Lúc nhỏ thị lực bình thường, lớn lên có bị nhược thị không?

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Lê Khánh Hòa

vào ngày 31/07/2024

Nhiều người vẫn lo lắng không biết liệu khi lớn lên có thể bị nhược thị hay không? Để giải đáp thắc mắc này, vivision sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho độc giả, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe đôi mắt và chất lượng cuộc sống của bạn. 

Hiểu rõ về nhược thị

Nhược thị là một bệnh lý khá phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 2-3% trẻ em dưới 5 tuổi. Bạn cần hiểu rõ về căn bệnh này trước khi tìm kiếm phương pháp điều trị. 

Định nghĩa nhược thị là gì?

Nhược thị là gì? Nhược thị còn được gọi là mắt lười, là một rối loạn thị giác xảy ra khi vỏ não thị giác phát triển bất thường, gây suy giảm thị lực. Trong những năm đầu đời, trải nghiệm thị giác bình thường là yếu tố quan trọng giúp hình thành và phát triển toàn diện đường dẫn truyền thị giác từ mắt đến não ở trẻ. 

Bất kỳ yếu tố nào cản trở sự phát triển thị giác ở hai mắt hoặc tương tác bất thường giữa hai mắt làm gián đoạn tiến trình hoàn thiện đường dẫn truyền thị giác đều có thể khiến bạn bị nhược thị.

Trên lâm sàng, bệnh nhược thị được nhận định khi: 

  • Thị lực mắt < 7/10 mặc dù đã được chỉnh kính tối đa
  • Chênh lệch thị lực giữa hai mắt từ 1-2 dòng trở lên

Tùy theo cách phân loại, nhược thị được chia thành các nhóm khác nhau như:

  • Theo mắt bị ảnh hưởng: nhược thị một mắt hoặc hai mắt
  • Theo mức độ: nhược thị nhẹ, trung bình, nặng
  • Theo nguyên nhân gây bệnh: do tật khúc xạ, do lác, do mất nhìn
Bị nhược thị làm suy giảm thị lực

Bị nhược thị làm suy giảm thị lực

Dấu hiệu nhận biết bị nhược thị ở trẻ 

Nhược thị thường không có các triệu chứng dễ quan sát bằng mắt thường. Bố mẹ cần chú ý đến biểu hiện của trẻ để phát hiện và điều trị sớm bệnh nhược thị, giúp tăng tỷ lệ thành công của quá trình điều trị. 

Những dấu hiệu điển hình cho thấy bạn bị nhược thị bao gồm:

  • Mắt lác, lé: đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh nhược thị 
  • Trẻ thường nheo mắt, cố gắng để nhìn vật ở xa, khi xem tivi có xu hướng tiến gần vào màn hình, hay dụi mắt
  • Mắt nhìn lệch, khi nhìn thường nghiêng đầu
  • Các bệnh lý như mi mắt hai bên không đều (sụp mi), ánh đồng tử trắng (u nguyên bào võng mạc)

Ảnh hưởng của nhược thị

Bị nhược thị mà không được điều trị đúng cách không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn cản trở công việc, sinh hoạt hàng ngày và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như:

  • Suy giảm, mất chức năng thị giác hai mắt do một mắt không hoạt động
  • Mất mắt dự trữ khi gặp bệnh lý, chấn thương do một mắt nhược thị sẽ khiến mắt còn lại trở thành độc nhất
  • Giảm thị lực, thị lực tương phản, khả năng cảm nhận chiều sâu khi nhìn bằng hai mắt so với một mắt
  • Nếu phát hiện quá muộn, nhược thị sẽ không thể chữa khỏi, thậm chí gây hỏng mắt, mù lòa

Nguyên nhân nhược thị 

Nắm được những nguyên nhân dẫn đến bị nhược thị sẽ giúp bạn dễ dàng tìm kiếm phương pháp điều trị hiệu quả. 

Nhược thị do tật khúc xạ

Các tật khúc xạ như viễn thị, loạn thị, cận thị có thể khiến trẻ bị nhược thị do làm giảm chất lượng hình ảnh từ một hoặc cả hai mắt. Bất đồng khúc xạ (chênh lệch tật khúc xạ giữa hai mắt) cũng là một nguyên nhân phổ biến của bệnh nhược thị do sự cạnh tranh giữa mắt tốt và mắt yếu hơn, khiến não ưu tiên sử dụng hình ảnh từ mắt tốt hơn. 

Trẻ thường không thể tự nhận biết mắt mình bị nhìn mờ hoặc hiểu được tình trạng của mình là bất thường vì đã quen với nó từ nhỏ. Phụ huynh có thể phát hiện bé bị nhược thị khi thấy con có các biểu hiện như nheo mắt, đứng sát vào vật cần nhìn để cố gắng nhìn rõ hơn.

Tật khúc xạ làm tăng nguy cơ bị nhược thị

Tật khúc xạ làm tăng nguy cơ bị nhược thị

Nhược thị do lác 

Lác/lé là hiện tượng hai mắt nhìn về hai hướng khác nhau khi tập trung vào cùng một vật. Một mắt có thể nhìn thẳng trong khi mắt kia di chuyển lên, xuống, vào trong hoặc ra ngoài. Bố mẹ có thể quan sát thấy rõ tình trạng lác/lé ở con khi hai mắt trẻ không nhìn cùng hướng lúc xem tivi hoặc chơi.

Lác/lé là nguyên nhân nhược thị ở trẻ thường gặp nhất. Nó có thể dẫn tới nhược thị do vỏ não loại bỏ hình ảnh từ một mắt để tránh hiện tượng song thị (nhìn đôi). Việc ức chế tín hiệu từ một mắt trong thời gian dài sẽ làm suy yếu kết nối thần kinh từ mắt đó đến vỏ não. Ngược lại, bị nhược thị cũng có thể gây ra lác/lé do não chỉ tập trung sử dụng hình ảnh từ mắt tốt hơn.

Nhược thị do mất nhìn

Các bệnh lý che chắn hình ảnh đến võng mạc có thể gây ra nhược thị do mất nhìn. Nguyên nhân thường gặp nhất trong nhóm này là đục thể thủy tinh bẩm sinh. Ngoài ra, nhược thị do mất nhìn cũng có thể do các bệnh như sụp mi bẩm sinh, sẹo giác mạc, bệnh lý đồng tử.

Các phương pháp điều trị khi bị nhược thị

Phương pháp điều trị nhược thị sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, nguyên nhân gây bệnh và mức độ nặng của bệnh. Dưới đây là một số phương pháp điều trị nhược thị phổ biến:

Phẫu thuật điều trị nhược thị

Trong trường hợp nhược thị và có lác/lé, khi các liệu pháp khác không mang lại hiệu quả, phẫu thuật có thể được chỉ định để điều trị nhược thị. Các phương pháp phẫu thuật bao gồm điều chỉnh cơ mắt nhằm cải thiện sự phối hợp và thẳng hàng của hai mắt, từ đó nâng cao thị lực và cân bằng thị giác.

Chỉnh kính

Đeo kính gọng hoặc kính áp tròng là biện pháp điều chỉnh các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị nguyên nhân phổ biến gây ra nhược thị. Việc đeo kính phù hợp giúp não sử dụng cả hai mắt cùng lúc, tạo ảnh võng mạc rõ nét như nhau, thúc đẩy sự phát triển song song của thị lực ở hai mắt.

Chỉ bằng cách đeo kính đúng số, thị lực của trẻ bị nhược thị đã có thể cải thiện đáng kể. Ví dụ với nhược thị do lệch khúc xạ, thị lực có thể tăng 4 dòng chữ chỉ sau 4-12 tuần đeo kính.

Bịt mắt (che mắt) 

Phương pháp bịt mắt liên quan đến việc che mắt tốt hơn bằng bịt mắt để buộc mắt yếu hoạt động nhiều hơn. Điều này kích thích sự phát triển thị giác ở mắt nhược thị, giúp cải thiện thị lực.

Các bước tiến hành bịt mắt gồm: 

  • Dán băng che trực tiếp lên mắt hoặc dán lên phía trên mắt kính. 
  • Bịt mắt: Tùy vào mức độ nhược thị và từng trường hợp mà y bác sỹ sẽ chỉ định. Thông thường, trẻ cần bịt mắt ít nhất 2 tiếng/ ngày để tập mắt.
  • Thời gian theo dõi tương ứng với số tuổi của trẻ, thường là 1 tuần cho mỗi 1 tuổi. Ví dụ: trẻ 1 tuổi theo dõi sau 1 tuần, trẻ 2 tuổi theo dõi sau 2 tuần, trẻ 3 tuổi theo dõi sau 3 tuần… 
  • Trong quá trình bịt mắt điều trị nhược thị, trẻ cần kiểm tra định kỳ mắt còn lại để tránh tình trạng nhược thị đảo ngược.
Bịt mắt giúp người bị nhược thị nhanh hồi phục thị lực

Bịt mắt giúp người bị nhược thị nhanh hồi phục thị lực

Dùng thuốc tra mắt (gia phạt)

“Gia phạt” sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt như atropine để tạm thời làm mờ mắt lành, buộc mắt yếu hoạt động nhiều hơn. Đây là phương pháp thay thế cho việc bịt mắt, giúp đạt hiệu quả tương đương mà không cần dùng băng che.

Tập luyện mắt chữa nhược thị 

Một số bài tập mắt đơn giản có thể giúp cải thiện tình trạng bị nhược thị như:

  • Đảo mắt theo/ngược chiều kim đồng hồ: Mắt nhược thị nhìn theo một vật có màu nổi bật di chuyển theo chiều kim đồng hồ và đảo ngược lại. Có thể đảo mắt tương tự theo các hướng lên xuống, sang phải trái, hình ziczac, đường chéo, xoắn ốc…
  • Bài tập với bút: Đưa bút thẳng trước mặt trẻ rồi di chuyển sang hai bên, mắt phải dõi theo liên tục. Khi mắt mỏi thì dừng lại và massage.
  • Tập phần mềm huấn luyện thị giác: Phần mềm huấn luyện thị giác giúp mắt yếu hơn tập trung hoạt động để kích thích sự phát triển thị giác. Phần mềm có nhiều mức độ và được chỉ định, theo dõi và hướng dẫn bởi chuyên gia
  • Chơi các game điện tử giúp tăng sự tập trung như chơi trứng khủng long, hứng trứng gà… 
  • Nhắm chặt mắt vài giây rồi mở ra nhanh, lặp lại 3-5 lần để giúp mắt thư giãn.
  • Massage mắt khi nhắm.

Người lớn lúc nhỏ thị lực bình thường có thể bị nhược thị không?

Nhiều người lầm tưởng rằng nếu không điều trị các nguyên nhân như tật khúc xạ, lác thì sẽ bị nhược thị. Tuy nhiên, nếu các yếu tố này xuất hiện sau 8 tuổi mà trước đó thị lực hoàn toàn bình thường, người lớn sẽ không có nguy cơ bị nhược thị nữa. Lý do là con đường vỏ não thị giác đã hoàn thiện. 

Lúc này, bạn chỉ cần điều trị tình trạng đang mắc như phẫu thuật sụp mi, chỉnh kính tật khúc xạ, thay thể thủy tinh đục,… mà không phải lo lắng về nguy cơ mắc bệnh nhược thị.

Nếu đang còn băn khoăn về nhược thị, bạn hãy đặt lịch để được đội ngũ chuyên gia tại vivision (tên cũ FSEC) thăm khám và hỗ trợ kịp thời, từ đó có đôi mắt sáng và khoẻ.

Lời khuyên

Nhược thị có thể ảnh hưởng không hồi phục đến thị lực nên nhiều người đến khám vì lo sợ khi mắc các nguyên nhân gây nhược thị. Tuy nhiên, sau 8 tuổi, bạn sẽ không có nguy cơ bị nhược thị nữa nếu trước đó thị lực bình thường. Lúc này, bạn chỉ cần điều trị tình trạng đang mắc để cải thiện thị lực (tật khúc xạ) hay thẩm mỹ (sụp mi),...

vivisionkid
Khúc xạ Nhãn khoa Lê Khánh Hòa
Khúc xạ Nhãn khoa Lê Khánh Hòa
Chuyên gia Kiểm soát cận thị
Xem thêm

Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển và Khúc xạ Nhãn nhi

Uy tín: Bằng khả năng giao tiếp và kết nối, chuyên gia Hòa ấn tượng với mọi người và bệnh nhân nhí bằng sự kiên trì, nhẹ nhàng đem lại một nguồn năng lượng tích cực.

Gắn thẻ:

bị nhược thị

nguyên nhân nhược thị

nhược thị là gì