Viễn loạn thị ở trẻ nhỏ có nguy hiểm không?

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Phạm Phương Nga

vào ngày 28/08/2024

3 tật khúc xạ có xu hướng trẻ hóa dần gặp ở lứa tuổi trẻ nhỏ rất nhiều bao gồm: cận thị, viễn thị, loạn thị. Viễn loạn thị ở trẻ em là tình trạng trẻ gặp cả hai tật khúc xạ viễn thị và loạn thị, cùng tìm hiểu về tình trạng này qua bài viết dưới đây.

tre-bi-vien-loan-thi-duoc-deo-kinh

Trẻ bị viễn loạn thị cần được chỉnh kính phù hợp

Viễn loạn thị ở trẻ là gì?

Viễn thị là một tật khúc xạ do hệ thống khúc xạ ánh sáng của nhãn cầu gặp vấn đề như: giác mạc hoặc thể thủy tinh phẳng, do trục nhãn cầu ngắn biểu hiện là mắt trẻ nhỏ hơn bình thường.

Các nguyên nhân trên dẫn đến ảnh của vật hiện sau võng mạc bình thường. Nếu viễn thị nhẹ nhìn xa có thể bình thường, nếu viễn thị nặng thì cả nhìn xa và nhìn gần đều giảm, người viễn thị hay điều tiết kéo dài gây nhức mỏi mắt và có thể gây lác mắt điều tiết 

tat-khuc-xa

Tật khúc xạ

 

Loạn thị do bán kính độ cong giác mạc không đều nhau trên các kinh tuyến nên khúc xạ ánh sáng theo các trục kinh tuyến cũng khác nhau. Điều này khiến cho ảnh của vật bị méo mó biến dạng, giảm thị lực.

Đôi khi loạn thị không có triệu chứng chủ quan mà chỉ phát hiện khi trẻ đến khám định kỳ trên nền đã có một tật khúc xạ nào đó như cận thị hoặc khám sàng lọc tại các trường. 

Vậy viễn loạn thị ở trẻ là gì? Viễn loạn thị ở trẻ em là trẻ mắc cả hai tật khúc xạ trên cùng một lúc và biểu hiện triệu chứng của cả viễn thị và loạn thị.

  • Nhìn mờ, nhìn các vật ở gần khó hơn nhìn các vật ở xa(nếu độ viễn cao)
  • Hình dạng của vật bị méo mó, nhoè so với thực tế
  • Trẻ thường xuyên kêu đau mỏi mắt, nheo mắt khi nhìn
  • Lác mắt kèm theo

Theo thống kê, viễn loạn thị có tỷ lệ mắc và phát hiện cao nhất ở trẻ em. Bởi nguyên nhân dẫn đến bệnh chủ yếu do di truyền, bẩm sinh cấu trúc mắt của trẻ đã bất thường hoặc bất thường trong quá trình phát triển của cơ thể đặc biệt ở trẻ sơ sinh.

Viễn loạn thị ở trẻ em khi nào là đáng ngại?

Trẻ có độ viễn loạn thị nhẹ dưới 3 tuổi thường ít đáng ngại. 

Đối với viễn thị, theo sinh lý cơ thể, khi trẻ còn nhỏ có đến 80% có viễn thị. Cùng với sự phát triển của cơ thể, nhãn cầu dài ra, tật viễn thị dần giảm xuống đến 1 mức nhất định, độ viễn này được coi là viễn thị sinh lý và không ảnh hưởng đến thị lực.

Tuy nhiên, nếu có bất thường khiến độ viễn không giảm xuống thì bé sẽ cần phải đeo kính viễn để cải thiện thị lực.

Đối với loạn thị từ trung bình đến nặng không được điều chỉnh trước 5 tuổi thì thường dẫn đến nhược thị. 

Ở độ tuổi 3-5 tuổi, nếu trẻ có viễn loạn thị vượt mức sinh lý bình thường thì việc phát hiện sớm và tiếp nhận điều trị đúng, tật khúc xạ này có thể được kiểm soát, thậm chí không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, học tập của bé sau này. 

Mức độ nghiêm trọng của loạn thị là: 

  • Loạn thị nhẹ: dưới 2.00 diop
  • Loạn thị nặng: từ 2.00 trở lên

Các mức độ đánh giá viễn thị như sau:

  • Dưới 2 Diop: viễn thị mức nhẹ. Thị lực ở mắt không bị ảnh hưởng trong các hoạt động, sinh hoạt hàng ngày, do sức điều tiết vẫn còn đủ để bù trừ cho viễn thị. Không nheo mắt, mỏi mắt nhiều thì có thể chưa cần sự hỗ trợ của kính viễn thị.
  • Từ 2 Diop đến 5 Diop: mức trung bình, người mắc cần đeo kính viễn để hỗ trợ thị lực, tránh chuyển sang mức độ nặng.
  • Trên 5 Diop: Viễn thị nặng, thường kèm theo một số biến chứng như lác, nhược thị.

Đối với trẻ viễn loạn thị, khi kết hợp cả hai bệnh này thì bệnh sẽ tiến triển nhanh hơn, gây khó chịu cho trẻ nhiều hơn.

Với các trường hợp ngoài giới hạn bình thường, hoặc trong giới hạn bình thường nhưng có kèm theo các biểu hiện lác (thường xuyên hoặc thi thoảng xuất hiện), bé nhìn gần thấy hai hình, bé có thị lực kém so với tuổi. Ba mẹ cần hỏi thêm ý kiến bác sĩ chuyên khoa để cân chỉnh độ kính cho con.

Viễn loạn thị ở trẻ em có thể gây ra những biến chứng nào?

Đối với trẻ em, việc khám sàng lọc phát hiện sớm cho trẻ là vô cùng cần thiết. Khi trẻ đã đến tuổi đến lớp, triệu chứng đầu tiên trẻ thường hay than phiền là nhìn mờ, hoặc bố mẹ được phát ánh là trẻ thiếu tập trung, kết quả học tập kém, đây cũng là hậu quả của nhìn mờ khiến trẻ lười đọc sách, không rõ chữ trên bảng. 

Hầu hết những trường hợp nặng đã xuất hiện biến chứng là do bản thân trẻ không tự ý thức được sự bất thường hoặc không nhận được quan tâm đầy đủ từ phía phụ huynh. Những biến chứng thường gặp: 

  • Nhược thị: hay còn gọi là mắt lười. Là tình trạng giảm thị lực của mắt mà không điều chỉnh được bằng kính thuốc. Nhược thị có cơ hội khắc phục khi tiếp nhận điều trị ở dưới 7 tuổi là rất cao. Sau 7 tuổi, mức độ thành công cho điều trị nhược thị sẽ thấp.

Đối với người trưởng thành thì chỉ có thể sống chung với nhược thị và cố gắng khắc phục tật khúc xạ kèm theo.

tre-bi-nhuoc-thi

Trẻ bị nhược thị cần bịt mắt tốt lại để tập

  • Lác mắt: Thường gặp lác trong hoặc lác ngoài. Lắc gây mất thẩm mỹ và cuộc sống của người bệnh (tự ti, ngại giao tiếp), lệch đầu vẹo cổ khi nhìn, thu hẹp thị trường bên mắt bị lác. Song thị cũng là một biểu hiện của lác mắt: nhìn một vật thành hai, đây là triệu chứng khá nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại dễ bị ngã. 
mat-lac

Mắt lác

Cách điều trị cho bé bị viễn loạn thị

Bé bị viễn loạn thị cách điều trị đơn giản nhất là đeo kính gọng giúp bé nhìn rõ hơn. Độ viễn loạn cần được khám và cấp kính phù hợp với mắt từng trẻ, theo dõi một thời gian xem trẻ có dung nạp với kính không, tránh xảy ra trường hợp bé vẫn bị đau nhức mắt, mờ mắt, nheo mắt khi nhìn. 

Thường thì các bé bị viễn loạn thị cần đeo kính đúng độ và cần làm quen dần với độ kính đó của mình.

Nếu trẻ có kèm theo lác và nhược thị thì cần theo dõi cẩn thận, bố mẹ cần cho trẻ tuân thủ độ kính, thời gian đeo kính, thời gian tập nhược thị và cường độ học tập của con một cách hợp lý, tránh để mắt làm việc quá sức. 

Hinh-anh-benh-nhan-duoc-tham-kham-tan-tinh-tai-vivision kid.

Hình ảnh bệnh nhân khám tại vivision kid

Trên đây vivision kid đã giải đáp những thông tin về viễn loạn thị ở trẻ. Ba mẹ có thể đặt lịch khám tại vivision kid để bác sĩ có thể thăm khám kiểm tra cho con nhé!

Lời khuyên

Viễn loạn thị nếu được phát hiện sớm thì không đáng lo ngại nhưng để an toàn tránh biến chứng xảy ra, bố mẹ nên cho trẻ đi khám định kỳ ít nhất 6 tháng/lần hoặc bất cứ lúc nào trẻ than phiền nhìn mờ hay các vấn đề khác về mắt.

Kiểm soát tật khúc xạ là một quá trình dài, ba mẹ hãy đồng hành cùng con bằng cách tạo cho con những thói quen sinh hoạt tốt, thăm khám mắt định kỳ để bảo vệ thị lực sau này của trẻ.

Khúc xạ Nhãn khoa Phạm Phương Nga
Khúc xạ Nhãn khoa Phạm Phương Nga
Chuyên gia Thị giác hai mắt
Xem thêm

Chuyên môn: Khúc xạ Nhãn khoa Phạm Phương Nga là 1 người có rất nhiều kinh nghiệm trong khúc xạ nhãn khoa trẻ em

Uy tín: Khúc xạ Nhãn khoa Nga được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh.

Gắn thẻ:

viễn loạn

viễn loạn thị