Trẻ viêm kết mạc có cần đi khám bác sĩ mắt?
Viêm kết mạc (hay đau mắt đỏ) là một căn bệnh phổ biến ở mọi lứa tuổi, đặc biệt ở trẻ nhỏ. Phần lớn trường hợp có thể tự khỏi, tuy nhiên các tình huống nào cần đưa trẻ đi khám ngay? Các thông tin vivision kid cung cấp dưới đây sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi này.
Đau mắt đỏ là gì?
Đau mắt đỏ là tình trạng viêm nhiễm của mắt làm cho lớp màng mỏng phủ trên lòng trắng của mắt (gọi là kết mạc) bị viêm đỏ, dẫn tới một số biểu hiện bất thường tại mắt. Viêm kết mạc có thể chỉ ở một mắt hoặc xuất hiện ở cả hai mắt. Có nhiều nguyên nhân gây ra đau, đỏ mắt, tuy nhiên có thể chia làm 02 nhóm nguyên nhân chính như sau:
Nhiễm trùng: Thường là do virus hoặc vi khuẩn.
- Do virus: Một số loại virus thường gây tình trạng đỏ mắt như adenovirus, herpes simplex virus, virus cúm,…. Bị đỏ mắt do virus là nguyên nhân khiến lây lan dịch bệnh nhiều nhất và là căn nguyên phổ biến nhất hiện nay;
- Do vi khuẩn: Các loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu và Haemophilus influenzae, có thể gây nhiễm khuẩn kết mạc, dẫn đến bị mắt đỏ.
Không do nhiễm trùng
- Do dị ứng: Khi mắt tiếp xúc với các chất gây kích ứng như phấn hoa, lông chó mèo, mỹ phẩm, môi trường bụi bẩn, ô nhiễm,… có thể gây phản ứng dị ứng và dẫn tới bị đau mắt đỏ;
- Mắt bị kích ứng với các loại hóa chất, khói bụi, gió hoặc dị vật cũng gây đỏ mắt, chảy nước mắt,…;
- Dùng kính áp tròng: đây là loại kính được đặt trực tiếp lên giác mạc, thường được dùng để điều chỉnh các tật khúc xạ. Một số trường hợp có thể bị kích ứng với loại kính này hoặc nếu quy trình tháo lắp, vệ sinh không đúng cách có thể gây đỏ mắt, viêm nhiễm mắt;
- Bệnh hệ thống: Lupus, viêm khớp dạng thấp,… Đây là những bệnh lý tự miễn, tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có mắt, gây tổn thương tại mắt.
Ai có nguy cơ bị viêm kết mạc?
Viêm kết mạc có thể xảy ra ở mọi đối tượng, từ trẻ nhỏ đến người già. Tuy nhiên, có một số yếu tố nguy cơ làm gia tăng khả năng mắc viêm kết mạc như sau:
- Tiếp xúc với người bệnh bị viêm kết mạc: Việc tiếp xúc trực tiếp với những người đang viêm kết mạc có thể bị nhiễm bệnh vì virus, vi khuẩn gây viêm kết mạc thường lây từ người bệnh sang người lành qua tiếp xúc cá nhân: chạm, bắt tay hoặc lan truyền trong không khí khi ho, hắt hơi hoặc do chạm vào đồ vật, bề mặt có vi trùng, tiếp đó chạm lên mắt;
- Có cơ địa dị ứng: Với những người có thể trạng dễ bị dị ứng với thức ăn, thời tiết hoặc mắc các bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm da cơ địa,… thường có khả năng mắc viêm kết mạc dị ứng cao hơn so với người bình thường;
- Sử dụng kính áp tròng thường xuyên: Khi đeo kính áp tròng có thể gây kích ứng mắt, đặc biệt nếu quy trình tháo lắp, bảo quản vệ sinh không đúng có thể làm tăng nguy cơ viêm kết mạc.
Khi nào bị viêm kết mạc cần đi khám bác sĩ?
Các biểu hiện của viêm kết mạc thường xuất hiệu sau 24 đến 72 giờ sau khi nhiễm bệnh, bao gồm:
- Dấu hiệu đầu tiên là mắt xung huyết, làm đỏ mắt. Ban đầu có thể chỉ đỏ mắt ở 1 bên nhưng sau đó có thể lây lan làm đỏ mắt cả 2 bên;
- Mắt có cảm giác cộm, ngứa, dụi mắt nhiều;
- Chảy nước mắt;
- Nhiều rỉ mắt, có thể có rỉ xanh hoặc vàng, gây dính mi, đặc biệt vào buổi sáng sau khi ngủ dậy;
- Mi mắt sưng nề, hơi đau nhẹ;
- Giảm thị lực, sợ ánh sáng;
- Một số trẻ còn có các triệu chứng toàn thân khác như ho, đau họng, nổi hạch ở sau tai hoặc sốt nhẹ…
Thông thường, triệu chứng của viêm kết mạc sẽ hết và khỏi bệnh hoàn toàn trong khoảng 1 tuần nếu chăm sóc mắt tại nhà đúng cách như đắp khăn ấm, vệ sinh mắt cho trẻ, hạn chế dụi mắt,… Tuy nhiên, nếu có những biểu hiện dưới đây, hãy đưa trẻ đi khám ngay:
- Triệu chứng không giảm sau 10 ngày bị bệnh, đặc biệt khi có quá nhiều rỉ mắt;
- Giảm thị lực nhiều;
- Đau mắt nhiều, dữ dội;
- Mí mắt bị sưng húp;
- Kèm theo bị sốt, đặc biệt ở những trẻ ít tháng tuổi.
Như vậy, trong phần lớn các trường hợp, ba mẹ có thể tự chăm sóc trẻ bị viêm kết mạc tại nhà. Đồng thời, hãy theo dõi sát tiến triển của các triệu chứng cũng như phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường khác để đưa con đi khám ngay khi cần thiết. Để đặt lịch khám tại vivision kid, bạn vui lòng gọi hotline 0334141213 để được các chuyên gia tư vấn và hướng dẫn cụ thể nhé!
Lời khuyên
Viêm kết mạc có thể tự khỏi. Tuy nhiên nếu bé xuất hiện những triệu chứng nặng hơn hãy đưa bé đến thăm khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chữa trị kịp thời nhé!
Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Thần kinh với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, Thần kinh.
Uy tín: Bác sĩ Thanh được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Gắn thẻ: