Giải đáp: Một số câu hỏi thường gặp khi dùng kính Ortho-K
Dùng kính Ortho-K là phương pháp điều trị cận thị an toàn và mang lại hiệu quả cao. Hãy cùng vivision tìm hiểu chi tiết dùng kính Ortho-K có tác dụng gì, lần lượt giải đáp một số câu hỏi về Ortho-K và điểm qua những lưu ý khi mới dùng Ortho-K nhé!
Kính Ortho-K là kính gì?
Ortho-K (Orthokeratology) là một loại kính áp tròng đặc biệt đeo qua đêm khi ngủ giúp chỉnh hình dạng giác mạc để cải thiện thị lực mà không cần đeo kính gọng ban ngày. Phương pháp này chủ yếu được sử dụng để điều trị cận thị, nhưng cũng có thể mang lại hiệu quả với các tật khúc xạ khác như viễn thị, loạn thị và lão thị.
Dùng kính Ortho-K cho trẻ em rất phổ biến vì còn có thể giúp kiểm soát sự tiến triển của cận thị, làm giảm tốc độ tăng độ cận, giúp làm giảm nguy cơ các biến chứng của cận thị cao.
Cơ chế hoạt động của kính Ortho-K
Cơ chế nhìn rõ: Giác mạc là một cấu trúc trong suốt có hình dạng vòm nằm ở phía trước của mắt, có nhiệm vụ hội tụ ánh sáng vào võng mạc. Giác mạc đóng góp khoảng 2/3 khả năng hội tụ của mắt, rất quan trọng cho việc giúp chúng ta nhìn rõ. Đeo kính Ortho-K sẽ tạo áp lực lên giác mạc giúp làm thay đổi hình dạng của nó. Áp lực này sẽ làm phẳng đi phần trung tâm của giác mạc, nơi bị cong quá mức ở người cận thị. Khi giác mạc được làm phẳng, ánh sáng sẽ được hội tụ đúng trên võng mạc, giúp hình ảnh trở nên rõ nét hơn.
Như vậy, Ortho-K hoạt động như một “cái khuôn” tạm thời cho giác mạc, giúp ánh sáng hội tụ đúng vị trí trên võng mạc, từ đó cải thiện thị lực.
Cơ chế kiểm soát cận thị: Ortho-K có cơ chế làm giảm viễn thị hóa vùng rìa, làm chậm quá trình dài ra của trục nhãn cầu – yếu tố chính trong sự phát triển của cận thị. Đây là một trong những cơ chế quan trọng giúp Ortho-K không chỉ cải thiện thị lực mà còn có hiệu quả trong việc kiểm soát tiến triển cận thị, đặc biệt ở trẻ em.
Các câu hỏi thường gặp khi dùng kính Ortho-K
Hãy cùng điểm qua một số vấn đề phổ biến mà người dùng thường quan tâm về kính Ortho-K. Những câu hỏi này giúp bạn hiểu rõ hơn về hiệu quả, cách sử dụng và các vấn đề khác liên quan đến dùng kính Ortho-K.
Dùng kính Ortho-K điều trị cận bao lâu thì có hiệu quả?
Thời gian để thấy hiệu quả của việc điều trị cận thị bằng kính áp tròng Ortho-K có thể khác nhau tùy thuộc vào độ khúc xạ ban đầu của từng bệnh nhân. Một số người có thể thấy cải thiện ngay sau vài ngày hoặc thậm chí ngay ngày hôm sau. Thông thường, đa số bệnh nhân đạt được thị lực tối đa sau khoảng 1 đến 4 tuần sử dụng kính.
Ai là người có thể sử dụng Ortho-K?
Phương pháp dùng kính Ortho-K có thể phù hợp cho các đối tượng sau:
- Người bị cận nhẹ đến nặng (dưới 10 độ), có thể kèm theo hoặc không kèm loạn thị từ 2 độ trở xuống.
- Trẻ em đang trong quá trình phát triển và có dấu hiệu tăng độ cận.
- Những người không phù hợp sử dụng kính gọng do tính chất công việc hoặc không muốn đeo kính suốt cả ngày.
- Người quá trẻ để phẫu thuật mắt, không đủ điều kiện hoặc không thích hợp cho phẫu thuật tật khúc xạ.
Ai không thích hợp sử dụng kính Ortho-K?
Những người không thích hợp dùng kính Ortho-K bao gồm:
- Người có mắt đang bị tổn thương, viêm nhiễm tại mắt như viêm kết mạc, viêm giác mạc, viêm da mi dị ứng…
- Người bị khô mắt nặng.
- Người đang mắc các bệnh toàn thân có thể ảnh hưởng đến mắt và được bác sĩ khuyến cáo không nên phẫu thuật.
- Người bị dị ứng với kính áp tròng: xuất hiện ngứa mắt, đỏ mắt khi đeo kính
Sử dụng kính Ortho-K nhiều có gây xước giác mạc không?
Dùng kính Ortho-K thường không gây xước giác mạc nếu được sử dụng đúng cách, vì chúng được thiết kế giống như kính áp tròng cứng thấm khí truyền thống, giúp phân phối áp lực đều và nhẹ nhàng lên giác mạc. Trong trường hợp vết trầy xước nhẹ, chúng thường tự lành lại mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, nếu có dấu hiệu bất thường trong quá trình đeo tháo cần đi khám ngay để có hướng xử lý phù hợp.
Sử dụng kính Ortho-K có nguy hiểm gì?
Kính áp tròng Ortho-K rất an toàn. Một nghiên cứu đáng tin cậy với sự tham gia của 191 bác sĩ và 2599 bệnh nhân, cho thấy tỷ lệ nhiễm trùng giác mạc chỉ là 8 ca trên 10.000 ca (hoặc 2 ca trên 2599 ca). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép là 50 ca trên 10.000 ca, cho thấy dùng kính Ortho-K có độ an toàn cao hơn so với nhiều loại kính áp tròng khác.
Hạn sử dụng của kính Ortho-K khoảng bao lâu?
Kính Ortho-K nên được thay mới mỗi năm để đảm bảo vệ sinh và duy trì độ chính xác cho mắt của bạn. Việc thay kính định kỳ giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng và đảm bảo kính tiếp tục hoạt động hiệu quả trong việc điều chỉnh hình dạng giác mạc. Tuy nhiên, nếu bạn đảm bảo vệ sinh kính và chất lượng tốt thì hoàn toàn có thể sử dụng từ 2-2.5 năm.
Mắc tật khúc xạ cận và loạn có thể dùng Ortho-K không?
Mắc tật khúc xạ cận và loạn có thể dùng kính Ortho-K. Ortho-K có thể điều chỉnh loạn thị từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, để xác định mức độ loạn thị và khả năng điều trị cụ thể, bạn cần đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được đánh giá và tư vấn chính xác.
Đeo kính Ortho-K có thoải mái không?
Trong vài tuần đầu khi bắt đầu dùng kính Ortho-K, bạn có thể cảm thấy hơi cộm hoặc vướng. Đây là hiện tượng bình thường và sẽ giảm dần khi mắt quen với kính. Để giảm bớt cảm giác khó chịu, bạn nên hạn chế di chuyển mắt nhiều và đi ngủ ngay sau khi đeo kính. Sau thời gian làm quen, hầu hết người dùng cảm thấy thoải mái khi đeo kính Ortho-K.
Dùng kính Ortho-K có đau không?
Dùng kính Ortho-K không gây đau đớn mà bạn chỉ cảm thấy hơi cộm hoặc một chút khó chịu nhẹ, và các triệu chứng sẽ hết sau vài ngày. Nếu bạn cảm thấy đau đớn hoặc có bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào như đỏ mắt, ngứa hoặc đau nhức kéo dài, bạn nên liên hệ với bác sĩ nhãn khoa.
Dùng kính Ortho-K có gây khó ngủ không?
Các chuyên gia cho rằng dùng kính Ortho-K không gây khó ngủ cho người sử dụng. Tuy nhiên, trong một vài đêm đầu tiên khi mới đeo kính, bạn có thể chưa quen và xuất hiện cảm giác cộm vướng, khó chịu. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường và thường chỉ xảy ra khi bạn chớp mắt. Để giảm cảm giác khó chịu, bạn cần đi ngủ ngay sau khi đeo kính, giúp hạn chế các chuyển động của mắt có thể gây ra tình trạng này.
Dùng kính Ortho-K có nhược điểm nào không?
Dùng kính Ortho-K có thể gặp một số hạn chế tương tự như các loại kính tiếp xúc khác như:
- Chảy nước mắt, mắt đỏ, cộm.
- Khô mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
- Viêm hoặc xước giác mạc.
Để giảm thiểu các triệu chứng khi dùng kính Ortho-K và đảm bảo an toàn, người sử dụng nên tuân thủ nghiêm túc các nguyên tắc vệ sinh, sử dụng, bảo quản kính và thực hiện các cuộc tái khám định kỳ với bác sĩ nhãn khoa. Điều này giúp kiểm soát các vấn đề tiềm ẩn và đảm bảo kính Ortho-K hoạt động hiệu quả.
Lưu ý cho người mới sử dụng Ortho-K
Có nhiều lưu ý khi mới dùng kính Ortho-K vô cùng quan trọng mà người mới không nên bỏ qua để đảm bảo quá trình sử dụng hiệu quả và an toàn:
Đảm bảo vệ sinh của kính
Để đảm bảo an toàn vệ sinh khi dùng kính Ortho-K, bạn nên lưu ý các quy tắc sau:
- Luôn rửa bàn tay và từng ngón tay thật kỹ bằng nước rửa tay diệt khuẩn và lau khô bằng khăn không có xơ vải trước khi tiếp xúc với kính.
- Đảm bảo tay và vùng xung quanh mắt không còn xà phòng, nước hoa, kem dưỡng da hoặc cặn trang điểm.
- Không để kính áp tròng tiếp xúc với nước máy vì nước có thể chứa vi sinh vật gây hại cho mắt.
- Ngồi ngay ngắn và ổn định trước khi đeo kính Ortho-K. Tránh đeo kính trong phòng tắm hoặc các khu vực có nhiều vi khuẩn.
- Trước khi đeo, kiểm tra kính để đảm bảo không có vết trầy xước, sứt mẻ hoặc vết nứt, vì chúng có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Lưu ý khi đeo và tháo kính
Khi bắt đầu dùng kính Ortho-K, việc nắm rõ các lưu ý quan trọng trong quá trình đeo và tháo kính là rất cần thiết:
Lưu ý khi đeo kính
Để tránh nhầm lẫn, hãy tạo thói quen đeo từng thấu kính theo thứ tự cố định, chẳng hạn như phải trước – trái sau.
Không đeo kính trong nhà vệ sinh, bạn có thể đeo trên bàn trang điểm hoặc bàn học.
Các bước đeo kính Ortho-K:
- Bước 1: Vệ sinh kính. Lấy kính Ortho-K khỏi hộp đựng và làm sạch bằng dung dịch tẩy rửa để loại bỏ bụi bẩn hoặc chất lắng đọng.
- Bước 2: Nhỏ nước mắt nhân tạo. Nhỏ 1 – 2 giọt nước mắt nhân tạo vào mặt sau của tròng kính. Đặt kính lên ngón trỏ với mặt úp xuống và đưa trực tiếp vào đồng tử (tròng đen giữa mắt).
Nếu làm rơi kính, hãy đánh rửa lại kính và tráng bằng muối sịnh lí. Sau khi đeo kính, làm sạch hộp đựng kính bằng khăn giấy hoặc để khô tự nhiên.
Nếu kính Ortho-K di chuyển lệch sang một bên và không nằm ở tâm mắt, bạn có thể điều chỉnh bằng cách:
- Nhìn vào gương để xác định vị trí kính.
- Di chuyển mắt theo hướng ngược lại với vị trí kính. Ví dụ, nếu kính nằm gần mũi, hãy nhìn về phía thái dương.
- Nhẹ nhàng di chuyển kính trở lại giữa mắt bằng mí mắt. Tránh đẩy kính trực tiếp bằng ngón tay.
Lưu ý khi tháo kính
Mở mi mắt bằng 2 ngón giữa. Cầm dụng cụ đeo tháo bằng ngón trỏ và ngón cái của tay còn lại, căn chỉnh điểm hút sao cho vuông góc, nằm trong và ở ⅔ phía dưới với tròng kính. Khi điểm hút chạm vào kính, ấn nhẹ và nhấc ra.
Nếu cảm thấy châm chích, nóng rát hoặc đau khi đeo kính, hãy tháo kính, rửa sạch và đeo lại. Nếu tình trạng này không cải thiện, hãy tháo kính và gặp bác sĩ nhãn khoa sớm để được tư vấn thêm.
Đặt lịch khám hoặc liên hệ các bác sĩ của vivision qua hotline 0334141213 để được giải đáp các thắc mắc và nhận lời khuyên chuyên sâu cho mình nhé!
Lời khuyên
Kính Ortho-K đang ngày càng được nhiều người tìm hiểu và sử dụng. Để hiểu rõ hơn về phương pháp này và kiểm tra xem tình trạng mắt của bạn có phù hợp để dùng kính Ortho-K không hoặc để tư vấn khi có biểu hiện bất thường khi đeo kính Ortho-K, hãy liên hệ với bác sĩ ngay.
Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, và khúc xạ mắt trẻ em.
Uy tín: Bác sĩ Thiện được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Gắn thẻ: