay không. Phương pháp này là phương pháp cần thực hiện khi khám mắt định kỳ, nhưng còn phụ thuộc vào độ tuổi và nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp của từng người.

CT, MRI: Kiểm tra các bệnh lý khác ví dụ viêm nhiễm, tổn thương cơ quan khác ngoài nhãn cầu, ngoài mắt mà có thể gây đau mỏi mắt.

Nuôi cấy dịch nội nhãn để chẩn đoán xem có bệnh lý viêm mủ nội nhãn hay không. Dịch nội nhãn được chọc hút từ dịch tiền phòng hoặc dịch kính để nuôi cấy, thời điểm nuôi cấy tốt nhất là khi trẻ đang sốt.

Nuôi cấy virus, PCR để tìm virus gây bệnh.

tham-kham-bac-si

Thăm khám bác sĩ do mỏi mắt có thể gây nhiều biến chứng khác nhau

Lời khuyên

Đau mỏi mắt có thể là tình trạng bình thường không gây nguy hiểm nhưng đôi khi cũng có thể là dấu hiệu cho bệnh lý nguy hiểm nếu các triệu chứng quá bất thường và diễn biến xấu đi. Khi đấy, cần đến thăm khám tại các cơ sở bệnh viện hoặc phòng khám mắt uy tín để tránh những biến chứng xấu, nguy hiểm, đặc biệt đến cả tính mạng có thể xảy ra.

Khúc xạ Nhãn khoa Bùi Thanh Huyền
Khúc xạ Nhãn khoa Bùi Thanh Huyền
Chuyên gia Kiểm soát cận thị
Xem thêm

Gắn thẻ:

đau đầu mỏi mắt

Đau mắt

Mỏi mắt