Giác mạc – cấu tạo và 1 số vấn đề có thể gặp ở giác mạc
Giác mạc – Cấu tạo và các vấn đề thường gặp
Cấu tạo của giác mạc
Giác mạc – GM (lòng đen) là một màng trong suốt có độ dày từ 540um đến 700um. GM mỏng nhất ở trung tâm và dày hơn ở chu vi. Với bán kính độ cong mặt trước trung bình khoảng 7,8mm, giác mạc tạo thành khoảng 2/3 công suất khúc xạ của mắt.
Về mặt cấu trúc, giác mạc gồm có 5 lớp: Biểu mô, lớp Bowman, nhu mô, màng Descemet và nội mô.
Biểu mô
Biểu mô là lớp ngoài cùng và tương tác trực tiếp với lớp nước mắt, gồm có những tế bào biểu mô lát tầng không sừng hóa dày khoảng 50 micron. Nó đóng vai trò như là hàng rào chính ngăn chặn nhiễm trùng GM.
Lớp Bowman
Lớp Bowman dày khoảng 10-14 micron. Nó không có tế bào và gồm các sợi collagen được sắp xếp không đều nằm trong một chất nền mucoprotein.
Nhu mô
Nhu mô chiếm khoảng 90% tổng độ dày GM. Nó được tạo thành bởi các sợi collagen dày đặc. Sự sắp xếp các sợi collagen ở trong nhu mô giác mạc rất đặc biệt để tạo nên sự trong suốt của GM.
Màng Descemet
Màng Descemet là một màng đáy dày 10 micron liên tục được sản xuất suốt đời bởi nội mô giác mạc. Nó có đặc tính đàn hồi mạnh và tận hết đột ngột ở vùng rìa GM.
Nội mô
Nội mô là lớp trong cùng của GM, hướng vào tiền phòng. Nó là một lớp đơn các tế bào lục giác dẹt đan xen vào nhau, mặt đáy của nội mô nằm trên màng Descemet.
Nội mô đóng một vai trò quan trọng đối với tính trong suốt (bằng cách duy trì thủy hóa) và độ dày của GM. Các chức năng này phụ thuộc vào hàng rào và các hệ thống vận chuyển dịch có ở trong các tế bào nội mô.
Các vấn đề thường gặp ở giác mạc
Viêm giác mạc
Định nghĩa
Viêm giác mạc là những tổn thương của GM do nhiều nguyên nhân gây ra như: chấn thương, dị vật, vi khuẩn, virus, nấm,…
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây viêm GM mắt là vi khuẩn (như tụ cầu, trực khuẩn mủ xanh, cầu khuẩn lậu) và virus (như virus adeno, virus herpes). Viêm GM mắt do nấm ít gặp nhưng điều trị khá khó khăn và dễ gây biến chứng nguy hiểm.
Triệu chứng
- Triệu chứng của bệnh viêm giác mạc gồm:
- Đau nhức.
- Sợ ánh sáng.
- Chảy nước mắt.
- Giảm thị lực nhiều so với trước khi đau mắt là một triệu chứng để chẩn đoán phân biệt với viêm kết mạc.
- Biến chứng: sẹo GM làm giảm thị lực; loét hoại tử, viêm mủ nội nhãn…
Xước giác mạc
Nguyên nhân
Nhiều nguyên nhân: Kính tiếp xúc, thủy tinh, kim loại, cành cây, tờ giấy,…
Triệu chứng
Chảy nước mắt, sợ ánh sáng, đau, nhìn mờ
Dấu hiệu
- Tổn hại biểu mô (kích thước và hình dạng thay đổi)
- Đỏ mắt
- Có thể dẫn đến sẹo GM vĩnh viễn nếu nhu mô bị tổn thương
- Có thể dẫn đến tróc GM tái diễn nếu lớp Bowman bị tổn thương
Điều trị
Nếu tình trạng nhẹ ở biểu mô GM thì thường tự liền trong khoảng 1 ngày
Điều trị: Chườm lạnh, thuốc giảm đau, kháng sinh dự phòng, thuốc liệt điều tiết nếu có phản ứng tiền phòng, chuyển đi nếu dưới biểu mô / nhu mô / thủng
Giác mạc chóp (giác mạc hình chóp)
Đây là một bệnh lý thường xảy ra ở 2 mắt gây mỏng hóa và giãn lồi GM đặc biệt ở vùng GM không do viêm.
Bệnh lý giác mạc chóp này dẫn đến nhìn mờ, nhìn thành hai hình, nhạy cảm với ánh sáng, cận và loạn thị không đều, thủng GM, sẹo GM.
Rách giác mạc
Rách giác mạc là một tổn thương nặng ở mắt, nhất là ở GM. Việc điều trị, xử lý vết rách đòi hỏi chuyên môn và sự cẩn thận. Nếu xử lí không tốt có thể để lại hậu quả xấu, có thể ảnh hưởng tới thị lực hay mất thị lực hoàn toàn.
Khô mắt
Dấu hiệu khô mắt:
- Thường xuyên chảy nước mắt
- Có thể nhìn mờ
- Ngứa, rát mắt, nặng mi
- Nhìn mờ, kích thích
Lời khuyên
Trên đây là thông tin về giác mạc và 1 số vấn đề có thể xảy ra tại giác mạc để mọi người có thể hiểu hơn về 1 cơ quan của mắt, cũng như cơ thể.
Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, và khúc xạ mắt trẻ em.
Uy tín: Bác sĩ Thiện được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Gắn thẻ: