Trẻ em hay người lớn suy giảm thị lực nguy hiểm hơn?

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Lê Sang Sang

vào ngày 29/04/2024

Giảm thị lực là hiện tượng nhìn mờ một vật ở xa hoặc gần, có thể xảy ra ở trẻ em hoặc người lớn. Vậy suy giảm thị lực ở trẻ em hay người lớn sẽ nguy hiểm hơn? Cùng tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé!

Nguyên nhân gây giảm thị lực ở trẻ em

Mắt là cơ quan của hệ thống thị giác, có chức năng thu thập những thông tin, hình ảnh của đối tượng sau đó những tín hiệu về hình ảnh này sẽ được đưa lên não để xử lý. Mắt giúp con người có thể đi lại, đọc sách, ngắm nhìn thế giới xung quanh… Suy giảm thị lực là tình trạng mắt không nhìn được hình ảnh rõ ràng, cảm giác như có màng trước mắt, có thể mờ toàn bộ hoặc mờ một vùng.

Có nhiều nguyên nhân gây suy giảm thị lực ở trẻ em như mắc các tật khúc xạ (viễn thị, cận thị, loạn thị), nhược thị, các bệnh lý như đục thuỷ tinh thể bẩm sinh, sẹo giác mạc…

Tật khúc xạ

Ở mắt người bình thường, ánh sáng từ các vật đi qua các môi trường trong suốt của mắt, các hình ảnh này sẽ được hội tụ tại một điểm trên võng mạc (hay còn gọi là hoàng điểm). Tuy nhiên, ở những trẻ mắc tật khúc xạ như viễn thị, loạn thị, cận thị, sẽ không được hội tụ đúng vào vị trí hoàng điểm.

Theo thống kê của WHO (Tổ chức y tế thế giới), hiện nay tình trạng mắc tật khúc xạ ở Việt Nam chiếm tỷ lệ rất cao, ở ngưỡng đáng báo động. Theo thống kê của Bộ Y Tế, tỷ lệ mắc tật khúc xạ ngày càng phổ biến, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên và cao hơn ở thành phố. Tính riêng nhóm tuổi trẻ từ 6-15 tuổi (lứa tuổi cần ưu tiên chỉnh kính) chiếm khoảng 20%, tương đương 3 triệu trẻ. Trẻ có tật khúc xạ có mắt bề ngoài nhìn bình thường nhưng sẽ nhìn không rõ nếu không có kính.

Cận thị ở trẻ là tình trạng các tia sáng đi vào mắt và hội tụ tại một điểm trước võng mạc. Trong số 3 triệu trẻ mắc tật khúc xạ thì có tới 2/3 trẻ mắc cận thị. Cận thị hay còn được gọi là “mắt nhìn gần” vì trẻ nhìn gần rõ nhưng nhìn xa sẽ bị mờ. Cận thị có thể do nguyên nhân như trục nhãn cầu dài ra hoặc do giác mạc cong quá mức và/hoặc thể thủy tinh tăng công suất.

Su-tao-anh-cua-can-thi.

Sự tạo ảnh của cận thị

Trẻ có thể có các biểu hiện như: nheo mắt khi nhìn một vật ở xa hoặc nơi có ánh sáng yếu, tiến lại sát gần hơn khi xem tivi, nghiêng đầu sang 1 bên…

Ngược lại với cận thị, viễn thị được gọi là “mắt nhìn xa”, vì khi đó mắt nhìn xa sẽ rõ hơn. Viễn thị là tình trạng các tia sáng đi vào mắt và hội tụ phía sau võng mạc thay vì hội tụ tại hoàng điểm như ở mắt bình thường. Ở trẻ, quá trình điều tiết diễn ra rất mạnh mẽ, nó có thể kéo ảnh phía sau võng mạc trở lại vị trí trên võng mạc. Tuy nhiên, cuối ngày sẽ bị mỏi điều tiết dẫn đến người bệnh cảm thấy mắt mỏi hơn và nhìn mờ hơn so với buổi sáng.

