Vì sao đau mắt đỏ sử dụng thuốc nhỏ mắt tobrex mà không hiệu quả?

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Lê Đức Thiện

vào ngày 30/07/2024

Thuốc nhỏ mắt Tobrex là một trong những loại thuốc nhỏ mắt phổ biến, thường được sử dụng để điều trị các vấn đề liên quan đến nhiễm trùng mắt và đau mắt đỏ. Tuy nhiên trong một số trường hợp tác dụng của thuốc lại không được như mong đợi. 

Thuốc nhỏ mắt tobrex là gì? 

Thuoc-nho-mat-Tobrex

Thuốc nhỏ mắt Tobrex

Thành phần chính

Tobrex với thành phần chủ yếu là Tobramycin 0,3% (3mg/ml), thuộc loại kháng sinh nhóm aminoglycosid, có khả năng kháng khuẩn rộng chủ yếu là trên nhóm vi khuẩn Gram âm. 

Cơ chế tác động và công dụng

Cơ chế hoạt động của thuốc xoay quanh việc ngăn chặn sự hình thành và gắn các chuỗi polypeptid tại ribosom bên trong tế bào vi khuẩn. Tobrex được sử dụng để điều trị các nhiễm trùng ngoài nhãn cầu và phần phụ của mắt. Các nghiên cứu lâm sàng đã chứng minh tính an toàn và hiệu quả của tobramycin đối với trẻ em, tuy vậy, thông tin về việc sử dụng Tobrex ở trẻ dưới 1 tuổi vẫn còn ít. Hiện chưa có thông tin cụ thể về việc sử dụng Tobrex cho trẻ dưới 2 tháng tuổi.

Do đó, cần cân nhắc và chỉ sử dụng Tobrex cho trẻ nhỏ khi có chỉ định cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, Tobrex không nên được sử dụng đối với những người có tiền sử dị ứng với tobramycin.

Các dạng chế phẩm

Tobrex trên thị trường thường có được bán dưới các dạng chế phẩm sau:

  • Thuốc nhỏ mắt Tobrex dạng dung dịch:

Là một dạng phổ biến, được sử dụng bằng cách nhỏ trực tiếp vào mắt để điều trị các bệnh nhiễm trùng ngoài nhãn cầu và phần phụ của mắt gây ra bởi các chủng vi khuẩn còn nhạy với tobramycin.

  • Thuốc mỡ tra mắt Tobrex:

Dạng thuốc mỡ được áp dụng để điều trị các trường hợp viêm và nhiễm khuẩn mắt, sau chấn thương hoặc phẫu thuật. Dạng mỡ có cấu trúc đặc giúp lưu lại lâu hơn trên vết thương so với dạng dung dịch. Do chứa thành phần kháng sinh là tobramycin nên chỉ trong trường hợp đau mắt đỏ do nguyên nhân vi khuẩn thì thuốc nhỏ mắt Tobrex mới có hiệu quả 

Đau mắt đỏ do những nguyên nhân nào? Đau mắt đỏ do vi khuẩn có những dấu hiệu gì?

Nguyên nhân gây đau mắt đỏ

  • Nhiễm khuẩn: Các chủng vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumonia, Pseudomonas aeruginosa,… đều có thể gây ra đau mắt đỏ.
  • Nhiễm virus: Đau mắt đỏ do virus chiếm tỷ lệ cao trong số các trường hợp đau mắt đỏ. Các loại virus như Adenovirus, Corona virus, simplex virus và varicella-zoster virus thường là nguyên nhân gây đau mắt đỏ.
  • Dị ứng: Phản ứng dị ứng do nấm mốc, phấn hoa, khói thuốc lá, bụi bẩn hoặc các chất khác khiến cơ thể sản xuất immunoglobulin E và gây phản ứng viêm.
  • Hóa chất hoặc dị vật bắn vào mắt: Tiếp xúc với dầu gội, mỹ phẩm, khói, hoặc hóa chất, chất bẩn trong hồ bơi có thể gây đỏ và kích ứng mắt hay các dị vật vô tình bắn vào mắt cũng có thể gây viêm kết mạc.
  • Đeo kính áp tròng hoặc kính tiếp xúc: Không vệ sinh kính áp tròng hoặc kính tiếp xúc đúng cách, có thể gây nhiễm trùng và khiến tình trạng đau mắt trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ khác: Tiếp xúc với người bị đau mắt đỏ cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới đau mắt đỏ. Rửa tay sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc với bệnh nhân đau mắt đỏ rất quan trọng để tránh lây nhiễm.
Dau-mat-do

Đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ do vi khuẩn có những dấu hiệu gì?

Đau mắt đỏ có thể do các nguyên nhân khác nhau nhưng đa phần đều có triệu chứng tương tự nhau. Nhưng trong một số trường hợp đau mắt đỏ, có những triệu chứng khiến các bác sĩ nghĩ nhiều hơn đến căn nguyên vi khuẩn như: 

  • Chảy mủ hoặc tiết gỉ mắt màu vàng, xanh: Nhiễm khuẩn thường gây ra mủ hoặc gỉ mắt, có thể có màu vàng hoặc xanh, đây là một dấu hiệu nổi bật của nhiễm trùng.
  • Dịch gây dính hai mí mắt: Đặc biệt là sau khi thức dậy, mí mắt có thể bị dính và khó mở do dịch mủ tiết ra trong lúc ngủ. 
  • Ngứa và chảy nước mắt nhiều: Cảm giác ngứa trong mắt và chảy nước mắt tăng lên, có thể kéo dài hầu như cả ngày.

