Cườm mắt là gì? Mắt bị cườm khô hay cườm nước nguy hiểm hơn?
Cườm mắt là tên gọi chung cho 2 bệnh cườm khô và cườm nước. Tuy nhiên, có một số đặc điểm khiến mắt bị cườm nước trở nên nguy hiểm hơn rất nhiều so với mắt bị cườm khô. Bài viết này sẽ giúp bạn đọc nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm của hai bệnh.
Cườm khô và cườm nước là gì?
Mắt bị cườm khô – hay còn gọi là đục thủy tinh thể, đây là bệnh gây mất tính trong suốt vốn có của thể thủy tinh. Chính vì vậy mà thể thủy tinh không thể đảm nhận vai trò bình thường của nó là một thấu kính giúp hội tụ ánh sáng, khi bị đục ánh sáng không thể xuyên qua thể thủy tinh gây nhìn mờ. Người bệnh có thể đục một mắt hoặc cả hai mắt, bệnh thường tiến triển từ từ, đục vị trí nào thì thị trường mờ vị trí đó, đục thủy tinh thể thường phát triển theo hình tia, lan từ trung tâm ra xung quanh.
Mắt bị cườm nước – được gọi với rất nhiều tên khác: Glocom, tăng nhãn áp, thiên đầu thống. Đây là bệnh lý gây thoái hóa thần kinh thị giác do tăng áp lực nội nhãn, chèn ép vào thần kinh thị, động mạch cấp máu cho thần kinh và các tế bào cảm thụ thị giác gây nên triệu chứng nhìn mờ. Mắt bị cườm nước thường diễn biến cấp tính, nguy hiểm hơn mắt bị cườm khô.
Điểm chung của hai bệnh trên
- Đều gây suy giảm thị lực cho mắt bị bệnh.
- Đây là bệnh gặp phổ biến ở người lớn tuổi do các cấu trúc mắt bị thoái hóa nhiều và là nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu của người cao tuổi. Hiện tượng oxy hóa khử có vai trò quan trong trong hình thành đục thủy tinh thể ở người có tuổi. Sự oxy hóa khử tăng lên làm biến đổi các protein và làm chết các tế bào biểu mô dẫn đến đục thủy tinh thể.
- Hai bệnh cũng có thể do nguyên nhân bẩm sinh. Bệnh được phát hiện từ khi còn nhỏ và thường trong gia đình có người mang bệnh, nên trẻ được tầm soát phát hiện bệnh sớm.
- Triệu chứng của hai bệnh có thể khó nhận biết.
Đối với đục thủy tinh thể ở trẻ em, lứa tuổi còn quá nhỏ để biết sự bất thường, bệnh thường được vô tình phát hiện khi bịt một mắt của trẻ thấy trẻ đi đứng loạng choạng, chân tay quờ quạng lung tung; hoặc phát hiện khi trẻ đi khám định kỳ mắt.
Đối với đục thủy tinh thể ở người già, ngoài việc chỉ cảm giác có các đốm hơi mờ mờ trong thị trường, thì người bệnh không hề có cảm giác đau đớn, khó chịu. Bệnh cũng thường phát hiện tình cờ khi ông bà cao tuổi đi cắt kính lão để đọc sách báo
Đối với cườm nước – đục thủy tinh thể góc mở, triệu chứng lâm sàng không nổi trội, cũng diễn biến từ từ cho đến khi áp lực tăng cao ảnh hưởng đến thần kinh thị.
Nguyên nhân gây ra cả hai bệnh
- Do biến chứng của bệnh toàn thân: ĐTĐ, béo phì, rối loạn chuyển hóa (galactose máu, hạ canxi máu). Trong đó, đái tháo đường là nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất. Nguy cơ mắc bệnh tỷ lệ thuận với mức độ đường huyết.
- Chấn thương: Chấn thương đụng dập, chấn thương xuyên và bỏng. Chấn thương đụng dập thường gây lực ép làm biến dạng thể thủy tinh. Tình trạng này gây co kéo làm đứt các sợi thể thủy tinh hình lan hoa. Đồng thời, khi chấn thương mắt, dịch nội nhãn xuất tiết nhiều hơn, nếu không được dẫn lưu nhanh, hoặc hệ thống dẫn lưu thủy dịch bị bít tắc, sẽ gây ra tăng nhãn áp – glocom.
- Dùng thuốc corticoid: Mặc dù cơ chế gây mắt bị cườm nước và cườm khô chưa rõ ràng nhưng người ta thường thấy trên những người lạm dụng corticoid hay bị đục thủy tinh thể dưới bao sau và tăng nguy cơ bít tắc lỗ bẽ dẫn lưu thủy dịch.
- Thuốc lá cũng có nghiên cứu nói rằng, người hút thuốc lá có nguy cơ mắt bị cườm khô cao gấp hai lần người bình thường, đồng thời cũng có thể gây ra mắt bị cườm nước.
Bị cườm nước có thể nguy hiểm hơn rất nhiều so với mắt bị cườm khô
Cườm nước và cườm khô để là hai bệnh nguy hiểm vì nếu không điều trị kịp thời có thể gây mù lòa vĩnh viễn. Nhưng xét về khả năng điều trị của hai bệnh, thấy:
- Cườm khô có thể lấy lại thị lực hoàn toàn khi phẫu thuật thay thể thủy tinh kết hợp với chỉnh quang và điều trị nhược thị nếu có. Tùy vào mức độ của đục thủy tinh thể, nếu bệnh giai đoạn nhẹ, có thể không cần phẫu thuật mà theo dõi thêm, nếu giai đoạn nặng cần phẫu thuật để nhanh chóng lây lại thị lực, cân bằng thị lực hai mắt tránh biến chứng nhược thị không hồi phục.
- Cườm nước nếu đã tổn thương thị thần kinh thì thị lực không thể được phục hồi do thần kinh không được mạch máu nuổi dưỡng sẽ chết. Chính vì vậy, cườm ướt nguy hiểm hơn rất nhiều so với cườm khô. Hơn nữa, cườm nước có một thể bệnh là glocom góc đóng, triệu chứng thường diễn biến một cách kịch phát, cấp tính, đòi hỏi cần phải được cấp cứu hạ nhãn áp ngay, nếu không kịp thì sẽ mất thị lực hoàn toàn.
Một số biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh
Kiểm soát tốt các bệnh lý toàn thân như:
- Quản lý bệnh đái tháo đường, duy trì đường huyết ở mức độ cho phép.
- Điều chỉnh các rối loạn điện giải.
- Không lạm dụng thuốc corticoid, chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Chăm sóc mắt:
- Nghỉ ngơi.
- Tránh ánh sáng gắt.
- Tránh chấn thương mắt.
Cườm nước và cườm khô được ví như “kẻ cướp thị lực một cách thầm lặng” đặc biệt ở lứa tuổi người già và trẻ nhỏ. Chính vì vậy, vai trò của việc khám mắt định kỳ rất quan trọng.
Theo dõi những thông tin của bài viết này, vivision hi vọng sẽ giúp bạn đọc nắm được bệnh mắt bị cườm khô, cườm ướt.
Lời khuyên
Khám mắt giúp phát hiện sớm những bất thường có thể dự báo khả năng mắc bệnh để chủ động phòng ngừa, ví dụ như: Rạn nứt thể thủy tinh, lệch thể thủy tinh, hẹp góc tiền phòng, thể thủy tinh quá to,...
Khám mắt giúp sàng lọc bệnh đặc biệt với đối tượng có tiền sử gia đình đã từng phát hiện bệnh cườm mắt bẩm sinh.
So với cườm nước, cườm khô có thể coi là nhẹ hơn do có thể điều trị hiệu quả bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, yếu tố quyết định đến mức độ nặng của bệnh và có ảnh hưởng đến thị lực hay không phụ thuộc vào bệnh có được phát hiện và điều trị sớm hay không.
Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, và khúc xạ mắt trẻ em.
Uy tín: Bác sĩ Thiện được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Gắn thẻ: