Dấu hiệu bị cườm mắt: Dấu hiệu nào là cấp cứu trong nhãn khoa?

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Văn Cường

vào ngày 07/05/2024

Dấu hiệu bị cườm mắt vô tình bị bỏ qua nếu bệnh tiến triển âm thầm khiến người bệnh chủ quan với bệnh. Đây là nguyên nhân khiến cho cườm mắt tiến triển nặng mới phát hiện ra. Cũng có trường hợp diễn biến cấp tính cần được cấp cứu ngay lập tức. 

Giải thích thuật ngữ

Cườm mắt không phải là một bệnh mà là một thuật ngữ chung cho 2 bệnh cườm nước, cườm khô.  Hai bệnh này đều là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu đặc biệt đối với lứa tuổi người già.

Trong đó, cườm khô là bệnh đục thủy tinh thể, cườm nước còn được gọi với tên thông dụng là glocom, tăng nhãn áp hoặc thiên đầu thống. 

Glocom chia làm hai loại: Glocom góc đóng và góc mở. Đây là bệnh lý nguy hiểm, có thể diễn biến một cách đột ngột, đặc biệt glocom góc đóng cơn cấp là một cấp cứu trong nhãn khoa. Bởi cơ chế của bệnh do sự bất thường hệ thống dẫn lưu thủy dịch. 

Bình thường thủy dịch được tiết từ hậu phòng, lưu thông qua khe giữa mống mắt và thể thủy tinh ra tiền phòng và phần lớn được dẫn lưu ra khỏi nhãn cầu qua góc tiền phòng. Khi có sự bít tắc ở bất kì vị trí nào trên đường lưu thông thủy đều có thể gây tăng nhãn áp. 

co-che-glocom-goc-dong-do-nghen-dong-tu

Cơ chế Glocom góc đóng do nghẽn đồng tử

Glocom góc đóng do 2 nguyên nhân chủ yếu sau: 

  • Nghẽn đồng tử: Chiếm 75% các trường hợp glocom góc đóng, do bờ của mống mắt bám chặt vào mặt trước thể thủy tinh, dịch không thoát được từ hậu phòng ra tiền phòng.
  • Nghẽn góc tiền phòng: Do gấp nếp chân mống mắt, dày lên áp vào vùng dẫn lưu thủy dịch 
co-che-glocom-goc-dong-do-nghen-goc-tien-phong

Cơ chế Glocom góc đóng do nghẽn góc tiền phòng

Bài viết này tập trung về những dấu hiệu nguy hiểm trong cườm mắt nước – cụ thể glocom góc đóng. 

Dấu hiệu bị cườm mắt

Cườm khô – đục thể thủy tinh có các triệu chứng như: nhìn mờ, hay nheo mắt để nhìn, đồng tử trắng, dễ chói mắt,…. 

Cườm nước – glocom có hai thể glocom góc đóng và góc mở. Đối glocom góc mở, bệnh tiến triển từ từ, áp lực nội tăng chậm do vẫn được dẫn lưu ra khỏi nhãn cầu. Đối với glocom góc đóng, thường tiến triển cấp tính do không thoát được thủy dịch.

Dấu hiệu bị cườm mắt

Dấu hiệu bị cườm mắt

Cả hai thể của glocom đều có triệu chứng: Chảy nước mắt, sợ ánh sáng, co thắt mi mắt, mờ mắt thoáng qua, đau đầu, thấy quầng xanh đỏ khi nhìn vào nguồn sáng

Dấu hiệu nhận biết glocom góc đóng cơn cấp thường xuất hiện đột ngột, cấp tính, không thể tự hết cơn. Triệu chứng lâm sàng rất đặc trưng, tiến triển rầm rộ thành từng cơn. Hầu hết các trường hợp cơn cấp xảy ra ở một bên mắt, chỉ có khoảng 5-10% cơn xuất hiện đồng thời ở cả hai mắt. 

  • Đau nhức mắt xuất hiện đột ngột, dữ dội, thường một mắt, đau lan lên nửa đầu cùng bên
  • Nhìn mọi vật mờ ảo như nhìn qua màn sương mù, đồng thời có những màu xanh đỏ từ nguồn sáng, kèm theo triệu chứng chảy nước mắt, chói lóa
  • Giác mạc mờ đục do phù 
  • Toàn thân: Người bệnh có biểu hiện nôn, buồn nôn; vã mồ hôi, co cứng cơ bụng do đau; nhịp tim nhanh, loạn nhịp
  • Thị lực trung tâm suy giảm đột ngột vì giác mạc phù đục 
  • Nhãn áp tăng cao có khi lên tới 50-60 mmHg. Nắn ngón tay ở trên mí mắt có cảm giác nhãn cầu căng cứng như hòn bi ve. 

Cơn glocom góc đóng cấp diễn nếu không được điều trị tích cực thường không tự rút lui được mà tiến triển một cách trầm trọng. Dần dần mức độ đau nhức có thể giảm bớt nhưng chức năng thì mất vĩnh viễn do thị thần kinh bị thiếu máu cục bộ. 

Nguyên tắc điều trị cơn glocom góc đóng là điều trị cả hai mắt, mắt chưa bị lên cơn tăng nhãn áp cần điều trị dự phòng.

Bắt đầu điều trị cấp cứu bằng thuốc hạ nhãn áp, co đồng tử, ngay khi có chẩn đoán xác định bệnh, chuẩn bị điều kiện an toàn cho điều trị bằng laser và phẫu thuật. Lựa chọn phương pháp laser và phẫu thuật dựa vào tình trạng góc tiền phòng: 

  • Nếu góc tiền phòng còn mở ≥ ½ chu vi: Có chỉ định cắt mống mắt chu biên bằng laser hoặc phẫu thuật 
  • Nếu góc tiền phòng đóng ≥ ½ chu vi: Cần can thiệp phẫu thuật lỗ rò tạo lối thoát cho thủy dịch.

Phòng ngừa cườm mắt nói chung và glocom nguyên phát góc đóng nói riêng

Hiện tại, không có biện pháp phòng ngừa bệnh cườm mắt đặc hiệu. Chúng ta chỉ có cách duy nhất bảo vệ mắt khỏi bệnh cườm mắt bằng cách hạn chế tối đa những yếu tố nguy cơ sau đây: 

  • Tránh các tác nhân gây hại cho mắt như tia cực tím. Nếu tiếp xúc với ánh mặt trời gay gắt thì tia cực tím có thể làm tăng quá trình oxy hóa-khử của thủy tinh thể gây đục thủy tinh thể, bỏng võng mạc, thị giác
  • Tránh chấn thương, đụng dập nhãn cầu làm lệch thủy tinh thể là nguyên nhân gây glocom
  • Không lạm dụng thuốc đặc biệt là Corticoid. Corticoid được cho là liên quan đến xơ hóa vùng bè làm bít tắc con đường lưu thông thủy dịch gây glocom, ngoài ra, corticoid làm suy giảm miễn dịch tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở.

Bên cạnh việc phòng tránh nguy cơ gây bệnh, thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế với bác sĩ chuyên khoa mắt là biện pháp giúp sớm phát hiện các bất thường về mắt như: Bất thường giải phẫu góc tiền phòng hẹp, mống mắt gấp nếp quá dày, thủy tinh thể quá lồi làm chèn ép đường ra của thủy dịch hay khám tầm soát bệnh đối với những trường hợp gia đình có tiền sử bị bệnh cườm mắt có khả năng di truyền cho con cái. 

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể nói chung và mắt nói riêng cũng là một cách phòng ngừa bệnh. Sử dụng các thực phẩm giàu vitamin C, A, E như: rau xanh, cà rốt, cà chua, bí ngô hoặc sử dụng các dược phẩm bổ sung vitamin. 

Đặc biệt, để tránh khởi phát cơn glocom góc đóng nguyên phát, người bệnh chú ý những thói quen sinh hoạt sau đây: 

  • Khám mắt định kỳ để đo và theo dõi nhãn áp. Glocom được coi là bệnh cần phải theo dõi cả đời kể cả khi đã phẫu thuật thành công.
  • Tránh yếu tố khởi phát bệnh như: Căng thẳng thần kinh, làm việc trong bóng tối gây giãn đồng tử, công việc phải cúi đầu lâu, uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn, cảm lạnh đột ngột. Cơn tăng nhãn áp thường xuất hiện vào buổi chiều do mệt mỏi, hệ thần kinh bị kích thích, đồng tử giãn do thiếu sáng
Kiem-tra-mat-o-vivision kid

Kiểm tra mắt ở vivision kid

Một số dấu hiệu của bệnh cườm mắt có thể là triệu chứng của bệnh lý cấp cứu, nên khi bạn có bất cứ triệu chứng khó chịu nào hoặc gặp phải những dấu hiệu nêu trên. Bạn cần thăm khám ngay để tránh biến chứng mất thị lực hoàn toàn.

Optometrist Nguyễn Văn Cường
Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Văn Cường
Chuyên gia Kiểm soát cận thị
Xem thêm

Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển Trẻ em

Uy tín: Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Văn Cường được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự  chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, chú đã giúp rất nhiều bé vượt qua các vấn đề khó khăn tại mắt.

Gắn thẻ:

cườm nước

Dấu hiệu bị cườm mắt

glocom