Loạn thị bẩm sinh có chữa được không? Cách chữa loạn thị
Loạn thị bẩm sinh là tình trạng các bé mắc tật khúc xạ từ khi sinh ra. Vậy loạn thị bẩm sinh có chữa được không? Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về loạn thị bẩm sinh, hình ảnh người loạn thị nhìn thấy và các phương pháp chữa trị.
Loạn thị bẩm sinh là gì?
Loạn thị bẩm sinh là một dạng rối loạn khúc xạ xảy ra từ khi trẻ được sinh ra, do giác mạc hoặc thủy tinh thể của mắt không có hình dạng hoàn hảo như một hình cầu. Thay vào đó, giác mạc có hình dạng hơi méo, điều này làm cho ánh sáng đi vào mắt không thể hội tụ vào một điểm trên võng mạc. Kết quả là người mắc loạn thị bẩm sinh nhìn mọi thứ không rõ ràng, hình ảnh bị mờ, méo mó.
Loạn thị bẩm sinh có thể xuất hiện ở cả hai mắt hoặc chỉ một mắt và mức độ nặng nhẹ khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp. Điều quan trọng là tình trạng này thường khó phát hiện sớm nếu không được thăm khám mắt kịp thời.
Dấu hiệu và nguyên nhân mắc loạn thị bẩm sinh
Những trẻ mắc loạn thị bẩm sinh thường có những dấu hiệu thị lực bất thường. Dưới đây là một số biểu hiện thường gặp mà bố mẹ nên chú ý:
- Nhìn mờ cả xa lẫn gần: Trẻ bị loạn thị thường gặp khó khăn khi nhìn xa và cả nhìn gần. Hình ảnh thường bị nhòe, không rõ ràng.
- Hình ảnh bị nhòe, méo mó: Trẻ nhìn mọi vật với hình ảnh méo mó, không chính xác.
- Nhức đầu và mỏi mắt: Trẻ thường bị đau đầu ở vùng trán, thái dương và cảm thấy mỏi mắt sau khi cố gắng nhìn lâu.
- Nheo mắt khi nhìn: Trẻ hay có thói quen nheo mắt để cố nhìn rõ hơn.
- Chảy nước mắt, mắt kích thích: Mắt của trẻ dễ bị chảy nước mắt và kích ứng khi phải làm việc nhiều.
- Xuất hiện nhiều bóng mờ khi nhìn vào vật: Khi nhìn vào một vật, trẻ có thể thấy xuất hiện hai hoặc ba bóng mờ.
Những dấu hiệu này thường xuất hiện dần dần và có thể không rõ ràng trong giai đoạn đầu, khiến bố mẹ dễ bỏ qua.
Hiện tại, các chuyên gia nhãn khoa vẫn chưa xác định rõ ràng nguyên nhân cụ thể gây loạn thị bẩm sinh. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể dẫn đến tình trạng này bao gồm:
- Chấn thương mắt khi sinh: Quá trình sinh nở có thể gây ra tổn thương nhẹ cho mắt của trẻ, ảnh hưởng đến hình dạng giác mạc.
- Mẹ bầu bị nhiễm khuẩn: Nếu người mẹ bị nhiễm khuẩn trong quá trình mang thai, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, bao gồm cả mắt.
- Yếu tố di truyền: Loạn thị bẩm sinh có thể di truyền từ các thành viên trong gia đình có tiền sử bệnh về mắt hoặc rối loạn khúc xạ.
Người loạn thị nhìn thấy hình ảnh như thế nào?
Loạn thị ảnh hưởng đến cách mắt xử lý ánh sáng, khiến hình ảnh nhìn thấy bị mờ và méo mó. Tình trạng này có thể chia thành ba cấp độ khác nhau: nhẹ, trung bình và nặng, mỗi cấp độ thể hiện những đặc điểm và ảnh hưởng riêng đến khả năng nhìn của người bệnh.
Hình ảnh loạn thị của người bị nhẹ
Loạn thị nhẹ (0.5 – 2 diop) thường không gây ra sự thay đổi lớn trong thị lực của người bệnh. Những người bị loạn thị ở cấp độ này có thể nhìn thấy mà không cần đến sự hỗ trợ của kính. Hình ảnh mà họ quan sát được thường ít mờ nhòe, do đó không quá gây khó chịu hay cản trở đến thị lực. Vào ban ngày, tầm nhìn của họ thường tương đối sáng rõ, không ảnh hưởng lớn đến các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như học tập, làm việc hay lái xe.
Hình ảnh trong mắt người loạn thị trung bình
Người mắc loạn thị trung bình (2 – 4 diop) người bệnh sẽ bắt đầu nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong thị lực. Hình ảnh trở nên mờ nhòe ở mọi khoảng cách. Bên cạnh đó, có thể xuất hiện thêm bóng mờ, khiến cho việc nhận diện các vật thể trở nên khó khăn hơn.
Loạn thị ở cấp độ trung bình có thể gây ra nhiều khó khăn trong các hoạt động hàng ngày, đặc biệt là trong việc đọc sách, sử dụng máy tính hay lái xe. Các triệu chứng có thể ngày càng trở nên rõ ràng hơn theo thời gian và thị lực có thể suy yếu dần.
Trong trường hợp này, bác sĩ nhãn khoa thường chỉ định người bệnh sử dụng kính để hỗ trợ tầm nhìn rõ hơn, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống và tránh những rủi ro không đáng có.
Hình ảnh của người bị loạn thị nặng
Ở mức độ nặng (trên 4 diop), thị lực của người bệnh có thể bị suy giảm nghiêm trọng. Hình ảnh mà họ nhìn thấy sẽ trở nên mờ, nhòe, méo mó và biến dạng, không thể nhìn rõ ở bất kỳ khoảng cách nào. Một trong những dấu hiệu điển hình của loạn thị nặng là tình trạng nhìn đôi, khi một vật thể có thể xuất hiện từ hai đến ba bóng mờ khác nhau.
Tình trạng nghiêm trọng này thường yêu cầu can thiệp y tế, bao gồm việc đeo kính thường xuyên trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày để cải thiện thị lực. Nếu việc sử dụng kính không giúp cải thiện tốt thị lực, người loạn thị nặng có thể cần phải xem xét các phương pháp phẫu thuật để khắc phục tật loạn thị.
Việc can thiệp sớm là rất quan trọng để hạn chế biến chứng nhược thị. Đây là một tình trạng có thể dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn nếu không được điều trị kịp thời.
Loạn thị bẩm sinh có chữa được không? Cách chữa loạn thị bẩm sinh
Loạn thị bẩm sinh có thể được điều trị bằng các phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng sức khỏe của mắt. Trong đó, phẫu thuật được coi là giải pháp duy nhất để chữa trị loạn thị bẩm sinh hoàn toàn. Tuy nhiên, điều kiện phẫu thuật chỉ áp dụng cho người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, khi độ loạn ổn định và không mắc các bệnh lý mắt khác.
Một số phương pháp phẫu thuật phổ biến bao gồm:
- ReLEx SMILE: Phẫu thuật mắt bằng laser với xâm lấn tối thiểu, giúp cải thiện tật khúc xạ, bao gồm loạn thị.
- Femto Lasik: Phương pháp sử dụng laser để tạo vạt giác mạc và điều chỉnh giác mạc.
- Phakic ICL: Đặt một thấu kính vào trong mắt mà không cần can thiệp đến giác mạc.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh có thể hồi phục thị lực nhanh chóng và không cần đeo kính nữa.
Với trẻ dưới 18 tuổi, phẫu thuật không phải là lựa chọn, nhưng có thể khắc phục tạm thời bằng các phương pháp như:
- Đeo kính gọng: Đây là phương pháp đơn giản và phổ biến nhất để cải thiện thị lực cho trẻ bị loạn thị. Kính gọng giúp điều chỉnh cách ánh sáng hội tụ, làm cho hình ảnh trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên, kính chỉ là giải pháp hỗ trợ tạm thời và không thể chữa khỏi loạn thị. Sau khi tháo kính, tình trạng loạn thị vẫn sẽ trở lại.
- Dùng kính Ortho-K: Kính Ortho-K là loại kính áp tròng được đeo vào ban đêm, giúp điều chỉnh giác mạc tạm thời trong khi ngủ. Kính này giúp trẻ nhìn rõ mà không cần đeo kính trong suốt 24 giờ sau khi tháo kính.
Tuy nhiên, khi ngừng sử dụng, giác mạc sẽ trở lại hình dạng ban đầu và loạn thị tái phát. Ortho-K được xem là giải pháp thẩm mỹ và tiện lợi hơn so với kính gọng, nhưng cần được sử dụng dưới sự chỉ định và kiểm tra từ bác sĩ nhãn khoa.
Tóm lại loạn thị bẩm sinh là một tình trạng khúc xạ mắt phổ biến và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ. Để điều trị loạn thị bẩm sinh, phẫu thuật là phương pháp hiệu quả nhất nhưng chỉ áp dụng cho người trưởng thành. Đối với trẻ nhỏ, kính gọng và Ortho-K là giải pháp tạm thời để cải thiện thị lực.
Nhắn tin cho vivision kid để được tư vấn chi tiết về phương pháp chữa trị loạn thị bẩm sinh cho trẻ.
Lời khuyên
Hãy cho trẻ khám mắt định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Khi trẻ đủ điều kiện, việc phẫu thuật là cách duy nhất để điều trị dứt điểm loạn thị bẩm sinh.
Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển và Khúc xạ Nhãn nhi
Uy tín: Bằng khả năng giao tiếp và kết nối, chuyên gia Xuân Thủy ấn tượng với mọi người và bệnh nhân nhí bằng sự kiên trì, nhẹ nhàng đem lại một nguồn năng lượng tích cực.
Gắn thẻ: