Vì sao chảy nước mắt sống và cách phòng tránh hiệu quả
Chảy nước mắt sống không phải là tình trạng hiếm gặp, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa biết nguyên nhân cụ thể là gì? Vậy chảy nước mắt sống có nguy hiểm không và làm thế nào để phòng tránh hiệu quả? Thông tin chi tiết sẽ được vivision cung cấp ngay dưới đây.
Chảy nước mắt sống là gì?
Thông thường, khi không chịu ảnh hưởng bởi cảm xúc, nước mắt được tiết ra đều đặn sẽ qua lỗ lệ thoát xuống mũi chứ không trào ra ngoài. Nhưng vì một lý do nào đó, ví dụ như khi xảy ra tình trạng tắc nghẽn, dẫn tới nước mắt không thể chảy xuống mũi mà cứ trào ra từ góc trong của mắt một cách tự nhiên. Hiện tượng này theo dân gian gọi là chảy nước mắt sống.
Nếu chảy nước mắt sống kéo dài, nước mắt bị ứ đọng ở túi lệ và có thể sẽ gây nhiễm khuẩn lệ đạo. Khi túi lệ bị viêm và có nhầy mủ, nếu ấn vào góc trong mắt sẽ thấy mủ đùn ra ngoài và có biểu hiện đau nhức mắt. Ngoài ra, ở trẻ nhỏ có thể có sốt, thường xuyên dụi tay lên mắt và quấy khóc nhiều.
Vì sao chảy nước mắt sống?
Tình trạng này không phải hiếm gặp và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên xuất hiện phổ biến hơn từ 60 tuổi trở lên. Bởi vì nhóm tuổi này được xem là lúc mắt đã và đang ở trong tình trạng điều tiết kém. Vậy, vì sao lại xảy ra chảy nước mắt sống?
Tắc lệ đạo
Đây là lý do phổ biến nhất gây ra chảy nước mắt sống. Lệ đạo là một ống dẫn có chức năng dẫn nước mắt từ góc mắt trong theo ống lệ tỵ rồi truyền xuống mũi. Khi lệ đạo bị tắc nghẽn, nước mắt sẽ không chảy xuống được mũi theo quy trình bình thường mà bị ứ đọng ở góc mắt dẫn tới chảy nước mắt sống.
Lệ đạo có thể bị tắc ở bất kỳ vị trí nào, tuy nhiên hay tắc nhất là đoạn ống lệ mũi. Tắc lệ đạo có thể do mắc phải các chấn thương vùng mắt hoặc các xoang; viêm nhiễm ở mắt như viêm kết mạc,…làm chít hẹp lệ đạo, mất đi khả năng truyền dẫn nước mắt. Tuy nhiên thực tế là phần lớn các trường hợp tắc lệ đạo mắc phải không rõ nguyên nhân.
Khô mắt
Khi mắt bị khô, các bề mặt nhãn cầu không được bôi trơn đầy đủ do một lượng nước mắt bị thiếu sẽ mang lại cảm giác khó chịu, nhức mỏi mắt. Tình trạng này sẽ kích thích tuyến lệ sản xuất quá nhiều nước mắt và các ống dẫn nước mắt tự nhiên dường như bị “quá tải”, dẫn tới chảy nước mắt sống.
Các nghiên cứu đã khẳng định rằng lượng nước mắt được sản xuất ra sẽ giảm dần theo tuổi, vì vậy, tình trạng khô mắt thường gặp phổ biến hơn ở người già. Một biện pháp hữu hiệu có thể làm giảm triệu chứng khô mắt ở mức độ nhẹ là nhỏ nước mắt nhân tạo
Nhiễm trùng mắt
Một trong các phản ứng của mắt khi bị nhiễm trùng là chảy nước mắt. Đây là phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm mục đích giữ ẩm cho mắt và rửa sạch các vi khuẩn, dị vật và dịch nhầy đi.
Viêm kết mạc và viêm bờ mi là hai bệnh lý nhiễm trùng thường gặp và thường gây chảy nhiều nước mắt. Nguyên nhân phổ biến là nhiễm virus, ngoài ra có thể là do nhiễm vi khuẩn hoặc nhiễm nấm. Triệu chứng thông thường bao gồm đau mắt, đỏ mắt, tiết nhiều rỉ mắt, sưng mắt, nhìn mờ, cảm giác có sạn trong mắt và chảy nước mắt,…
Dị ứng mắt
Dị ứng mắt xảy ra khi mắt tiếp xúc với một số tác nhân gây kích ứng như: mỹ phẩm, mạt nhà, lông thú cưng (chó, mèo,…), phấn hoa, bụi bẩn hoặc do dị ứng thời tiết, thức ăn,…
Nhìn chung, dị ứng là một phản ứng của hệ miễn dịch khi cơ thể tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng – gọi là dị nguyên, làm giải phóng histamin và các chất trung gian hóa học khác. Khi mắt bị dị ứng, các chất này sẽ len lỏi vào các mô xung quanh hốc mắt, gây ra các triệu chứng: sưng mắt, đỏ, ngứa mắt, chảy nhiều nước mắt,…
Liệt dây thần kinh mặt
Lệ đạo được chi phối bởi dây thần kinh mặt (còn gọi là dây thần kinh số VII). Khi bệnh nhân bị liệt dây thần kinh mặt sẽ dẫn tới tình trạng chảy nước mắt bất thường và hở mi. Trong tình huống này, điều trị hở mi là quan trọng nhất nhằm ngăn chặn biến chứng loét giác mạc.
Do mi mắt
Một số trường hợp da mi mắt bị thừa nhiều, có sẹo tại mi mắt hoặc mỡ quanh hốc mắt nhiều làm cho điểm lệ không nằm đúng vị trí trong hồ lệ nên nước mắt không xuống mũi qua điểm lệ được. Phương án điều trị thích hợp đối với những tình trạng này là phẫu thuật mi hoặc lấy mỡ thừa.
Cách phòng ngừa tình trạng chảy nước mắt sống
Vấn đề chảy nước mắt sống không phải là nhỏ, nó có thể ảnh hướng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, để tránh khỏi tình trạng này, cách tốt nhất là nên áp dụng các biện pháp phòng ngừa từ trước. Cụ thể như sau:
- Che chắn mắt: để tránh chấn thương cho mắt, bạn nên:
- Đeo kính bảo hộ lao động trong môi trường làm việc dễ bị dị vật bắn vào mắt: cưa gỗ, mài kim loại, tuốt lúa,…;
- Đeo kính râm thì ra ngoài để hạn chế bụi bẩn, gió lùa mạnh cũng như ngăn chặn tác hại của tia cực tím;
- Đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy là một biện pháp đề phòng chấn thương vùng đầu, chấn thương mắt.
- Vệ sinh mắt, vệ sinh bờ mi sạch sẽ bằng nước muối sinh lý khi bị nước bẩn dây vào mắt, bị viêm nhiễm hoặc đơn giản vừa ra ngoài về.
- Khám mắt định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý tại mắt.
- Ngủ đủ giấc và cho mắt được nghỉ ngơi theo quy tắc 20-20-20 khi làm việc trước máy tính, tránh tình trạng căng thẳng quá mức
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày để cung cấp đủ độ ẩm cho mắt.
Bạn có thể liên hệ với vivision theo hotline 0334141213 để được tư vấn, hỗ trợ đặt lịch khám nhé!
Lời khuyên
Chảy nước mắt sống là bệnh lý bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau và với mỗi trường hợp cụ thể sẽ có các cách chữa trị riêng. Vì vậy, nếu mắc phải tình trạng này, bạn cần đi khám ở các cơ sở Nhãn khoa uy tín để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Thần kinh với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, Thần kinh.
Uy tín: Bác sĩ Thanh được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Gắn thẻ: