Nhược thị và lác mắt khác nhau như thế nào? Cách phân biệt

Bài viết được thẩm định bởi Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Văn Cường

vào ngày 07/05/2024

Nhược thị và lác mắt là có liên quan chặt chẽ đôi khi còn xuất hiện cùng nhau nhưng lại là 2 tình trạng hoàn toàn khác nhau. Vậy làm cách nào để phân biệt 2 vấn đề về mắt này? Hãy cùng vivision tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Tại sao cần biết nhược thị và lác mắt khác nhau như thế nào?

Theo các nghiên cứu hiện nay trên thế giới, lác có thể là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhược thị. Đồng thời khi trẻ bị nhược thị cũng có thể gây ra lác mắt do mất nhìn. Do vậy nhược thị thường xảy ra đồng thời cùng với lác khiến nhiều người hiểu lần 2 vấn đề thị giác này là một.

Tuy nhiên các phương pháp điều trị nhược thị và lác mắt là khác nhau do đó ta cần phân biệt hai tình trạng bệnh này để có phác đồ điều trị chính xác cho trẻ.

Lác mắt là gì?

Lác mắt thường rất dễ phát hiện tuy nhiên cũng rất dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý khác vậy hãy cùng vivision tìm hiểu về bệnh lý này sâu hơn.

Định nghĩa

Đây là một bệnh lý phổ biến theo thống kê có khoảng 2-3 triệu người Việt bị lác mắt trong đó phần lớn là trẻ em, và có đến 4% trẻ mắc bệnh từ khi ra đời.

Lác mắt là tình trạng mà 2 mắt của trẻ không thể cùng nhìn về một hướng khi ta tập trung nhìn vào một vật. Lác mắt có thể xảy ra ở một hoặc hai mắt, mắt bị lác sẽ nhìn lệch khỏi điểm nhìn mục tiêu. Ở một số trường hợp mắt lác có thể thay đổi giữa 2 mắt gọi là lác luân phiên.

Ta có thể phân biệt các loại lác mắt dựa vào hướng nhìn của mắt nhìn lệch ở một hoặc cả hai mắt:

  • Lác trong: Phần lòng đen nhìn lệch hơn vào phía mũi.
  • Lác ngoài: Phần lòng đen nhìn lệch hơn ra phái thái dương.
  • Lác trên: Phần lòng đen bị lệch lên trên có thể bị mi trên che mất một phần.
  • Lác dưới: Phần lòng đen bị lệch xuống dưới có thể bị mi dưới che mất một phần.
Nhược thị và lác mắt khác nhau như thế nào?

Nhược thị và lác mắt khác nhau như thế nào?

Nguyên nhân

Mắt người bình thường sẽ có 6 nhóm cơ vận nhãn bám xung quanh nhãn cầu bao gồm 4 cơ thẳng (trên, dưới, trong, ngoài) và 2 cơ chéo (lớn, bé) thực hiện nhiệm vụ di chuyển giúp mắt nhìn sang các hướng theo ý muốn.

Để 2 mắt có thể nhìn vào một điểm (hợp thị) thì các cơ cần phối hợp đồng thời và nhịp nhàng với nhau. Nhãn cầu thu được 2 hình ảnh chính xác và truyền về não bộ tổng hợp hình ảnh giúp chúng ta có một ảnh 3 chiều cho thị giác lập thể.

Những nguyên thường gặp khiến các nhóm cơ không phối hợp đồng bộ như:

  • Bẩm sinh: Trong quá trình hoàn thiện chức của cơ thể của trẻ, các nhóm cơ xuất hiện bất từ sớm, thường xuất hiện sớm trong gia đoạn từ 6 tháng tuổi. Hoặc do bất thường khi sinh (sinh non,…).
  • Thứ phát: Thường xảy ra ở người trưởng thành khi mắc các bệnh toàn thân; bệnh về mắt ảnh hưởng đến thị lực đặc biệt là các bệnh lý đáy mắt; hoặc các chấn thương vùng mắt, đầu, mặt. Một số phẫu thuật tại mắt có thể cũng là nguyên nhân dẫn đến lác mắt.
  • Tật khúc xạ: Đặc biệt các trường hợp viễn thị, cận thị nặng, hoặc lệch ở hai mắt nhưng không được phát hiện và điều trị kịp thời. 
  • Tổn thương não hoặc các dây thần kinh vận nhãn.
  • Nhược thị: Thường xuất hiện lác ở mắt suy giảm thị lực (mắt lười).

Triệu chứng

Triệu chứng khách quan: Mắc lác có thể tự phát hiện hoặc nhờ người xung quanh phát hiện do hai mắt không đối xứng.

Triệu chứng chủ quan: Trong một số trường hợp lác ẩn không thể hiện ra bên ngoài, cha mẹ sẽ cần theo dõi xem trẻ có một số thói quen khác lạ sau đây không:

  • Thường xuyên dụi mắt hoặc kêu mỏi mắt
  • Vô ý nghiêng đầu về một phía để thích nghi với tình trạng lác mắt.
  • Nheo mắt
  • Mất tập trung, đi lại thường hay vấp té, hậu đậu, làm việc không chính xác.
  • Song thị (nhìn hai hình) xảy ra trong các trường hợp lác mắt đột ngột ở người đã hoàn thiện chức năng thị giác.

Cách điều trị

Khi cha mẹ thấy trẻ có những bất thường trên thì cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở khám mắt uy tín để phát hiện và điều trị kịp thời.Ở trẻ em việc can thiệp sớm sẽ giúp bảo toàn thị lực và chức năng hợp thị của hai mắt.

Tùy từng trường hợp lác mắt bác sĩ có thể áp dụng một hoặc phối hợp nhiều phương pháp sau đây để điều trị:

  • Đeo kính: Trong các trường hợp lác lé do tật khúc xạ, kính có thể giúp mắt nhìn rõ.
  • Lăng kính: Trường hợp mắt nhìn sai hướng do điều tiết quy tụ, lăng kính có thể giúp đưa mắt về nhìn đúng hướng.
  • Che mắt: phương pháp che mắt khỏe để kích thích mắt lác tập trung nhìn vật và cải thiện thị lực. Thường áp dụng trong trường hợp lác mắt thứ phát do nhược thị.
  • Tập mắt: Một số bài tập nhìn quy tụ, đảo mắt có thể giúp mắt lác nhìn chính xác vào vật. Đôi khi bác sĩ có thể yêu cầu kết hợp tập mắt với máy.
  • Phẫu thuật: Ngoài ra một số trường hợp có chỉ định của bác sĩ vẫn có thể phẫu thuật lác cho trẻ.

Ở người lớn việc điều trị lác mắt chỉ góp phần nâng cao thẩm mỹ cho người bệnh

  • Tiêm thuốc Botulinum Toxin: Là một loại độc tố thần kinh, có thể cải thiện độ lệch của mắt lác dù cho đã hết dược tính (thường chỉ tồn tại trong vòng 3 tháng). Đặc biệt ở các trường hợp lác do tổn thương dây thần kinh.
  • Phẫu thuật chỉnh lại cơ vận nhãn.

Nhược thị là gì?

Nhược thị rất khó phát hiện, vivision sẽ cung cấp thêm các thông tin quan trọng về bệnh lý này, để cha me có thể nhận biết, phát hiện và cho trẻ thăm khám sớm.

Định nghĩa

Nhược thị là tình trạng suy giảm thị lực ở một hoặc hai bên mắt do sự phát triển thị lực toàn diện của trẻ bị ngăn cản hoặc ảnh hưởng vì lí do nào đó.

Trẻ được chẩn đoán là mắc nhược thị khi thị lực tối đa sau chỉnh kính của trẻ không đạt được dòng 7/10 dù không có bất kỳ tổn thương nào cản trở tầm nhìn.

Dựa theo tình trạng bệnh, nhược thị được chia làm 3 loại:

  • Nhược thị nhẹ: Thị lực tối đa đạt được 5-6/10
  • Nhược thị trung bình: Thị lực tối đa vào khoảng 1-4/10
  • Nhược thị nặng: Có mức thị lực dưới 1/10, trẻ chỉ có thể đếm ngón tay, hoặc thậm chí chỉ nhìn thấy được ánh sáng.

Tuy nhiên nhược thị nhẹ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể phát triển thành nhược thị nặng thậm chí là mù lòa vĩnh viễn.

Khác biệt giữa mắt bình thường và mắt nhược thị

Khác biệt giữa mắt bình thường và mắt nhược thị

Nguyên nhân

Thị lực của trẻ phát triển nhanh chóng và hoàn thiện trong những năm đầu đời, phần lớn đạt được thị lực tối đa năm 6 tuổi và ổn định năm 12 tuổi.Vì vậy các tác nhân ảnh hưởng đến tầm nhìn ở 2 mắt của trẻ hoặc khiến 2 mắt không thể phối hợp sẽ là nguyên nhân gây ra nhược thị ở trẻ:

Lác mắt

Theo nghiên cứu, đây là nguyên nhân hàng đầu gây nhược thị ở trẻ, đặc biệt là những trường hợp lác một bên mắt. Não sẽ ưu tiên nhận ảnh ở mắt có thị lực tốt, hướng nhìn thẳng và cho ảnh toàn diện, đồng thời loại bỏ tín hiệu ở bên mắt lác để tránh trường hợp song thị. 

Do hầu hết lác mắt xuất hiện từ rất sớm, vì vậy dần dần mắt bị lác sẽ giảm phát triển đường dẫn truyền thị giác để tự loại bỏ hình ảnh. Ở một số trường hợp, lác luân phiên, hình ảnh ở 2 mắt sẽ được sử dụng xen kẽ, do vậy sẽ ít dẫn đến nhược thị.

