Điều trị viêm giác mạc do vi khuẩn như thế nào?

Bài viết được thẩm định bởi Bác sĩ Đỗ Thị Thuý Hằng

vào ngày 30/07/2024

Viêm giác mạc do vi khuẩn là một tình trạng nhiễm trùng mắt nghiêm trọng, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng nguy hiểm. Hiểu rõ về cách điều trị viêm giác mạc do vi khuẩn sẽ giúp bạn biết cách bảo vệ đôi mắt sáng khỏe. 

Viêm giác mạc do vi khuẩn

Viêm giác mạc do vi khuẩn là tình trạng nhiễm trùng ở giác mạc, phần trong suốt phía trước mắt, do vi khuẩn gây ra. Tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Các loại vi khuẩn thường gặp: Vi khuẩn tụ cầu Staphylococcus aureus; trực khuẩn mủ xanh Pseudomonas aeruginosa; phế cầu khuẩn Streptococcus pneumoniae và vi khuẩn Haemophilus influenzae.

Viêm giác mạc do vi khuẩn

Viêm giác mạc do vi khuẩn

Đặc điểm viêm giác mạc do vi khuẩn

Các triệu chứng: Đau mắt, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, giảm thị lực, chảy nước mắt và tiết mủ. Đặc biệt: Tiết tố nhầy- mủ

Phân biệt viêm giác mạc do vi khuẩn với viêm giác mạc do virus bằng sự xuất hiện của mủ như sau: 

  • Viêm giác mạc do vi khuẩn: Viêm giác mạc do vi khuẩn thường kèm theo sự xuất hiện của mủ, gèn, rỉ mắt nhiều. Mủ là dấu hiệu của một phản ứng viêm nhiễm nặng, do vi khuẩn sinh ra, thường là màu vàng hoặc xanh, và có thể gây ra sự dính bết mi mắt.
  • Viêm giác mạc do virus: Viêm giác mạc do virus thường không có mủ mà chỉ có sự tiết nước mắt nhiều. Viêm do virus như herpes simplex có thể gây ra hình thái cành cây, hình địa đồ hay không đặc trưng trên giác mạc, nhưng ít có gèn, rỉ mắt  giống như viêm giác mạc do vi khuẩn.

Các tổn thương nặng ở giác mạc kèm theo phù mi nặng, đỏ kết mạc và rìa giác mạc: Tình trạng phù nề và đỏ mắt nghiêm trọng.

Có thể tạo phản ứng tiền phòng, tăng nhãn áp cấp: Phản ứng viêm có thể lan vào tiền phòng mắt, gây nghẽn góc và tăng nhãn áp cấp tính.

Nguy cơ viêm giác mạc do vi khuẩn từ đâu?

  • Sử dụng kính áp tròng không đúng cách: Đeo kính áp tròng quá lâu, không vệ sinh kính đúng cách hoặc không thay kính theo định kỳ đều là những nguyên nhân hàng đầu gây viêm giác mạc do vi khuẩn
  • Chấn thương mắt: Từ những vết xước nhỏ do dụi mắt mạnh hoặc do các vật thể nhỏ cho đến các vết cắt sâu trên giác mạc, đều có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.
  • Hệ miễn dịch suy giảm: Những người có hệ miễn dịch suy giảm do bệnh lý như tiểu đường, HIV/AIDS, hoặc do sử dụng thuốc ức chế miễn dịch có nguy cơ cao hơn bị viêm giác mạc do vi khuẩn.
  • Tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Tiếp xúc với nước không sạch khi bơi lội hoặc sử dụng nước máy không được xử lý đúng cách để rửa kính áp tròng có thể là nguyên nhân gây viêm giác mạc do vi khuẩn.
  •  Sử dụng mỹ phẩm không an toàn: Dùng chung mỹ phẩm hoặc không vệ sinh đúng cách, chẳng hạn như mascara, bút kẻ mắt, cũng có thể dẫn đến viêm giác mạc.
  • Các bệnh lý mắt trước đó: Những người đã từng bị các bệnh lý mắt như viêm kết mạc hoặc các bệnh mắt khác có nguy cơ cao hơn bị viêm giác mạc do vi khuẩn. Các thủ thuật hoặc phẫu thuật mắt không an toàn cũng có thể là nguyên nhân gây viêm giác mạc.

Phân biệt viêm giác mạc do vi khuẩn với các bệnh khác

Viêm giác mạc là một tình trạng viêm nhiễm giác mạc có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm vi khuẩn, nấm, Acanthamoeba, herpes simplex virus (HSV), và các yếu tố không nhiễm trùng khác. Dưới đây là các cách phân biệt viêm giác mạc do vi khuẩn với các loại viêm giác mạc khác:

Viêm giác mạc do nấm

  • Triệu chứng: Đau mắt, đỏ mắt, giảm thị lực, nhạy cảm với ánh sáng, và chảy nước mắt. Không thường xuyên có mủ, nhưng có thể có tiết dịch nhầy.
  • Nguyên nhân: Thường do nấm Fusarium, Aspergillus, hoặc Candida.
  • Đặc điểm: Tổn thương thường không có ranh giới rõ rệt, màu trắng đục hoặc xám, và có thể có hình thái các cụm nhỏ Tiến triển chậm hơn so với viêm giác mạc do vi khuẩn.

Viêm giác mạc do Acanthamoeba

  • Triệu chứng: Đau mắt rất nghiêm trọng, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, giảm thị lực, và chảy nước mắt. Có thể không có mủ.
  • Nguyên nhân: Do ký sinh trùng Acanthamoeba (Amip) thường gặp ở người sử dụng kính áp tròng.
  • Đặc điểm: Tổn thương dạng vòng (ring infiltrates), có thể gây đau nhức nhiều và khó chữa trị.

Viêm giác mạc do herpes simplex (HSV)

  • Triệu chứng: Đau mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng, giảm thị lực, và cảm giác có dị vật trong mắt.
  • Nguyên nhân: Do virus herpes simplex type 1 (HSV-1).
  • Đặc điểm: Tổn thương dạng cành cây hoặc hình địa đồ (dendritic ulcers), thường thấy trên giác mạc. Không có mủ, nhưng có thể có tiết dịch nhầy.

Viêm giác mạc vùng rìa

  • Triệu chứng: Đau nhẹ, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, và chảy nước mắt.
  • Nguyên nhân: Thường liên quan đến các bệnh tự miễn hoặc viêm nhiễm khác.
  • Đặc điểm: Tổn thương thường ở vùng rìa giác mạc, có thể có các đốm trắng hoặc xám.

Thâm nhiễm viêm vô trùng

  • Triệu chứng: Đau nhẹ, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, và chảy nước mắt.
  • Nguyên nhân: Thường do phản ứng miễn dịch, không liên quan đến nhiễm trùng.
  • Đặc điểm: Tổn thương không có mủ, thường là các đốm nhỏ hoặc vùng mờ trên giác mạc. Thường xảy ra ở người thường xuyên đeo kính áp tròng.

Lưu ý: Viêm giác mạc do vi khuẩn thường có mủ, trong khi viêm giác mạc do virus, nấm, Acanthamoeba và các nguyên nhân không nhiễm trùng khác thường không có mủ. Tuy nhiên nhiều trường hợp mủ có thể gặp ở hầu hết các loại khi có bội nhiễm, như nấm bội nhiễm vk, virus bội nhiễm vk…

Vi khuẩn gây viêm giác mạc

Vi khuẩn gây viêm giác mạc

Để chẩn đoán bệnh, trẻ sẽ được khám gì?

  • Hỏi bệnh sử: Điều này bao gồm thông tin về các triệu chứng, tiền sử bệnh mắt, sử dụng kính áp tròng và các yếu tố nguy cơ khác.
  • Khám mắt: Kiểm tra thị lực, phản xạ ánh sáng, và tìm kiếm dấu hiệu viêm nhiễm bằng kính hiển vi.
  • Xét nghiệm, nuôi cấy: Lấy mẫu từ giác mạc để nuôi cấy và xác định vi khuẩn gây bệnh. Sau đó chuẩn đoán để xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị chính xác dựa trên kết quả xét nghiệm.

Điều trị viêm giác mạc do vi khuẩn

Điều trị viêm giác mạc do vi khuẩn cần phải được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả để ngăn ngừa tổn thương nghiêm trọng và bảo vệ thị lực. Dưới đây là các bước điều trị viêm giác mạc do vi khuẩn:

  • Điều trị ngay: Sử dụng kháng sinh nhỏ mắt, thường là kháng sinh phổ rộng như fluoroquinolones (moxifloxacin, ciprofloxacin) để kiểm soát vi khuẩn. Đối với các trường hợp nặng, sử dụng kháng sinh mỗi giờ trong 24-48 giờ đầu tiên. 
  • Điều trị hỗ trợ: Sử dụng các loại thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau và giảm viêm. Sử dụng dung dịch nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo để làm sạch mắt và duy trì độ ẩm.
  • Theo dõi và đánh giá: Kiểm tra phản ứng tiền phòng và nhãn áp, triệu chứng đau tăng hay giảm để phát hiện sớm các biến chứng và làm thêm các xét nghiệm bổ sung. 

Nếu viêm giác mạc do vi khuẩn lan rộng hoặc không đáp ứng với điều trị tại chỗ, có thể cần phải sử dụng kháng sinh đường toàn thân.

Gọi ngay hotline 0334.141.213 để được tư vấn và hướng dẫn kịp thời khi có dấu hiệu bất thường nhé!

Lời khuyên

Viêm giác mạc do vi khuẩn là 1 cấp cứu mắt, cần chuyển đến bệnh viện mắt uy tín ngay khi phát hiện các đặc điểm của bệnh này trên mắt. Việc điều trị sớm sẽ bảo vệ được thị lực tốt hơn.

vivisionkid
Thạc sĩ Đỗ Thị Thuý Hằng
Bác sĩ Đỗ Thị Thuý Hằng
Thạc sĩ - Bác sĩ Nhãn khoa
Xem thêm

Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Bác sĩ Nhãn khoa

Uy tín: Bác sĩ Hằng luôn chiếm được tình cảm của các bạn nhỏ bởi sự hài hước và gần gũi. Bác mong muốn các con được sử dụng những phương pháp điều trị và chăm sóc mắt tốt, hiện đại và phù hợp nhất, bác sĩ cũng luôn cập nhật và đóng góp các ý kiến liên quan tới chuyên môn, máy móc, kỹ thuật đảm bảo cho mắt của trẻ được thăm khám và cho ra kết quả tốt nhất.

Gắn thẻ:

viêm giác mạc do vi khuẩn