Thuốc bạn đang sử dụng có làm mắt bị khô?

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Lê Đức Thiện

vào ngày 30/07/2024

Mắt bị khô do nhiều nguyên nhân, trong đó có tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc. Cùng vivision tìm hiểu tại sao thuốc làm mắt bị khô và các mẹo giảm khô mắt trong bài viết dưới đây.

Khô mắt là gì? Dấu hiệu nhận biết khô mắt

Khô mắt là một trong những lý do phổ biến nhất khiến người bệnh đến khám bác sĩ, chỉ sau các kiểm tra thị lực. Mắt bị khô ảnh hưởng đến bề mặt của mắt và mi mắt, gây ra các triệu chứng khó chịu. 

Có ba loại khô mắt chính:

  • Mắt khô do bay hơi: Hay còn gọi là khô mắt liên quan đến rối loạn chức năng tuyến Meibomius (MGD). Xảy ra khi lớp lipid trên bề mặt mắt được tiết ra không đủ, dẫn đến lớp nước mắt có chất lượng kém, nhanh bốc hơi. 
  • Mắt khô do thiếu nước: Do sản xuất nước mắt không đủ, dẫn đến giảm lớp nước cần thiết để bảo vệ bề mặt mắt. 
  • Mắt khô hỗn hợp: Là tình trạng kết hợp cả hai loại khô mắt trên, tức là vừa khô mắt do bay hơi và vừa thiếu hụt nước mắt.

Khô mắt có thể biểu hiện qua một loạt các triệu chứng khác nhau. Những dấu hiệu phổ biến của mắt bị khô bao gồm:

  • Cảm giác cay mắt, rát mắt, châm chích ở mắt, đặc biệt khi đi xe máy, có gió thổi. Đôi khi có cảm giác như có sạn hay dị vật trong mắt.
  • Mỏi mắt, buồn ngủ, xu hướng muốn nhắm mắt.
  • Nhìn mờ.
  • Mắt bị khô có thể trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng mạnh, gió hoặc khói thuốc lá.
  • Những người đeo kính áp tròng thường gặp khó khăn khi đeo và cảm thấy không thoải mái trong suốt thời gian đeo.
  • Các vấn đề liên quan đến mí mắt như mụn trứng cá, viêm bờ mi, viêm tuyến meibomius (MGD) hoặc nhiễm trùng do Demodex cũng góp phần làm nặng thêm tình trạng khô mắt.

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mắt bị khô có thể không đi kèm với các triệu chứng rõ ràng.

Mắt bị khô có biểu hiện đỏ rát, cộm mắt

Mắt bị khô có biểu hiện đỏ rát, cộm mắt

Thuốc bạn đang dùng liệu có làm mắt bị khô?

Thực tế, một số loại thuốc được kê toa có thể làm tình trạng khô mắt trở nên nghiêm trọng hơn. Những thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như giảm sản xuất nước mắt hoặc làm suy giảm chất lượng nước mắt, dẫn đến tình trạng mắt bị khô:

  • Thuốc kháng histamine: Thường được sử dụng để điều trị dị ứng, nhưng nhiều loại thuốc kháng histamine có thể làm giảm sản xuất nước mắt, dẫn đến tình trạng khô mắt.
  • Thuốc trị trầm cảm: Một số loại thuốc chống trầm cảm có thể gây ra khô mắt bằng cách làm giảm lượng nước mắt được tiết ra, làm cho bề mặt mắt không đủ ẩm.
  • Thuốc điều trị tăng huyết áp: Đặc biệt là thuốc chẹn beta, thường được kê toa cho tình trạng tăng huyết áp. Những loại thuốc này đồng thời làm giảm áp suất trong mắt, gây ảnh hưởng đến lớp nước mắt.
  • Thuốc lợi tiểu: Các thuốc này đào thải muối và nước trong cơ thể, ảnh hưởng đến cân bằng chất lỏng trong cơ thể, bao gồm cả mắt, cuối cùng ảnh hưởng đến lớp nước mắt, làm mắt bị khô.
  • Thuốc trị mụn: Một số loại thuốc trị mụn chẳng hạn như Roaccutane có thể gây khô mắt. Roaccutane có thể ảnh hưởng đến các tuyến nước mắt và tuyến Meibomius, dẫn đến giảm chất lượng nước mắt và làm tăng tình trạng khô mắt.
Một số loại thuốc kê toa có thể làm mắt bị khô nghiêm trọng hơn

Một số loại thuốc kê toa có thể làm mắt bị khô nghiêm trọng hơn

Mẹo giúp giảm khô mắt

Nếu bạn đang gặp phải tình trạng khô mắt và cảm thấy khó chịu, việc áp dụng một số mẹo đơn giản có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Những phương pháp này không chỉ giúp giảm triệu chứng mà còn góp phần duy trì sức khỏe đôi mắt lâu dài. 

Hãy thử những biện pháp dưới đây để cải thiện tình trạng mắt bị khô và tạo điều kiện cho đôi mắt của bạn được phục hồi và thoải mái hơn:

  • Sử dụng nước mắt nhân tạo: Để giảm triệu chứng và giữ cho mắt luôn được cung cấp đủ độ ẩm, bạn có thể dùng nước mắt nhân tạo. Hãy chọn loại không chứa chất bảo quản, vì chất bảo quản có thể lắng đọng vào giác mạc sau một thời gian dài, gây kích ứng thêm cho mắt.
  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Uống đủ nước hàng ngày, từ 1,5 đến 2 lít để duy trì tình trạng hydrat hóa tốt cho cơ thể. Thiếu nước có thể làm mắt bị khô nghiêm trọng hơn.
  • Điều chỉnh môi trường: Tránh để mắt tiếp xúc trực tiếp với luồng khí từ máy điều hòa. Nếu bạn sống trong môi trường khô, việc sử dụng máy tạo độ ẩm không khí trong nhà hoặc văn phòng có thể giúp duy trì độ ẩm không khí và giảm tình trạng khô mắt.
  • Dinh dưỡng hợp lý: Ăn một chế độ ăn cân bằng, giàu axit béo omega-3 và vitamin A, C cùng với chất chống oxy hóa có thể hỗ trợ sức khỏe của mắt. Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để nhận được những lời khuyên cụ thể về chế độ ăn uống.
  • Hạn chế đeo kính áp tròng: Nếu bạn thường xuyên đeo kính áp tròng, hãy cân nhắc việc tháo chúng ra khi mắt bị khô. Kính áp tròng có thể làm tình trạng khô mắt trở nên nghiêm trọng hơn, vì vậy tốt nhất là hạn chế thời gian đeo và chọn kính thay thế khi cần thiết.
  • Chăm sóc mắt đúng cách: Để cải thiện tình trạng khô mắt, hãy bắt đầu bằng cách làm ấm mi mắt với miếng chườm hoặc khăn ấm. Sau đó, thực hiện mát-xa nhẹ nhàng vuông góc với bờ mi và làm sạch mắt. Việc chườm ấm, mát-xa và làm sạch giúp mở các tuyến dầu Meibomius, điều này có thể cải thiện chất lượng nước mắt và giảm tình trạng khô mắt.
Uống đủ nước hàng ngày giúp giảm khô mắt

Uống đủ nước hàng ngày giúp giảm khô mắt

Nếu bạn đang gặp vấn đề về mắt và cần sự tư vấn y tế nhanh chóng và chính xác, đừng ngần ngại nhắn tin cho vivision. Vivision sẵn sàng hỗ trợ bạn với các thông tin cần thiết và hướng dẫn chi tiết để bạn có thể chăm sóc đôi mắt của mình một cách tốt nhất.

Lời khuyên

Mặc dù không phải tất cả mọi người sử dụng thuốc đều gặp phải tình trạng khô mắt, nhưng nếu bạn bắt đầu nhận thấy các triệu chứng như cay mắt, châm chích hoặc mỏi mắt, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm ra phương pháp điều trị thích hợp. Các bác sĩ có thể giúp xác định nguyên nhân chính xác mắt bị khô và đưa ra các giải pháp để giảm bớt sự khó chịu và cải thiện tình trạng mắt của bạn.

logo vivisionkid
Thạc sĩ Lê Đức Thiện
Bác sĩ Lê Đức Thiện
Thạc sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, và khúc xạ mắt trẻ em.

Uy tín: Bác sĩ Thiện được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.

Gắn thẻ:

giảm khô mắt

mắt bị khô