Trẻ uống kháng sinh bị dị ứng mắt sưng: bao lâu thì hết?
Việc sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị bệnh rất phổ biến. Trẻ nhỏ khi dùng thuốc kháng sinh có thể bị dị ứng mắt sưng.
Nếu triệu chứng nhẹ, thường dị ứng sẽ giảm dần theo thời gian, một số trường hợp khác có thể gặp các hậu quả nghiêm trọng.
Dị ứng thuốc kháng sinh là gì?
Dị ứng nói chung là một phản ứng của cơ thể khi hệ miễn dịch tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng – tức là dị nguyên.
Kháng sinh (tiếng anh là antibiotics) là những chất có tác dụng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn, nấm,…
Vậy, dị ứng thuốc kháng sinh là phản ứng quá mẫn, bất thường và có hại khi sử dụng hoặc tiếp xúc với thuốc kháng sinh.
Trẻ có thể bị dị ứng với loại thuốc này ở bất kỳ dạng nào: có thể là dùng tại chỗ hoặc dùng đường toàn thân, ví dụ như đường uống, đường tiêm…
Dấu hiệu nhận biết trẻ uống kháng sinh bị dị ứng mắt
Dị ứng mắt sưng khi uống thuốc kháng sinh là do thành phần hoạt chất gây dị ứng chứa trong thuốc tới mắt theo đường mạch máu, thoát ra khỏi lòng mạch và len lỏi vào các mô xung quanh ổ mắt.
Thông thường, các dấu hiệu dị ứng thuốc kháng sinh xuất hiện trong vòng một giờ sau dùng thuốc. Tuy nhiên có thể xảy ra sau vài giờ, vài ngày hoặc thậm chí vài tuần sau đó.
Dấu hiệu tại mắt
Một số dấu hiệu nhận biết trẻ bị dị ứng mắt sưng khi uống thuốc kháng sinh là:
- Đỏ mắt, đau nhức mắt
- Ngứa ngáy, khó chịu tại mắt
- Cay mắt, thường chảy nhiều nước mắt
- Sưng mí mắt một hoặc hai bên
- Mắt tăng nhạy cảm với ánh sáng.
Dấu hiệu toàn thân
Ngoài ra, dị ứng khi uống hay tiêm thuốc kháng sinh là phản ứng toàn cơ thể. Vì vậy bố mẹ cần chú ý phát hiện các biểu hiện toàn thân khác như: ngứa da, nổi mẩn đỏ trên da, sốt, chảy nước mũi, hắt xì, khò khè,….
Với những trường hợp dị ứng nặng có thể trẻ bị khó thở, sốc phản vệ.
Trẻ dị ứng thuốc sưng mắt bao lâu thì hết
Bất kỳ bậc phụ huynh nào khi con mình gặp phải tình trạng dị ứng mắt sưng do thuốc đều rất lo sợ, không biết dị ứng thuốc sưng mắt bao lâu thì hết. Thực tế, khoảng thời gian lành bệnh phụ thuộc vào một số yếu tố sau đây:
- Cơ địa: tùy cơ địa, thể trạng của từng bé mà các biểu hiện của dị ứng có thể hết nhanh sau khi ngừng thuốc hay kéo dài tận 1 tuần, 10 ngày mới hết
- Triệu chứng xuất hiện: thông thường, nếu chỉ xuất hiện một số triệu chứng ngoài da như mẩn ngứa, mày đay,… thì có thể coi đây là một trường hợp dị ứng nhẹ, có thể sẽ sớm cải thiện.
Tuy nhiên khi xuất hiện các biểu hiện toàn thân nặng nề tại các cơ quan khác như hô hấp,… thì sẽ rất nguy hiểm, có thể chuyển biến thành nhiều tình huống nguy hiểm tính mạng - Biện pháp điều trị: ngay khi phát hiện trẻ bị dị ứng, nếu bố mẹ có những phương pháp xử lý đúng đắn là một dấu hiệu tích cực cho việc tình trạng dị ứng có thể sớm được cải thiện.
Biện pháp giúp mắt nhanh chóng hết sưng khi bị dị ứng
Khi bé bị dị ứng sưng mắt sau sử dụng thuốc, bố mẹ cần giữ bình tĩnh và áp dụng các cách xử trí sau đây:
- Ngừng thuốc: Thông thường trẻ được sử dụng phối hợp nhiều loại thuốc và khi dị ứng xảy ra, bố mẹ không biết chính xác loại thuốc nào gây ra tình trạng này.
Việc cần làm bây giờ là ngừng hoàn toàn và ngừng ngay lập tức tất cả các loại thuốc đang sử dụng. - Liên hệ với bác sĩ: tiếp theo, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để thông báo về các triệu chứng trẻ đang gặp phải. Đồng thời, cần cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về các loại thuốc đang sử dụng.
Lúc này, bác sĩ sẽ đưa ra cho bạn lời khuyên xem liệu có thể xử lý tình trạng dị ứng này tại nhà hay cần đi khám ngay. - Vệ sinh sạch mắt: khi mắt bị sưng nề, ngứa, đỏ mắt,… trẻ thường có động tác dụi mắt. Việc làm này có thể gây ra một số hậu quả như xước giác mạc, nhiễm trùng mắt,….
Vì vậy, hãy thực hiện vệ sinh mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý để hạn chế tình trạng này, quy trình như sau:
Bước 1: Bố mẹ cần vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng hoặc nước sát khuẩn tay.
Bước 2: Giữ cho đầu bé ổn định, dùng tay kéo nhẹ nhàng 2 mí mắt để mở rộng mắt của bé.
Bước 3: Nhỏ nước muối sinh lý dành riêng cho mắt vào mắt bé, chú ý nên nhỏ từ từ, từng giọt một.
Bước 4: Sử dụng gạc được tẩm nước muối sinh lý để lau nhẹ nhàng từ khóe mắt rồi đến đuôi mắt. Để tránh tình trạng lây nhiễm chéo từ mắt này qua mắt kia khi mắt trẻ bị viêm nhiễm , bố mẹ nên dùng từng miếng gạc riêng cho mỗi mắt.
Bước 5: Bố mẹ nên rửa lại tay sạch sẽ sau khi vệ sinh mắt cho con.
- Nhỏ nước mắt nhân tạo: nước mắt nhân tạo có thành phần tương tự như nước mắt tự nhiên, giúp giảm ngứa mắt, khô mắt, rất thích hợp để sử dụng khi bị dị ứng mắt sưng.
- Chườm ấm hoặc chườm mát: khi chườm mắt, quá trình tuần hoàn tại mắt được cải thiện, giúp giảm triệu chứng sưng mắt.
Chú ý quy trình cần được thực hiện đúng cách để đảm bảo an toàn cho mắt như: phải sử dụng khăn sạch, ngâm khăn với nước có nhiệt độ phù hợp (không quá nóng hay quá lạnh), đắp khăn lên mắt với thời gian thích hợp (mỗi lần khoảng 5-7 phút)… - Sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng histamine: để ngăn chặn tác động của histamine, bạn có thể sử dụng thuốc nhỏ mắt kháng histamine.
Biện pháp này giúp giảm thiểu triệu chứng triệu chứng nhanh chóng. Tuy nhiên, hiệu quả của loại thuốc này chỉ kéo dài trong vài giờ. Vì vậy, để đạt được hiệu quả như mong muốn, các bác sĩ khuyến cáo nên nhỏ nhiều lần trong ngày.
Làm gì để hạn chế dị ứng thuốc ở trẻ
Cha mẹ cần ghi nhớ và thông báo với bác sĩ loại thuốc trẻ dị ứng.
Dùng thuốc theo đơn, không dung chung đơn thuốc .
Nếu bé nhà bạn đang có dấu hiệu dị ứng khi sử dụng thuốc, đặt lịch với vivision kid ngay để bác sĩ có thể kiểm tra cho trẻ.
Lời khuyên
Điều quan trọng khi trẻ uống kháng sinh bị dị ứng mắt là đánh giá có ảnh hưởng các chức năng quan trọng khác như hô hấp, tim mạch... Khi đó cần đưa trẻ đi thăm khám kịp thời để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và theo dõi dọc cho trẻ.
Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Bác sĩ Nhãn khoa
Uy tín: Bác sĩ Hiếu luôn chiếm được tình cảm của các bạn nhỏ bởi sự hài hước và gần gũi. Bác mong muốn các con được sử dụng những phương pháp điều trị và chăm sóc mắt tốt, hiện đại và phù hợp nhất, bác sĩ cũng luôn cập nhật và đóng góp các ý kiến liên quan tới chuyên môn, máy móc, kỹ thuật đảm bảo cho mắt của trẻ được thăm khám và cho ra kết quả tốt nhất.
Gắn thẻ: