Viêm giác mạc mắt và đau mắt đỏ có giống không?

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Hà Huy Thiên Thanh

vào ngày 28/04/2024

Viêm giác mạc mắt có phải là đau mắt đỏ không? Nhiều người lầm tưởng viêm giác mạc và đau mắt đỏ là một bệnh, tuy nhiên đây là hai bệnh lý với tiên lượng và điều trị rất khác nhau. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn nhận biết dấu hiệu cũng như nguyên nhân của hai bệnh lý trên. Bạn không nên chủ quan với các bệnh về mắt tránh biến chứng giảm thị lực. 

Phân biệt giác mạc và kết mạc

Giác mạc (lòng đen) là một màng trong suốt, không có mạch máu bao phủ, rất dai, hình chỏm cầu, bao phủ ngay phía trước đồng tử và mống mắt. Chiếm 1/6 nhãn cầu. Rìa xung quanh giác mạc nối với củng mạc. Giác mạc có vai trò như một thấu kính hội tụ giúp ta nhìn rõ được vật

Kết mạc (lòng trắng) Là một màng trong suốt, mỏng bao phủ phía trước phần màu trắng của mắt gọi là củng mạc và lót mặt trong của mí mắt dưới và mí mắt trên. Vai trò của kết mạc là bảo vệ mắt khỏi nhiễm khuẩn, trên kết mạc có mạch máu. 

Cau-tao-cua-giac-mac-va-ket-mac

Cấu tạo của giác mạc và kết mạc

Phân biệt viêm giác mạc và viêm kết mạc

Viêm giác mạcviêm kết mạc là hai bệnh khác nhau nhưng hai cấu trúc này liền kề nhau nên dễ lây nhiễm bệnh cho nhau và biểu hiện triệu chứng của cả hai bệnh cùng lúc. 

Triệu chứng

Viêm kết mạc mắt là tình trạng viêm cấp tính, khởi phát triệu chứng rất nhanh sau khi tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Kết mạc mắt nổi đỏ do sự xung huyết của mạch máu giãn ra. Chính vì thế viêm kết mạc mắt còn được gọi với tên dân gian là đau mắt đỏ. Với viêm kết mạc, mạch máu có xu hướng xung huyết từ khe mắt lan vào trong. Triệu chứng tiếp theo, bệnh nhân cảm giấy ngứa, cộm như có sạn trong mắt, khiến cho người bệnh dụi mắt nhiều. Khi bị viêm, mắt xuất tiết nhiều dịch gỉ mắt, đóng dính tại vùng lông mi, khiến cho người bệnh khó mở mắt đặc biệt khi dạy buổi sáng, gỉ mắt màu vàng, hoặc xanh khi nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn.

Nếu chỉ viêm kết mạc đơn thuần sẽ không ảnh hưởng giác mạc, đồng nghĩa với việc bệnh nhân không có nhìn mờ, không ảnh hưởng đến thị lực. 

Mat-bi-viem-viem-ket-mac-viem-giac-mac

Mắt bị viêm kết mạc viêm giác mạc

Viêm giác mạc cũng có đỏ mắt do mạch máu xung huyết, nhưng vị trí thường ở vùng rìa xung quanh giác mạc, khác với viêm kết mạc là ở vùng khóe mắt. Do giác mạc là thấu kính có tác dụng khúc xạ ánh sáng, là một phần của hệ thống quang học nhãn cầu, nên khi bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến thị lực của bệnh nhân. Người bệnh cảm thấy mờ mắt, mắt tăng nhạy cảm khi ánh sáng chiếu vào mắt, kích thích chảy nước mắt và đau. Tùy từng nguyên nhân và mức độ bệnh ta có thể nhìn thấy  giác mạc có ngấn mủ hoặc ổ loét áp xe trên bề mặt giác mạc. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân gây ra hai bệnh có phần giống và khác nhau. Chủ yếu vẫn được chia ra làm hai nhóm sau: 

Nhóm nguyên nhân do nhiễm trùng

  • Virus: là nguyên nhân hay gặp nhất của viêm giác – kết mạc. Adenovirus là loại có ái tính cao với mắt và thường mắc vào các đợt dịch. Adenovirus thường gây triệu chứng cả ở kết mạc và giác mạc, nhanh khỏi sau vài ngày, ít để lại biến chứng;
adenovirus-gay-viem-ket-mac-giac-mac

Adenovirus gây viêm kết mạc giác mạc

  • Vi khuẩn: khi bị vi khuẩn tấn công thường gây tổn thương sâu và nặng. Viêm giác mạc hay gặp do trực khuẩn mủ xanh, tụ cầu…;
  • Nấm là hay gây ra viêm giác mạc. Người bị nhiễm nấm thường do suy giảm miễn dịch hoặc bội nhiễm thêm sau khi đã tổn thương. Nấm khó điều trị, thời gian dai dẳng, đáp ứng chậm. 

Nhóm nguyên nhân không do nhiễm trùng

  • Dị ứng: Viêm kết mạc dị ứng tái đi tái lại thường gây biến chứng viêm giác mạc chấm nông; 
  • Khô mắt, đeo kính áp tròng quá nhiều đều gây tổn thương cả kết mạc và giác mạc. Khi màng nước mắt không được giữ liên tục, mắt bị khô và cảm giác bỏng rát, mất đi lớp bảo vệ mắt khỏi bụi bẩn. Người bị khô mắt hay dẫn đến viêm giác mạc sợi. 

Điều trị 

Tùy theo từng nguyên nhân mà có cách điều trị khác nhau, nhìn chung viêm giác mạc tiên lượng xấu hơn viêm kết mạc. 

Biện pháp cải thiện triệu chứng cho cả giác mạc và kết mạc:

  • Rửa mắt, vệ sinh mắt sạch sẽ, sử dụng dung dịch chuyên dụng như thuốc nhỏ mắt sinh lý NaCl 0.9%. Cách vệ sinh cũng cần cẩn thận, tránh va chạm làm trầy xước thêm giác – kết mạc;
  • Chườm mát với những trường hợp viêm kết – giác mạc nhẹ, đặc biệt với dị ứng, giúp người bệnh dễ chịu, giảm các tình trạng xung huyết, phù nề mắt. 

Biện pháp điều trị nguyên nhân: 

  • Virus: Đối với viêm kết mạc thường nhẹ có thể tự khỏi sau vài ngày, nhưng giác mạc thường nặng hơn. Ví dụ virus herpes gây viêm giác mạc, bệnh vẫn có thể tự khỏi nhưng nếu uống thuốc sẽ giúp giảm thời gian bị bệnh và hạn chế tái mắc đến 95%;
  • Vi khuẩn: Cần sử dụng kháng sinh phổ rộng hoặc làm kháng sinh đồ để tìm loại kháng sinh phù hợp;
  • Nấm: Điều trị bằng thuốc chống nấm;
  • Khô mắt: Sử dụng nước mắt nhân tạo thường xuyên trong ngày, chủ động cung cấp độ ẩm trong mắt. 

Cách phòng tránh viêm giác mạc và các bệnh về mắt khác

Bảo vệ mắt bằng cách đeo kính khi ra ngoài tránh bụi bẩn bay vào mắt. Nếu nguyên nhân là vi khuẩn, tránh dụi tay lên mắt gây lây nhiễm mầm bệnh cho người xung quanh, vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với đồ vật xung quanh người bệnh. 

Vệ sinh mắt hằng ngày, đặc biệt chú trọng trong thời gian có dịch bệnh lây lan như adenovirus. 

Tránh khô mắt bằng cách sử dụng nước mắt nhân tạo, hạn chế làm việc ở nơi có nhiệt độ cao trong thời gian dài, có lối sống sinh hoạt khoa học như: hạn chế thức đêm, chơi game; không làm việc trong thời gian kéo dài, không tiếp xúc với máy tính, điện thoại liên tục. 

Nho-mat-phong-tranh-benh-ve-mat

Nhỏ thuốc mắt để phòng tránh bệnh về mắt

Sử dụng các thực phẩm tốt, chứa hàm lượng cao các vitamin A, C, B,… hoặc sử dụng thuốc bổ sung trực tiếp giúp tăng khả năng tái tạo của giác mạc. 

Viêm giác mạc và viêm kết mạc là 2 bệnh khác nhau, trong đó viêm giác mạc có nguy cơ để lại nhiều di chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực. Khuyến cáo người bệnh khi có triệu chứng bất thường về mắt, hãy đến cơ sở y tế uy tin để được thăm khám đủ quy trình, chẩn đoán và điều trị đúng. 

Lời khuyên

Viêm giác mạc và viêm kết mạc là 2 bệnh khác nhau, trong đó viêm giác mạc có nguy cơ để lại nhiều di chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị lực. Khuyến cáo người bệnh khi có triệu chứng bất thường về mắt, hãy đến cơ sở y tế uy tin để được thăm khám đủ quy trình, chẩn đoán và điều trị đúng. 

Tiến sĩ Hà Huy Thiên Thanh
Bác sĩ Hà Huy Thiên Thanh
Tiến sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Thần kinh với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, Thần kinh.

Uy tín: Bác sĩ Thanh được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

Viêm giác mạc có phải là đau mắt đỏ không?

Viêm giác mạc mắt