Bất thường tật khúc xạ

Những trẻ mắc tật khúc xạ cao không được phát hiện và điều trị sớm thường dẫn đến mất nhìn. Đặc biệt những trường hợp chênh lệch khúc xạ hai bên thì thường dẫn đến nhược thị một mắt.

Bất thường gây cản trở tầm nhìn như đục thể thủy tinh, sẹo giác mạc, sụp mi,… khiến hình ảnh không truyền về não một cách hoàn chỉnh.

Triệu chứng

Nhược thị thường xuất hiện từ sớm và ảnh hưởng đến quá trình phát triển thị giác toàn diện của trẻ, trẻ đã thích nghi với thị lực kém nên ít khi phàn nàn vì nhìn mờ. Vì vậy nhược thị thường không có dấu hiệu rõ ràng và cha mẹ chỉ phát hiện khi trẻ được khám sàng lọc tại trường.

Một số dấu hiệu có thể xuất hiện khi trẻ bị nhược thị như:

  • Trẻ thường xuyên nheo mắt, dụi mắt, nháy mắt nhiều.
  • Lác mắt: biểu hiện dễ thấy nhất.
  • Nghiêng đầu về một phía để nhìn rõ hơn.

Các triệu chứng trên có thể xuất hiện ở những trẻ có tất khúc xạ, vì vậy phương pháp nhận biết nhược thị ở trẻ em chính xác nhất là khám mắt tại khác cơ sở uy tín.

Cách điều trị

Nhược thị chỉ có một thời gian điều trị lý tưởng khi thị lực của trẻ chưa phát triển toàn diện, thông thường việc điều trị sẽ thành công cao trước năm 7 tuổi.

Phác đồ chuẩn điều trị nhược thị bao gồm các bước:

  • Bước 1 – Chỉnh quang: Trẻ sẽ được kiểm tra và đeo kính đúng số để đạt được thị lực tối đa. Thông thường bác sĩ sẽ lựa chọn kính gọng để điều chỉnh tật khúc xạ của trẻ.
  • Bước 2 – Gia phạt và kích thích thị giác: Bác sĩ sẽ sử dụng một số biện pháp để làm mờ mắt lành như nhỏ Atropin 1%, che mắt,…, đồng thời kích thích mắt lười bằng các hoạt động như nhặt đậu, tô màu, lego,…
  • Bước 3 – Chỉnh lác (nếu có): Lác có thể là nguyên nhân dẫn đến nhược thị hoặc xuất hiện thứ phát, vì vậy bước 2 và bước 3 có thể linh động tùy tình huống. Có thể chỉnh lác bằng lăng kính, bài tập thị giác hoặc thậm chí là phẫu thuật.
  • Bước 4 – Hoàn chỉnh chức năng thị giác 2 mắt: Trẻ điều trị ổn định mắt nhược thị có thể tập thêm các bài tập hai mắt để phát triển toàn diện về chức năng thị giác như trẻ bình thường.

Lời khuyên của chuyên gia

Trẻ nhỏ thường không tự nhận biết được các vấn đề mà thường tự làm quen với các bất thường đó. Vì vậy cha mẹ hay cho trẻ khám sàng lọc từ sớm trước khi đi học và khám định kì 1 năm 1 lần để phát hiện sớm các bất thường.

Không phải lác luôn luôn gây ra bởi nhược thị hay nhược thị luôn bắt đầu từ nguyên nhân do lác. Hai tình trạng có nhiều biểu hiện chồng lấp, việc đưa trẻ đi thăm khám bác các bác sĩ nhãn khoa có kinh nghiệm là rất quan trọng để trẻ được chẩn đoán và có những biện pháp điều trị thích hợp với mỗi nguyên nhân. 

Chắc hẳn cha mẹ đã có thể hiểu sơ lược về câu trả lời cho câu hỏi nhược thị và lác mắt khác nhau như thế nào? Đặt lịch khám với vivision kid để được các bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng và đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị phù hợp.

Lời khuyên

Những trường hợp được phát hiện có viễn thị nặng, cha mẹ cần tuyệt đối tuân thủ theo các chỉ định của bác sĩ để có hiệu quả điều trị tốt nhất. Đeo kính đúng độ, với các trường hợp độ viễn cao, đặc biệt là nhược thị các bác sĩ thường tra giãn để tìm ra độ kính viễn cao nhất cho thị lực tốt nhất. Đeo kính liên tục, chỉ tháo kính khi tắm và khi đi ngủ.

vivision
Optometrist Nguyễn Văn Cường
Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Văn Cường
Chuyên gia Kiểm soát cận thị
Xem thêm

Chuyên môn: Chuyên gia Kiểm soát Cận thị tiến triển Trẻ em

Uy tín: Khúc xạ Nhãn khoa Nguyễn Văn Cường được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự  chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, chú đã giúp rất nhiều bé vượt qua các vấn đề khó khăn tại mắt.

Gắn thẻ:

nguyên nhân lác mắt

nguyên nhân nhược thị

nhược thị và lác mắt khác nhau như thế nào