Khi nào nên thông tắc tuyến lệ cho trẻ em?
Thông tắc tuyến lệ thường được thực hiện trong các trường hợp lệ đạo của trẻ bị bít tắc không thể tự thông. Thao tác này đa phần rất an toàn và không ảnh hưởng đến sức khỏe mắt. Vậy thời điểm nào trẻ cần thông tắc tuyến lệ, hãy cùng FSEC tìm hiểu nhé.
Thông tắc tuyến lệ là gì?
Thông tắc tuyến lệ: là một kỹ thuật được sử dụng để thông mở vị trí tắc nghẽn. Thủ thuật này chỉ được được hiện bởi các bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa mắt.
Có 3 phương pháp thông tắc tuyến lệ chính thường được các bác sĩ sử dụng:
Phương pháp thông tắc tuyến lệ bằng que thông kim loại: Được áp dụng trong đa số trường hợp tắc tuyến lệ:
- Bước 1: Nong giãn điểm lệ để tạo đường dẫn vào ống lệ đạo
- Bước 2: Ống dò/que thông kim loại sẽ được luồn qua điểm lệ vào lệ đạo, xuống đến ống lệ mũi để thăm dò vị trí tắc bên trong.
- Bước 3: Bơm rửa lệ đạo bằng nước muối sinh lý để rửa trôi các chất cặn, ứ đọng gây tắc nghẽn ống lệ.
Phương pháp giãn ống bằng ống thông bóng: Được áp dụng trong trường hợp tắc tuyến lệ do viêm hoặc có mô sẹo làm hẹp tuyến lệ. Đối tượng chỉ định thường là trẻ nhỏ hoặc người tắc tuyến lệ một phần. Lưu ý phương pháp này bệnh nhân cần gây mê toàn thân:
- Bước 1: Bác sĩ sẽ sử dụng một dây ống nhỏ có khả năng co giãn ở phần đầu luồn vào lệ đạo xuống đến vị trí tắc.
- Bước 2: Bơm khí để phần bóng ở đầu ống phình ra, nong khu vực hẹp.
- Bước 3: Xả khí để bóng trở lại kích thước ban đầu và rút ống.
Phương pháp phẫu thuật nối thông túi lệ mũi: Phương pháp này giúp tạo đường dẫn nước mắt xuống mũi. Thường được chỉ định cho các đối tượng không đáp ứng với cả 2 phương pháp điều trị trên hoặc đối tượng chống chỉ định ống thông.
Tắc tuyến lệ ở trẻ em là gì?
Cơ chế
Tắc tuyến lệ: là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn phần hệ thống dẫn lưu nước mắt nối từ mắt xuống mũi.
Các nghiên cứu cho thấy có khoảng 50% trẻ em sinh ra đã xuất hiện tắc tuyến lệ, do quá trình hình thành lệ đạo trong bào thai của trẻ chưa hoàn thiện.
Nguyên nhân
Một số bất thường phổ biến ở trẻ gây ra tắc tuyến lệ có thể kể đến như:
- Không có điểm lệ.
- Rò túi lệ.
- Ống dẫn nước mắt quá hẹp.
- Có màng tắc hoặc mô thừa (polyp) trong ống lệ mũi.
- Biến dạng ống xương của ống lệ mũi.
Bên cạnh đó một số yếu tố nguy cơ sayu cũng có thể gây ra tắc tuyến lệ như:
- Bất thường vùng xương hàm mặt thường gặp ở một số bệnh toàn thân như Down.
- Một số khối u vùng hàm mặt gây chèn ép ống dẫn nước mắt.
- Chấn thương mắt.
Dấu hiệu
Trẻ bị tắc tuyến lệ có các biểu hiện bao gồm:
- Trẻ chảy nước mắt nhiều, lúc nào cũng trông như khóc thường kèm theo ra ghèn mắt, hiện tượng này gia tăng khi trời lạnh, nắng hoặc gió,..
- Trẻ dụi mắt nhiều, da quanh mi thường ửng đỏ. Đặc biệt vào buổi sáng, quanh mi trẻ có thể xuất hiện các mảng gỉ xanh hoặc vàng.