Viễn thị có thể do: trục nhãn cầu quá ngắn, giác mạc và/hoặc thể thủy tinh không đủ cong (dẹt quá), do đó công suất quá yếu. Trẻ bị viễn thị thường phàn nàn: con cảm thấy mỏi mắt và nhìn mờ vào buổi chiều tối, nhức mỏi mắt và đau đầu khi học bài, đọc sách.

Su-tao-anh-cua-vien-thi.

Sự tạo ảnh của viễn thị

Loạn thị là tình trạng các tia sáng hội tụ tại hai điểm khác nhau thay vì một điểm như người bình thường, cận thị, viễn thị. Ở những trẻ mắc loạn thị, giác mạc và/hoặc thể thủy tinh có hình bầu dục, giống như một quả trứng hoặc quả bóng bầu dục chứ không phải hình tròn như quả bóng. Các kinh tuyến ở trên giác mạc có độ cong không bằng nhau, một kinh tuyến vồng hơn, một kinh tuyến dẹp hơn (ít vồng hơn).

Minh-hoa-giac-mac-binh-thuong-va-loan-thi.

Minh hoạ giác mạc bình thường và loạn thị

Những trẻ có loạn thị thường phàn nàn rằng: con nhìn mờ cả xa và gần, con nhìn hình bị nhoè, con thấy có bóng ở phía sau vật…

Các bệnh lý

Suy giảm thị lực ở trẻ không những do tật khúc xạ gây ra mà còn có thể do bệnh lý tiềm ẩn khác như: đục thuỷ tinh thể bẩm sinh, u nguyên bào võng mạc, sẹo giác mạc…

Để nhìn thấy một đối tượng, ánh sáng từ vật cần đi vào mắt, truyền qua các môi trường trong suốt như giác mạc, thuỷ dịch, thuỷ tinh thể, dịch kính sau đó hội tụ trên võng mạc. Nhưng một hoặc nhiều môi trường bị đục sẽ làm cản trở ánh sáng đến võng mạc gây nhìn mờ, suy giảm thị lực.

Trẻ sơ sinh khi mắc các bệnh lý mắt thường có các biểu hiện như không nhìn dõi theo bố mẹ, không phản hồi lại khi bố mẹ chơi cùng (chuông lắc, đồ chơi màu sắc..), trẻ dễ quấy khóc,..

Nếu phát hiện trẻ bị đục thuỷ tinh thể bẩm sinh cần được phẫu thuật sớm nhất có thể. U nguyên bào võng mạc là bệnh có thể gây nguy hiểm đến cả tính mạng trẻ, thường có ánh sáng trắng phản lại khi chiếu đèn vào mắt thay vì màu hồng như người bình thường. Cần đưa trẻ đi khám tại các bệnh viện, chuyên khoa uy tín để được thăm khám và chẩn đoán, phát hiện kịp thời.

Nguyên nhân gây giảm thị lực ở người lớn

Bệnh lý

Suy giảm thị lực ở người lớn cũng là một vấn đề quan trọng cần quan tâm. Nguyên nhân gây suy giảm thị lực là bệnh tại mắt nhưng cũng có thể là dấu hiệu khởi phát của các khối u não, u hốc mắt, đột quỵ…

Giảm thị lực diễn ra trong 1 phút có thể do tắc mạch máu võng mạc, trong 1 ngày có thể bong võng mạc (kèm theo chớp sáng, ruồi bay), 1 tháng có thể đục thuỷ tinh thể hoặc bệnh thần kinh tiến triển chậm…Các bệnh mắt hoặc bệnh não nghiêm trọng gây suy giảm thị lực kèm theo một số dầu hiệu như: đau đầu, đỏ mắt, tổn hại thị trường, mất ánh hồng đồng tử, giác mạc, đồng tử hoặc mống mắt bất thường…

Mất thị lực đột ngột là cảnh báo bệnh lý có thể gây mù hoặc đột quỵ, vì vậy không được chủ quan.

Lão thị

Tinh-trang-lao-thi

Tình trạng lão thị gặp ở người già

Các cơ quan trong cơ thể bắt đầu lão hoá khi chúng ta già đi, thuỷ tinh thể cũng vậy. Ở người lớn tuổi (thường từ 40 tuổi trở đi), thuỷ tinh thể cứng dần hơn, làm giảm dần khả năng hội tụ vào các vật ở gần (điều tiết) gây mờ mắt. Tình trạng này gọi là lão thị và sẽ mờ tăng dần khi tuổi tăng thêm.

Người lão thị sẽ gặp khó khăn với các việc nhìn gần như đọc sách hoặc khâu vá. Khi mới bị lão thị, họ có thể phàn nàn những điều như: Tay tôi không đủ dài (vì đưa ra xa sẽ nhìn rõ hơn), chữ ở báo quá nhỏ, tôi thấy khó xâu kim,…

Cận thị

Một nguyên nhân gây suy giảm thị lực ít gặp hơn ở người lớn chính là cận thị. Khi độ cận tăng lên, người bệnh sẽ thấy nhìn mờ dần dần theo thời gian. Tăng độ cận này do chế độ làm việc không hợp lý, cần chú ý khoảng 20 phút làm việc, nhìn xa 6m trong khoảng 20 giây. Sau 45 phút làm việc cần nghỉ ngơi 10 phút, matxa mắt và nhìn ra xa, tránh để mắt làm việc quá mức.

Nghi-ngoi-giua-gio-lam-viec.

Cần nghỉ ngơi giữa giờ làm việc để giữ ổn định sức khoẻ mắt

Trẻ em hay người lớn suy giảm thị lực nguy hiểm hơn?

Tuỳ nguyên nhân gây ra suy giảm thị lực mà người lớn và trẻ em sẽ có mức độ nguy hiểm khác nhau. Suy giảm thị lực đột ngột ở cả người lớn và trẻ em đều là dấu hiệu cảnh báo cần quan tâm (bong rách võng mạc, u, đột quỵ, bệnh thị thần kinh…)

Hệ thống thị giác khi mới sinh ra chưa hoàn thiện, theo thời gian, sự học tập, thu nhận thông tin lên não và xử lý sẽ giúp nó phát triển toàn diện.  Mọi sự cản trở như tật khúc xạ hoặc các bệnh lý dẫn đến mắt trẻ không được phát triển bình thường. Sự mất nhìn trong thời gian dài dẫn đến trẻ bị nhược thị, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có thể suy giảm thị lực vĩnh viễn, không thể phục hồi được hoàn toàn. Thời gian vàng điều trị nhược thị cho trẻ là dưới 8 tuổi, ngoài khoảng thời gian này, tiên lượng điều trị sẽ giảm.

Lời khuyên

Dù là người lớn hay trẻ em, suy giảm thị lực là 1 vấn đề quan trọng cần được quan tâm. Bố mẹ cần cho con đi khám nếu bé có các biểu hiện của sự suy giảm thị lực.

Optometrist Lê Sang Sang
Khúc xạ Nhãn khoa Lê Sang Sang
Chuyên gia Kiểm soát cận thị
Xem thêm

Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển Trẻ em

Uy tín: Khúc xạ Nhãn khoa Lê Sang Sang được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, optometrist đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

giảm thị lực

Thị lực giảm

Kính áp tròng cứng là gì? Ai nên dùng? Có tốt không?

Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Thị Xuân Thủy

FSEC chính thức đổi tên thành VIVISION KID

Khúc xạ Nhãn khoa Dương Công Quyền

Vì sao không nên sử dụng kính áp tròng quá hạn sử dụng?

Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Thị Xuân Thủy