3 lý do thường bị mắt đỏ và cách giải quyết

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Lê Đức Thiện

vào ngày 30/07/2024

Bị mắt đỏ là tình trạng rất hay gặp trong cuộc sống thường ngày. Vậy những nguyên nhân gì khiến mắt bị đỏ và cách xử lý như thế nào cho hiệu quả?. Cùng vivision kid điểm qua 3 lý do thường gặp nhất và cách xử lý chúng nhé!

03 lý do thường gặp gây bị mắt đỏ

Có nhiều nguyên nhân gây ra đỏ mắt, tuy nhiên có thể chia làm 03 nhóm nguyên nhân chính như sau

Viêm nhiễm: Thường là do virus hoặc vi khuẩn 

  • Do virus : Một số loại virus thường gây tình trạng đỏ mắt như adenovirus, herpes simplex virus, virus cúm,…. Bị đỏ mắt do virus là nguyên nhân khiến lây lan dịch bệnh nhiều nhất và là căn nguyên phổ biến nhất hiện nay
  • Do vi khuẩn: Các loại vi khuẩn như tụ cầu vàng, liên cầu và Haemophilus influenzae, có thể gây nhiễm khuẩn kết mạc, dẫn đến bị mắt đỏ
  • Môi trường: Do dị ứng : Khi mắt tiếp xúc với các chất gây kích ứng như phấn hoa, lông chó mèo, mỹ phẩm, môi trường bụi bẩn, ô nhiễm,… có thể gây phản ứng dị ứng và dẫn tới bị mắt đỏ. Thiếu ngủ: khi thời gian ngủ không đủ có thể làm giảm lượng oxy cung cấp cho mắt, dẫn tới giãn các mạch máu và khiến mắt có màu đỏ
  • Bệnh hệ thống: Lupus, viêm khớp dạng thấp,… Đây là những bệnh lý tự miễn, tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó có mắt, gây tổn thương tại mắt.
Dau-mat-do-gay-nhieu-kho-chiu-tai-mat

Đau mắt đỏ gây nhiều khó chịu tại mắt

Làm thế nào để xác định nguyên nhân bị mắt đỏ?

Mắt đỏ là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau tại mắt. Vì vậy, việc tìm ra nguyên nhân chính xác để có phác đồ điều trị phù hợp là rất cần thiết. Khi đi khám, bạn sẽ được các bác sĩ Nhãn khoa hỏi cụ thể bệnh sử, tiền sử cũng như các thói quen sinh hoạt thuốc, môi trường làm việc cũng như các loại thuốc bạn đang sử dụng, …

Thông thường, bạn sẽ được hỏi một số câu hỏi như sau

  • Mắt thường đỏ một hay hai bên?
  • Có hay bị đỏ mắt không?
  • Những triệu chứng đi kèm khác là gì?
  • Tình trạng đỏ mắt sẽ bị nặng thêm khi nào?

Tiếp theo, các bác sĩ sẽ thăm khám mắt cho bạn. Sau khi định hướng nguyên nhân, bác sĩ sẽ đưa ra các xét nghiệm nếu cần thiết để hỗ trợ và khẳng định chẩn đoán. Từ đó tư vấn và giải thích liệu trình điều trị phù hợp nhất.

Xử lý khi bị mắt đỏ như thế nào?

Sau khi xác định được nguyên nhân gây bệnh, chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc “bị mắt đỏ thì phải làm sao?”.  Thực tế, xử lý tình trạng đỏ mắt tùy thuộc vào từng nguyên nhân.

 Bị mắt đỏ do virus

Bệnh đau mắt đỏ gây ra bởi virus thường tự khỏi. Mục đích điều trị là để giảm các biểu hiện khó chịu của bệnh. Bạn có thể tham khảo các biện pháp chữa trị như sau:

  • Vệ sinh mắt sạch sẽ
  • Chườm mắt: có 2 phương pháp là chườm lạnh và chườm ấm
  • Bổ sung dinh dưỡng: ưu tiên chế biến các thực phẩm giàu vitamin A, beta caroten, vitamin E, omega-3
  • Nếu xác định căn nguyên gây bệnh là virus herpes, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng virus acyclovir nhằm giảm nhanh triệu chứng đỏ mắt.
chuom-lanh-giup-mat-thu-gian

Chườm lạnh giúp mắt thư giãn

 Bị mắt đỏ do vi khuẩn

Việc đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân do vi khuẩn là rất quan trọng, để từ đó kê đơn thuốc hiệu quả nhất.

Các thuốc điều trị tại chỗ

  • Thuốc kháng sinh: Thường được dùng dưới dạng thuốc nhỏ mắt, thuốc mỡ,… giúp rút ngắn thời gian nhiễm trùng và giảm biến chứng, giảm lây lan sang những người xung quanh
  • Corticosteroid tại chỗ: Thuốc có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng, hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên cần thận trọng khi dùng Corticosteroid vì các thuốc này có thể dẫn tới các biến chứng nghiêm trọng như: tăng nhãn áp, giảm thị lực, đục thủy tinh thể, bội nhiễm các vi khuẩn khác,…

Các thuốc điều trị toàn thân

  • Chỉ dùng khi bệnh tiến triển nặng lên (do lậu cầu, bạch hầu,…). Các thuốc có thể sử dụng là kháng sinh cephalosporin thế hệ 3, fluoroquinolon đường uống.
  • Ngoài ra có thể sử dụng các thuốc nâng cao sức khỏe chung như: Vitamin tổng hợp,…

Bị mắt đỏ do dị ứng, do môi trường bụi bẩn

Tránh tiếp xúc với dị nguyên: đây là việc cần làm đầu tiên khi phát hiện nguyên nhân gây dị ứng. Để đảm bảo dị ứng không nặng thêm cũng như phòng tránh cho những lần sau, bạn nên:

  • Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, đặc biệt vệ sinh sạch sẽ những khu vực dễ bị ẩm mốc
  • Giặt chăn ga, gối, đệm bàn ghế, rèm cửa, thảm trải sàn,… định kỳ để hạn chế mạt nhà sống tại đây.
  • Không nuôi thú cưng nếu lông là dị nguyên gây dị ứng
  • Đeo kính chắn bụi khi đi ra ngoài nhằm hạn chế tiếp xúc với bụi bẩn, ô nhiễm,…
  • Thận trọng với các sản phẩm chăm sóc da, mỹ phẩm,…
  • Hạn chế tới gần các khu vực nhiều hoa, cỏ,…

Ngoài ra, một số biện pháp dưới đây cũng rất hiệu quả để cải thiện tình trạng này, đó là:

  • Vệ sinh mắt sạch sẽ
  • Chườm mắt: Có 2 phương pháp là chườm lạnh và chườm ấm
  • Nhỏ nước mắt nhân tạo
  • Sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa thành phần kháng histamine, ổn định tế bào Mast, NSAID hoặc corticoid: các phương pháp này giúp giảm nhanh triệu chứng đỏ mắt, ngứa, sưng mắt… Tuy nhiên, để bảo vệ toàn diện nhất cho đôi mắt, hãy đi khám bác sĩ để được tư vấn liệu bạn phù hợp với loại thuốc nào nhất.
Thuoc-nho-mat-khang-histamine-giup-giam-nhanh-trieu-chung-di-ung-mat

Thuốc nhỏ mắt kháng histamine giúp giảm nhanh triệu chứng dị ứng mắt

Bị mắt đỏ do các bệnh hệ thống

Nếu biểu hiện tại mắt là triệu chứng của các bệnh lý toàn thân, việc điều trị các bệnh này là điều quan trọng nhất. Đồng thời, cũng cần chăm sóc mắt bằng các biện pháp đơn giản như: vệ sinh mắt, nhỏ nước mắt nhân tạo,…

Các lưu ý khi bị mắt đỏ

Không dụi mắt: thông thường, khi bị mắt đỏ thường kèm theo tình trạng ngứa mắt, dẫn tới dụi mắt liên tục. Hành động này có thể gây nên xước giác mạc, lây lan viêm nhiễm tại mắt hoặc gây bội nhiễm do đưa vi khuẩn trực tiếp từ môi trường ngoài vào mắt. Vì vậy, hãy chú ý hạn chế tối đa việc dụi mắt.

Không tự ý mua và sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt: hiện nay, trên các trang mạng xã hội có nhiều khuyên có thể tự điều trị tại nhà bằng thuốc nhỏ mắt khi bị mắt đỏ. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể có thành phần co mạch, nếu sử dụng không đúng có thể dẫn tới “nhờn thuốc”.

Triệu chứng đỏ mắt là tình trạng rất thường gặp trong cuộc sống. Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan tự mua thuốc điều trị tại nhà khi bị mắt đó mà nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị đúng theo nguyên nhân, giúp cải thiện triệu chứng nhanh chóng. 

Lời khuyên

Thạc sĩ Lê Đức Thiện
Bác sĩ Lê Đức Thiện
Thạc sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, và khúc xạ mắt trẻ em.

Uy tín: Bác sĩ Thiện được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

bị mắt đỏ

bị mắt đỏ phải làm sao