Các triệu chứng nặng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách:

  • Viêm loét giác mạc: Nếu bệnh không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến viêm loét giác mạc gây khó khăn trong điều trị.
  • Giảm hay mất thị lực: Trong trường hợp nghiêm trọng đau mắt đỏ có thể dẫn đến suy giảm hoặc thậm chí mất thị lực do tổn thương nặng của mắt.

Việc nhận biết và điều trị sớm rất quan trọng để ngăn chặn sự lan rộng của nhiễm trùng và ngăn ngừa những biến chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra trong trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn.

Hướng dẫn sử dụng thuốc nhỏ mắt tobrex trong trường hợp đau mắt đỏ do vi khuẩn

Liều dùng

Thuốc nhỏ mắt Tobrex dạng dung dịch: 

  • Đau mắt đỏ nhẹ và trung bình: 1 hoặc 2 giọt mỗi 6 giờ/ngày, liên tục 7 ngày.
  • Đau mắt đỏ nặng: 2 giọt mỗi giờ/ ngày đến khi triệu chứng bệnh thuyên giảm có thể cân nhắc giảm liều hoặc không.
  • Thuốc mỡ tra mắt Tobrex: Một lượng nhỏ khoảng 1-1,25cm mỗi lần sử dụng.

Cách dùng

Thuốc nhỏ mắt Tobrex dạng dung dịch:

  • Hơi ngửa đầu ra sau, một tay vén mí mắt, một tay nhỏ thuốc, số giọt nhỏ tùy thuộc vào tình trạng đau mắt đỏ và đơn bác sĩ kê. Chú ý không để đầu nhỏ chạm vào mắt tránh nhiễm trùng thứ phát hoặc làm tổn thương các mô của mắt.
  • Nhắm mắt trong khoảng 2,3 phút, không chớp mắt để cho thuốc thẩm thấu vào sâu bên trong mắt.
  • Không dùng thêm các loại thuốc nhỏ mắt khác trong ít nhất 10-15 phút sau đó.

Thuốc mỡ tra mắt Tobrex

  • Hơi ngửa đầu ra sau, một tay vén mí mắt, một tay bóp thuốc vào khe giữa mi mắt và nhãn cầu. Chú ý không để đầu ống thuốc chạm vào mắt tránh nhiễm trùng thứ phát hoặc làm tổn thương các mô của mắt. 
  • Nhắm mắt lại trong vòng 2,3 phút.
  • Dùng khăn sạch lau thuốc mỡ thừa còn sót lại trên mi mắt và lông mi.
Nho-thuoc-nho-mat-dung-cach

Nhỏ thuốc nhỏ mắt đúng cách

Tác dụng phụ

Có một số tác dụng phụ thường gặp mà thuốc nhỏ mắt Tobrex có thể gây ra, bao gồm:

  • Cảm giác châm chích hoặc kích ứng.
  • Sưng hoặc ngứa mí mắt.
  • Mờ mắt hoặc tăng nhạy cảm với ánh sáng.

Bên cạnh những dấu hiệu này, cần lưu ý rằng tobrex cũng có thể dẫn đến các phản ứng nghiêm trọng hơn cho người dùng (hiếm gặp) như: Mề đay, mẩn ngứa, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, họng gây đe dọa đến tính mạng. Trong trường hợp xuất hiện những triệu chứng này do sử dụng tobrex, người bệnh cần đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Các phương pháp chữa đau mắt đỏ khác ngoài thuốc nhỏ mắt

Ngoài việc sử dụng thuốc nhỏ mắt Tobrex, để điều trị đau mắt đỏ chúng ta có thể áp dụng một số phương pháp khác như:

  • Vệ sinh mắt bằng dung dịch vệ sinh hoặc nước muối sinh lý.
  • Đeo kính, bảo vệ mắt tránh tiếp xúc với bụi bẩn.
  • Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh trong trường hợp đau mắt đỏ do virus.
  • Chườm ấm hoặc chườm lạnh để giảm đau.
  • Sử dụng các thuốc giảm đau không kê đơn.

Lời khuyên

Khi có triệu chứng của đau mắt đỏ hoặc đau mắt đỏ đã điều trị tại nhà bằng thuốc nhỏ mắt mà không hiệu quả, hãy đến ngay các bệnh viện hoặc phòng khám mắt uy tín để được thăm khám và điều trị sớm nhất. 

Thạc sĩ Lê Đức Thiện
Bác sĩ Lê Đức Thiện
Thạc sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, và khúc xạ mắt trẻ em.

Uy tín: Bác sĩ Thiện được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

Đau mắt đỏ

thuốc nhỏ mắt tobrex

tobrex