Làm sao để lấy dị vật ở mắt đúng cách, tránh tổn hại thị lực?

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Lê Đức Thiện

vào ngày 30/07/2024

Vivision hướng dẫn bạn cách để lấy dị vật ở mắt khỏi mắt một cách an toàn. Bạn sẽ được tìm hiểu dị vật ở mắt là gì và những nguyên nhân dị vật rơi vào mắt. Việc nắm vững những kiến thức này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ gặp phải biến chứng nghiêm trọng.

Dị vật ở mắt là gì?

Dị vật trong mắt là tình trạng khi có vật thể lạ bên ngoài mắc vào mắt, thường gặp như bụi, côn trùng, hạt cát, mạt sắt… Dị vật có thể nằm ở giác mạc hoặc kết mạc. Những tổn thương do dị vật gây ra thường không quá nghiêm trọng, nhưng nếu không được xử lý kịp thời, chúng có thể gây nhiễm trùng và ảnh hưởng đến thị lực.

Dị vật ở mắt là gì

Dị vật ở mắt là gì

Các loại dị vật thường gặp:

  • Bụi
  • Côn trùng
  • Hạt cát
  • Mảnh kim loại nhỏ, mạt sắt
  • Mảnh gỗ nhỏ
  • Lông mi (lông mi có thể bị mắc kẹt trong mắt)

Triệu chứng khi có dị vật trong mắt:

  • Mắt đỏ, sưng, ngứa và cảm giác có vật lạ cọ xát.
  • Mắt sẽ tự động tiết ra nước mắt để cố gắng đẩy dị vật ra ngoài.
  • Cảm giác đau nhói hoặc đau rát ở mắt, đặc biệt khi chớp mắt.
  • Mắt mờ, thị lực bị ảnh hưởng.
  • Nhạy cảm với ánh sáng (photophobia), khó mở mắt
  • Xuất huyết dưới kết mạc (xuất hiện vệt máu trên bề mặt mắt).

Dị vật ở mắt không được xử lý nguy hiểm như thế nào?

Hầu hết các trường hợp bị dị vật rơi vào mắt đều chỉ gây viêm nhẹ và có thể hồi phục trong một vài ngày nếu được lấy dị vật sớm. Những dị vật đơn giản như cát, bụi thường chỉ gây cộm, đỏ mắt, chảy nước mắt. Và khi nước mắt tiết ra nhiều cuốn trôi được dị vật thì mắt có thể tự hồi phục.

Nếu dị vật lớn, sắc nhọn, hoặc gây tổn thương nặng cho mắt, bạn cần đến bệnh viện sớm để được bác sĩ chuyên khoa mắt lấy dị vật kịp thời. Nếu không được xử lý đúng cách có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến thị lực và sức khỏe mắt.:

  • Nhiễm trùng mắt: Dị vật có thể mang vi khuẩn hoặc vi sinh vật gây nhiễm trùng. Khi dị vật nằm trong mắt quá lâu, vi khuẩn có thể sinh sôi và gây viêm nhiễm, dẫn đến các bệnh nhiễm trùng như viêm kết mạc, viêm giác mạc, loét giác mạc.
  • Loét giác mạc: Trầy xước giác mạc không được xử lý có thể dẫn đến loét giác mạc, một tình trạng nghiêm trọng có thể gây mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.
  • Sẹo giác mạc: Khi tổn thương loét giác mạc nặng, điều trị muộn có thể hình thành sẹo, gây suy giảm thị lực vĩnh viễn

Hướng dẫn cách lấy dị vật ở mắt ra ngay tại nhà

Hướng dẫn cách lấy dị vật ở mắt ra ngay tại nhà

Hướng dẫn cách lấy dị vật ở mắt ra ngay tại nhà

Có những lưu ý khi lấy dị vật ở mắt sau:

Tự loại bỏ dị vật ở mắt

  • Khi dị vật vào mắt cơ thể sẽ phản ứng bằng cách tiết rất nhiều nước mắt. Bạn nhắm mắt lại và tự đảo mắt các hướng có thể giúp trôi dị vật ra khỏi bề mặt giác mạc.
  • Dụi mắt có thể làm cho dị vật cọ xát và làm tổn thương giác mạc hoặc kết mạc, gây trầy xước hoặc nhiễm trùng. Động tác này cũng có thể đẩy dị vật vào sâu hơn trong mắt.

Loại bỏ dị vật ở mắt bằng dụng cụ hỗ trợ

Bạn có thể sử dụng một số công cụ hỗ trợ để tự lấy dị vật ở mắt với những dị vật nhỏ, còn dị vật lớn hãy đến cơ sở y tế. 

Sử dụng nước muối sinh lý 

  • Dung dịch nước muối sinh lý nhỏ mắt có thể rửa trôi dị vật ra khỏi mắt và làm dịu cảm giác kích ứng. 
  • Cách thực hiện: Nhỏ vài giọt dung dịch NaCl 0,9% nhỏ mắt vào mắt bị dính dị vật, chớp mắt để nước muối phân tán đều và rửa trôi dị vật. Lặp lại nhiều lần.

Sử dụng nước sạch 

  • Nước sạch có thể giúp loại bỏ dị vật khỏi mắt một cách nhanh chóng và hiệu quả. Việc rửa mắt bằng nước cũng giúp làm dịu cảm giác khó chịu.
  • Cách thực hiện: Dùng một cốc nước sạch hoặc một chai nước có vòi để rửa mắt. Ngửa đầu ra sau, mở to mắt và cho nước chảy từ góc mắt trong ra ngoài, đảm bảo rửa sạch toàn bộ bề mặt mắt.

Sử dụng tăm bông

  • Tăm bông có thể được sử dụng để lấy dị vật ra khỏi mắt nếu dị vật nằm ở vị trí dễ tiếp cận và không dính chặt vào bề mặt mắt. Tuy nhiên, phương pháp này cần cẩn thận để tránh làm tổn thương mắt.
  • Cách thực hiện: Rửa tay sạch, dùng tăm bông ướt và nhẹ nhàng chạm vào dị vật để lấy ra. Có thể lật mi để lấy dị vật ở kết mạc mi trên. Không cố gắng đẩy dị vật ra bằng cách cọ xát mạnh, điều này có thể làm tổn thương giác mạc hoặc kết mạc.

Lấy dị vật to, kích thước lớn, nguy hiểm

Những dị vật lớn hơn hạt bụi có nguy cơ gây tổn thương mắt rất cao, do đó rất cần sự can thiệp từ nhân viên y tế. Xử lý khi gặp dị vật kích thước lớn, nguy hiểm

Không tự ý lấy dị vật ra

  • Việc tự lấy dị vật lớn hoặc sắc nhọn ra khỏi mắt có thể gây thêm tổn thương và nhiễm trùng.
  • Tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.

Giữ yên mắt

  • Di chuyển mắt hoặc nhắm mở mắt có thể làm dị vật di chuyển, gây thêm tổn thương.
  • Giữ yên mắt và cố gắng không nhắm mở mắt nhiều. Nếu cần thiết, có thể che mắt bằng một miếng vải sạch mà không tạo áp lực lên mắt.

Tránh dụi mắt

  • Dụi mắt có thể làm dị vật cắm sâu hơn, gây thêm tổn thương cho giác mạc hoặc các cấu trúc bên trong mắt. Không day dụi mắt. Có thể dùng một miếng vải sạch để che mắt và tránh tiếp xúc.

Quan sát triệu chứng:

  • Quan sát kỹ các triệu chứng của mắt giúp cung cấp thông tin quan trọng cho bác sĩ khi bạn đến khám.
  • Chú ý đến màu sắc của mắt, mức độ chảy máu, thay đổi trong thị lực, và dịch tiết ra từ mắt.

Đến gặp bác sĩ ngay lập tức

  • Dị vật lớn, sắc nhọn hoặc gây đau dữ dội cần được xử lý bởi chuyên gia y tế để tránh tổn thương nghiêm trọng và bảo vệ thị lực.
  • Tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức. Đến bệnh viện hoặc phòng khám mắt gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Trong những trường hợp này, việc giữ yên mắt và không tự xử lý là vô cùng quan trọng để tránh làm tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn. Hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức để đảm bảo an toàn cho mắt và thị lực của bạn.

Khi nào cần gặp bác sĩ? 

Việc tự ý lấy dị vật ra bằng các dụng cụ không chuyên có thể gây tổn thương giác mạc và các bộ phận khác của mắt. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng sau đây, đặc biệt là khi đau nhói dữ dội, mờ mắt hoặc chảy máu, hãy ngừng dụi mắt và tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức.

  • Không thể loại bỏ dị vật: Nếu dị vật vẫn còn sau khi đã thử các biện pháp tại nhà, cần sự can thiệp của chuyên gia.
  • Dị vật ở sâu trong mắt: Dị vật nằm sâu trong mắt có thể gây tổn thương nghiêm trọng và khó tiếp cận.
  • Mắt mờ hoặc mắt gặp bất thường sau khi lấy dị vật ra ngoài: Tầm nhìn có thể bị mờ hoặc nhòe đi.
  • Dị vật là mảnh thủy tinh, dị vật lớn, sắc nhọn hoặc nhiều mảnh nhỏ: Những loại dị vật này có nguy cơ gây tổn thương nghiêm trọng và nhiễm trùng cao.

Lưu ý khi lấy dị vật trong mắt 

Dưới đây là những lưu ý quan trọng khi lấy dị vật ở mắt

  • Băng mắt bằng băng gạc sạch trước khi đến gặp bác sĩ: Việc bảo vệ mắt bằng băng gạc sạch sẽ giúp tránh tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng và ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Tránh sử dụng móng tay để chạm vào mắt: Móng tay có thể gây tổn thương và nhiễm trùng do vi khuẩn.
  • Rửa tay kỹ trước khi chạm vào mắt: Tay không sạch có thể mang vi khuẩn, gây nhiễm trùng hoặc kích ứng mắt.
  • Rửa mắt ngay khi bị dính hóa chất: Riêng đối với hóa chất bắn vào mắt thì bạn cần loại bỏ ngay lập tức trước khi đến cơ sở y tế. Rửa mắt liên tục trong ít nhất 10-15 phút bằng nước sạch sau đó nhanh chóng đến bệnh viện.

Cách chăm sóc và phòng ngừa dị vật ở mắt

Chăm sóc mắt sau khi lấy dị vật ở mắt:

  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ theo chỉ định của bác sĩ: Giúp ngăn ngừa nhiễm trùng, giảm viêm và làm lành biểu mô giác mạc
  • Tránh dụi mắt: Tránh chạm vào mắt và dụi mắt vì có thể làm tổn thương thêm hoặc tái nhiễm dị vật.
  • Theo dõi các triệu chứng bất thường: Các triệu chứng như đỏ, đau hoặc nhìn mờ có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc tổn thương nghiêm trọng hơn. Nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc xấu đi, nên đến gặp bác sĩ ngay lập tức.

 Phòng ngừa dị vật vào mắt

  • Đeo kính bảo hộ: Đeo kính bảo hộ khi làm việc trong môi trường nhiều bụi hoặc khi lao động, thực hiện các hoạt động như cắt cỏ, làm vườn giúp ngăn ngừa bụi, côn trùng và các vật nhỏ bay vào mắt.
  • Giữ vệ sinh tay và mắt: Bàn tay có thể mang vi khuẩn và các dị vật khác vào mắt, rửa tay thường xuyên và tránh chạm vào mắt.
  • Bảo vệ mắt khi tiếp xúc với hóa chất: Hóa chất có thể gây bỏng và tổn thương nghiêm trọng cho mắt. Đeo kính bảo vệ khi làm việc với hóa chất và tuân thủ các biện pháp an toàn.
  • Duy trì môi trường sống sạch sẽ: Thường xuyên lau dọn nhà cửa, đặc biệt là các khu vực dễ bám bụi.

Dị vật trong mắt là một tình trạng khá phổ biến, nhưng nếu không được xử lý đúng cách có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì vậy, khi có dị vật rơi vào mắt, bạn không nên tự ý lấy dị vật ở mắt mà hãy đến ngay cơ sở y tế để được các bác sĩ chuyên khoa xử lý. Việc khám và điều trị kịp thời sẽ giúp bạn bảo vệ đôi mắt khỏe mạnh và tránh những rủi ro không đáng có. 

Mắt là một bộ phận rất nhạy cảm trên cơ thể con người, vì vậy khi thực hiện lấy dị vật ở mắt cần hết sức chú ý. Các dị vật lớn như mảnh thủy tinh hay móng tay cần phải được bác sĩ hoặc chuyên viên y tế xử lý. Đặt lịch khám tại vivision để được thăm khám và tư vấn điều trị thích hợp. 

Lời khuyên

Mắt là một bộ phận rất nhạy cảm trên cơ thể con người, vì vậy khi thực hiện lấy dị vật ở mắt cần hết sức chú ý. Các dị vật lớn như mảnh thủy tinh hay móng tay cần phải được bác sĩ hoặc chuyên viên y tế xử lý.

logo vivisionkid
Thạc sĩ Lê Đức Thiện
Bác sĩ Lê Đức Thiện
Thạc sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, và khúc xạ mắt trẻ em.

Uy tín: Bác sĩ Thiện được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

dị vật ở mắt là gì

Lấy dị vật ở mắt

nguyên nhân dị vật rơi vào mắt