- Mắt luôn ngấn nước, đọng nước mắt ở khe mi như khóc.
- Viêm kết mạc (đỏ mắt) tái đi tái lại nhiều lần.
Tắc tuyến lệ để lâu có nguy hiểm không?
Tắc tuyến lệ là bệnh thường gặp tuy nhiên nếu chủ quan không được thăm khám và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến một số biến chứng gây đau thậm chí ảnh hưởng nhiều đến mắt và thị lực của trẻ như:
- Viêm lệ đạo.
- Áp xe (mủ viêm) túi lệ, khi áp xe vỡ còn làm rò túi lệ.
- Viêm giác mạc.
- Viêm mủ nội nhãn.
Ở trẻ sơ sinh, các triệu chứng thường không thể hiện rõ, đặc biệt với những trường hợp tắc một phần, vì vậy khi bệnh phát triển nặng khiến trẻ khó chịu, cha mẹ mới phát hiện và đưa trẻ đi khám. Khi đó việc điều trị tắc tuyến lệ ở trẻ đã trở nên khó khăn hơn.
Khi nào nên thông tắc tuyến lệ cho trẻ em?
Đối tượng mắc tắc tuyến lệ thường là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mắt và cơ thể của trẻ với mọi tác động dù là nhỏ nhất, nên cần rất hạn chế việc can thiệp thủ thuật hay phẫu thuật. Cha mẹ nên ưu tiên việc phòng tránh các tác nhân gây bệnh. Kể cả khi trẻ có dấu hiệu tắc tuyến lệ cha mẹ cũng nên sử dụng các phương pháp như: vệ sinh mắt, massage vùng túi lệ để hỗ trợ quá trình tự khỏi của bé.
Chỉ định bơm rửa và thông tắc lệ đạo
Trong các trường hợp bác sĩ có chỉ định do bệnh tiến triển nặng và không thể tự khỏi, cha mẹ vẫn cần cho bé thông tắc lệ đạo cho bé sớm để tránh biến chứng. Sau đây là một số chỉ định cần thông tắc tuyến lệ:
- Bơm thông tuyến lệ chỉ nên thực hiện với trẻ trên 6 tháng tuổi.
- Phát hiện có mủ nhầy hoặc viêm nhiễm trong túi lệ.
- Chít hẹp điểm lệ.
- Tắc lệ quản ngang.
- Tắc ống lệ mũi.
Chỉ định bơm rửa lệ đạo trong các trường hợp:
- Trước khi thực hiện các phẫu thuật nội nhãn như phẫu thuật thể thủy tinh, glocom.
- Viêm loét giác mạc: Trong trường hợp tắc tuyến lệ do viêm nhiễm khiến tình trạng giác mạc của trẻ tệ hơn hoặc không đáp ứng điều trị, tái phát nhiều lần.
- Trước khi tiến hành thông tắc tuyến lệ.
Chống chỉ định thông lệ đạo
- Trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi: trẻ ở tuổi này không có chỉ định thông lệ đạo ở vì dễ xảy ra biến chứng.
- Áp xe túi lệ.
- Đã từng thông lệ đạo trong thời gian ngắn: 2 lần thông tuyến lệ liên tiếp cần cách nhau ít nhất 2 tuần.
- Sau khi đã thông 3 lần đúng kỹ thuật mà tình trạng tắc tuyến lệ không khỏi: trường hợp này thường do trẻ có bất thường dị dạng ống lệ mũi, thì cần kiểm tra sâu hơn và có thể phải can thiệp phẫu thuật.
Ưu điểm của phương pháp thông tắc lệ đạo
Thông tắc tuyến lệ là phương pháp đơn giản, hiệu quả trong các trường hợp nặng có nguy cơ biến chứng. Tuy nhiên thủ thuật này cần được thực hiện đúng kỹ thuật bởi các bác sĩ và điều dưỡng chuyên khoa mắt và cần được thăm khám chẩn đoán kỹ trước khi chỉ định.
Nhược điểm khi thông tắc lệ đạo
Thông tắc lệ đạo thường xuyên được sử dụng trong các trường hợp bệnh tiến triển nặng, nhưng nếu lạm dụng nhiều, hoặc thông tắc liên tục khi không có chỉ định của bác sĩ có thể khiến cho ống lệ đạo dễ bị tổn thương và khiến tình trạng bệnh nặng hơn.
Các phương pháp xử lý tắc tuyến lệ khác ở trẻ
Phần lớn các trường hợp tắc lệ đạo của trẻ có thể tự khỏi mà không thông tắc, tuy vậy cha mẹ vẫn cần đưa trẻ đi khám để được bác sĩ hướng dẫn một số phương pháp hỗ trợ giảm tắc cho trẻ như:
- Vệ sinh mắt thường xuyên: Cha mẹ có thể vệ sinh mắt cho bé bằng nước muối sinh lý. Ngoài ra có thể dùng bông gòn thấm nước muối lau ghèn mắt cho trẻ, đặc biệt ở vị trí góc mắt và chân lông mi.
- Thuốc tra/nhỏ mắt: Có thể sử dụng thuốc mỡ hoặc thuốc nhỏ kháng sinh để tránh bội nhiễm ở trẻ. Tuy vậy cha mẹ tuyệt đối không được tự ý nhỏ kháng sinh cho trẻ, mà phải có chỉ định của bác sĩ.
- Massage mắt: Cha mẹ massage nhẹ nhàng vùng góc mắt và dọc theo sống mũi của trẻ 5-10 lần/ngày, mỗi lần khoảng 10 phút. Lưu ý, trước khi massage cho trẻ cần cắt ngắn móng tay và vệ sinh tay sạch sẽ. Massage mắt thường có hiệu quả tốt trong các trường hợp tắc tuyến lệ nhẹ.
Theo dõi và xử trí các biến chứng khi thông tắc tuyến lệ
- Chảy máu: Xảy ra do que thông kim loại làm xước niêm mạc lệ đạo hoặc niêm mạc mũi. Thường chảy máu ở các vị trí như mũi hoặc điểm lệ. Khi gặp tình trạng này chỉ cần dùng ngón tay hoặc bông gòn ấn nhẹ, giữ vùng lệ đạo cho đến khi hết chảy máu
- Phù nề: Khi có vết xước và nhiễm trùng sẽ dễ xảy ra phù nề niêm mạc. Trong trường hợp phù nề nhiều có thể băng ép và dùng thuốc chống phù nề theo chỉ định của bác sĩ
- Đôi khi xảy ra tình trạng que thông đi lệch hướng gây đau và tổn thương niêm mạc. Tuy nhiên các ở các cơ sở y tế chuyên khoa mắt uy tín sẽ hiếm gặp trường hợp này.
Lưu ý khi thông tắc tuyến lệ
Một số lưu ý khi thực hiện thông tắc tuyến lệ:
Người thực hiện: Chỉ có người có chuyên môn (bác sĩ, điều dưỡng) được đào tạo chuyên khoa mắt mới được được thực hiện thủ thuật này.
Tư thế thực hiện kĩ thuật:
- Người bệnh nằm ngửa, nếu là trẻ em, cần có người hỗ trợ không chế trẻ.
- Người thực hiện kĩ thuật ngồi ngang bằng với người bệnh nhân, ngồi ở phía đầu để thực hiện kĩ thuật.
Trước khi thực hiện kỹ thuật cần nhỏ thuốc tê.
Lời khuyên
Chắc hẳn với những thông tin trên sẽ là công cụ bổ ích giúp các gia đình có thêm kiến thức, giải đáp được những thắc mắc có nên thông tuyến lệ cho trẻ sơ sinh, yên tâm trong việc loại bỏ tình trạng tắc tuyến lệ và giúp cho các bé được trưởng thành một cách khỏe mạnh hơn. Liên hệ FSEC để đặt lịch khám ngay
Chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa Mắt, Thần kinh với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Mắt, Thần kinh.
Uy tín: Bác sĩ Thanh được đánh giá cao bởi chuyên môn y khoa vững vàng, phong cách làm việc chuyên nghiệp và tận tâm với người bệnh. Nhờ sự chẩn đoán chính xác, tư vấn nhiệt tình và phác đồ điều trị hiệu quả, bác sĩ đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân vượt qua bệnh tật.
Gắn thẻ: