Vẫn bị mỏi mắt mặc dù đã đeo kính chống ánh sáng xanh?

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Bùi Thanh Huyền

vào ngày 12/08/2024

Ngày nay kính chống ánh sáng xanh ngày càng phổ biến. Vì sao đeo kính chống ánh sáng xanh bị mỏi mắt trong khi đây là một phương pháp đơn giản để bảo vệ mắt khỏi ánh sáng có hại từ các thiết bị điện thoại, vi tính. Lý do được nêu dưới đây.

Ánh sáng xanh có thật sự có hại? Cần bị loại bỏ hoàn toàn?

Ánh sáng xanh là một loại ánh sáng có bước sóng nằm trong khoảng từ 400 – 495 nm, trong phổ ánh sáng mà mắt con người chúng ta có thể nhìn thấy.

Mắt con người có khả năng phân biệt rõ các dải màu như đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím. Phần ánh sáng màu xanh tím, với bước sóng từ 400 đến 455 nm, là một phần của ánh sáng xanh có thể gây hại cho mắt.

Mọi người thường lầm tưởng ánh sáng xanh là một loại ánh sáng chỉ phát ra từ màn hình các loại thiết bị điện tử như máy tính, điện thoại. Nhưng chúng ta tiếp xúc với ánh sáng xanh nhiều hơn chúng ta nghĩ, gồm đèn huỳnh quang, đèn compact, đèn LED, nhưng chúng đều có lượng ánh sáng xanh ít hơn rất nhiều so với ánh sáng mặt trời.

Hinh-anh-pho-anh-sang-xanh.

Hình ảnh phổ ánh sáng xanh

Ánh sáng xanh là loại ánh sáng có thể ảnh hưởng đến nhịp độ sinh học của cơ thể,  chu kỳ thức và ngủ sinh lý tự nhiên. Vào ban ngày, ánh sáng xanh là yếu tố giúp kích thích sự tỉnh táo, nhưng khi vào buổi tối, nếu tiếp xúc với nguồn ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử như điện thoại di động, TV, máy tính bảng hoặc máy tính có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

Chuyên gia khuyên rằng không nên sử dụng các thiết bị có nguồn ánh sáng xanh ít nhất 2 – 3 giờ trước khi đi ngủ. Tiếp xúc liên tục trong thời gian dài có thể khiến cho mắt trở nên khó chịu, quên chớp mắt khi nhìn vào màn hình, và gây mỏi mắt, khô mắt, chảy nước mắt và nhìn mờ. 

Ngoài ra, ánh sáng xanh cũng có thể dẫn đến các vấn đề như loạn thị, cận thị, giảm thị lực và tăng nguy cơ các bệnh liên quan đến thị lực như thoái hóa điểm vàng võng mạc và ung thư ác tính. Đặc biệt, khi tiếp xúc với tia cực tím từ mặt trời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh: đục thuỷ tinh thể, thoái hoá võng mạc hay ung thư…

Để bảo vệ sức khỏe của mắt, việc hạn chế tiếp xúc với ánh sáng xanh là điều quan trọng. Nhưng hiện nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy ánh sáng xanh này gây ra các bệnh nghiêm trọng cho mắt, nên không cần thiết phải loại bỏ hoàn toàn.

Nguyên nhân và cách khắc phục tình trạng đeo kính bị mỏi mắt

Kính chống ánh sáng xanh với cơ chế phủ một lớp chất liệu đặc biệt trên bề mặt, giúp ngăn chặn ánh sáng xanh đi qua bề mặt kính giúp kiểm soát lượng ánh sáng xanh có hại xâm nhập vào mắt của chúng ta.

Ngoài ra, đeo kính chống ánh sáng xanh có thể có tác dụng giảm độ chói sáng từ màn hình, giúp làm dịu mắt, giảm áp lực cho mắt, giúp mắt có thể làm việc lâu hơn.Vì vậy, kính chống ánh sáng xanh giúp bảo vệ sức khỏe của đôi mắt trước các tác động tiêu cực của ánh sáng xanh.

Hinh-anh-deo-kinh-chong-anh-sang-xanh-bao-ve-mat.

Hình ảnh đeo kính chống ánh sáng xanh bảo vệ mắt

Kính chống ánh sáng xanh có thể làm giảm triệu chứng một phần. Nhưng nếu để mắt phải điều tiết liên tục trong 1 khoảng thời gian dài để nhìn rõ các vật ở gần thì sẽ không tránh được việc bị mỏi mắt. Cách khắc phục tốt nhất là giúp cho đôi mắt thư giãn. Nếu bắt buộc phải làm việc gần lâu, chúng ta có thể tham khảo 1 số cách trị mỏi mắt như:

Chớp mắt hoặc ngáp: Chớp mắt hoặc ngáp kích thích tiết thêm nước mắt tự nhiên, đồng thời dàn đều nước mắt trên toàn giác mạc, giúp cho mọi vị trí của mắt đều được làm ẩm. Cách này là cơ chế tự nhiên có thể làm giảm kích ứng, dịu mắt nhanh chóng, tránh khô mắt, mỏi mắt;

Luyện tập chuyển động mắt: Nhìn từ từ từ trái sang phải và ngược lại, nhìn từ từ từ trên xuống dưới và ngược lại, nhìn xoay tròn theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Mỗi bài tập lặp lại 10 lần sau đó nhắm mắt nghỉ ngơi 30 giây trước khi tập bài tập khác. Lưu ý, khi chuyển động mắt thì đầu luôn phải được giữ nguyên;

Thay đổi vị trí nhìn linh hoạt: Đưa ngón tay từ xa về gần sát gốc mũi, sau đó đưa tay từ từ ra xa. Đầu thẳng, nhìn tập trung theo ngón tay. Lặp lại 10 lần sau đó nhắm mắt thư giãn 30 giây;

Massage mắt: Thư giãn mắt bằng cách nhắm mắt lại trong khoảng 30-60 giây. Sau đó, chà sát hai lòng bàn tay vào nhau để làm ấm tay trong 10-15 giây. Tiếp tục nhắm mắt và nhẹ nhàng đặt lòng bàn tay bạn lên mắt sao cho mắt được ủ ấm giữa lòng bàn tay, vị trí các đầu ngón tay đặt lên trán.

Giữ trong khoảng 30 giây và thư giãn. Dùng đầu ngón tay massage quanh mắt theo vòng tròn. Sau đó, bỏ tay và từ từ mở mắt. Động tác này giúp thúc đẩy tuần hoàn máu ở mắt, giúp mắt được nghỉ ngơi và thư giãn trong bóng tối.

  • Chườm ấm để giúp tăng tuần hoàn máu lên mắt, giúp mắt được thư giãn sâu hơn. Bạn có thể dùng khăn ấm, nhưng cần lưu ý nhiệt độ phù hợp để tránh làm tổn thương mắt. Hoặc để đảm bảo nhiệt độ phù hợp, giúp chườm ấm dễ dàng hơn, bạn có thể lựa chọn miếng băng chườm ấm;
  • Cho mắt nghỉ ngơi thường xuyên khi học tập lâu dài hoặc sử dụng các thiết bị điện tử vì lượng ánh sáng xanh lớn. Ngoài ra, cần ngủ đủ giấc, để mắt được nghỉ ngơi và hồi phục tốt hơn.
Chuom-am-giup-giam-moi-mat

Chườm ấm giúp giảm mỏi mắt

Một số nguyên nhân khác tại sao đeo kính chống ánh sáng xanh vẫn bị mỏi mắt là đeo kính quá số hay vấn đề lão thị, tiền lão thị khiến mắt phải điều tiết nhiều hơn, khô mắt, mỏi mắt chảy nước mắt. Cách giải quyết là đến phòng khám mắt, để được bác sĩ thăm khám và chẩn đoán, sau đó giúp bạn cắt và đeo kính đúng số.

Hầu hết các triệu chứng đeo kính bị mỏi mắt chỉ là tạm thời, sẽ giảm bớt khi ngưng sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính. Nếu kéo dài, cần kiểm tra lại độ kính do tật khúc xạ, và cần đến bác sĩ để thăm khám xem có các vấn đề về mắt khác hay không.

Lời khuyên

Hầu hết các triệu chứng đeo kính bị mỏi mắt chỉ là tạm thời, sẽ giảm bớt khi ngưng sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính. Nếu kéo dài, cần kiểm tra lại độ kính do tật khúc xạ, và cần đến bác sĩ để thăm khám xem có các vấn đề về mắt khác hay không.

vivisionkid
Khúc xạ Nhãn khoa Bùi Thanh Huyền
Khúc xạ Nhãn khoa Bùi Thanh Huyền
Chuyên gia Kiểm soát cận thị
Xem thêm

Gắn thẻ:

đeo kính bị mỏi mắt

Mỏi mắt